Tái định dạng phát triển các đô thị Việt Nam từ tính dễ tổn thương với biến đổi khí hậu

​MTXD - Tóm tắt: Đô thị xuất hiện ngày càng nhiều nơi trên Thế giới, trở thành trung tâm và động lực cho nền kinh tế quốc gia và toàn cầu. Đồng thời, đô thị với tư cách là một hệ thống, đang phải đối mặt và dễ tổn thương với những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu.

MTXD - Tóm tắt: Đô thị xuất hiện ngày càng nhiều nơi trên Thế giới, trở thành trung tâm và động lực cho nền kinh tế quốc gia và toàn cầu. Đồng thời, đô thị với tư cách là một hệ thống, đang phải đối mặt và dễ tổn thương với những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu. Bài viết lấy bối cảnh các đô thị Việt Nam đứng trước thách thức biến đổi khí hậu, kết quả cho thấy tính dễ tổn thương của đô thị phản ánh tính phức tạp vốn có và mức độ phức tạp ngày càng biến đổi của hệ thống này. Việc tìm kiếm giải pháp tối ưu để chống lại các thách thức được thay thế bằng các chiến lược thích ứng và giảm thiểu. Phát triển đô thị thích ứng sẽ mang đến những triển vọng để phát triển bền vững đô thị trong thời gian tới.

Từ khóa: Đô thị thích ứng; Phát triển bền vững; Tính dễ tổn thương đô thị.

1-Đặt vấn đề

Ngày nay, hơn một nửa dân số toàn cầu sống ở các khu vực thành thị và dự kiến tỷ lệ này sẽ tăng lên 67% vào năm 2050 (UN-DESA, 2012). Điều này là kết quả của quá trình đô thị đóng vai trò như một thỏi nam châm thúc đẩy di cư khi những nơi này mở ra nhiều cơ hội sống hơn so với khu vực nông thôn (Bettencourt et al., 2007; Bettencourt & West, 2010; Glaeser, 2011). Do vậy, các đô thị trở thành hình thái kinh tế-xã hội tiêu biểu trên Thế giới với sự tập trung dân số (Butler, 2010; Cohen, 2003), các hoạt động sản xuất quan trọng (Dobbs et al., 2011; Sassen, 2018) tạo ra sự phát triển và thịnh vượng của xã hội. Bên cạnh là động lực mới cho nền kinh tế quốc gia và toàn cầu, đô thị cũng trở thành chủ thể phải đối mặt với nhiều thách thức phát triển khác nhau. Với bản chất là hệ thống phức tạp được đặc trưng bởi nhiều khía cạnh (môi trường, xã hội, vật chất, kinh tế, v.v.), đô thị hiện đang bị ảnh hưởng bởi các yếu tố đe dọa không đồng nhất - từ biến đổi khí hậu, đến các mối nguy riêng lẻ và đồng thời, từ khan hiếm tài nguyên đến suy thoái môi trường. Biến đổi khí hậu chính là thách thức lớn nhất cho sự phát triển trong thế kỷ XXI bởi những tác động tiềm tàng trên nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh của đời sống kinh tế-xã hội (WEF, 2018). Lối sống và các hoạt động ở đô thị là nguyên nhân của tình trạng gia tăng khí thải nhà kính dẫn đến biến đổi khí hậu (IPCC, 2014). Các đô thị chiếm chưa đầy 1% diện tích Trái Đất nhưng lại là nơi sinh sống của 50% dân số Thế giới với mức tiêu thụ năng lượng là 75%, mức phát thải khí carbonic là 78% và khí gây hiệu ứng nhà kính là 75% (IPCC, 2014; WWF, 2009). Có lẽ những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu thể hiện qua số lượng và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa bão, lốc xoáy… Trong những trường hợp chất lượng cơ sở hạ tầng và dịch vụ yếu kém đã làm gia tăng nguy hiểm cho thị dân đối với các hiện tượng này. Mặc dù có nhiều bằng chứng cho thấy phạm vi địa lý của những hiện tượng thời tiết cực đoan đang có xu hướng lan rộng nhưng đô thị vẫn có nguy cơ rất cao phải đối mặt với những hiểm họa từ biến đổi khí hậu. Bên cạnh những nỗ lực đáng kể thúc đẩy các chiến lược giảm thiểu tác động, các chiến lược thích ứng với những mối nguy cũng đã được quan tâm trong thời gian gần đây (Galderisi, 2014a). Trọng tâm của sự thích ứng bắt nguồn từ nhận thức ngày càng tăng về tác động của biến đổi khí hậu và toàn cầu hóa sẽ đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực đô thị (Brugmann, 2012). Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia dễ tổn thương với những tác động của biến đổi khí hậu. Do vậy, hệ thống đô thị cũng không nằm ngoài đánh giá này. Hệ thống các đô thị Việt Nam ở vào vị trí gần sông, gần biển hoặc vùng trũng thấp nên dễ phơi nhiễm và nhạy cảm với các tác động trực tiếp và tiềm tàng của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, phần lớn các đô thị Việt Nam là vừa và nhỏ được chuyển đổi từ điểm quần cư nông thôn, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, các hoạt động kinh tế vẫn chưa đa dạng dẫn đến năng lực thích ứng của cả hệ thống và từng đơn vị hộ gia đình ở đô thị còn yếu kém. Viễn cảnh dễ tổn thương đô thị đã trở thành vấn đề chính sách trong các chiến lược phát triển đô thị từ những năm đầu thập niên 2010. Các sự kiện thời tiết cực đoan ngày càng nhiều và gây thiệt hại lớn càng củng cố thêm sự cần thiết về các giải pháp thích ứng có hiệu quả dành cho đô thị. Từ đánh giá tính dễ tổn thương đến đánh giá khả năng thích ứng cho thấy việc tái định dạng lại việc phát triển đô thị lồng ghép yếu tố phơi nhiễm, nhạy cảm và năng lực thích ứng sẽ mang đến những triển vọng phục hồi cho đô thị tốt hơn sau các biến cố và cú sốc từ bên ngoài trong tương lai.

