Tác động của đại dịch Covid-19 đến phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam
MTXD - Tóm tắt: Quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đã và đang tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, v.v. Nhưng, đô thị hóa nhanh cũng tạo ra những thách thức không nhỏ cho sự phát triển bền vững như: gia tăng ô nhiễm chất thải, không khí, tiếng ồn, v.v. chưa kể đến những tác động khách quan từ bão lũ, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, v.v. Từ khi xuất hiện lần đầu ở Việt Nam đến nay, đại dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và các đô thị nói riêng. Bài viết phân tích diễn biến của đại dịch Covid-19 và tác động của nó đến phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp ứng phó nhằm thực hiện đồng thời mục tiêu kép: vừa phát triển kinh tế góp phần vào phát triển đô thị, vừa phòng chống dịch bệnh hướng đến phát triển bền vững.
Từ khóa: Dịch Covid-19; Phát triển bền vững; Phát triển bền vững đô thị.
- Đặt vấn đề
Đô thị hóa là quá trình tất yếu ở mỗi quốc gia, trong 10 năm gần đây, đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra khá nhanh, tạo hiệu ứng lan toả diện rộng trên phạm vi các tỉnh, thành và cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên 40% năm 2020. Nhiều đô thị mới được hình thành, phát triển; nhiều đô thị cũ được cải tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở, v.v. Tính đến tháng 4/2019, số đô thị của cả nước là 830, gồm 2 đô thị đặc biệt (Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh), 19 đô thị loại I, 29 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 80 đô thị loại IV và 655 đô thị loại V (NCIF, 2019). Khu vực đô thị đang ngày càng thể hiện vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước, chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách quốc gia (Vũ Trọng Lâm, Nguyễn Thị Diễm Hằng, 2021).
Không thể phủ nhận, đô thị hóa nhanh đã và đang tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, như: góp phần tăng trưởng kinh tế, phát triển loại hình du lịch đô thị, cải thiện tình trạng đói nghèo, v.v. Tuy nhiên, cũng tạo ra những thách thức không nhỏ cho sự phát triển bền vững như: gia tăng ô nhiễm chất thải, không khí, tiếng ồn, v.v. chưa kể tới những tác động khách quan từ bão lũ, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, v.v. Bài viết tập trung phân tích tác động của đại dịch Covid19 đến phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp ứng phó nhằm thực hiện đồng thời mục tiêu kép là vừa phát triển đô thị góp phần vào phát triển kinh tế và vừa phòng chống dịch hướng đến phát triển bền vững.
- Khái niệm và tiêu chí của đô thị bền vững
Khái niệm đô thị bền vững được xây dựng dựa trên khái niệm phát triển bền vững, đó là đô thị đạt được sự bền vững trên các mặt kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường, nhằm nâng cao chất lượng sống của thế hệ hiện tại mà không ảnh hưởng tới nhu cầu phát triển của thế hệ tương lai (Tạp chí Kiến trúc, 2019). Xuất phát từ nguyên lý phát triển bền vững, theo quan điểm của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đô thị được xem là bền vững phải dựa trên nguyên tắc hợp nhất của sự phát triển đô thị về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, cơ sở hạ tầng, kiến trúc không gian, nhằm tìm ra sự thống nhất chung cho chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị và theo hướng bền vững. Một đô thị được gọi là bền vững khi nó đạt được các mục tiêu:
Thứ nhất, cung cấp đầy đủ các điều kiện sống về phát triển con người và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Thứ hai, cung cấp môi trường sống an toàn, lành mạnh và hấp dẫn. Thứ ba, bảo vệ, bảo tồn, phục hồi các di sản văn hóa, thiên nhiên và lịch sử và giảm thiểu các tác động tiêu cực về sinh thái trong đô thị.
Thứ tư, được quy hoạch, kiến trúc và quản lí thống nhất, thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào việc quản lí xã hội, có quan hệ mật thiết với vùng, thúc đẩy sự công bằng, gắn hội nhập của đô thị với vùng và xã hội.
Để phát triển đô thị bền vững, cần có những tiêu chí cụ thể, như: hấp dẫn (đáng sống), an toàn, lành mạnh, hiệu quả và công bằng.
