Tạo dựng không gian sinh thái công cộng ven bờ sông Hồng Hà Nội

MTXD - Hà Nội đang trong quá trình xây dựng và cải tạo vùng ven sông Hồng để hướng tới một không gian sinh thái công cộng, tạo điểm nhấn cho bản sắc của Thủ đô, hướng tới “Vì một Hà Nội đáng sống”. Một trong số đó là “Dự án cải tạo bờ vở sông Hồng” tại ngách 43/32 ngõ Bạch Đằng, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Dự án này hiện nay vẫn tiếp tục được triển khai bởi các cấp chính quyền, các doanh nghiệp và đặc biệt là sự tham gia của cộng đồng địa phương.

MTXD - Hà Nội đang trong quá trình xây dựng và cải tạo vùng ven sông Hồng để hướng tới một không gian sinh thái công cộng, tạo điểm nhấn cho bản sắc của Thủ đô, hướng tới “Vì một Hà Nội đáng sống”. Một trong số đó là “Dự án cải tạo bờ vở sông Hồng” tại ngách 43/32 ngõ Bạch Đằng, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Dự án này hiện nay vẫn tiếp tục được triển khai bởi các cấp chính quyền, các doanh nghiệp và đặc biệt là sự tham gia của cộng đồng địa phương. Người dân là những chủ nhân của không gian sống này. vì vậy sự tham gia kiến tạo không gian sinh thái công cộng của họ sẽ góp phần thành công cho dự án nói riêng và đem lại không gian sống sinh thái cho chính cuộc sống của họ.

Ảnh Internet

1 Đặt vấn đề

Hà Nội đã xây dựng và công bố đồ án Phân khu đô thị sông Hồng vào ngày 5/4/2022. Theo trả lời của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn với báo chí thì: “Trước đây hay nói là chúng ta quay lưng với sông Hồng, thì ngày nay sẽ quay mặt ra sông Hồng để kiến tạo không gian giá trị của một trục không gian, hành lang xanh quan trọng”. Như vậy, tính chất và chức năng chính của quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là trục không gian cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm.

Chức năng chính của khu vực này, theo bản quy hoạch, là công trình công cộng; Khu đô thị mới, khu đô thị sinh thái, các công viên cây xanh; văn hoá dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của thủ đô, phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch. Trong quá trình tiến tới xây dựng Phân khu đô thị sông Hồng, đã có một số công trình, dự án do các đơn vị tổ chức chính thức và phi chính thức triển khai ven bờ sông Hồng trên địa bàn Hà Nội, nhằm tạo ra không gian sinh thái cộng đồng, tạo điểm nhấn cho bản sắc của Thủ đô, hướng tới “vì một Hà Nội đáng sống”.

Một trong số đó là “Dự án cải tạo bờ vở sông Hồng” tại ngách 43/32 ngõ Bạch Đằng, nằm ngay sát bờ sông. Trước năm 2021, khu vực này là một bãi rác tự phát do nhiều hộ dân ở đó thải ra. Thành phố giao cho UBND phường Chương Dương kết hợp với một số doanh nghiệp xã hội, với sự tài trợ của Đại sứ quán Đan Mạch và công ty Ford Việt Nam, thực hiện các hoạt động, nhằm biến “bãi rác” thành một không gian xanh đa chức năng cho cộng đồng. Dự án có các hoạt động:

1. Dọn sạch rác tích tụ nhiều năm và tập huấn cho cộng đồng về lối sống không rác thải, phân loại rác, ủ rác hữu cơ và quản lý rác.

2. Xử lý ô nhiễm nước thải sinh hoạt bằng phương pháp sinh học;

3. Làm vườn rừng theo hướng kết hợp giữa vườn cộng đồng và cây che;

4. Làm sân chơi cho trẻ em;

5. Làm đường kết nối giữa cộng đồng và không gian xanh, vừa chống lần chiếm đất thoát lũ vừa đảm bảo an toàn cho người dân tiếp cận không gian xanh.

Sau hơn 1 năm triển khai từ đầu năm 2022, dự án đã hoàn thiện, tạo nên một “Vườn rừng cộng đồng” đầu tiên của Thành phố Hà Nội. Cho đến nay, công việc tái thiết mở rộng vườn rừng vẫn đang được tiếp tục hoàn thiện bởi các bên tham gia.

