Sử dụng nguồn nước an toàn cho sản xuất nước sinh hoạt tại một số đô thị ở Việt Nam
MTXD - Nước là thành phần môi trường thiết yếu cho cuộc sống sinh hoạt bình thường của người dân, đồng thời là một trong những đầu vào sản xuất quan trọng của các ngành kinh tế (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ). Mặt khác khi nước đã qua sử dụng nếu thải ra môi trường không được xử lý thì đó lại là chất thải. Việc sử dụng nước chưa hiệu quả, tình trạng nguồn nước đang bị ô nhiễm đã ảnh hưởng rất lớn đến việc cung cấp nước thô đầu vào cho các nhà máy xử lý nước tại các đô thị. Bài viết khái quát về nguồn nước, thực trạng sử dụng nguồn nước cho hoạt động của các nhà máy nước tại một số đô thị từ đó đề xuất một số giải pháp bảo vệ nguồn nước nhằm góp phần bảo đảm an toàn trong việc cung cấp nước sạch cho người dân.
Từ khoá: Nước thô; ô nhiễm nguồn nước; kế hoạch cấp nước an toàn; cấp nước an toàn.
1-Nguồn nước và khái quát về chất lượng nguồn nước ở Việt Nam
Việt Nam có hệ thống sông ngòi dày đặc, có nguồn tài nguyên nước mặt tương đối dồi dào, nhưng vì là quốc gia nằm về phía cuối của các con sông lớn, chảy qua địa phận nhiều nước nên Việt Nam có yếu tố bất lợi là lượng nước mặt phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước ngoại sinh.
Việt Nam có 3.450 sông, suối, chiều dài từ 10km trở lên nằm trong 108 lưu vực với 331.000 km2 lưu vực nằm trong lãnh thổ nước ta (chiếm 28,3% tổng diện tích của 108 lưu vực).Cả nước có hơn 7.160 hồ chứa thủy lợi, với tổng dung tích ước tính khoảng 70 tỷ mét khối. Nguồn nước ngầm có trữ lượng khoảng 189,3 triệu mét khối/ngày đêm. Lượng mưa trung bình năm của Việt Nam khoảng 1.940 - 1.960mm (tương đương 640 tỷ mét khối/năm), nằm trong số quốc gia có lượng mưa lớn trên thế giới.
Tài nguyên nước ở nước ta phân bố không đều theo cả không gian và thời gian. Trong khoảng từ 7 đến 9 tháng mùa khô, dòng chảy trên các hệ thống sông bị suy giảm với tổng lượng nước cả mùa chỉ bằng khoảng 20 - 30% lượng nước cả năm. Phần lãnh thổ từ phía Bắc đến TP.HCM chiếm 80% dân số, 90% hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng chỉ có gần 40% lượng nước của cả nước. 60% lượng nước còn lại tập trung ở vùng ĐBSCL [2].
Nguồn nước và khái quát về chất lượng nguồn sử dụng cho mục đích sinh hoạt cho người dân bao gồm:
1. Nguồn nước mặt:
Nguồn nước mặt ở nước ta phân bố khá phong phú và đa dạng cả về chất lượng lẫn trữ lượng. Nước mặt thường được phân bố qua (1) hệ thống các sông nội tỉnh, liên tỉnh hoặc có thể phân bổ từ các con sông bắt nguồn từ quốc gia khác; (2) nước mặt còn phân bố tại các hồ, đập chứa nước; (3) các công trình thủy lợi và (4) tồn tại ở các khe suối. Phần lớn nguồn nước mặt này là nguồn nước thô được khai thác, sử dụng cho các nhà máy/trạm xử lý nước phục vụ cho cấp nước sinh hoạt của người dân. Đặc điểm của từng loại nguồn nước mặt như sau:
1.1. Nguồn nước mặt từ các sông nội tỉnh, liên tỉnh hoặc bắt nguồn từ quốc gia khác:
Trữ lượng nước thô tại các con sông ở Việt Nam rất phong phú và dồi dào. Tuy nhiên, chất lượng nước tại các con sông hiện nay đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đặc biệt tình trạng ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt chưa được xử lý xả trực tiếp ra môi trường. Ngoài ra, nguồn nước mặt cũng chịu tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng, trữ lượng nước theo mùa trong năm.
