Tết âu lo bên bờ xóm lở

​MTXD- Tết âm lịch chỉ còn hơn 1 tháng, những hộ dân sống bên bờ các khu vực sạt lở đang hết sức lo lắng, bởi những cơn triều cường đã liếm sát vào bờ tại nhiều khu vực của tỉnh Quảng Ngãi.

MTXD- Tết âm lịch chỉ còn hơn 1 tháng, những hộ dân sống bên bờ các khu vực sạt lở đang hết sức lo lắng, bởi những cơn triều cường đã liếm sát vào bờ tại nhiều khu vực của tỉnh Quảng Ngãi.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Ngãi, hiện toàn tỉnh có 14 vị trí bị sạt lở ở mức độ nguy hiểm, với tổng chiều dài gần 17km. Trong đó, có 3 vị trí sạt lở tại xã Bình Hải, huyện Bình Sơn; Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ và Nghĩa An, TP. Quảng Ngãi là đặc biệt nguy hiểm, với tổng chiều dài khoảng 6km, ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản, mạng của người dân và các công trình dân sinh.

Triều cường gây sạt lở kinh hoàng ở bờ biển Bình Sơn (Quảng Ngãi).

Tại thôn Phổ Trường (xã Nghĩa An, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) đã bị sóng biển gây sạt lở nặng nề. Đáng lo, tình trạng sạt lở ăn sâu vào nền đường tuyến đường ven biển, hàng chục nhà dân đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”. Người dân thôn này đang ngày ngày sống nhao nhác với nỗi lo canh cánh, khi những cơn triều cường ập tới, người mất nhà, kẻ mất đất, người mất miếng ăn, những đứa trẻ sẽ nheo nhóc chỉ vì những cơn sóng vô tình.

Ông Nguyễn Thành Tại (thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An ) xót xa: “Triều cường đến mạnh quá. Nhà tôi sạt mất rồi! Sóng biển ăn sâu vào bờ đến 9 - 10m, các khu vực đã kè đá cũng bị sóng đánh tan nát. Chúng tôi đã cố gắng chèn chống, nhưng không lại với sóng biển”. Không chỉ mình nhà của ông này, hàng chục ngôi nhà khác tại thông này đang nóng hổi với những câu chuyện liên quan tới triều cường. Đi đâu, làm gì họ cũng thăm nhau xung quanh cái chuyện này, rằng nhà bà này sắp sập, vườn nhà ông kia lở gần hết… ai cũng dõi ánh mắt khắc khoải về phía triền sóng.

Chính quyền địa phương cùng lực lượng quân sự và người dân dùng bao cát tạm thời chặn biển xâm thực vào đất liền.

Như trường hợp nhà của bà Võ Thị Ân trước kia xây dựng cách biển vài trăm mét, nhưng mấy năm trở lại đây, sạt lở sâu vào đất ở. Nhà cửa bị sạt lở đe dọa nên không riêng gì gia đình bà, mà hàng chục hộ gia đình khác cũng rơi vào tình thế tương tự, ai cũng rất lo lắng. Phía thấp thỏm bên đất, những ngôi nhà chỉ phân nửa, lạ thay, vẫn còn người ở. Những ngôi nhà còn mỗi góc tường nhô ra giữa bãi, lại trở thành điểm chơi trò cút bắt của đám trẻ con. Ở đây, nhìn tụi nhỏ chơi đùa, người lớn chẳng thể vui theo.

Phía bên mép, nơi những con sóng lớn đang ầm ào đổ vào, lão ngư già cấm cẳn: “Sóng thì ngày càng lớn, đất thì sạt, nhà thì trôi. Mà sao năm nay triều cường về dồn dập thế, chỉ tội người dân ở những làng biển như thế này phải hứng chịu hết thôi!”. Lão ngư này cũng trầm ngâm khi nhớ lại những mùa biển trước, nơi mà bao đời ông ra ngồi với cái cọc buộc thuyền mỗi mùa triều cường lên. Ông bảo cứ tình hình này thì chỉ nội trong mùa triều cường năm nay thôi, chỗ cọc buộc thuyền này cũng chẳng còn nữa. Nhìn lão, thấy hình như có giọt nước trong mắt.

Dọc bờ thôn Phổ Trường (xã Nghĩa An) này dài hàng trăm mét bị xói mòn nặng, nước ăn sâu vào đất liền. Nhiều cây dừa bị đổ ngã trơ gốc, nhiều ngôi nhà xây nằm chênh vênh sát mép biển có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào do triều cường đã khoét sâu vào nền móng. Những con sóng ập vào, lo sợ đất tiếp tục bị cuốn theo triều cường chính quyền địa phương đã huy động cả trăm người đắp đê bao bảo vệ làng xóm. Nhưng tình hình vẫn đang nguy cấp, tốc độ triều cường mạnh hơn, cao hơn cộng với những con sóng lớn hơn đang lớn khoét sâu vào khu dân cư ở đây khiến hàng trăm hộ dân đang sống trong thấp thỏm lo sợ.

