Tha thiết tiếng rao đêm
MTXD - Hơn 30 năm sinh sống và làm việc ở Hà Nội, mảnh đất và con người Kinh kỳ đối với tôi giờ đây đã gắn bó như máu thịt. Những âm thanh phố phường hàng ngày đã trở nên rất đỗi quen thuộc. Ban ngày là âm thanh ồn ào của xe cộ tấp nập qua lại, nhộn nhịp kẻ bán, người mua, cùng tiếng nhạc phát ra từ những hàng quán... Đêm đến, phố phường bắt đầu chìm trong giấc ngủ, những tiếng rao đêm quen thuộc: “Ai.... bánh rán, bánh mì, bánh bao... đây...!”, “Ai... xôi lạc, bánh khúc nóng... đây...!” lại vang lên khắp các ngõ ngách, lạc vào không gian mênh mang, khi vội vã, khi chầm chậm, thiết tha...
Bán hàng rong, người thì trên chiếc xe đạp cũ, người thì đôi gánh, có người chỉ cái mẹt, cái rổ cắp nách, đội đầu, với cái mũ, cái nón che sương, che gió, ngả màu vì mưa và bụi…, bất kể thời tiết khô ráo, mưa gió hay buốt giá, vẫn rong ruổi mưu sinh. Càng về khuya, âm thanh tiếng rao đêm càng trở nên đặc biệt cuốn hút: Chậm rãi, kéo dài, vọng từ đầu phố đến cuối phố, lảnh lót rồi nhỏ dần, nhỏ dần theo từng nhịp bánh xe lăn. Những ngọn gió cuốn theo tiếng rao len lỏi đến từng căn nhà, từng ô cửa sổ, để rồi vang vọng mãi trong tâm trí ta âm thanh quen thuộc, thấm đẫm hơi sương. Tôi quen tiếng rao đêm tới mức, hôm nào không được nghe là cảm thấy “thiêu thiếu” một cái gì đó trong nhịp sống thường ngày.
Còn nhớ, hồi nhỏ, tôi thường theo Cha lên Hà Nội, quê nội tôi ở ven đô. Có lần, nghe tiếng rao đêm, tôi thắc mắc: Tại sao người ta lại đi bán hàng muộn thế? Đêm hôm thế này ai sẽ mua hàng của họ?... Mãi sau này, khi tìm hiểu tôi mới được biết, tiếng rao đêm vốn đã tồn tại từ thời Lý và chứng kiến bao thăng trầm chốn Kẻ chợ- Kinh kỳ. Chính những người bán hàng rong đã mang bữa ăn tới cho những người phải làm đêm. Chỉ một nắm xôi, chiếc bánh bao hay cái bánh mì cũng đủ giúp họ vượt qua cơn đói, có thêm sức lực để làm việc tới sáng.
Hà Nội phồn hoa, nơi để người bốn phương đổ về mưu sinh. Bao người giữa đêm khuya thanh vắng, theo sương gió, gồng gánh cả một gia đình trên đôi vai gầy, rong ruổi một mình khắp các ngõ phố trong mong đợi được nghe tiếng gọi: “Xôi ơi!”, “Khúc ơi!”... Từ những chắt chiu, dành dụm ấy mà không ít đứa trẻ được nuôi dạy lớn khôn, được học hành tử tế, trở thành người có ích cho xã hội.
Tiếng rao đêm cứ thấm dần, thấm dần vào từng hơi thở cuộc sống, thổn thức và khắc khoải theo tháng năm. Nó gợi cảm giác hoài niệm về những giá trị xưa, để ai đã đi qua và thưởng thức trọn vẹn những tiếng rao đêm mộc mạc, chân phương ấy sẽ mãi nhớ, mãi ghi, như một “hành lý hư vô” suốt cuộc đời...
Việt Phương
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.