Thấy gì qua hoạt động cưỡng chế công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Đại Áng?

​MTXD - Trong các ngày 23, 24/5/2022, UBND xã Đại Áng phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị và lực lượng chức năng tiến hành cưỡng chế phá dỡ hàng chục trường hợp xây dựng công trình nhà ở kiên cố trái phép trên đất nông nghiệp ở Khu xứ đồng Bảo Đường. Việc cưỡng chế nhằm thực hiện nghiêm kỷ cương pháp luật, nâng cao hiệu lực công tác quản lý Nhà nước trong công tác quản lý trật tự xây dựng.

MTXD - Trong các ngày 23, 24/5/2022, UBND xã Đại Áng phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị và lực lượng chức năng tiến hành cưỡng chế phá dỡ hàng chục trường hợp xây dựng công trình nhà ở kiên cố trái phép trên đất nông nghiệp ở Khu xứ đồng Bảo Đường. Việc cưỡng chế nhằm thực hiện nghiêm kỷ cương pháp luật, nâng cao hiệu lực công tác quản lý Nhà nước trong công tác quản lý trật tự xây dựng.

Tuy nhiên, quy trình cưỡng chế bị người dân phản ánh là “chưa tuân thủ đúng các quy định hiện hành”. Hoạt động cưỡng chế khiến dư luận địa phương bức xúc vì Khu xứ đồng Bảo Đường hoàn toàn là khu vực cấm xây dựng. Nhưng thực tế nhiều năm qua, hoạt động xây dựng tại đây không được UBND xã Đại Áng giám sát chặt chẽ, xử lý kiên quyết ngay từ đầu. Rất nhiều căn nhà 2 tầng, 3 tầng đã “mọc” lên trên đất nông nghiệp. Rất nhiều người dân đã duy trì cuộc sống ổn định cả năm trời, nay bàng hoàng trước việc bị cưỡng chế.

Đơn thư của các hộ dân gửi tới Tạp chí Môi trường Xây dựng.

Qua đơn thư gửi tới Tạp chí Môi trường Xây dựng, 11 hộ dân bị cưỡng chế ở Khu xứ đồng Bảo Đường cho biết: “Từ năm 2017 đến năm 2020, các hộ gia đình chúng tôi về Khu xứ đồng Bảo Đường mua nhà và đất của ông Lê Văn Nhắt và ông Lê Đình Mọi. Tại thời điểm chúng tôi mua đã có nhà cấp 4 xây dựng sẵn. Ở một thời gian, chúng tôi thấy những ngôi nhà xuống cấp trầm trọng, mưa gió khiến mái nhà dột nát, không thể ở, ảnh hưởng đến cuộc sống của các gia đình, nên từ năm 2020 đến 2022, chúng tôi đã tiến hành tu sửa lại”.

“Thời điểm đó, có anh Vi Văn Thành, là người sống cùng ở cụm dân cư chúng tôi (đại diện cho các gia đình) lên báo cáo UBND xã và Thanh tra xây dựng xin phép được tu sửa lại, nâng cấp từ nhà cấp 4 lên nhà 1 tầng 1 tum. Được sự đồng ý của UBND và Thanh tra xây dựng, các gia đình chúng tôi lần lượt tu sửa nhà, và sinh sống ổn định tại khu vực này từ năm 2020 đến năm 2022.

Trước và trong quá trình tu sửa nhà, các gia đình chúng tôi không gặp bất cứ trở ngại nào, không có bất kì cán bộ, công chức nào ở UBND xã Đại Áng đến ngăn cản hay lập biên bản xử phạt xây dựng trái phép”.

“Vào ngày 18/5/2023, UBND xã Đại Áng ban hành Thông báo số 57/TB-UBND và các Thông báo khác về thời gian thực hiện cuộc cưỡng chế đối với các hộ gia đình trong cụm dân cư chúng tôi, trong đó nêu rõ các gia đình phải di dời toàn bộ tài sản trong khu vực cưỡng chế trước ngày 23/5/2023.

