Tăng trưởng tín dụng xanh thúc đẩy Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững

MTXD - Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tài chính xanh có thể giúp ngăn chặn biến đổi khí hậu bằng cách tài trợ cho các dự án năng lượng hiệu quả và năng lượng tái tạo, cũng như hỗ trợ phát triển các công trình xanh, từ đó thúc đẩy phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.

MTXD - Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tài chính xanh có thể giúp ngăn chặn biến đổi khí hậu bằng cách tài trợ cho các dự án năng lượng hiệu quả và năng lượng tái tạo, cũng như hỗ trợ phát triển các công trình xanh, từ đó thúc đẩy phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.

Mỗi năm, trung bình thảm rừng ven biển Tây của tỉnh Cà Mau bị cuốn mất khoảng 50m lấn sâu vào bên trong. Cá biệt, nhiều đoạn mất khoảng 10m/tháng. Ảnh tư liệu: Trọng Đạt/TTXVN

Mỗi năm, trung bình thảm rừng ven biển Tây của tỉnh Cà Mau bị cuốn mất khoảng 50m lấn sâu vào bên trong. Cá biệt, nhiều đoạn mất khoảng 10m/tháng. Ảnh tư liệu: Trọng Đạt/TTXVN

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu. Mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu đã và đang bắt đầu tác động đến khu vực này, nhất là tình trạng xâm nhập mặn và lũ lụt ngày càng phổ biến. Điều này đang có tác động tàn phá đến người dân sống ở Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như môi trường nơi đây. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tài chính xanh có thể giúp ngăn chặn biến đổi khí hậu bằng cách tài trợ cho các dự án năng lượng hiệu quả và năng lượng tái tạo, cũng như hỗ trợ phát triển các công trình xanh, từ đó thúc đẩy phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.

Quy mô tín dụng xanh còn thấp

Hoạt động tín dụng xanh tại Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua chủ yếu tập trung đầu tư vào các dự án, chương trình, mô hình thuộc lĩnh vực nông nghiệp xanh; nước sạch và vệ sinh môi trường; năng lượng sạch; phát triển mô hình sản xuất - kinh doanh nông sản - thủy sản; mô hình du lịch sinh thái nhà - vườn; … hỗ trợ cho chiến lược tăng trưởng xanh của vùng. Hoạt động này chủ yếu thể hiện qua việc cung ứng vốn cho các doanh nghiệp hay cá nhân thông qua việc đánh giá và quản lý rủi ro của các chương trình, dự án đầu tư, trong đó có rủi ro môi trường.

Thạc sỹ Nguyễn Quốc Bình, Khoa Tài chính-Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh-Phân hiệu Vĩnh Long chia sẻ, kết quả khảo sát tình hình hoạt động tín dụng của ngành ngân hàng tại 5 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long (An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang và Sóc Trăng) cho thấy, thị trường tín dụng xanh tại các địa bàn này đã được thúc đẩy phát triển từ năm 2016. Các khoản vay chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp sạch như nâng cao chất lượng và an toàn cho sản phẩm nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu; du lịch sinh thái, xây dựng khách sạn; các chương trình tín dụng tạo sinh kế và nâng cao mức sống của người dân; chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nhằm xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Lãi suất giảm từ 0,5 – 1,5%/năm so với lãi suất ưu đãi cho vay thông thường.

Giai đoạn 2016 - 2021, tăng trưởng tín dụng xanh đã tăng từ 3.722 tỷ đồng vào cuối năm 2016 lên 13.131 tỷ đồng vào cuối năm 2021. Tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh luôn cao hơn so với tăng trưởng của tổng dư nợ tín dụng, tăng trưởng bình quân đạt 30,32%, tương ứng với tăng 1.882 tỷ đồng/năm. Mặc dù có sự tăng trưởng cao qua các năm nhưng quy mô tín dụng xanh vẫn còn thấp so với tổng dư nợ tín dụng. Tính riêng trong năm 2021, dư nợ tín dụng của 5 tỉnh này đạt 286.696 tỷ đồng. Tuy nhiên, quy mô tín dụng xanh chỉ chiếm 4,58% tổng dư nợ, tương ứng với 13.131 tỷ đồng. Các khoản vay tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh (chiếm 46,57%), lĩnh vực quản lý nước sạch và vệ sinh môi trường bao gồm nguồn vốn Trung ương và địa phương (chiếm 25,53%).

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Vĩnh Long Lý Nhật Trường cho biết, việc phát triển tín dụng xanh hiện gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là tiêu chí xanh hiện chưa được đề cập đầy đủ trong khuôn khổ pháp luật điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng hiện hành về hoạt động cho vay, bảo lãnh, chiết khấu... Điều này dẫn tới khó khăn cho các Ngân hàng thương mại trong việc triển khai thực hiện lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh. Đồng thời, lĩnh vực xanh hiện vẫn thiếu khuôn khổ pháp lý, các tiêu chí đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường để hỗ trợ xây dựng chính sách, sản phẩm phát triển tín dụng xanh.