2. Tổng quan nghiên cứu

2.1. Tổn thương đô thị: Tương tác giữa đô thị hóa và biến đổi khí hậu

 Đô thị hóa và biến đổi khí hậu trong những năm gần đây đã được thừa nhận là các khía cạnh và động lực quan trọng của biến đổi toàn cầu (Ruth & Baklanov, 2012; Simon, 2007). Những nghiên cứu về mối quan hệ giữa đô thị hóa với tác động gây tổn thương của biến đổi khí hậu (Hallegatte & Corfee-Morlot, 2011; Romero-Lankao & Dodman, 2011; Rosenzweig et al., 2011) cho thấy đô thị hóa không chỉ là động lực thúc đẩy tính dễ tổn thương mà còn tăng cường khả năng thích ứng của đô thị. Tuy nhiên, mối quan hệ này vẫn chưa được hiểu đầy đủ (IPCC, 2012; Pelling, 2012; Romero-Lankao & Qin, 2011) bất kể ngày càng có nhiều nghiên cứu điển hình đánh giá tính dễ tổn thương và năng lực thích ứng ở các đô thị cụ thể trên toàn cầu (Balica et al., 2012). Tương quan giữa đô thị hóa và mức độ dễ tổn thương với hiểm họa thiên nhiên cho thấy các quốc gia có dân số đô thị tăng mạnh trong thập kỷ vừa qua là một trong những quốc gia có mức độ nhạy cảm cao nhất đồng thời thiếu năng lực thích ứng nhất (Birkmann et al., 2011; Garschagen & RomeroLankao, 2015; Welle et al., 2012).

2.2. Thích ứng: Chiến lược trọng tâm của đô thị với biến đổi khí hậu

Phần lớn các nhà quy hoạch môi trường đô thị (urban environmental planners) tập trung nghiên cứu sự thích ứng của các hệ thống sinh thái (ecological) và sinh thái xã hội (socioecological) đối với các mối đe dọa bên ngoài kể từ những năm 1970 (Folke et al., 2010) và hiện nay đang được xem xét và bổ sung bởi những học giả có những đóng góp vào cuộc tranh luận về tính bền vững (sustainability) và khả năng phục hồi (resilience) (Galderisi, 2014b). Thích ứng không phải là một thuật ngữ mới mẻ vì đã được sử dụng trong nhiều lĩnh vực liên quan đến sự thay đổi môi trường bên ngoài (Adger et al., 2009). Những lựa chọn trước thay đổi môi trường rất quan trọng đối với một cộng đồng/hoặc một hệ thống. Thích ứng cũng được xem là một lựa chọn phản hồi quan trọng (Fankhauser, 1996; Kane & Shogren, 2000; Pielke, 1998; Smith, 1996). Do đó, thích ứng được xem như những điều chỉnh trong hành vi và các đặc tính của hệ thống làm tăng khả năng đối phó với căng thẳng bên ngoài (Brooks, 2003). Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã đặt ra yêu cầu giải quyết cả hai vấn đề giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo truyền thống, giảm thiểu đã được chú ý nhiều hơn trong nghiên cứu và chính sách biến đổi khí hậu hơn là thích ứng. Tuy nhiên, đã có sự quan tâm ngày càng tăng đối với nghiên cứu thích ứng từ cuối những năm 1990 bên cạnh những nỗ lực đáng kể thúc đẩy các chiến lược giảm thiểu tác động do sự thừa nhận rằng khí hậu đã thay đổi và việc thích ứng với các tác động đã không thể tránh khỏi là rất quan trọng (Bulkeley et al., 2011; Estrella et al., 2013; Galderisi, 2014a, 2014b; ICLEI, 2011).