Để có được kết quả này là công sức của các tổ chức xã hội trực tiếp tham gia, thiết kế, vận hành, thực hiện dự án và sự ủng hộ của chính quyền địa phương trên các phương diện hành chính. Theo viễn cảnh mà dự án đề ra, không gian công cộng sinh thái này sẽ góp phần giúp người dân phường Chương Dương có thể tận hưởng không gian mới, xanh, sạch và đẹp. Vì là dự án làm để cho dân, vì dân, do vậy, trước khi triển khai, cộng đồng là yếu tổ quan trọng không thể bỏ qua. Nhận thức đượcđiều đó, ban tổ chức dự án đã triển khai nhiều cuộc họp cộng đồng để lấy ý kiến cư dân. Trong quá trình triển khai, mở rộng, dự án luôn lấy cộng đồng là nhân tố chính. “Cộng đồng” luôn là cụm từ được nhấn mạnh, là đối tượng mà dự án hướng tới với mong muốn cộng đồng cùng chung tay tham gia, sáng tạo, hưởng thụ và bảo vệ khu vườn rừng này.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1 Khái niệm cộng đồng

“Cộng đồng” là một khái niệm được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu khoa học. Thuật ngữ “cộng đồng” bắt nguồn từ gốc tiếng Latin là “coummunitas” với nghĩa là toàn bộ tín đồ của một tôn giáo hay toàn bộ những người đi theo một thủ lĩnh nào đó. Ngày nay, do là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học khác nhau nên “cộng đồng” cũng được tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau và cách thức định nghĩa về khái niệm này cũng không giống nhau.

Theo từ điển bách khoa mở Wikipedia thì đến giữa thập niên 50 của thế kỉ trước đã có 94 định nghĩa khác nhau về cộng đồng. Tuy tiếp cận và định nghĩa theo những cách thức khác nhau, nhưng nhìn chung giới nghiên cứu xã hội học phương Tây đều ghi nhận ảnh hướng có tính phương pháp luận của nhà xã hội học người Đức là Ferdinand Toennies trong công trình “Gemeinchaft und Gesellschaft” (Cộng đồng và hiệp hội) xuất bản tại Đức năm 1887. Theo ông, cộng đồng là một thực thể xã hội có độ gắn kết và bền vững, đặc trưng bởi sự đồng thuận về ý chí. Ý thức cộng đồngđược hình thành trên cơ sở của mỗi thành viên cảm nhận mình là một bộ phận của cộng đồng. Cho đến nay, dù tiếp cận và định nghĩa cộng đồng khác nhau, nhưng giới nghiên cứu đều cho rằng cộng đồng trước hết là những nhóm xã hội của con người có những tương tác với nhau, cùng chia sẻ cái chung nào đó...tạo nên sự gắn kết xã hội.

Cộng đồng đóng vai trò chủ thể của mọi hoạt động tại địa phương. Vai trò chủ thể được thể hiện ở việc các thành viên trong cộng đồng là người chủ động, tích cực và quyết định các hoạt động của cộng đồng. Bởi vì họ: - Hiểu rõ nhất về cộng đồng của họ, biết các khó khăn, thách thức và mong muốn của mình; - Hiểu tiềm năng, lợi thế; - Biết cách huy động và gắn kết các thành viên trong cộng đồng lại với nhau. Cộng đồng chịu trách nhiệm về kết quả các hoạt động của họ.

Các tổ chức doanh nghiệp xã hội họp cộng đồng để đưa ra phương án xây dựng vườn rừng…

2.2 Cộng đồng tham gia kiến tạo khu vườn rừng cộng đồng

2.2.1 Bối cảnh của việc xây dựng dự án cải tạo bờ vở sông Hồng

Dự án cải tạo bờ vở sông Hồng gắn với chủ trương quy hoạch chung của Thủ đô. Dự án này nằm trong chuỗi quy hoạch cải tạo cả bãi giữa sông Hồng. Theo ông Phạm Tuấn Long, chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm thì: “Phát triển các không gian bãi giữa, bãi bồi nhằm phục vụ nhu cầu cộng đồng của quận nhằm cụ thể hóa định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch phân khu sông Hồng vừa được thành phố phê duyệt. Để triển khai đề án này, quận Hoàn Kiếm đang tiếp tục xin ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và phối hợp với các bộ, ngành, Trung ương, ý kiến của cộng đồng góp ý trước khi trình thành phố và các bộ, ngành phê duyệt.” Cũng theo ông thì hiện nay, tại khu vực trung tâm rất thiếu không gian công cộng, nhất là các không gian văn hóa đáp ứng nhu cầu vui chơi và thể thao, triển lãm nghệ thuật của người dân.

