Sáng sớm trên cảng cá

MTXD- Sớm tinh mơ, trên đường phố còn thưa người qua lại nhưng cảng cá Thọ Quang (phường Thọ Quang, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) đã tấp nập, xôn xao tiếng cười nói của những người mưu sinh trên bến cá. Người đưa cá từ tàu, ghe vào bờ; người vận chuyển tôm, cá, mực từ ghe lên; người phân loại hải sản, người cân hàng… làm cho cảng cá luôn sôi động.

MTXD- Sớm tinh mơ, trên đường phố còn thưa người qua lại nhưng cảng cá Thọ Quang (phường Thọ Quang, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) đã tấp nập, xôn xao tiếng cười nói của những người mưu sinh trên bến cá. Người đưa cá từ tàu, ghe vào bờ; người vận chuyển tôm, cá, mực từ ghe lên; người phân loại hải sản, người cân hàng… làm cho cảng cá luôn sôi động.

Những giọt mồ hôi ban sáng

Ngày làm việc mới ở cảng cá Thọ Quang bắt đầu từ 1 giờ sáng. Khi bóng đêm còn bao phủ vạn vật, từng tốp người đã đổ về cảng cá. Dưới ánh đèn vàng hắt ra từ những vựa thu mua hải sản bên cạnh, có thể nhìn rõ vẻ ngái ngủ trên gương mặt nhiều người. Nhưng với họ, việc mưu sinh vẫn là ưu tiên số một. Trên luồng nước, những chiếc ghe, tàu nối đuôi nhau cập cảng mang theo đầy ắp cá tôm. Từng tổ bốc vác hơn chục thanh niên kéo xe đẩy ùa ra sát mép nước nhận cá từ ghe rồi vội vàng kéo lên bờ. Những phụ nữ cũng tất tả quang gánh, đi như chạy cạnh bên. Dường như, ai cũng sợ chỉ cần chậm chân một chút, thu nhập của một ngày làm việc sẽ giảm.

Trời cuối năm rất lạnh, nhưng công việc vất vả khiến nhiều người vẫn đổ mồ hôi.

Mới gần 2 giờ sáng, cảng cá Thọ Quang đã nhộn nhịp hẳn lên. Tàu cá vẫn ra vào tấp nập. Hàng tấn cá tươi rói lần lượt được bốc từ trong khoang các con tàu xuống bán cho vựa cá. Mùa này là mùa đông, cá chưa nhiều và cũng không phải mùa vụ chính (tháng 6-7-8 âm lịch mới vào chính mùa cá) nhưng nhiều tàu đánh bắt khơi xa vẫn cập bến để bán cá. Cá cập cảng mùa này chủ yếu là cá nục, cá thu, cá bạc má, cá chao cháo, mực ống, mực nang. Đôi khi được một vài loại cá đặc biết khác.

                                                   Bên trong cảng cá, những vựa hải sản nhộn nhịp nhập hàng.

Anh Nguyễn Xí, thuyền trưởng một tàu cá ở Thọ Quang cho biết, do tàu của anh có công suất nhỏ nên anh và các bạn chài chỉ đánh bắt chừng một vài ngày là vào bờ. Nếu gặp tàu tiếp dầu trên biển có thể bán cá luôn rồi đánh bắt tiếp. Nhưng đợt này bão số 9 nên tàu anh cập bến để nghỉ xả hơi vài ngày.

Trên cảng cá đêm về sáng, những chiếc xe chở cá từ thuyền đánh cá vào các vựa hải sản bên trong luôn tấp nập.

Theo anh Nguyễn Thanh, chủ một tàu cá cho biết, thì dù sản lượng năm nay có giảm so với những năm trước, nhưng số lượng tàu thuyền ra khơi vẫn đều. Mặt khác, bà con biết tiết kiệm chi phí và đánh bắt hiệu quả hơn. Ông Lê Văn Năm, chủ tàu cá QN - 99889 kể, gia đình ông có đến hai tàu cá với gần 50 lao động biển thường xuyên. “Dù thế nào chăng nữa cũng phải bám biển đến cùng, vì nghề đánh bắt là truyền thống của cha ông để lại. Hơn nữa phải tạo được công ăn việc làm cho bạn chài để họ có cái nuôi sống gia đình họ, nhờ đó giữ được nghề, có miếng cơm cùng nhau chứ!”, ông Năm nói.