 3. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

3.1. Cơ sở lý luận

Tính dễ tổn thương của đô thị Tính dễ tổn thương của đô thị thường được định nghĩa là xu hướng hệ thống đô thị bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất lợi và phục hồi đô thị là khả năng của một đô thị tránh hoặc đáp trả sự kiện bất lợi đó. Mặc dù khả năng dễ bị tổn thương và khả năng phục hồi có thể được xem như các khái niệm riêng biệt, nhưng chúng được kết nối thông qua khái niệm năng lực thích ứng và sự nhấn mạnh nhiều hơn từ tổng hợp có thể giúp đánh giá khả năng thích ứng (Engle, 2011). Về nhận thức, tác động của biến đổi khí hậu ở khu vực đô thị cần được xem xét ở hai khía cạnh i) tác động trực tiếp của tai biến thiên nhiên đến môi trường đô thị; ii) tác động gián tiếp của tai biến thiên nhiên đến các hoạt động, chu trình của đô thị (Savage, 2010). Về thực tiễn, xem xét đánh giá tác động của biến đổi khí hậu (climate impact-CI) đến khu vực đô thị dựa trên mức độ phơi nhiễm (climate exposure-CE), mức độ nhảy cảm (climate sensitivity-CS) và mức độ tổn thương (climate vulnerability-CV) theo mô thức CI = CE x CS x CV. Năng lực thích ứng của đô thị Năng lực thích ứng của đô thị là năng lực dự báo, hấp thụ, thích nghi hoặc phục hồi từ những tác động của một hiểm họa tiềm tàng một cách kịp thời và hiệu quả, trong đó có thể thông qua việc đảm bảo duy trì, phục hồi hoặc cải thiện các công trình và chức năng cơ bản thiết yếu (Rosenzweig et al., 2014); là khả năng một hệ thống đô thị và tất cả các mạng lưới xã hội - sinh thái, xã hội - kỹ thuật có thể duy trì hoặc nhanh chóng trở lại với chức năng đã định dù bị xáo trộn (Meerow et al., 2016). Chung quy, khả năng thích ứng của đô thị là khả năng thay đổi trong quy trình, thông lệ, hoặc cấu trúc của đô thị nhằm giảm nhẹ hoặc bù đắp các thiệt hại tiềm ẩn hoặc tận dụng các cơ hội liên quan đến tổn thương (Smit & Pilifosova, 2003). Các đô thị ứng có tiềm năng tăng chất lượng cuộc sống cho người dân (Ratti & Claudel, 2016). Thích ứng ở đô thị là một quá trình lâu dài với 03 giai đoạn có liên quan với nhau (WB, 2011). Giai đoạn kiến thức (knowledge phase) được thực hiện nhằm đánh giá các tác động và rủi ro khí hậu ở cấp độ đô thị; giai đoạn chuẩn bị (preparation phase) được thực hiện nhằm xác định các chiến lược và biện pháp thích ứng; giai đoạn phản ứng và sửa đổi (response and revision phase) được thực hiện nhằm triển khai, giám sát và cập nhật các biện pháp thích ứng. Trong mỗi giai đoạn sẽ nảy sinh những khoảng cách và trở ngại đối với việc thích ứng với biến đổi khí hậu hiệu quả ở cấp đô thị (Corfee-Morlot et al., 2011; Estrella et al., 2013; Galderisi, 2014a).

 3.2. Phương pháp nghiên cứu

 Bài viết được định hướng theo loại hình nghiên cứu mô tả, nghiên cứu tài liệu. Nguồn dữ liệu được sử dụng chủ yếu là dữ liệu thứ cấp được thu thập từ tập san khoa học và báo cáo thường niên của các tổ chức như Ngân hàng Thế giới, Liên Hợp Quốc… Với nguồn dữ liệu thứ cấp phong phú đó, các thao tác phân tích, tổng hợp được áp dụng để xử lý dữ liệu định tính; công cụ thống kê như Python được áp dụng để xử lý dữ liệu định lượng.