Với lợi thế về giao thông đường sông, cảnh quan mặt nước và cây xanh, khu vực bãi giữa, bãi bồi sông Hồng là điều kiện tốt để phát triển các không gian, nhằm phục vụ nhu cầu cộng đồng. Khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, thuộc địa bàn phường Chương Dương và Phúc Tân, với diện tích khoảng 23ha, nằm chủ yếu trên địa bàn phường Phúc Tân, một phần (khoảng 1ha) thuộc địa phận quận Long Biên. Trong thời gian qua, cùng với việc khảo sát để tiếp tục mở rộng các dự án làm sạch sông Hồng trên địa bàn, UBND quận Hoàn Kiếm đang hướng tới mục tiêu phát triển bãi giữa, bãi ven sông Hồng thành công viên văn hóa, du lịch của Thủ đô. Trong đó, khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng, đầu tư cải tạo khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông thành công viên văn hóa du lịch, định hướng lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch hấp dẫn du khách.

Dự án cải tạo bờ vở sông Hồng cũng nằm trong chủ trương ấy. Bờ vở sông Hồng là khu vực tiếp giáp lòng sông và được người dân sử dụng như một hành lang đê điều bảo vệ nội thành Hà Nội. Hơn 10 năm nay, do mực nước sông Hồng ít lên cao, khu vực hệ sinh thái nơi đây dần trở thành những khu đất hoang, bãi đổ trộm phế thải, rác thải sinh hoạt của người dân, gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của cộng đồng nơi đây.

Nhằm góp phần cải tạo không gian sống thân thiện, trong lành và bền vững, mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” đã khởi xướng chương trình cải tạo môi trường tại bờ vở sông Hồng. Dự án nhận được sự tài trợ của Đại sứ quán Đan Mạch, Công ty Ford Việt Nam và do 4 tổ chức thực hiện là doanh nghiệp xã hội Sân chơi trong phố (Think Playgrounds), doanh nghiệp xã hội ECUE, tổ chức phi lợi nhuận Keep Hanoi Clean và Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR).

Chương trình cải tạo môi trường bờ vở sông Hồng bao gồm các hoạt động đa dạng như dọn rác thải, xử lý nước thải, trồng cây, làm vườn rừng, xây dựng sân chơi cộng đồng… Dự án đã được thực hiện thí điểm tại khu vực ngách 43/32 Bạch Đằng thuộc tổ dân phố phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội.

Dự án tạo nên một không gian vừa vui chơi vừa trồng cây xanh, trồng rau… Ảnh internet

Sân chơi cộng đồng ở khu vực bờ vở sông Hồng được thiết kế với nhiều hạng mục, thiết bị vui chơi khác nhau, vừa đảm bảo an toàn, vừa hấp dẫn trẻ nhỏ. Đặc biệt, tất cả những thiết bị chơi tại đây đều được làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường thiên nhiên, tạo điều kiện cho con người được giao tiếp với nhau và giao tiếp với thiên nhiên. Cùng với đó, quận sẽ tôn tạo không gian xanh, cảnh quan, mặt nước, giải quyết vấn đề lấn chiếm đất bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng, vi phạm trật tự xây dựng, cải thiện vệ sinh môi trường.

2.2.2 Sự tham gia của cộng đồng

Dự án bờ vở sông Hồng cho đến thời điểm hiện tại vẫn đang tiếp tục được quy hoạch, cải tạo. Mặc dù có sự điều phối của các tổ chức, doanh nghiệp về mặt hành chính, chuyên môn nhưng yếu tố cộng đồng vẫn được đặt lên hàng đầu. Không gian công cộng trước hết thuộc về người dân, và họ chính là chủ nhân của chính không gian của mình. Do vậy mà các tổ chức tham gia đã hết sức chú trọng đến sự tham gia của người dân từ việc tham khảo ý kiến cộng đồng về quy hoạch cải tạo không gian của họ thế nào, ra sao, họ mong muốn gì về không gian đó. Trong suốt quá trình xây dựng công viên cộng đồng, vườn rừng cộng đồng, người dân từ chỗ được khuyến khích tham gia đã chủ động tham gia khi ý thức được mình là chủ của không gian đó.