Đô thị hấp dẫn (đáng sống): tiêu chí nhấn mạnh đến chất lượng không gian, vì một môi trường sống hấp dẫn đối với tất cả mọi người. Tiêu chí này xem xét môi trường và chất lượng sống của đô thị thông qua các chỉ tiêu: khả năng tiếp cận các dịch vụ ở đô thị, chất lượng không gian, cảnh quan đô thị, v.v.
Đô thị lành mạnh: tiêu chí này kết hợp các chỉ số liên quan đến chất lượng môi trường và cấu trúc đô thị, tính bền vững của hệ thống đô thị và trách nhiệm của đô thị với môi trường của vùng, cả nước và toàn cầu.
Đô thị an toàn: bao gồm các vấn đề nhu cầu cơ bản như: y tế, giáo dục, thông tin, phòng chống tội phạm cũng như tác động của thiên tai.
Đô thị hiệu quả và công bằng: Tiêu chí này cung cấp các chỉ số phản ánh sự tồn tại và phát triển của đô thị, hiệu quả sử dụng các công cụ về kinh tế, tài chính, văn hóa, xã hội, v.v. để quản lí và quản trị nguồn lực, có tính đến tình trạng bất công, thất nghiệp và nghèo đói (Tạp chí Kiến trúc, 2019).
Từ những nội dung trên, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra chủ trương “lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng” và đưa ra chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45%; năm 2030 đạt trên 50%. Đồng thời, xác định một trong ba đột phá chiến lược của giai đoạn 2021 - 2030: “trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, v.v. đô thị lớn”; “tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị” là một trong những nội dung của định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 với các nhiệm vụ: Đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hóa và kinh tế đô thị. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị hài hòa, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; phát triển mạnh các đô thị vệ tinh của một số đô thị lớn, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (Văn kiện ĐH Đảng lần thứ XIII).
- Tác động của đại dịch Covid-19 đến phát triển đô thị ở Việt Nam
Như đã nêu, đô thị hóa đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, ngoài các yếu tố chủ quan tác động tiêu cực đến sự phát triển đô thị bền vững, còn có các yếu tố khách quan, như thiên tai, dịch bệnh, v.v. Từ năm 2020, thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Đại dịch không chỉ ảnh hưởng tiêu cực, nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh, cuộc sống và sức khỏe của người dân, mà còn tác động mạnh đến sự phát triển bền vững đô thị.
Đại dịch Covid-19 xâm nhập vào Việt Nam từ đầu năm 2020, đến nay đã và đang trải qua 4 đợt. Theo phân chia của Bộ Y tế, đợt đầu kéo dài 85 ngày (từ 23.1.2020 - 16.4.2020) với ca bệnh đầu tiên tại TP.HCM, nhập cảnh từ Vũ Hán (Trung Quốc), sau đó dịch bệnh lan ra 13 tỉnh, ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Đây là đợt có số ca bệnh ít nhất, 100 ca bệnh trong cộng đồng và không có trường hợp ca bệnh tử vong.
Đợt thứ 2 kéo dài 129 ngày (từ 25.7.2020 - 1.12.2020), diễn ra cao điểm trong 36 ngày (từ 25.7.2020 - 29.8.2020) tại Đà Nẵng, với ca bệnh là bệnh nhân của Bệnh viện C Đà Nẵng. Đợt dịch thứ 2 lây lan ra 15 địa phương ở cả 3 miền. Tuy bùng phát ngắn ngày, nhưng đã ghi nhận 554 ca bệnh ngoài cộng đồng, gấp hơn 5,5 lần đợt dịch thứ nhất. Đợt thứ 2 đã tăng lên cả về quy mô ca bệnh và loang ra diện rộng hơn, trong đó có 35 ca bệnh tử vong.
Đợt thứ 3 kéo dài 57 ngày (từ 28.1.2021 - 25.3.2021), bùng phát từ lao động xuất khẩu phát hiện dương tính khi nhập cảnh. Đợt 3 ghi nhận 910 bệnh nhân trong cộng đồng, cao gần gấp đôi đợt dịch thứ 2, trong đó chủ yếu ở Hải Dương (726 ca, chiếm gần 80% tổng số ca bệnh) và loang rộng ra ở cả 3 miền như 2 đợt trước. Đặc biệt, không có ca bệnh tử vong, được coi là thành tích rất lớn của Chính phủ cùng các lực lượng tuyến đầu chống dịch, trong đó có cán bộ y tế.