 4. Kết quả và thảo luận

4.1. Tổng quan hiện trạng đô thị hóa ở Việt Nam

 Hệ thống phân loại đô thị ở Việt Nam bao gồm loại Đặc biệt, loại I, II, III, IV và V. Ngoài hai đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và TPHCM có dân số vượt xa ngưỡng 01 triệu người thì các đô thị loại I còn lại như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Biên Hòa cũng vượt ngưỡng 01 triệu dân. Phần lớn các đô thị còn lại của Việt Nam có quy mô dưới 500 ngàn người. Bất chấp sự phân tán đô thị đa dạng theo các cấp độ, hầu hết tích tụ kinh tế và dân số đều chỉ tập trung vào Hà Nội và TPHCM. Đô thị hoá ở các nước đang phát triển có thể là sự chuyển đổi quan trọng nhất về nhân khẩu học trong thế kỷ XXI, dẫn đến quá trình tái cơ cấu các nền kinh tế quốc dân và định hình lại cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới (Suzuki et al., 2010). Ở các nước này mặc dù thiếu nguồn lực một cách nghiêm trọng nhưng tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh hơn khoảng 10 lần so với thông thường (Suzuki et al., 2010). Động lực của việc phát triển nhanh chóng này một phần nhờ vào tỷ lệ đóng góp của khu vực đô thị vào GDP quốc gia đã vượt quá 60% (WB, 2009). Việt Nam đã trải qua quá trình đô thị hóa đáng kể trong những năm qua so với các nước trong khu vực Đông Nam Á (UN-DESA, 2012).

Tỷ lệ đô thị hóa tăng liên tục từ 22% (năm 1995) đến 24% (năm 2000), 32% (năm 2015) và 37% (năm 2020) và vẫn sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ tăng đến năm 2050 với hơn 50% dân số sống ở đô thị (xem Hình 2).

 Tốc độ tăng trưởng dân số đô thị mặc dù có xu hướng giảm nhưng vẫn nhanh hơn tốc độ tăng trưởng dân số chung gấp 2-4 lần; dự kiến đến năm 2050, tốc độ tăng trưởng dân số đô thị vẫn xấp xỉ 1% bất chấp tăng trưởng dân số có xu hướng âm-biểu hiện của già hóa dân số (Hình 3).

 Hình 1. Tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam giai đoạn 1995-2020 và dự kiến năm 2025, 2050

 Hình 2. Tăng trưởng dân số đô thị giai đoạn 1995-2020 và dự kiến năm 2025, 2050 Nguồn dữ liệu: (UN-DESA, 2012)/

Nguồn hình: Dương Trường Phúc, 2021

4.2. Tính dễ tổn thương của các đô thị ở Việt Nam

 Kết quả khảo sát cho thấy hệ thống đô thị Việt Nam thường có vị trí ven biển, ven vịnh lớn, ven sông lớn, vùng trũng thấp (Hình 3). Những vị trí này tăng cường thêm khả năng phơi nhiễm và nhạy cảm của đô thị với những biểu hiện của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, mưa bão, lốc xoáy, đảo nhiệt, hạn hán… Thêm nữa, mở rộng nhanh chóng không gian đô thị đã làm giảm diện tích giữ lũ và lan rộng ra các khu vực trũng thấp vốn dễ bị tác động của ngập lụt do mưa và do triều (Storch & Downes, 2010) và thường được coi là động lực quan trọng dẫn đến rủi ro đối với biến đổi khí hậu (McGranahan et al., 2007).

Hình 3. Vị trí đô thị Việt Nam

Nguồn: Dương Trường Phúc, 2021

 Đồng thời, tốc độ phát triển nhanh chóng của các đô thị ở Việt Nam về nhiều mặt vượt quá khả năng định cư và phát triển cơ sở hạ tầng đầy đủ, đặc biệt là hệ thống thoát nước, cơ sở hạ tầng chống ngập, giao thông, nhà ở… (Coulthart et al., 2006), dự kiến sẽ thúc đẩy chi phí kinh tế của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, trong đó các cộng đồng nghèo thành thị dễ bị tổn thương nhất (WB, 2020). Người nghèo đô thị dễ tổn thương với biến đổi khí hậu chủ yếu vì vị trí địa lý của họ trong thành phố cũng như các điều kiện môi trường và nhà ở liên quan. Song song đó, các đánh giá rủi ro về biến đổi khí hậu gần đây cho thấy các đô thị của Việt Nam đang phải đối mặt với các hiểm họa thiên nhiên (McGranahan et al., 2007). Theo đó, hơn 10% dân số đô thị hiện tại sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi mực nước biển dâng một mét (Dasgupta et al., 2009).