1.2. Nguồn nước mặt từ các công trình thủy lợi:
Hiện nay, các công trình thủy lợi được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Trong đó bao gồm cả khai thác sử dụng nước cho các nhà máy, công trình xử lý nước sạch. Tuy nhiên, nguồn nước từ các công trình thủy lợi hiện nay đang đứng trước tình trạng ô nhiễm do các hoạt động sản xuất nông nghiệp và những nguồn thải từ các khu vực dân cư không được kiểm soát đã xả trực tiếp vào hệ thống công trình thủy lợi.
1.3. Nguồn nước mặt từ các hồ, đập chứa nước:
Việc khai thác sử dụng nguồn nước từ các hồ, đập chứa nước hiện nay đang là phương án hiệu quả nhằm đảm bảo an toàn cấp nước, giảm thiểu, tránh các tác động, rủi ro trong quá trình khai thác sử dụng. Tuy nhiên, việc tích nước của các hồ hiện nay là hạn chế và luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Một số rủi ro mất an toàn đập, hồ chứa nước hiện nay đang gia tăng do đập, hồ chứa nước xuống cấp, chưa được sửa chữa, nâng cấp, mưa lũ diễn biến cực đoan dưới tác động của biến đổi khí hậu, sự suy giảm rừng đầu nguồn, thảm phủ thực vật trên lưu vực hồ chứa và bao gồm cả quy trình vận hành hồ chứa.
1.4. Nguồn nước mặt từ khe suối tự nhiên:
Nguồn nước mặt từ các khe suối thường có lưu lượng dòng chảy nhỏ, không ổn định, bị tác động rõ rệt bởi các yếu tố lũ quét, mưa bão và nạn phá rừng... Đặc biệt, chất lượng nước luôn biến động giữa ngày mưa và ngày nắng. Nước đầu nguồn có thành phần hóa học thay đổi theo mùa, đặc biệt là hàm lượng tổng chất rắn lơ lửng và các chất hữu cơ, nước thải sinh hoạt.
2. Nguồn nước dưới đất:
Nguồn nước dưới đất hay thườnggọi là nước ngầm. Hiện nay nước ngầm đang ở trong tình trạngsuy thoái, cạn kiệt nguồn nước, nguyên nhân hàng đầu là do khaithác quá mức gây ra tình trạng hạ thấp mực nước; nguồn bổ cậpcho nước dưới đất bị suy giảm do bề mặt bị đô thị hóa; diện tích rừng đầu nguồn bị suy giảm; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, lượng mưa giảm; Ngoài ra, nguồn nước ngầm hiện nay đang bị ô nhiễm do chỉ số kim loại nặng và chất hữu cơ, hợp chất nitơ trong nước ngầm nhiều khu vực vượt ngưỡng cho phép. Bên cạnh đó, nước rỉ rác thải, nước thải ra mặt đất, ngấm vào đất và xâm nhập vào nước ngầm cũng như tình trạng xâm nhập mặn tại các tỉnh ven biển đang diễn ra trầm trọng, khó lường.
II. Thực trạng về sử dụng nguồn nước và nguy cơ từ nguồn cho sản xuất nước sạch phục vụ mục đích sinh hoạt tại một số thành phố ở Việt Nam hiện nay:
1. Tại một số thành phố loại 2 của tỉnh Quảng Ninh:
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện nay có 3 đô thị loại 2: Uông Bí, Cẩm Phả và Móng Cái. Nguồn nước thô cung cấp cho các nhà máy nước chủ yếu từ các hồ chứa nước cụ thể như sau:
- Nhà máy nước Đồng Mây CS 30.000m3/ngđ cung cấp nước cho TP Uông Bí sử dụng nguồn nước từ hồ Yên Lập với dung tích hồ 127,5 triệu m3
- Nhà máy nước Diễm Vọng CS 35.000m3/ngđ cung cấp nước cho TPCẩm Phả sử dụng nguồn nước từ hồ Cao Vân.
Hình 1. Nhà máy nước Diễm Vọng -Quảng Ninh
Hình 2. Điểm lấy nước tại hồ Cao Vân
- Các Nhà máy nước: Kim Tinh (CS 6000m3/ngđ) sử dụng nguồn nước thô từ hồ Tràng Vinh; Đoan Tĩnh (CS 5400m3/ngđ) và Hải Xuân (CS 3000m3/ngđ) sử dụng nguồn nước thô từ hồ Đoan Tĩnh và Vạn Gia (CS 500m3/ngđ) nguồn nước thô từ hồ Vạn Gia làm nhiệm vụ cung cấp nước sạch cho TP Móng Cái.
Trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hoá của tỉnh Quảng Ninh rất cao; quy hoạch và xây dựng nhiều khu đô thị mới gắn liền với phát triển thương mại, công nghiệp, dịch vụ và du lịch đặc biệt tại Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái kéo theo nguy cơ xuống cấp về môi trường, ô nhiễm nguồn nước từ hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt; rừng đầu nguồn bị tàn phá, chất lượng rừng bị suy giảm; các hiện tượng xói lở, trôi đất... suy kiệt nguồn nước; biến đổi khí hậu: Nắng nóng, lượng mưa thấp dẫn
đến các hồ nước ở Yên Lập, Cao Vân ... suy giảm mạnh. Những tác động trên có thể sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc cấp nước sinh hoạt đặc biệt cho các đô thị lớn trên địa bàn.[4]
2. Thành phố Hải Phòng
Nguồn nước thô chủ yếu cung cấp cho các nhà máy cấp nước Hải Phòng từ các sông và kênh thuỷ lợi bao gồm: Sông Rế cung cấp nguồn nước thô cho nhà máy nước An Dương (CS:200.000m3/ngđ) và nhà máy nước Vật Cách (CS: 20.000m3/ngđ); Sông Đa Độ cho nhà máy cấp nước Cầu Nguyệt (CS: 40.000m3/ngđ) và An Dương; Sông Giá cung cấp cho nhà máy nước Minh Đức và Ngũ Lão; Kênh thuỷ lợi Chanh Dương, Ba Đồng và Bạch Đà cung cấp nguồn nước thô cho nhà máy số 1 và số 2 thuộc huyện Vĩnh Bảo…. Mặc dù các nguồn nước thô có trữ lượng dồi dào và chất lượng cơ bản đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn hiện hành, tuy nhiên hiện nay với hiện trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng, một số chỉ tiêu về ô nhiễm cũng đang vượt giới hạn quy định có thể sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước mặt dùng làm nguồn cấp nước phục vụ sinh hoạt.
Theo các kết quả phân tích trong thời gian gần đây, có một vài nguồn nước đang bị ô nhiễm, một số chỉ tiêu tăng cao như độ Oxy hóa, Hữu cơ, Amoni, Nitrit, Mangan, Sắt toàn phần và Coliform, đồng thời dưới tác động của biến đổi khí hậu, tại một số thời điểm không đủ nguồn nước bổ cập đã bị xâm nhập mặn hoặc gia tăng tình trạng ô nhiễm từ chất thải và nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nông nghiệp và một số nơi còn ô nhiễm do nước rỉ rác, nước thải nghĩa trang, hoặc do một số hoạt động lấn chiếm dòng chảy, xây dựng trái phép,... làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng nguồn nước thô hiện nay [4].
3. Thành phố Phủ Lý - tỉnh Hà Nam
Nguồn nước thô cung cấp cho các nhà máy cấp nước trên địa bàn chủ yếu là nước mặt từ 2 con sông chính:
- Sông Đáy là một nhánh của sông Hồng, trên địa phận tỉnh Hà Nam, sông Đáy có chiều dài 47 km chảy qua huyện Thanh Liêm, TP Phủ Lý và huyện Kim Bảng đổ ra biển Đông tại cửa Đáy. Trong lưu vực sông Đáy còn có nhiều sông khác như sông Tích, sông Nhuệ, sông Bùi, sông Bôi, sông Hoàng Long, sông Lạng. Dòng chảy sông Đáy chịu ảnh hưởng rõ nét của chế độ mưa, lượng mước tháng 6 đến tháng 10 (mùa lũ) chiếm khoảng 80% lượng nước cả năm, riêng tháng 9 chiếm khoảng 20%. Mỗi năm trên lưu vực sông Đáy có tới 4 - 5 trận lũ. Lũ và mưa lớn gây hiện tượng chảy tràn làm đục nước và gây ô nhiễm chất hữu cơ và đặc biệt là ô nhiễm vi khuẩn.
Vì Sông Đáy có phụ lưu là sông Nhuệ và sông Đáy thường xuyên phải đón nhận các đợt xả thải từ sông Nhuệ, nồng độ các chất ô nhiễm như Amoni, COD, BOD5… tăng cao, qua số liệu quan trắc định kỳ hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy chất lượng nước sông Đáy qua tỉnh Hà Nam đang ở mức ô nhiễm. Trong một số đợt ô nhiễm nặng trên sông Nhuệ ảnh hưởng tới chất lượng nước sông Đáy, Nhà máy nước Phủ Lý I và II có những năm cũng đã phải dừng hoạt động trong một thời gian nhất định, rủi ro về chất lượng nước nguồn ở hai nhà máy này được đánh giá là ở mức cao. Đây là những thách thức lớn đối với việc đảm bảo chất lượng nước sạch cung cấp an toàn cho người dân.