Những hệ lụy về kinh tế, xã hội của đại dịch trong ba lần trước chưa khắc phục xong, sự bùng phát trở lại của virus SARS-CoV-2 lần thứ 4 đã đang khiến nhiều hộ gia đình ở đô thị rơi vào tình trạng hết sức khó khăn cả về kinh tế và xã hội. Đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27.4.2021, khi phát hiện một nhân viên khách sạn tại Yên Bái dương tính với virus trở về từ Nhật Bản (29.4.2021) dương tính sau khi đã hoàn thành cách ly 14 ngày (Vũ Hân - Lê Hiệp, 2021).
Từ đó, dịch bệnh lây lan rộng, đến hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Hiện tại dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, với quy mô lớn và thiệt hại bước đầu về kinh tế và con người không phải nhỏ. Nhiều đô thị của Việt Nam rơi vào tình trạng quá tải (nhân viên y tế và cơ sở vật chất), khó kiểm soát dịch bệnh, tiêu biểu là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, v.v.
Để khống chế dịch bệnh và đưa về trạng thái kiểm soát tốt, trong đợt dịch này, hơn 20 tỉnh, thành trong cả nước đã áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội. Đặc biệt, ở phía Nam có 19 tỉnh, thành áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ về giãn cách xã hội, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang. Chính phủ đã huy động khá lớn lực lượng cán bộ, nhân viên y tế cùng cơ sở vật chất của trung ương, quân đội, công an và các tỉnh trong cả nước để hỗ trợ cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, nhằm truy vết, khoanh vùng, điều trị và khống chế dịch. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn đang diễn biến rất phức tạp ở các thành phố và đô thị lớn, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, v.v. Số liệu của Bộ Y tế cho biết, đến ngày 10/9/2021 cả nước có 589.417 ca nhiễm, trong đó bệnh nhân tử vong là 14.745 người, chiếm tỷ lệ 2,5%. Đặc biệt, đợt dịch thứ tư đã tạo ra sức ép rất lớn cho hai đô thị lớn ở phía Nam là Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương. Số liệu bảng sau cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh đã dẫn đầu cả nước về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 (286.762 người) và số ca tử vong (11.604 người), chiếm tỷ lệ 4,05%, cao gấp nhiều lần so với các tỉnh thành khác trong cả nước. Tiếp theo là Bình Dương - một trong những vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng bị tác động rất lớn. Hiện tỉnh Bình Dương có 149.877 người nhiễm Covid-19, trong đó có 1.339 người tử vong, đứng thứ 2 về số người tử vong trên cả nước (xem bảng sau).
Bảng 1. Tình hình Covid-19 tại một số tỉnh, thành (tính đến 10/9/2021*)
Ghi chú: Xếp theo số ca nhiễm Covid-19 từ cao xuống thấp - người. * Số liệu sẽ còn diễn biến hàng ngày
Nguồn: Tổng hợp của tác giả. Truy cập: https://ncov.moh.gov.vn/
Như vậy, tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với cả nước, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về kinh tế và xã hội là rất lớn. Chính phủ đã chỉ đạo tập trung toàn bộ nhân lực và vật lực cho việc khống chế và dập dịch. Theo Bộ Y tế, đến 12 giờ ngày 21/8/2021 đã có 14.543 người thuộc Bộ Y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ; các tỉnh, thành phố; khối các bệnh viện Trung ương; các trường y dược đã tham gia chi viện cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Số liệu này không bao gồm lực lượng y tế tại chỗ của các tỉnh, thành phố đang trực tiếp chống dịch (TTXVN, 2021).