Mật độ lớn về dân số, công trình, các hoạt động kinh tế ở đô thị cho thấy tiềm năng tổn thương với biến đổi khí hậu là rất lớn. Tổng quan các đô thị Việt Nam cho thấy mức độ tổn thương cao sẽ tập trung vào các đô thị lớn trong tình trạng quá tải vì một loạt các vấn đề thất nghiệp, khủng hoảng, dịch bệnh, suy thoái môi trường.. vốn đã tồn tại từ trước với mức độ nghiêm trọng; các đô thị quy mô nhỏ và cấp độ thấp vì chưa đủ khả năng chống chịu với tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu.

4.3. Tái định dạng phát triển đô thị thích ứng ở Việt Nam

Nội dung thích ứng ở đô thị ở Việt Nam nói riêng và các nước đang phát triển nói chung tập trung vào các vấn đề về khả năng chống chịu khí hậu, tính bền vững của cấu trúc vật chất, hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng quan trọng cũng như quy hoạch và thông tin (Banister & Anable, 2009; Howard, 2009; Pizarro, 2009; Wilbanks, 2011).

 Điều này cho thấy phần lớn các giải pháp thích ứng nhấn mạnh ở khía cạnh vật chất trong khi khía cạnh thể chế và sự tích hợp của các quá trình chuyển đổi kinh tế xã hội, nhân khẩu học… thường bị xem nhẹ. Năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của đô thị chịu sự chi phối của một số yếu tố như i) đặc điểm dân số và mức độ đô thị hóa; ii) quy mô dân số đô thị; iii) tốc độ tăng trưởng dân số và mô hình tăng trưởng; iv) mức sống và chất lượng cuộc sống đô thị; v) thực trạng của hệ thống hạ tầng đô thị và tỷ lệ dân số được hưởng lợi từ hệ thống này. Đánh giá sơ bộ năng lực thích ứng của hệ thống đô thị Việt Nam dựa vào những yếu tố này cho thấy hệ thống đô thị có năng lực thích ứng từ trung bình đến thấp mặc dù phải đối mặt với nhiều rủi ro từ bên ngoài. Từ nội dung và năng lực thích ứng ở các hệ thống đô thị Việt Nam cho thấy sự cần thiết phải tái định dạng phát triển đô thị thích ứng ở Việt Nam. Theo đó, đô thị thích ứng là dạng đô thị có thể đứng vững trước những biến động lớn, đồng thời vẫn bảo đảm cung cấp những dịch vụ thiết yếu cho người dân (WB, 2014). Do vậy, phát triển đô thị thích ứng là thiết kế, xây dựng và phát triển liên tục của các khu vực đô thị để dự đoán và phản ứng với những thay đổi trong môi trường và xã hội. Những thay đổi này bao gồm cả các quy trình trong chính thành phố và các phát triển bên ngoài (Graaf, 2012). Thực tế, tác động của biến đổi khí hậu chủ yếu được cảm nhận ở quy mô địa phương và phụ thuộc vào đặc điểm của chính địa phương đó (đặc điểm tự nhiên, đặc điểm kinh tế-xã hội và năng lực của hộ gia đình). Do vậy, các chính sách, giải pháp thích ứng sẽ phù hợp nếu được triển khai ở cấp độ địa phương thì sẽ càng hiệu quả (Hallegatte et al., 2011).Các giải pháp thích ứng nên được chia thành ba nhóm chính: nhóm giải pháp “xám” (grey measure) là những giải pháp dựa vào công nghệ và các công trình xây dựng, thường không đủ để đối phó với cường độ và tần suất ngày càng tăng của rủi ro khí hậu; nhóm giải pháp “xanh” (green measure) là những giải pháp thích ứng dựa vào tự nhiên, khá hữu ích cho các chiến lược đa mục tiêu; nhóm giải pháp “mềm” (soft measure) là những giải pháp liên quan đến hành vi con người, rất có ích trong việc cải thiện khả năng ứng phó của cộng đồng địa phương dẫn đến tăng cường khả năng chống chịu của đô thị.