Hình 3. Ô nhiễm trên sông Đáy
- Sông Châu Giang: Trên sông Châu Giang được cắt ngang bằng 3 đập: Đập Quang Trung, đập Vĩnh Trụ, đập Phúc, vì vậy khả năng lưu thông của nước sông rất kém và dễ bị ô nhiễm. Về chất lượng nước không đồng đều vào từng thời điểm trong năm, do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chế độ dòng chảy sông Hồng và sông Nhuệ. Sông Châu thường xuyên đón nhận các đợt ô nhiễm bởi các khu công nghiệp phía thượng lưu. Mặt khác nguồn nước mặt của sông Châu Giang có tải lượng hữu cơ thấp nhưng độ đục khá cao trong mùa mưa dễ có khả năng bị ô nhiễm bởi các chất thải hữu cơ từ nguồn thải sinh hoạt, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Nhìn chung nồng độ ô nhiễm trên con sông không đạt quy chuẩn để cấp nước sinh hoạt [4,7]
4. Thành phố Vĩnh Yên - tỉnh Vĩnh Phúc
Hiện nay, TP Vĩnh Yên việc cung cấp nước sạch cho người chủ yếu do Nhà máy nước Vĩnh Yên với CS 17.000m3/ngđ (thuộc Công ty CP cấp, thoát nước số 1 Vĩnh Phúc) nguồn nước thô được sử dụng là nguồn nước dưới đất (nước ngầm) với 21 giếng khoan. Theo báo cáo về Kế hoạch cấp nước an toàn của Công ty thì nguy cơ, rủi ro từ nguồn nước dưới đất bao gồm: Ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt chảy ngầm trong lòng đất, ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật do một số giếng nằm trong khu vực sản xuất nông nghiệp; dân cư đổ rác thải tại gần khu vực giếng khoan, sập giếng do khai thác hết công suất, trữ lượng khai thác không ổn định; suy thoái, cạn kiệt nguồn nước do không có nước bổ cập.[4].
5. Thành phố Thanh Hoá - tỉnh Thanh Hoá
TP Thanh Hoá được cấp nước bởi 2 nhà máy chính là Nhà máy nước Mật Sơn (CS khoảng 50.000m3/ngđ) và Nhà máy nước Hàm Rồng (CS khoảng 35.000m3/ngđ). Nguồn nước Kênh Bắc – kênh thuỷ lợi có chiều dài 50 km mặt nước lộ thiên trước kia có chất lượng tốt, chính vì thế trong một thời gian rất dài Công ty CP cấp nước Thanh Hóa đã dùng nguồn nước thô từ dòng kênh này để phục vụ cho Nhà máy nước Mật Sơn để cấp cho người dân TP Thanh Hóa. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, đời sống nhân dân phát triển nhiều khu dân cư hình thành, mật độ dân ngày càng tăng cao trên dọc tuyến kênh này, người dân đã vô tư xả nước thải, vứt rác thải, động vật chết xuống kênh…khiến nguồn nước này có nguy cơ bị ô nhiễm cao.
6. Thành phố Đà Nẵng
Đà Nẵng hiện có 3 nguồn nước mặt chính: Nguồn nước sông: Sông Yên - Cầu Đỏ, Sông Cu Đê; Nguồn nước suối và Nguồn nước hồ. Cụ thể như sau:
- Nguồn nước sông:
+ Sông Yên - Cầu Đỏ: Cung cấp nước thô cho Nhà máy nước (NMN) Cầu Đỏ, NMN Sân bay. Công suất khai thác nước thô: 286.000 - 300.000m3/ngđ. Điểm lấy nước trên sông Cầu Đỏ tại Nhà máy nước Cầu Đỏ cách cửa sông khoảng 15 km và thường bị nhiễm mặn về mùa khô.
+ Sông Cu Đê: Là nguồn nước thô cho NMN Hòa Liên. Công suất khai thác: 264.000m3/ngđ. Chất lượng nước sông tại khu vực hạ lưu đã bắt đầu ô nhiễm và ngày càng trở nên nghiêm trọng do nước thải của các khu CN chưa được xử lý xả trực tiếp vào nguồn này, qua quan trắc có rất nhiều thông số vượt tiêu chuẩn cho phép.