Đến nay (22/5/2023), chúng tôi khẳng định, cả 11 hộ gia đình đều chưa nhận được bất cứ Quyết định cưỡng chế nào của cấp có thẩm quyền về việc cưỡng chế khu vực xây dựng nhà ở của 11 hộ gia đình chúng tôi ở Khu xứ đồng Bảo Đường”.

Người dân cho biết, họ rất mong các PV, nhà báo của Tạp chí Môi trường Xây dựng vào cuộc xem xét thông tin, làm rõ các hành vi hành chính, quyết định hành chính của UBND xã Đại Áng đã đúng hay chưa? Và nếu có những vi phạm nào, thì là vi phạm gì và căn cứ vào đâu để xác định vi phạm?...

Trong đơn thư gửi tới Tạp chí Môi trường Xây dựng, người dân khẳng định: “Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 166/2013/NĐ-CP quy định khi áp dụng biện pháp cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, phải tuân theo các nguyên tắc sau: Việc cưỡng chế chỉ được thực hiện khi có quyết định cưỡng chế bằng văn bản của người có thẩm quyền. Vậy các quyết định cưỡng chế 11 hộ gia đình chúng tôi đang ở đâu, ai là người ra quyết định, căn cứ ban hành quyết định cưỡng chế là những căn cứ nào, đề nghị làm rõ?!

Người dân khu vực xứ đồng Bảo Đường đau xót khi bị phá dỡ những căn nhà mà mình đã bỏ hàng trăm triệu đồng tu sửa.

Trong các Thông báo số 30, số 35 và số 57/TB-UBND có ghi: “Căn cứ quyết định số 311/QĐ-CCXP ngày 06-10-2022 và Căn cứ Quyết định số 303/QĐ - CCXP ngày 30-08-2022 của Chủ tịch UBND xã Đại Áng cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả”. Như vậy là theo các căn cứ này, người ban hành Quyết định cưỡng chế là Chủ tịch UBND xã Đại Áng. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, người có thẩm quyền ban hành quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính để buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, phải là Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND tỉnh? Như vậy, cần phải xem xét yếu tố liên quan đến việc ban hành các văn bản hành chính trái luật trong trường hợp này”.

“Trong suốt quá trình từ khi chúng tôi tu sửa nhà đến nay, chưa có một văn bản nào của UBND xã Đại Áng thể hiện việc xử phạt vi phạm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Chưa có biên bản xử phạt, thì UBND xã Đại Áng căn cứ vào đâu để ban hành Quyết định cưỡng chế? Các văn bản mà người dân chúng tôi ký vào ngày 09/02/2023, nếu như vì một lý do nào đó, được “biến hóa” thành các biên bản xử phạt, thì cũng là cách hợp thức hóa quy trình xử phạt sai luật mà thôi? Cần phải xem xét các yếu tố động cơ, mục đích của việc cán bộ Địa chính xã “hợp thức hóa” các biên bản xử phạt để từ đó tiếp tục “hợp pháp hóa” các quyết định cưỡng chế? Những điều này, rất cần được kiểm tra, làm rõ”.

Tiếp nhận đơn thư của người dân, ngày 23/5, PV Tạp chí Môi trường Xây dựng đã liên hệ, đặt lịch làm việc với UBND xã Đại Áng để xác minh thông tin, đồng thời đặt câu hỏi: "Tại sao chính quyền địa phương không quản lý chặt để người dân sang nhượng, mua bán đất rồi sau đó xây dựng nhà cửa trên đất nông nghiệp, để rồi bây giờ tiến hành cưỡng chế, đập bỏ?".

Sáng 23/5, qua trao đổi với ông Nguyễn Thanh Toàn - Chủ tịch UBND xã Đại Áng, PV được cho biết chính quyền xã đang tập trung lực lượng, tổ chức cưỡng chế. Ông Toàn hẹn PV có mặt tại trụ sở xã vào lúc 14 giờ chiều để cung cấp thông tin. Tuy nhiên, khi đến theo lịch hẹn, PV chỉ tiếp cận được với một đồng chí cán bộ tiếp dân. Cán bộ này hầu như không trả lời các thông tin mà PV cần tiếp cận, có tình trạng né tránh cung cấp các thông tin chính thức.