Bên cạnh đó, nhận thức và năng lực của các tổ chức tín dụng trong phát triển các sản phẩm tín dụng xanh mới ở bước đầu và còn hạn chế. Đội ngũ nhân viên ngân hàng chưa được đào tạo chuyên sâu, bài bản trong thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Mặt khác, cho vay lĩnh vực tín dụng xanh về cơ bản chưa có sự khác biệt với các khoản vay khác của ngân hàng, chưa có cơ chế ưu đãi rõ ràng, trong khi chi phí đầu tư rất lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài, về lãi suất cho vay các dự án xanh chưa có sự khác biệt nhiều so với một số lĩnh vực ưu tiên khác.

Cần đặt tiêu chuẩn môi trường khắt khe với nhà đầu tư

Theo Thạc sỹ Nguyễn Quốc Bình, tại Đồng bằng sông Cửu Long, các hoạt động kinh tế vẫn còn phụ thuộc vào khai thác tài nguyên và sử dụng lao động giá rẻ; chưa có những yếu tố hấp dẫn như năng lực kỹ thuật và môi trường đầu tư tốt để thu hút các dự án công nghệ cao. Nhiều địa phương hiện nay vẫn chủ yếu đặt các ưu tiên cho phát triển kinh tế ngắn hạn hơn là mục tiêu dài hạn mang tính bền vững gắn với vấn đề an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, một số dự án không thân thiện, thậm chí có nguy cơ cao đối với môi trường đã được cấp phép đầu tư mà thiếu sự cân nhắc đầy đủ về bảo vệ môi trường. Nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường buộc chính quyền địa phương phải xử lý trong thời gian qua.

Một trong những khó khăn lớn nhất của việc thực hiện chính sách tín dụng xanh là việc thiếu đi một hệ thống đánh giá đáng tin cậy về các ngành nghề và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường để làm cơ sở phân loại dự án. Đặc biệt là khi nhiều ngành gây ô nhiễm cũng đang là những ngành mang lợi nhuận cao cho nhiều địa phương. Đối với những chương trình, dự án, mô hình này không được đánh giá một cách đầy đủ dễ dẫn đến rủi ro cho hoạt động tín dụng ngân hàng.

“Với vai trò của ngân hàng là cung ứng vốn cho các chủ thể trong nền kinh tế, thông qua đó tạo ra những tác động gián tiếp đến môi trường, khi ngân hàng tăng cường quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cho vay sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất theo hướng sạch hơn. Khi đó, hoạt động tín dụng xanh sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường, tích cực hỗ trợ cộng đồng.”- Thạc sỹ Nguyễn Quốc Bình đề xuất.

Hoàn thiện các quy định về tín dụng xanh

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Vĩnh Long Lý Nhật Trường cho rằng, để phát triển tín dụng xanh trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sớm sửa đổi các quy định hiện hành theo hướng đưa quy định về tín dụng xanh vào các quy định về cho vay, bảo lãnh, xử lý rủi ro, lãi suất... để làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng cụ thể hóa thực hiện. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành quy định về quản lý rủi ro môi trường trong cấp tín dụng của tổ chức tín dụng và đưa tín dụng xanh là một trong những lĩnh vực ưu tiên nhằm có cơ chế ưu đãi về điều kiện, lãi suất.

Đối với các chi nhánh tổ chức tín dụng cần chủ động hơn nữa trong việc triển khai thực hiện đầy đủ các gói sản phẩm tín dụng xanh theo chỉ đạo của hội sở phù hợp với các lĩnh vực thế mạnh của địa phương, nhất là lĩnh vực nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, điện năng lượng mặt trời, các sản phẩm tín dụng tiêu dùng xanh... Đồng thời, các chi nhánh tổ chức tín dụng đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng xanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tiếp cận các gói tín dụng xanh với mức lãi suất hợp lý, phù hợp với điều kiện tại địa phương.

Đặc biệt, việc phát triển tín dụng xanh cần sự phối hợp của các ngành, các cấp trong việc quy hoạch, phát triển đồng bộ các lĩnh vực nông nghiệp xanh, công nghiệp xanh, thương mại dịch vụ xanh... tạo nền tảng vững chắc cho tín dụng xanh phát triển. Đây là vai trò chính của chính quyền địa phương các cấp, căn cứ vào các chính sách của Chính phủ để tham mưu thực hiện quy hoạch, phát triển các dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.

Theo Phạm Minh Tuấn (TTXVN)

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.