Think Play Ground là đơn vị tổ chức chính phụ trách về việc phát triển vườn rừng cộng đồng ở đây. Think Play Grounds (TPG) thành lập năm 2014, khởi đầu hành trình là một nhóm tình nguyện với mong muốn kiến tạo sân chơi cho trẻ em trong các đô thị ở Việt Nam Đến năm 2016, nhóm TPG quyết định thành lập doanh nghiệp xã hội để tiếp tục thực hiện sứ mệnh của nhóm một cách hiệu quả và bền vững với mảng kinh doanh trong đó 51% lợi nhuận tái đầu tư cho cộng đồng như xây dựng các sân chơi mới hoặc hỗ trợ duy trì các sân chơi hiện có. Tính đến năm 2020, TPG đã cùng với cộng đồng xây dựng hơn 200 sân chơi, vườn cộng đồng và cải tạo không gian công cộng thân thiện trên khắp Việt Nam.

Với dự án xây dựng vườn rừng cộng đồng tại bờ vở sông Hồng, nhóm đã đầu tư nhiều thời gian và tâm huyết. Nhóm đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp cộng đồng để lấy ý kiến, tham vấn từ phía người dân. Các cuộc họp lúc thì diễn ra ở UBND phường, lúc thì ngay chính tại cộng đồng sở tại. Trong mỗi cuộc họp, nhóm đềuđưa ra các ý kiến, các mô hình để lắng nghe sự phản hồi của người dân. Mọi ý kiến của người dân đều được tôn trọng và ghi chép cẩn thận. Tại cuộc họp, nhóm luôn mời tới các tổ chức, doanh nghiệp khác tới tư vấn, hỗ trợ người dân những thông tin thiết yếu trong việc phát triển xây dựng không gian công cộng. Đó có thể là buổi họp cộng đồng giữa tổ chức @Trigger (UK), nhóm nghệ sỹ Bà Bầu, Nhà Sàn Collective với bà con vào ngày cận Tết nguyên đán 2023, hay kết hợp với Hội phụ nữ phường và các tình nguyện viên câu lạc bộ True Action về phương án điện nước cũng như tìm kiếm và ươm trồng các loài bản địa cho khu vườn…

Tại các cuộc họp, người dân được bầy tỏ ý kiến một cách dân chủ, công khai, minh bạch để cùng các đơn vị tổ chức tháo gỡ, giải quyết những khó khăn. Chính vì có sự cộng tác của cộng đồng mà vườn rừng đã được hình thành và ngày càng phát triển, trở thành điểm đến của nhân dân trên địa bàn. Công viên rừng đang dần trở thành trung tâm cộng đồng với rất nhiều hoạt động tình nguyện của học sinh và cộng đồng dân cư tại đây. Câu lạc bộ True Action vẫn đang tiếp tục cùng TPG và Hội phụ nữ hỗ trợ các hoạt động quản lý và tình nguyện tại công viên. Nhóm đã tổ chức nhiều hoạt động, nhằm gắn kết cộng đồng với không gian mình đang sống. Cụ thể là vào các ngày cuối tuần, nhóm đã phát động những buổi tình nguyện nho nhỏ, huy động người dân tham gia nhặt rác, trồng cây, tưới cây, ủ phân, lắp đặt dụng cụ cho sân chơi…

Chính những hoạt động làm cho người dân thêm yêu, thêm gắn bó với không gian sống của mình hơn và từ đó họ có ý thức bảo vệ, chăm sóc khu vườn rừng cộng đồng đó hơn. Trong giai đoạn 2 của Dự án, nhóm đã đưa vào mô hình khu vườn giác quan. Theo người đồng sáng lập Think Playgrounds thì việc đưa vườn giác quan vào trong giai đoạn 2 dự án Công viên rừng Bờ Vở là một ví dụ cho cộng đồng, trẻ em và người dân Hà Nội thấy được một mô hình mới, hay nói cách khác là cách tư duy mới mà chúng ta đối xử với không gian công cộng, thông qua ngôn ngữ thiết kế Omniscape. Omniscape là một cách mà các nhà quy hoạch Nhật Bản ứng dụng để tạo nên mối liên kết giữa con người với thiên nhiên, đặc biệt là trong không gian đô thị. Việc chọn cây trồng đã được các chuyên gia tính toán kỹ lưỡng, nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện môi trường cũng như duy trì các giống bản địa.