Về kinh tế, tác động của đại dịch Covid-19 đến sự ổn định và phát triển bền vững của các đô thị khá rõ. Hầu hết các đô thị lớn, nơi tập trung đông dân cư và người lao động ở các khu công nghiệp (TP. Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, v,v, bị tổn thất rất lớn. Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê (lần 1, thời điểm kết thúc khảo sát 20/4/2020) về tác động của đại dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp, 85,7% số doanh nghiệp (trong số 126.565 doanh nghiệp) bị tác động bởi dịch Covid-19. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ chịu nhiều tác động nhất, với tỷ lệ bị tác động lần lượt là 86,1% và 85,9%; trong khi nông, lâm, thủy sản chịu ảnh hưởng ít hơn với 78,7%. Một số ngành kinh tế có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 cao, điển hình như: Ngành hàng không 100%, dịch vụ lưu trú 97,1%, dịch vụ ăn uống 95,5%, hoạt động của các đại lý du lịch 95,7%, giáo dục và đào tạo 93,9%, tiếp đến là các ngành dệt may, sản xuất da, các sản phầm từ da, sản xuất các sản phẩm điện tử, sản xuất ô tô đều có tỷ lệ trên 90%. Về thị trường, 57,4% doanh nghiệp bị thu hẹp thị trường trong nước; 45,5% bị thu hẹp thị trường nước ngoài; 54,5% giảm khả năng tìm kiếm khách hàng; 30,9% doanh nghiệp bị thiếu vốn; 26,2% gặp khó khăn trong tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào; 24,3% bị tác động tiêu cực đến năng lực sản xuất do các biện pháp hạn chế đi lại của người lao động; 12,5% doanh nghiệp thiếu hụt lao động, v.v. (Bùi Văn Huyền, Đỗ Tất Cường, 2021).
Theo khảo sát gần 10.200 doanh nghiệp trên toàn quốc của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) cho thấy: đại dịch Covid-19 có tác động rất tiêu cực đến doanh nghiệp: 87,2% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”. Chỉ 11% “không bị ảnh hưởng gì” và gần 2% ghi nhận tác động “hoàn toàn tích cực” hoặc “phần lớn tích cực”. Cả doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều bị ảnh hưởng nặng nề. Trong các nhóm doanh nghiệp, đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn là các doanh nghiệp mới hoạt động dưới 3 năm và các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ; 84% doanh nghiệp tư nhân và 85% doanh nghiệp FDI có trên 20 năm hoạt động chịu ảnh hưởng ở mức phần lớn hoặc hoàn toàn tiêu cực. Với các doanh nghiệp FDI, mức độ ảnh hưởng lớn nhất ở nhóm có quy mô nhỏ với 89,3% chịu ảnh hưởng ở mức phần lớn hoặc hoàn toàn tiêu cực. Doanh nghiệp FDI quy mô lớn chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn thứ 2, với 88%. Nhóm quy mô vừa và quy mô siêu nhỏ lần lượt ở mức 87,3% và 87,2% (VCCI, 2020).
Kết quả khảo sát 1.564 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, ghi nhận 87,9% chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, 11,4% không ảnh hưởng gì, chỉ có 0,8% vẫn kinh doanh tốt (Lê Thị Diễm Quỳnh, 2021). Bên cạnh đó, dịch Covid-19 đã làm gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp. 100% doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch. Nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn, dừng hoạt động, giảm doanh thu, mất khả năng thanh toán, thậm chí đứng trước bờ vực phá sản. Các doanh nghiệp đã gắng gượng để tồn tại sau 3 lần dịch bệnh, đến lần thứ tư sức đề kháng của doanh nghiệp và người lao động gần như cạn kiệt.
Theo Tổng cục Thống kê, 7 tháng năm 2021, cả nước có gần 79.700 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có thời hạn, chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, riêng 7 tháng năm 2021, cả nước có gần 40.300 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời có 28.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ giải thể, tăng 28,6% và 11.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 27,4%. Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 11.400 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Về xã hội, từ khi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam vào ngày 23/01/2020, Chính phủ đã gia tăng các nỗ lực khống chế sự lây lan của dịch bệnh cũng như chữa trị cho những người nhiễm bệnh. Năm 2021, với đợt dịch lần thứ tư đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của các doanh nghiệp và người dân. Để ngăn chặn dịch bệnh, Chính phủ đã đưa ra các quy định hạn chế di chuyển, đóng cửa trường học và tạm dừng các cơ sở dịch vụ không thiết yếu, đồng thời thực hiện chế độ cách ly và giãn cách xã hội. Dịch bệnh kéo dài khiến sức chống chịu của các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn, có thương hiệu trên thị trường bị giảm sút. Đời sống của phần lớn người lao động bị ảnh hưởng do giảm sút thu nhập, mất việc làm.
