Thủ tướng kiểm tra dự án trọng điểm và làm việc với tỉnh Vĩnh Long
MTXD - Chiều 23/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã đi kiểm tra dự án cầu Mỹ Thuận 2, dự án cao tốc Mỹ Thuận–Cần Thơ, dự án cầu Đình Khao, làng nghề gạch, gốm Mang Thít và làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Vĩnh Long.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã đi kiểm tra dự án cầu Mỹ Thuận 2 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 khởi công tháng 2/2020, bắc qua sông Tiền, nối tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long với tổng chiều dài 6,61 km; điểm đầu nối dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận; điểm cuối kết nối cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ. Trong đó, cầu chính dài hơn 1,9 km, được đầu tư hoàn chỉnh 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h.
Thủ tướng khảo sát và nghe báo cáo về dự án cầu Mỹ Thuận 2 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông vận tải), 5/5 gói thầu xây dựng đều đáp ứng tiến độ đề ra. Trong đó, gói thầu quan trọng do Trung Nam EC cùng liên danh nhà thầu triển khai là thi công thân trụ (từ trụ T14 đến trụ T17) và kết cấu phần trên nhịp chính dây văng kè gia cố bờ sông; hệ thống an toàn giao thông đường bộ; hệ thống điện chiếu sáng vượt kế hoạch 3,1%.
Thủ tướng tặng quà, động viên cán bộ kỹ sư thi công cầu Mỹ Thuận 2 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án 7 khẳng định cam kết sẽ hoàn thành dự án vào tháng 12/2023.
Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận–Cần Thơ, giai đoạn 1 lũy kế sản lượng đến nay đạt 52,57% giá trị hợp đồng. Theo Ban Quản lý dự án, cơ bản hoàn thành toàn bộ các cầu trên tuyến chính vào tháng 12/2022. Tiến độ hoàn thành dự án phụ thuộc rất lớn vào kết quả quan trắc xử lý nền đất yếu để tính toán thời gian dỡ tải và độ lún còn lại để đủ điều kiện dỡ tải. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào ngày 30/8/2023.
Kiểm tra tiến độ dự án, Thủ tướng biểu dương nhà thầu, đơn vị thi công cầu Mỹ Thuận 2 đã tiếp thu ý kiến của Thủ tướng trong việc phát huy sáng kiến, sáng tạo trong thi công trụ cột cầu, qua đó, rút ngắn tiến độ được 1 tháng.
Thủ tướng yêu cầu bố trí nhân lực phương tiện tổ chức thi công ba ca bốn kíp, làm sao phấn đấu hoàn thành càng sớm càng tốt; lưu ý tư vấn, giám sát nêu cao trách nhiệm, không để xảy ra tiêu cực. Trong khi thi công, cần bảo đảm an toàn cho người lao động, quan tâm đến đời sống của công nhân.
Thủ tướng đi ca nô thị sát khu vực khu vực dự kiến xây dựng cầu Đình Khao trên sông Cổ Chiên nối tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre nhằm thay thế phà Đình Khao - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng cũng đề nghị Ban Quản lý dự án cao tốc Mỹ Thuận–Cần Thơ nghiên cứu thêm mở nút giao, tạo điều kiện để phát triển kinh tế-xã hội cho vùng dự án đi qua.
Tiếp đến, Thủ tướng đã đi ca nô thị sát khu vực khu vực dự kiến xây dựng cầu Đình Khao trên sông Cổ Chiên nối tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre nhằm thay thế phà Đình Khao.
Hiện nay, 2 tỉnh đã thống nhất vị trí xây dựng cầu Đình Khao nằm cách phà Đình Khao 6,6 km về phía hạ lưu.
Thủ tướng cho rằng, việc xây dựng cầu Đình Khao là cần thiết, giúp giải tỏa nút thắt trên QL 57 góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội của hai tỉnh, trong đó có việc giải quyết đầu ra cho hàng hóa, nông sản, vừa giải quyết việc làm cho người dân.
Thủ tướng đến thăm, thị sát làng nghề gạch, gốm Mang Thít nằm bên bờ sông - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Từ sông Cổ Chiên, Thủ tướng đến thăm, thị sát làng nghề gạch, gốm Mang Thít nằm bên bờ sông.
Tỉnh Vĩnh Long đã có chính sách hỗ trợ đặc thù bảo tồn lò gạch, gốm thuộc Đề án di sản đương đại Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Thực hiện chính sách hỗ trợ để các lò gạch, gốm được bảo tồn và phát triển "vương quốc lò gạch" Mang Thít trở thành một vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, một điểm trên bản đồ du lịch khu vực phù hợp với chiến lược phát triển bền vững kinh tế-xã hội của địa phương và của quốc gia trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa và hệ sinh thái địa phương.
Thủ tướng thăm hỏi đời sống lao động của người dân tại làng nghề - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng nhấn mạnh, đây không chỉ là nơi tạo sinh kế cho người dân nhiều năm nay mà còn là một di sản độc đáo về kiến trúc, về giá trị văn hóa. Vì vậy, đề nghị địa phương quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị di sản này, đưa nơi đây trở thành một điểm đến hấp dẫn trong nước và thế giới để phát triển du lịch.
Tiếp đến, Thủ tướng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Vĩnh Long về tình hình kinh tế-xã hội.
Thủ tướng đề nghị các thành viên đoàn công tác đóng góp cho Vĩnh Long về "những mặt làm được, chưa được, những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, thách thức cần vượt qua". Đồng thời, các bộ, ngành góp ý về định hướng nhiệm vụ năm 2023 với tinh thần đưa Vĩnh Long phát triển đột phá.
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ tiếp tục thông tin về cuộc làm việc này.
Theo Đức Tuân-Chinhphu.vn
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.