Cá được bốc xếp vào những xe đông lạnh để vận chuyển đi xa.

Ngồi trên cảng cá, anh Phan Văn Hoàng (37 tuổi, phường Thọ Quang) có thâm niên 10 năm gắn bó với cảng cá này. Đã thành lệ, cứ 1 giờ sáng mỗi ngày anh đều có mặt ở cảng cá. Châm điếu thuốc giữa những phút thảnh thơi sau khi ghe cập bến, anh cho biết: “Trước đây tôi cũng có ghe, đi đánh bắt ngoài biển. Thời gian ở biển nhiều hơn ở đất liền, chẳng có thời gian nghỉ ngơi hay ở nhà với gia đình nên cách đây vài năm, sau một trận ốm nặng tôi đành chuyển sang chèo đò chở khách và hàng ra vào tàu, cộng với việc sáng sáng ra cảng làm phu khuân vác kiềm thêm tiền nuôi gia đình. Công việc phụ thuộc theo ghe cá, ngày ít thì 4-5 chuyến, ngày nhiều có khi vận chuyển 15-20 chuyến, cũng không quá vất vả, thu nhập cũng tạm ổn, lại có thời gian ở nhà với vợ và 4 đứa con đang tuổi ăn học của mình. Có tiền để mua sắm ghe, tàu còn đỡ cực, chứ ở đây, vất vả nhất là đội bốc xếp”.

Nhìn theo tay anh Hoàng chỉ, chúng tôi thấy hơn chục lao động đang ngồi nghỉ tay sau khi vận chuyển hết 120 giỏ cá từ ghe lên bờ. Buổi sáng sớm, khi mặt trời chưa kịp ló dạng, thời tiết còn khá mát mẻ nhưng lưng áo các anh đẫm ướt mồ hôi. Anh Nguyễn Đức Lân (43 tuổi, Duy Hải, Duy Xuyên, Quảng Nam) đã 8 năm làm việc trong đội bốc xếp. Anh bảo tùy theo sức khỏe, lao động sẽ chọn cho mình công việc phù hợp để mưu sinh. Trước đây anh theo ghe đi đánh bắt, nhưng bị say sóng nên làm việc không hiệu quả, vì thế anh quyết định làm việc trên bờ: “Tổ khiêng cá của chúng tôi có 8 người, làm việc từ 0 giờ sáng. Ngày nào xong sớm thì khoảng 6 giờ sáng được về nhà. Nhưng cũng có khi ghe vào nhiều, anh em phải làm việc tới 8h sáng. Công việc nặng nhọc, tay người nào cũng có những cục chai lớn. Nhưng nhiều khi biển cũng chẳng chiều lòng người, có khi mấy ngày liền sóng to gió cả, thuyền ghe không vào ra bến đỗ là cũng theo đó mà những người đi làm thuê như chúng tôi phải chịu cảnh thiếu ăn. Nhưng nghề nào cũng có những vất vả riêng, với tôi và những người lao động khác, mức thu nhập bình quân khoảng 7-8 triệu đồng/tháng đủ để tôi tằn tiện sống, dành dụm phần nào cho gia đình. Vì thế, chúng tôi sẽ gắn bó lâu dài với cảng cá, với biển. Với chúng tôi, cảng là nhà!”.

Anh Lân cho biết thêm, cảng cá Thọ Quang đã giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 400 lao động/ngày. Đa phần họ là người dân không đất đai, không nghề nghiệp, không vốn liếng nên phải bám cảng mưu sinh bằng đủ loại công việc: khuân vác, rửa cá, phân loại, bán thức ăn, nước giải khát cho lao động, tải nước, chở xăng dầu, mót cá… Trời càng về sáng, không khí làm việc trên bến càng khẩn trương. Hàng trăm con người vây quanh từng đống cá đủ loại, nhanh tay phân loại cá, cân ký, cắt đầu, bốc lên xe… Ở góc khác, vài thanh niên hì hục chuyển đá, nước, bơm dầu vào những can nhựa loại 40-50 lít… chuẩn bị chuyến biển mới. Tiếng nói cười râm ran cả một vùng mặt nước rộng.