Qua sự việc của các hộ dân Khu xứ đồng Bảo Đường, cần thấy rằng, không một người dân nào muốn xây nhà sai phép hoặc không phép để rồi bị cưỡng chế buộc phải dỡ bỏ. Để rơi vào hoàn cảnh này, đều là những dân nghèo, không nhà, không tiền. Họ đã vay mượn, thậm chí bán nhà, bán ruộng ở quê về đây mua nhà, sửa nhà. Giờ đây khi bị cưỡng chế, tài sản trăm triệu giờ tan hoang, lại thêm đống nợ, cuộc sống tương lai bất định vô cùng.

Câu hỏi đặt ra là, vai trò của chính quyền địa phương ở đâu, khi hoạt động xây dựng trái phép ở Khu xứ đồng Bảo Đường không được ngăn chặn từ đầu? Lực lượng thanh tra xây dựng ở đâu, khi các hoạt động xây dựng mới manh nha không bị phát hiện, xử phạt sớm? Để đến bây giờ, hàng chục công trình kiên cố mọc lên rồi tháo dỡ, gây lãng phí tiền của cho người dân. Càng vô lý hơn khi các cơ quan thực thi pháp luật tổ chức cưỡng chế rầm rộ, vô cùng lãng phí tiền của Nhà nước.

Thiết nghĩ, cần nhìn nhận thẳng vào vấn đề, đó là hành vi xây dựng trái phép sẽ rất khó thực hiện nếu không có sự bao che, làm ngơ, tiêu cực, của những cán bộ, công chức có thẩm quyền.

Tạp chí Môi trường Xây dựng kính chuyển nội dung này đến UBND thành phố Hà Nội, UBND huyện Thanh Trì vào cuộc, thanh kiểm tra quy trình cưỡng chế ở Khu xứ đồng Bảo Đường, thanh kiểm tra các vi phạm đất đai, xây dựng trên địa bàn xã Đại Áng. Qua việc thanh kiểm tra, nếu phát hiện những cán bộ, công chức dung túng, cho sai phạm, cần xử lý kỷ luật nghiêm (nếu có). Trên hết, phải quyết liệt yêu cầu cán bộ, công chức không được làm sai, phải “thượng tôn pháp luật” trước hết trong mọi hoạt động.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin !

PV

Các tin khác

Thông qua nhiều nghị quyết thúc đẩy phát triển giáo dục Thủ đô
Thông qua nhiều nghị quyết thúc đẩy phát triển giáo dục Thủ đô

​MTXD - Ngày 29/3, tại Kỳ họp thứ 15, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI đã...

Đoan Hạ: Cán đích nông thôn mới nâng cao, kinh tế khởi sắc
Đoan Hạ: Cán đích nông thôn mới nâng cao, kinh tế khởi sắc

MTXD - Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016, nhờ phát huy và khai thác được những lợi...

Định hướng phát triển kiến trúc nhà ở dân tộc Thái vùng Tây Bắc phục vụ du lịch cộng đồng
Định hướng phát triển kiến trúc nhà ở dân tộc Thái vùng Tây Bắc phục vụ du lịch cộng đồng

MTXD - Dân tộc Thái là một trong 53 dân tộc thiểu số có dân số đông thứ 3 tại Việt Nam, cư trú chủ yếu tại các tỉnh vùng Tây Bắc, nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp và độc đáo. Người Thái có nền văn hóa mang tính riêng biệt được được thể hiện qua nhiều mặt trong đó có cấu

Đề nghị sử dụng chi thường xuyên để nâng cấp công trình dự án đã xây dựng
Đề nghị sử dụng chi thường xuyên để nâng cấp công trình dự án đã xây dựng

​MTXD - Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên ngân sách Nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng.

Kiểm tra, xử lý thông tin 'nghi vấn' cây sao đen trăm tuổi bị bức tử trên phố Lò Đúc - Hà Nội
Kiểm tra, xử lý thông tin 'nghi vấn' cây sao đen trăm tuổi bị bức tử trên phố Lò Đúc - Hà Nội

​MTXD - Người dân "nghi vấn" cho rằng cây sao đen trăm tuổi ở Hà Nội bị bức tử trước khi...