Tác động của đại dịch Covid-19 đến thị trường lao động Việt Nam khá mạnh. Theo Tổng cục Thống kê, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch. So với quý I/2021, dịch bệnh đã làm tăng thêm 3,7 triệu lao động rơi vào tình trạng này. Trong 6 tháng đầu năm 2021, so với cùng kỳ năm trước, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là hơn 1,1 triệu người, tăng 101,7 nghìn người; thiếu việc làm là hơn 1,1 triệu người, tăng 48,2 nghìn người .Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 2,58%, tăng 0,25 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước (TCCK, 2021). Do tác động của đại dịch, trong khi lao động ở đô thị mất việc làm, thì lao động ở nông thôn và các vùng ven đô sản xuất ra nông sản cũng khó tiêu thụ bởi chuỗi cung ứng bị gián đoạn và đứt gãy. Tình trạng “giải cứu” diễn ra khá phổ biến, đã tạo ra sự bất ổn nói chung trên thị trường và các đô thị nói riêng.
Để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã đưa ra các chính sách hỗ trợ, như: Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/4/2020; gia hạn miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân chịu thiệt hại bởi dịch Covid-19; gói hỗ trợ tiền tệ, tín dụng, v.v. Ngày 01/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Khoản trợ cấp 26.000 tỷ được nhằm hỗ trợ cho người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động. Các chính sách hỗ trợ về tài khoá và tiền tệ của Chính phủ đã và đang phát huy hiệu quả, là "liều thuốc trợ lực" kịp thời giúp doanh nghiệp và người dân bước đầu trụ vững trước những khó khăn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn cần thêm nhiều sự hỗ trợ khác để tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là các chính sách bảo đảm không để đứt gãy chuỗi sản xuất, vận tải, cung ứng hàng hóa, v.v.
Về đời sống, tính riêng TP. Hồ Chí Minh, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài làm cho đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, một số nhóm lao động yếu thế không còn khả năng chống đỡ, phải nhờ sự trợ giúp từ Chính phủ và các tổ chức thiện nguyện. Riêng kinh phí bổ sung hỗ trợ (đợt 2) cho nhóm lao động nghèo sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu vực lao động nghèo, xóm nghèo, khu vực bị phong tỏa và lao động tự do gặp khó khăn do dịch bệnh trên địa bàn thành phố là khoảng 2.576 tỷ đồng (TTXVN, 2021).
Mặc dù lĩnh vực văn hóa và môi trường, ít bị tác động hơn bởi dịch Covid-19, nhưng hệ lụy về kinh tế và xã hội nêu trên đã cho thấy sự bất ổn và kém bền vững của các đô thị, nhất là các đô thị lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, v.v.
- Một số đề xuất
Thứ nhất, cả trong ngắn hạn và dài hạn phải thực hiện mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế và vừa chống dịch. Tuy nhiên, với tình hình phức tạp như hiện nay, cần ưu tiên trước mắt và tập trung cho chống dịch ở các đô thị lớn, nơi tập trung đông dân cư, các cơ sở sản xuất quan trọng, trọng tâm là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm phía Nam.
Thứ hai, như đã nêu ở trên, sự quá tải về nguồn nhân lực cho tuyến đầu chống dịch đã rõ, cần huy động các lực lượng vũ trang cả nước (quân đội, công an) ở mức cao hơn cho phòng chống dịch ở tất cả các địa phương trong cả nước, đặc biệt ưu tiên chi viện cho các điểm nóng ở các thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương để khoanh vùng, sàng lọc trong cộng đồng, bóc tách F0 và khống chế dịch. Từ đó, có thể phục hồi sản xuất và đời sống ở những vùng an toàn.
Thứ ba, sự tiếp sức của Chính phủ về kinh tế cho các doanh nghiệp và người dân là hết sức quan trọng, bởi khả năng chống chịu với dịch bệnh của doanh nghiệp đã tới giới hạn. Từ sự bất ổn về kinh tế, có thể diễn biến không tốt về mặt xã hội, nhất là các đô thị lớn.