- Nguồn nước suối: Suối Đá, suối Tình cấp nước thô cho NMN Sơn Trà, Suối Lương cung cấp nước thô cho NMN Hải Vân. Lưu lượng và chất lượng đều không ổn định theo mùa.
- Nguồn nước hồ: Hồ Hòa Trung cấp nước thô cho nhà máy nước Hòa Trung. Hiện nay, để đảm bảo ưu tiên cao nhất cho mục đích cấp nước sinh hoạt, Đà Nẵng đã lập bản đồ xác định phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực cấp nước sinh hoạt của công trình khai thác nước mặt trên sông Cu Đê. Theo đó, trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực cấp nước sinh hoạt, các tổ chức, cá nhân khi thực hiện các hoạt động có ảnh hưởng đến chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước phải có ý kiến thống nhất cửa cơ quan có thẩm quyền và thực hiện các quy định nghiêm ngặt về bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ an toàn hồ chứa nước và các quy khác có liên quan.
7. Thành phố Hồ Chí Minh
Hiện nay nguồn nước thô khai thác từ nước mặt của lưu vực sông Đồng Nai và lưu vực sông Sài Gòn; năm 2022, tỷ lệ khai thác nước ngầm là 16%. TP.HCM nằm cuối lưu vực nên không thể kiểm soát vấn đề nguồn nước đang ô nhiễm nặng. Thượng nguồn sông Sài Gòn và sông Đồng Nai có 55 nhà máy, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp xả thẳng ra sông làm cho chất lượng nước suy giảm. Chất lượng nước mặt sông Đồng Nai, đặc biệt sông Sài Gòn nhìn chung biến động xấu, các chỉ số như amoni, hữu cơ, vi sinh, mangan … trong nước sông Sài Gòn ngày càng tăng; Nguồn nước sông chịu tác động lớn bởi đặc tính thời tiết, thủy văn và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (suy giảm lưu lượng vào mùa mưa, đặc biệt là theo chu kỳ tác động của hiện tượng Elnino khoảng 5 năm) và hiện tượng triều cường, nước biển dâng dẫn đến nguy cơ xâm nhập mặn và thiếu nước vào mùa khô.
Hình 4. Nguồn nước ở sông Sài Gòn, TP.HCM đang bị ô nhiễm do nguồn nước đầu nguồn sông Đồng Nai bị ô nhiễm (ảnh Internet)
Theo kết quả giám sát chất lượng nước sinh hoạt năm 2021 tại 160 mẫu nước giếng khoan toàn thành phố, có 98% mẫu được lấy đều không đạt chỉ tiêu về độ pH và Clo dư (2 chỉ tiêu đánh giá cơ bản nhất của tiêu chuẩn hóa lý trong nước sinh hoạt). 15% mẫu không đạt về tiêu chuẩn vi sinh. Trong 6 tháng đầu năm 2022, HCDC lấy 120 mẫu nước để giám sát thì hầu hết không đạt các chỉ tiêu trên. Nếu không đạt chuẩn về lượng Clo dư trong nước thì người sử dụng thường xuyên sẽ có nguy cơ bị các bệnh lây nhiễm, bệnh đường ruột.
Trong đề án phát triển hệ thống cấp nước giai đoạn 2020 - 2050, TP.HCM đã đưa ra giải pháp di dời dần điểm khai thác nước thô lên phía thượng lưu sông Sài Gòn và sông Đồng Nai kết hợp với việc xây dựng các hồ hoặc cụm hồ dự trữ nước thô nhằm gia tăng an ninh nguồn nước khi đối diện với các rủi ro từ tác động của ô nhiễm và biến đối khí hậu.