Anh Lê Quang Bình, điều phối viên của mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” cho rằng đây là một hoạt động dựa vào cộng đồng rất nhiều: “Chúng tôi kết hợp với chính quyền địa phương mở ra một cơ hội để cho các bên yêu môi trường, yêu thiên nhiên tham gia cùng chung tay. Ngoài việc giúp cải thiện môi trường, cải thiện kết nối giữa con người và thiên nhiên nó cũng là cơ hội để các bên hợp tác với nhau giải quyết vấn đề chung”.

Phần lớn quá trình kiến thiết khu vườn đô thị tập trung nhiều vào việc trao đổi và tập huấn cùng cộng đồng về cách thức vận hành và quản lý vườn cộng đồng. TPG thường mời các nhóm phụ nữ làm nhóm nòng cốt cho việc xây dựng các khu vườn. Đây là nhóm có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng rau (do nhiều người xuất phát từ vùng nông thôn, thực hành trồng rau tại gia đình…) và nhận thấy được lợi ích của việc hình thành những khu vườn cộng đồng trong khu dân cư.

Quá trình xây dựng vườn cộng đồng là một cơ hội để gắn kết các thế hệ trong cộng đồng cùng tham gia, bên cạnh nhóm phụ nữ nòng cốt, những người đàn ông trong khu dân cư, thanh niên tình nguyện, trẻ em đều cùng tham gia được vào các công việc đa dạng trong khu vườn như làm bồn cây, đổ đất, trồng cây, trang trí cho khu vườn… Chính từ những buổi làm vườn này, những kinh nghiệm được chia sẻ, những kế hoạch trồng trọt được hình thành để rồi ai cũng cảm thấy mình là một phần của khu vườn và cùng có trách nhiệm quản lý khu vườn đó.

3. Kết luận

Để tạo nên một thành phố, một khu phố đáng sống, một đô thị “vị nhân sinh” thì không thể không có hoạt động của con người trong những không gian công cộng, đặc biệt là những không gian cho những nhu cầu sinh hoạt hàng ngày cũng như nhu cầu giao tiếp xã hội của người dân. Việc xây dựng khu vườn rừng cộng đồng với sự tham gia của cộng đồng từ ý tưởng đến các hoạt động thực hành đã gắn kết con người lại với nhau và tạo nên một không gian sinh thái nhân văn của Hà Nội.

TS. LÊ VIỆT LIÊN

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Văn An, Ngô Tùng Đức và các cộng sự (2016), Sổ tay hướng dẫn phát triển cộng đồng, Tài liệu dành cho người làm công tác phát triển cộng đồng, Tài liệu do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ xuất bản, Nxb Thanh niên.

2. Asian Development Bank (2012), Tăng cường sự tham gia vì kết quả phát triển, hướng dẫn của Ngân hàng Phát triển châu Á về sự tham gia, đăng trên ww. Adp.org.

3. Vũ Dũng (2009), Ý thức cộng đồng, ý thức dân tộc, ý thức quốc gia, Tạp chí Tâm lý học, số 7, tr 1-10

4. Đỗ Hậu (2008), Quy hoạch xây dựng đô thị với sự tham gia của cộng đồng, Nxb Xây dựng.

5. Đỗ Thanh Hoa (2006), Phát huy vai trò của cộng đồng địa phương phát triển du lịch bền vững, Tạp chí Du lịch Việt Nam, số 12, tr 22-23

*Thông tin tác giả: Địa chỉ liên lạc: Viện Nghiên cứu Văn hóa, 27 Trần Xuân Soạn, HBT, Hà Nội; SĐT: 098 999 2414; Email:levietlien@gmail.com

 

 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.