Thứ tư, đẩy mạnh việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật về phát triển đô thị. Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn về quy hoạch đô thị theo hướng bao trùm, điều chỉnh các yếu tố mới phát sinh trong phát triển đô thị, như đô thị nén, đô thị xanh, đô thị thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Thứ năm, để phát triển đô thị bền vững, cần rà soát, sửa đổi, ban hành chiến lược, quy hoạch đô thị quốc gia, đặc biệt là quy hoạch tích hợp về: đất đai, kiến trúc, không gian, hạ tầng, dân cư, v.v. nhằm đảm bảo sự cân đối, ổn định và phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường của đô thị. Bên cạnh đó cần nâng cao năng lực quản trị của các chính quyền đô thị.
- Kết luận
Đại dịch Covid-19 không chỉ tác động đến đô thị của Việt Nam, mà còn tác động đến tất cả các đô thị trên toàn cầu. Dịch bệnh có thể sẽ lấy đi khá nhiều thành quả trong tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội của những năm qua. Tuy nhiên, tùy vào “sức khỏe” và năng lực chịu đựng của từng đô thị mà hệ lụy để lại cho phát triển bền vững sẽ khác nhau. Hy vọng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và cộng đồng, dịch bệnh sẽ sớm qua đi, trả lại cho đô thị tình hình sản xuất, kinh doanh mới, cuộc sống mới trong điều kiện của bối cảnh mới.
Bạch Hồng Việt*
Nguyễn Đức Hiếu**
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Kế hoạch Đầu tư (NCIF,2021). Xu hướng đô thị hóa ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và một số hệ lụy. Truy cập tại: http://ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=21873#:~:text= T%C3%ADnh%20%C4%91%E1%BA%BFn%20h%E1%BA%BFt%20n%C4%83m%202018,% C4%90%C3%A0%20N%E1%BA%B5ng%2C%20v%C3%A0%20C%E1%BA%A7n%20Th%C 6%A1
2. Bùi Văn Huyền - Đỗ Tất Cường (2021), “Tác động của đại dịch Covid-19 đến kinh tế - xã hội của Việt Nam”, Tạp chí Tài chính kỳ 1, tháng 7/2021.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, Tập 1.
4. Lê Thị Diễm Quỳnh (2021), Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam. Truy cập: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/tin-tuc/599/5326/bao-cao-tac-dong-cuadich-covid-19-doi-voi-doanh-nghiep-viet-nam.aspx
5. Tạp chí Kiến trúc (2019). Truy cập https://vietnambiz.vn/do-thi-ben-vung-sustainableurban-la-gi-tieu-chi-danh-gia-20191120112129111.htm
6. TCCK (2021), Truy cập: https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/07/ thong-cao-bao-chi-tinh-hinh-lao-dong-viec-lam-quy-ii-va-6-thang-dau-nam-2021/
7. TTXVN (2021), Tập trung nhân lực cho Thành phố Hồ Chí Minh để khống chế được dịch Covid-19 trước 15/9. Truy cập:
8. https://ncov.vnanet.vn/tin-tuc/tap-trung-nhan-luc-cho-thanh-pho-ho-chi-minh-de-khongche-duoc-dich-covid-19-truoc-15-9/58b6a1ed-2bac-414a-92d2-d0e7b74e461f .
9. VCCI (2020), Báo cáo Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam - Một số phát hiện chính từ điều tra doanh nghiệp năm 2020.
10. Vũ Hân - Lê Hiệp (2021), Việt Nam đối mặt đợt dịch nguy hiểm nhất từ trước tới nay. Truy cập: https://thanhnien.vn/thoi-su/viet-nam-doi-mat-dot-dich-nguy-hiem-nhat-tu-truoc-toinay-1381034.html.
11. Vũ Trọng Lâm - Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phát triển đô thị ở Việt Nam hướng tới mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Truy cập tại https://www.tapchicongsan.org.vn/web/ guest/tin-tieu-diem/-/asset_publisher/s5L7xhQiJeKe/content/phat-trien-do-thi-o-viet-nam-huongtoi-muc-tieu-den-nam-2030-tam-nhin-den-nam-2045#. 12. https://ncov.moh.gov.vn/.
* Tiến sĩ, NCVCC, Quyền Giám đốc, Trung tâm Phân tích và Dự báo, email: bachviet62@gmail.com. ** Thượng tá, Giảng viên, Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng, email: nguyenduchieu19762006@gmail.com.
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.