III. Các quy định của pháp luật liên quan đến bảo vệ và sử dụng nguồn nước cho sản xuất nước sạch phục vụ mục đích sinh hoạt
Bảo vệ nguồn nước đặc biệt nguồn nước cho sản xuất phục vụ mục đích sinh hoạt đã được các bộ, ngành và địa phương đặc biệt quan tâm, các quy định pháp luật từ Luật (Tài mguyên nước 2012; Bảo vệ môi trường 2020...), các Nghị định, thông tư hướng dẫn đến các quy chuẩn, tiêu chuẩn ... liên quan tập trung vào: (1) Quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước; (2) Hạn chế khai thác nước dưới đất; (3) Xác định, công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; (4) Xử lý các vi phạm của các cơ sở có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép và không chấp hành các quy định pháp luật về tài nguyên nước; (5) Giám sát khai thác, sử dụng nước, (6) Thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất….(7) Ban hành các quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về chất lượng nước và quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về nước thải…
Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phê duyệt [5] và trong Quy hoạch này một lần nữa khẳng định vai trò và tầm quan trọng của Nước đó là: Nước là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là thành phần cơ bản của hệ sinh thái tự nhiên, liên quan đến mọi hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước… ưu tiên đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt, ổn định an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, hài hoà với yêu cầu phát triển của từng ngành, từng địa phương và cộng đồng. Quy hoạch tài nguyên nước là cơ sở cho việc lập các quy hoạch ngành quốc gia có khai thác, sử dụng nước, quy
hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
IV. Đề xuất một số giải pháp
1. Để làm cơ sở cho việc cắm mốc và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, các địa phương phải hoàn thành và công bố Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ. Mặt khác cần khẩn trương triển khai thực hiện việc cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định.
2. Tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan đến hạn chế khai thác nước dưới đất bao gồm:
- Phải quy định rõ việc khoanh vùng và áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác trong từng cấp vùng hạn chế. Các địa phương phải hoàn thành việc khoanh định, phê duyệt và công bố Danh mục và Bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn theo thời gian đã quy định.
- Phải có các giải pháp khai thác nguồn nước hợp lý ở khu vực đô thị có nguy cơ hạ thấp mực nước quá mức, sụt lún đất để đảm bảo không vượt ngưỡng giới hạn về mực nước, lưu lượng. Có lộ trình điều chỉnh việc khai thác nước dưới đất hợp lý tại những khu vực có nguy cơ hạ thấp mực nước quá mức, ô nhiễm, xâm nhập mặn hoặc có nguy cơ sụt, lún đất.
3. Hoàn thành việc xác định và phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước làm cơ sở bảo vệ nguồn nước.
4. Các tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng nước để cấp nước cho sinh hoạt phải thường xuyên quan trắc, theo dõi chất lượng nguồn nước sinh hoạt và bảo đảm chất lượng đối với nguồn nước do mình khai thác. Có phương án khai thác nguồn nước khác để thay thế trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt đang khai thác.
5. Rà soát, cập nhật, bổ sung và hoàn thiện Định hướng cấp nước, thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Cấp, thoát nước, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng Luật Cấp, thoát nước, việc xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật này cùng với các Luật khác đang có hiệu lực thi hành như Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường … sẽ góp phần quản lý sử dụng nước có hiệu quả hướng tới phát triển bền vững.
V. Kết luận
Bài báo là kết quả nghiên cứu bước đầu về quản lý rủi ro trong cấp nước bảo đảm cấp nước an toàn. Nội dung được tổng kết đánh giá qua các đợt công tác và làm việc với một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cấp, thoát nước đồng thời cũng tổng hợp từ các phiếu điều tra khảo sát từ các doanh nghiệp ngành nước. Trên cơ sở báo cáo của các Bộ, ngành có liên quan cũng như tham khảo các văn bản quy phạm pháp luật, một số đề xuất giải pháp về bảo vệ và sử dụng nguồn nước mang tính tổng quát, trung hạn và dài hạn, việc thực hiện cần có thời gian và lộ trình cụ thể.
THS PHẠM NGỌC CHÍNH
Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng ;
Email: chinh.moc.ati@gmail.com
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Luật Tài nguyên nước năm 2012; Luật BVMT 2020
2. Báo cáo tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2016 - 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2022
3. Báo cáo xây dựng quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 do Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện năm 2021.
4. Báo cáo kết quả điều tra khảo sát về Cấp nước an toàn của các Công ty Cấp nước Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hà Nam (2022-2023)
5. Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 27/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”
6. Nguyễn Hồng Tiến (2022), Quản lý sử dụng nước hiệu quả, hướng tới phát triển bền vững, ISSN 2734-9888 - Tạp chí Xây dựng.
7. Phạm Ngọc Chính (2022), Cấp nước sạch tại thành phố Phủ Lý - Hà Nam hướng tới bảo đảm cấp nước an toàn, ISSN 2734-9888 - Tạp chí Xây dựng.
8. Một số hình ảnh sưu tầm trên Internet.
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.