Kết luận

 Đô thị hóa và phát triển đô thị tại Việt Nam đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng biểu hiện thông qua sự gia tăng số lượng và mở rộng không gian đô thị. Tuy vậy, việc gia tăng số lượng đô thị chủ yếu là quy mô vừa và nhỏ; mở rộng không gian đô thị thiếu quy hoạch. Những hạn chế cơ bản này dẫn đến tình trạng đô thị dễ tổn thương với biến đổi khí hậu. Tính dễ tổn thương ở đô thị Việt Nam còn liên quan đến vị trí của hệ thống đô thị (gần sông, gần biển, vùng trũng thấp) dẫn đến mức độ phơi nhiễm nhạy cảm cao với những căng thẳng từ khí hậu, nước biển dâng, ngập lụt, mưa bão… Do vậy, vai trò lực cho phát triển kinh tế quốc gia có nguy cơ suy giảm nghiêm trọng trong tương lai. Kết quả đánh giá tổng quan đô thị Việt Nam cho thấy mức độ tổn thương sẽ cao ở những đô thị trong tình trạng quá tải vì sự hạn chế nguồn lực trong ứng phó và biến đổi khí hậu sẽ làm trầm trọng thêm các thức thách phát triển đã tồn tại từ trước. Do vậy, tình trạng dễ tổn thương đặt ra vấn đề tái định dạng phát triển đô thị Việt Nam trong tương lai. Nhận thức về tầm quan trọng của thích ứng và lồng ghép trong các quy hoạch phát triển sẽ tăng cường khả năng chống chịu của đô thị. Phát triển đô thị thích ứng không chỉ tái định dạng lại nội dung thích ứng mà còn phải tăng cường năng lực thích ứng theo hướng từ dưới lên (bottom up) đồng nghĩa với việc xây dựng năng lực thích ứng cộng đồng./.

DƯƠNG TRƯỜNG PHÚC*

 

 Tài liệu tham khảo

 1. Adger, W. N., Dessai, S., Goulden, M., Hulme, M., Lorenzoni, I., Nelson, R., … Wreford, A. (2009). Are There Social Limits to Adaptation to Climate Change? Climatic Change, 93(3-4), 335-354.

2. Balica, S. F., Wright, N. G., & van der Meulen, F. (2012). A Flood Vulnerability Index for Coastal Cities and Its Use in Assessing Climate Change Impacts. Natural Hazards, 64(1), 73-105.

3. Banister, D., & Anable, J. (2009). Transport policies and climate change. In S. Davoudi, J. Crawford, & A. Mehmood (Eds.), Planning for Climate Change: Strategies for Mitigation and Adaptation for Spatial Planners (pp. 55-70). London: Earthscan.

4. Bettencourt, L., Lobo, J., Helbing, D., Kühnert, C., & West, G. B. (2007). Growth, innovation, scaling, and the pace of life in cities. Proceedings of the National Academy of Sciences, 104(17), 7301-7306.

5. Bettencourt, L., & West, G. (2010). A unified theory of urban living. Nature, 467(7318), 912-913.

 6. Birkmann, J., Welle, T., Krause, D., Wolfertz, J., Suarez, D. C., & Setiadi, N. (2011). World Risk Index 2011: Concept, Updating and Results. In Alliance Development Works (Ed.), WorldRiskReport 2011: Governance and Civil Society (pp. 13-39). United Nations University Press, Berlin.

7. Brooks, N. (2003). Vulnerability, Risk and Adaptation: A Conceptual Framework. Tyndall Centre Working Paper, No. 38. Tyndall Centre for Climate Change Research, Norwich.

 8. Brugmann, J. (2012). Financing the Resilient City. Environment and Urbanization, 24(1), 215-232.

9. Bulkeley, H., Schroeder, H., Janda, K., Zhao, J., Armstrong, A., Chu, S. Y., & Ghosh, S. (2011). The role of institutions, governance, and urban planning for mitigation and adaptation. In D. Hoornweg, M. Freire, M. J. Lee, P. Bhada-Tata, & B. Yuen (Eds.), Cities and climate change: Responding to an urgent agenda (pp. 125-159). World Bank, Washington, D.C.

10. Butler, D. (2010). Cities: The century of the city. Nature, 467(7318), 900-901.

 11. Cohen, J. E. (2003). Human Population: The Next Half Century. Science, 302(5648), 1172-1175.

12. Corfee-Morlot, J., Cochran, I., Hallegatte, S., & Teasdale, P. J. (2011). Multilevel risk governance and urban adaptation policy. Climatic Change, 104(1), 169-197.

13. Coulthart, A., Nguyen, Q., & Sharpe, H. J. (2006). Urban development strategy: Meeting the challenges of rapid urbanization and the transition to a market oriented economy. World Bank, Hanoi.