Những dáng tóc dài mưu sinh

Nếu như những việc nặng như: gánh cá, chèo đò, khuân vác đòi hỏi sức khỏe của nam giới, thì công việc nhỏ, đòi hỏi sự tỉ mỉ như phân loại tôm, ghẹ, cá thường dành cho chị em phụ nữ.

Vừa thoăn thoắt phân loại những con cá mối, cá phèn, cá đỏng, cá mắt kiếng... chị Nguyễn Thị Nhuột (39 tuổi, phường Thọ Quang) vừa cắt việc cho những đồng nghiệp. Những giỏ cá đầy ắp sau khi phân loại sẽ được đưa đến nơi tập kết để đưa đi sơ chế. Chị cho biết trước đây gia đình đi hút cát trên sông Hàn này, nhưng từ khi có lệnh cấm khai thác để đảm bảo dòng chảy cho sông thì chị cũng mang ủng, mang bao tay cùng những phụ nữ khác phân loại cá, tôm. Chị kể: “Bình quân mỗi tháng làm 20 ngày, có tháng ghe tàu vào nhiều thì làm nhiều hơn, có tháng ít hơn. Tùy theo lượng cá, ngày nào nhanh thì vài tiếng là xong, ngày có cá về nhiều chị em phải phân loại tới khuya mới xong. Thu nhập của chị em ở đây khoảng 3 triệu đồng/người/tháng bao ăn. Thế cũng đỡ cực hơn làm ruộng nhiều!”.

Một điều dễ nhận thấy là lao động làm công việc phân loại hải sản đều là phụ nữ. Hàng chục chị luôn kín mít trong bộ đồ “bảo hộ” như khẩu trang, ủng, bao tay cao su cặm cụi làm việc. Thỉnh thoảng các chị lại đùa giỡn với nhau hoặc góp vui bằng vài câu chuyện tếu hay những câu chuyện về cuộc sống gia đình.

Không làm công việc phân loại hải sản nhưng chị Lê Thị Hương và chồng đã có hơn 10 năm mưu sinh ở cảng Thọ Quang. Mỗi khi ghe vào, dù là sáng sớm tinh mơ hay tối mịt, vợ chồng chị cũng tranh thủ mua lẻ khoảng 20-30 giỏ cá, tôm, ghẹ, sau đó phân loại và bán kiếm lời. Ít vốn, chị mở quán cà phê “cóc” nhỏ ngay tại cảng, phục vụ cà phê, nước uống cho lao động tại cảng. Cả ngày, gia đình chị cũng “bám” cảng 14 - 15 tiếng, kiếm tiền nuôi 3 đứa con ăn học. Chị nói: “Thời gian tôi ở cảng cá nhiều hơn ở nhà. Nhưng tôi và những lao động khác đều vì mưu sinh mà ở đây. Nếu chịu khó, chăm chỉ, chúng tôi có thể lo được cho các con mình một cuộc sống tốt hơn, thế là đủ rồi. Hy vọng vào những đứa con sau này bớt cực khổ thôi!”.

Mỗi con người trên cảng cá này là một hoàn cảnh, nhưng đều có chung một ước mơ ấp ủ mong sao “trời yên biển lặng” để gom đủ tiền lo cuộc sống cho gia đình. Vậy mà, không phải ai cũng có được khi cảng cá là nơi bám trụ sinh nhai, dễ sống nhưng sống được không dễ dàng gì.

Chúng tôi rời cảng Thọ Quang khi nắng đã vượt quá đỉnh đầu. Trong không gian đặc quánh mùi oi nồng của cảng cá và cái nóng hầm hập bốc lên từ bãi, hàng trăm người vẫn cần mẫn mưu sinh. Thi thoảng, họ dừng tay, túm tụm chuyện trò, cười đùa rồi lại nhanh chóng vào vị trí công việc mỗi khi có một chiếc thuyền mới cập bến. Công việc của họ dường như là một vòng quay bất tận. Cuộc sống trên cảng cá cứ bình lặng trôi đi hằng ngày như thế…

                                                                                                                                                  TIÊU DAO – THANH BÌNH

   

 

 

 

 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.