Theo bà Phạm Thị Công, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An thông tin, thì hiện tại, hàng trăm mét bờ biển ở khu vực thôn Phổ Trường đã bị sóng đánh sạt lở chỉ còn cách 1-3m là đến tường nhà dân. Trong đó, ảnh hưởng trực tiếp là 4 nhà dân, với 15 nhân khẩu đang sinh sống và có nguy cơ tiếp tục ảnh hưởng đến 29 hộ dân, với 143 nhân khẩu sinh sống liền kề. Bờ biển sạt lở ăn sâu vào tuyến đường bê tông chạy dọc bờ biển, nhiều vị trí sạt lở ăn sâu vào lòng đường, tạo hàm ếch, nguy cơ bị đứt gãy kết cấu bê tông mặt đường.

Trong khi đó, bờ biển xã Bình Hải (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cũng liên tục bị triều cường xâm thực ngày một nhiều thêm. Mỗi năm sóng biển ăn sâu vào đất liền cả chục mét. Đặc biệt, cơn bão số 9 vừa qua đã làm bờ biển ở đây bị sạt lở trên 1,5 km, uy hiếp trực tiếp đến tài sản và tính mạng của 170 hộ dân. Nhiều ngôi nhà đã bị sóng biển đánh sập. Người dân ở đây vẫn mãi loay hoay với chuyện an cư. Mùa triều cường đang rất mạnh, ông Huỳnh Ni (52 tuổi) bùi ngùi: “Giờ gần Tết rồi, bà con lo lắng mất ăn mất ngủ vì triều cường bủa vây uy hiếp nhà cửa, làng xóm. Nhiều nhà dân đã sạt lở không thể ở được. Nếu cứ bám trụ ở đây thì quá nguy hiểm tính mạng nhưng cũng chẳng biết đi đâu. Nhiều gia đình phải dời đi ăn nhờ ở đậu nhà hàng xóm! Tết mà cứ nơm nớp lo lắng như thế này thì còn gì vui!”.

Nhiều nhà dân bị sạt lở đến chân móng, có thể sập bất cứ lúc nào.

Lo sợ đất tiếp tục bị cuốn theo triều cường chính quyền phối hợp với các lực lượng quân sự tại địa phương đã huy động cả trăm người đắp đê bao bảo vệ làng xóm. Nhưng tình hình vẫn đang nguy cấp, tốc độ triều cường mạnh hơn, cao hơn cộng với những con sóng lớn hơn đang lớn khoét sâu vào khu dân cư khiến hàng trăm hộ dân đang sống trong thấp thỏm lo sợ. Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân, tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản đề nghị Trung ương hỗ trợ 705 tỷ đồng để xử lý khẩn cấp 6 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm tại Bình Hải, Bình Thuận, Bình Châu (huyện Bình Sơn), Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ), Nghĩa An, Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi). 

Chính quyền địa phương từ nhiều cấp đã quan tâm lo lắng cho sự an nguy của những người dân sinh sống nơi đây. Trước tình hình này, người dân đã đồng lòng sử dụng hàng trăm bao cát dựng lên bên thành nhà để chắn sóng và hạn chế biển xâm thực, nhưng không hiệu quả. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết địa phương này đã lập hồ sơ đề xuất theo quy định. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh xem xét, quyết định giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, đầu tư khẩn cấp tuyến kè chống sạt lở. Dự kiến, tổng kinh phí đầu tư 750m kè chắn sóng ở khu vực thôn Phổ Trường khoảng 80 tỷ đồng. “UBND tỉnh Quảng Ngãi đã trình Thủ tướng Chính phủ xin đầu tư một số dự án do ảnh hưởng của bão lũ năm 2021. Nếu Trung ương bố trí, sẽ phân bổ để đầu tư đê kè xã Nghĩa An. Nếu không, tỉnh sẽ bỏ vốn từ ngân sách tỉnh đầu tư. Chậm nhất là đến tháng 8/2022 phải hoàn thành tuyến kè, bảo đảm an toàn cho người dân trong mùa mưa bão năm sau”, ông Minh cho biết.

Hy vọng rằng, sẽ sớm có nhiều biện pháp khả thi được triển khai để bờ biển nơi này không bị triều cường nuốt chửng, và đời sống người dân được bình yên lâu dài, trước mắt là một mùa Tết không còn âu lo.

                                                                                                                             MINH NGỌC – TRƯƠNG HUẤN

 

 

 

 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.