 14. Dasgupta, S., Laplante, B., Meisner, C., Wheeler, D., & Yan, J. (2009). The impact of sea level rise on developing countries: A comparative analysis. Climatic Change, 93(3), 379-388.

 15. Dobbs, R., Smit, S., Remes, J., Manyika, J., Roxburgh, C., & Restrepo, A. (2011). Urban world: Mapping the economic power of cities. McKinsey Global Institute, Washington, D.C.

16. Engle, N. L. (2011). Adaptive capacity and its assessment. Global Environmental Change, 21(2), 647-656.

 17. Estrella, M., Renaud, F. G., & Sudmeier-Rieux, K. (2013). Opportunities, challenges and future perspectives for ecosystem-based disaster risk reduction. In F. G. Renaud, K. SudmeierRieux, & M. Estrella (Eds.), The role of ecosystems in disaster risk reduction (pp. 437-456). United Nations University Press, Tokyo.

18. Fankhauser, S. (1996). The potential costs of climate change adaptation. In J. Smith, N. Bhatti, G. Menzhulin, R. Benioff, M.I. Budyko, M. Campos, B. Jallow, and F. Rijsberman (eds.) Adapting to Climate Change: An International Perspective (pp. 80-96). Springer-Verlag, New York.

19. Folke, C., Carpenter, S. R., Walker, B., Scheffer, M., Chapin, T., & Rockström, J. (2010). Resilience thinking: Integrating resilience, adaptability and transformability. Ecology and Society, 15(4), 2020. Galderisi, A. (2014a). Adapting Cities for a Changing Climate: An Integrated Approach for Sustainable Urban Development. WIT Transactions on Ecology and the Environment, 191, 549-560.

21. Galderisi, A. (2014b). Urban Resilience: A framework for empowering cities in face of heterogeneous risk factors. A| Z ITU Journal of the Faculty of Architecture, 11(1), 36-58.

22. Garschagen, M., & Romero-Lankao, P. (2015). Exploring the relationships between urbanization trends and climate change vulnerability. Climatic Change, 133(1), 37-52. 23. Glaeser, E. (2011). Cities, productivity, and quality of life. Science, 333(6042), 592-594.

24. Graaf, D. R. (2012). Adaptive Urban Development: A Symbiosis between Cities on Land and Water in the 21st century. Rotterdam University Press, Holland.

 25. Hallegatte, S., & Corfee-Morlot, J. (2011). Understanding climate change impacts, vulnerability and adaptation at city scale: An introduction. Climatic Change, 104(1), 1-12

26. Howard, J. (2009). Climate change mitigation and adaptation in developed nations: A critical perspective on the adaptation turn in urban climate planning. In S. Davoudi, J. Crawford, & A. Mehmood (Eds.), Planning for Climate Change: Strategies for Mitigation and Adaptation for Spatial Planners (pp. 19-33). Earthscan, London.

27. ICLEI. (2011). Financing the Resilient City: A demand driven approach to development, disaster risk reduction and climate adaptation. An ICLEI White Paper, ICLEI Global Report. International Council for Local Environmental Initiatives (ICLEI), Bonn. 28. IPCC. (2012). Managing the Risks of Extreme Events and Disasters to Advance Climate Change Adaptation (C. B. Field, V. Barros, T. F. Stocker, D. Qin, D. J. Dokken, K. L. Ebi, … P. M. Midgley, eds.). Cambridge University Press. Cambridge.

29. IPCC. (2014). Climate Change 2014: Impacts, Adaptation, and Vulnerability (C. B. Field, V. R. Barros, D. J. Dokken, K. J. Mach, M. D. Mastrandrea, T. E. Bilir, … L. L. White, eds.). Cambridge University Press, Cambridge and New York.

30. Kane, S., & Shogren, J. F. (2000). Linking Adaptation and Mitigation in Climate Change Policy. Climatic Change, 45(1), 75-102.

 31. McGranahan, G., Balk, D., & Anderson, B. (2007). The rising tide: Assessing the risks of climate change and human settlements in low elevation coastal zones. Environment and Urbanization, 19(1), 17-37.

 32. Meerow, S., Newell, J. P., & Stults, M. (2016). Defining urban resilience: A review. Landscape and Urban Planning, 147, 38-49.

33. Pelling, M. (2012). The vulnerability of cities: Natural disasters and social resilience. London: Routledge.

34. A. (1998). Rethinking the role of adaptation in climate policy. Global Environmental Change, 8(2), 159-170.

35. Pizarro, R. (2009). Urban form and climate change: towards appropriate development patterns to mitigate and adapt to global warming. In S. Davoudi, J. Crawford, & A. Mehmood (Eds.), Planning for Climate Change: Strategies for Mitigation and Adaptation for Spatial Planners (pp. 33-46). Earthscan, London.

