Tăng cường quản lý chất lượng môi trường không khí
MTXD - Để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch quốc gia quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng môi trường không khí ở nước ta thời gian tới.
Ô nhiễm khói bụi tại các nhà máy gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống người dân. (Ảnh ANH SƠN)
Theo báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam giai đoạn 2016-2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, ô nhiễm không khí ở nước ta tiếp tục là một trong các vấn đề đáng lo ngại. Môi trường không khí bị ô nhiễm chủ yếu là bụi (TSP, PM10, PM2.5), nhất là ô nhiễm bụi ở các đô thị lớn, ở một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp, một số khu vực khai thác khoáng sản và ở một số làng nghề. Đáng lo ngại, tình trạng ô nhiễm bụi (TSP, PM10, PM2.5) đang xảy ra ở nhiều đô thị nước ta.
Đặc biệt là các đô thị lớn, giá trị trung bình năm của bụi PM10, PM2.5 tại tất cả các trạm quan trắc không khí tự động của Hà Nội, giai đoạn 2018-2020 đều vượt trị số cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT gấp từ 1,1 đến 2,2 lần. Ngoài ra, tại các đô thị lớn ở miền bắc, như Hà Nội, số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức kém và xấu, chiếm khoảng 30,5% tổng số ngày quan trắc, trong đó có một số ngày có AQI suy giảm tới mức rất xấu (AQI = 201- 300)…
Đối với ô nhiễm không khí chung quanh các khu công nghiệp và cụm công nghiệp cho thấy: nồng độ bụi TSP đều vượt ngưỡng cho phép theo QCVN 05: 2013/BTNMT. Các ngành sản xuất điện than, công nghiệp sản xuất và chế biến vật liệu xây dựng, hoạt động khai thác khoáng sản phát sinh nhiều bụi nhất và gây ra ô nhiễm bụi nặng cho các vùng chung quanh.
Trong khi tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại làng nghề vẫn chưa được kiểm soát, do công nghệ sản xuất lạc hậu, chưa đầu tư thích đáng cho xử lý nguồn thải, nhiên liệu thường dùng là than chất lượng thấp. Hiện tại, cả nước có 47 làng nghề bị ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng, chủ yếu tập trung tại khu vực miền bắc. Tuy nhiên, chất lượng môi trường không khí nông thôn, các đô thị nhỏ nhìn chung còn tương đối tốt. Nồng độ các chất ô nhiễm không khí đều nằm trong ngưỡng cho phép của QCVN 05: 2013/BTNMT.
Các chuyên gia lĩnh vực môi trường cho rằng: nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường không khí ở nước ta thời gian qua là do Việt Nam đang trong giai đoạn công nghiệp hóa, nhất là thuộc lĩnh vực gia công, chế biến như: giấy, dệt nhuộm, thuộc da, khai thác và chế biến khoáng sản, hóa chất, nhiệt điện... tiềm ẩn khả năng gây ô nhiễm môi trường.
Ngành giao thông vận tải phát triển nhanh chóng đã gây ra nguồn thải ô nhiễm không khí rất lớn, nhất là tại các đô thị lớn. Theo số liệu thống kê, hiện tại cả nước có khoảng hơn 3,5 triệu ô-tô, hơn 45 triệu xe gắn máy đang lưu hành. Chỉ tính riêng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã có khoảng 12 triệu xe máy lưu thông hằng ngày, chưa tính đến các phương tiện giao thông của người dân từ các địa phương đi qua.
Tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề tiếp tục gia tăng, do công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề chưa được quan tâm đúng mức thời gian qua. Ngoài ra, vào thời vụ thu hoạch nông nghiệp, chất lượng không khí tại một số địa phương có xu hướng suy giảm, nhất là xảy ra vào ban đêm, một trong những nguyên nhân chính là do hiện tượng đốt rơm rạ đang diễn ra phổ biến trong giai đoạn thu hoạch lúa, bụi mịn PM2.5 bắt đầu tăng từ khoảng 18 giờ đến 1 giờ sáng hôm sau, vượt trị số tiêu chuẩn cho phép gấp từ hai đến năm lần.
Theo Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân: Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch quốc gia quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu tăng cường công tác quản lý chất lượng môi trường không khí thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải, giám sát chất lượng không khí chung quanh, cảnh báo, dự báo chất lượng không khí nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí và bảo đảm sức khỏe cộng đồng.
Để triển khai thực hiện, cụ thể hóa các nội dung kế hoạch đề ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung nghiên cứu ban hành quy định về quản lý chất lượng môi trường không khí theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; tiến hành rà soát, sửa đổi và xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn quốc gia về quản lý chất lượng không khí và khí thải cho các ngành sản xuất và phương tiện giao thông vận tải. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp Bộ Giao thông vận tải rà soát các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường đối với khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam…
Mặt khác, Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung đầu tư, hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý và tiếp nhận số liệu quan trắc khí thải tự động, đáp ứng các yêu cầu quản lý mới tại các Sở Tài nguyên và Môi trường. Thiết lập các điểm quan trắc môi trường không khí theo quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về chất lượng môi trường không khí chung quanh ở các đô thị đặc biệt và đô thị loại I trở lên; khuyến khích đầu tư cho nghiên cứu khoa học nhằm đổi mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất và hiệu quả sử dụng nhiên liệu trong các ngành công nghiệp để giảm đến mức thấp nhất phát sinh khí thải…
Các chuyên gia môi trường cũng đề nghị chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cần tập trung kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các nguồn thải ô nhiễm bụi phát sinh từ các hoạt động xây dựng mới, sửa chữa các công trình nhà cửa, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn thải công nghiệp, áp dụng các biện pháp kỹ thuật xử lý bụi phát sinh từ sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp ở bên trong và chung quanh các khu vực đô thị.
Tiếp tục huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng, các cơ sở sản xuất, tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ môi trường không khí nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung. Tăng mật độ cây xanh trong các đô thị, nhất là trồng thêm cây trên các đường phố, mở rộng các công viên; vận động, khuyến khích người dân thực hiện các giải pháp sử dụng các phụ phẩm từ nông nghiệp nhằm hạn chế việc đốt bỏ gây phát tán chất ô nhiễm và bụi ra môi trường không khí.
Theo NHANDAN.VN
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.