 36. Ratti, C., & Claudel, M. (2016). The city of tomorrow: Sensors, networks, hackers, and the future of urban life. Yale University Press, London & New York.

37. Romero-Lankao, P., & Dodman, D. (2011). Cities in transition: transforming urban centers from hotbeds of GHG emissions and vulnerability to seedbeds of sustainability and resilience: Introduction and Editorial overview. Current Opinion in Environmental Sustainability, 3(3), 113-120.

38. Romero-Lankao, P., & Qin, H. (2011). Conceptualizing urban vulnerability to global climate and environmental change. Current Opinion in Environmental Sustainability, 3(3), 142- 149.

39. Rosenzweig, C., Bader, D., & Ali, S. (2014). Enhancing Climate Change Resilience in Urban Areas. GIZ, Bonn.

40. Rosenzweig, C., Solecki, W. D., Hammer, S. A., & Mehrotra, S. (2011). Climate change and cities: First assessment report of the urban climate change research network. Cambridge University Press, Cambridge.

41. Ruth, M., & Baklanov, A. (2012). Urban climate science, planning, policy and investment challenges. Urban Climate, 1, 1-3. 42. Sassen, S. (2018). Cities in a World Economy. Sage Publications.

 43. Savage, V. R. (2010). Sustaining Cities with Climate Change: Is there a Future for Human Livelihood. In G. L. Ooi & B. Yuen (Eds.), World Cities: Achieving Liveablility and Vibrancy (pp. 211-240). World Scientific, Singapore.

 44. Simon, D. (2007). Cities and global environmental change: Exploring the links. The Geographical Journal, 173(1), 75-79.

45. Smit, B., & Pilifosova, O. (2003). Adaptation to Climate Change in the Context of Sustainable Development and Equity. Sustainable Development, 8(9), 1-9.

46. Smith, K. (1996). Environmental Hazards: Assessing Risk and Reducing Disaster. Routledge, London.

47. Storch, H., & Downes, N. K. (2010). Ho Chi Minh City: Opportunities for adaptation via spatial planning strategies. Deltas in Times of Climate Change - Connecting World Science and International conference Rotterdam, the Netherlands 29 September-1 October 2010, Abstracts Scientific Programme Deltas in Depth.

48. Suzuki, H., Dastur, A., Moffatt, S., Yabuki, N., & Maruyama, H. (2010). Eco2 Cities: Ecological cities as economic cities. World Bank, Washington, D.C. 49. UN-DESA. (2012). World Urbanization Prospects: The 2011 Revision. United Nations Department of Economic and Social Affairs (UN-DESA), New York.

 50. WB. (2009). The World Bank urban and local government strategy: Concept and issues note. World Bank (WB), Washington, D.C. 51. WB. (2011). Guide to Climate Change Adaptation in Cities. World Bank (WB), Washington, D.C.

52. WB. (2014). Cần Thơ, Việt Nam: Tăng cường khả năng thích ứng của đô thị. Chương trình Đô thị thích ứng Biến Đổi khí hậu. Ngân hàng Thế giới (WB), Washington, D.C.

53. WB. (2020). Net-Worked: Towards urban Resilience and Economic growth in Vietnam’s Mekong Delta. World Bank (WB), Washington, D.C.

 54. WEF. (2018). The Global Risks Report 2018. Insight Report. World Economic Forum (WEF), Geneva

55. Welle, T., Birkmann, J., Rhyner, J., Witting, M., & Wolfertz, J. (2012). World Risk Index 2012: Concept, Updating and Results. In Alliance Development Works (Ed.), WorldRiskReport 2012: Environmental Degradation and Disasters (pp. 11-26). United Nations University Press, Berlin.

 56. Wilbanks, T. J. (2011). Overview: Climate change adaptation in the urban environment. In J. D. Ford & L. Berrang-Ford (Eds.), Climate Change Adaptation in Developed Nations: From Theory to Practice (pp. 281-288). Advances in Global Change Research, New York.

57. WWF. (2009). Mega-stress for Mega Cities: A Climate Vunerability Ranking of Major Coastal Cities in Asia. World Wild Fund for Nature (WWF), Gland

* Thạc sĩ, Nghiên cứu viên, Đại học KHXH&NV, ĐHQGHCM, email: duongtruongphuc@gmail.com

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.