Thực trạng ô nhiễm môi trường ở thị trấn Trâu Quỳ và các giải pháp khắc phục
MTXD - Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường đang là chủ đề nóng trên các mặt báo và nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân. Trong đó, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam nói chung, thị trấn Trâu Quỳ ( Gia Lâm - Hà Nội) nói riêng đã và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Thông qua các phương tiện truyền thông, chúng ta có thể dễ dàng thấy được các hình ảnh, cũng như các bài báo phản ánh về thực trạng môi trường hiện nay. Mặc dù các ban ngành, đoàn thể ra sức kêu gọi bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước,... nhưng có vẻ là chưa đủ để cải thiện tình trạng ô nhiễm ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam (TT.Trâu Quỳ, H.Gia Lâm, Hà Nội) - nơi có chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) những ngày qua cao nhất. Đáng chú ý, trong những ngày Hà Nội đứng đầu về ô nhiễm không khí trên thế giới, khu vực Học viện Nông nghiệp Việt Nam thường xuyên dẫn đầu thủ đô về chỉ số ô nhiễm - Hà Nội đang có một số công trình xây dựng, đốt rác thải gây ảnh hưởng đến không khí xung quanh. Có thời điểm AQI tại đây lên tới 404 đơn vị, mức nguy hại, cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe, tất cả mọi người bị ảnh hưởng về sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Theo quan sát, nơi đây có 2 công trường lớn đang được thi công. Mặc dù vậy, khu vực thi công không được che chắn cẩn thận, đất, cát vương vãi ra đường. Lượng xe tải liên tục đi qua làm rơi vật liệu ra đường cũng là nguyên nhân khiến nơi đây bụi bay mù mịt.
Không chỉ có công trường xây dựng, khuôn viên bên trong và bên ngoài Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhiều bãi tập kết rác thải cũng xuất hiện. Trong đó, nhiều bãi có dấu hiệu bị đốt cháy nham nhở, một số bãi vẫn trong tình trạng khói âm ỉ.
Bãi chất thải cháy nghi ngút khói
Gần trạm xử lý nước thải, thuộc khuôn viên Học viện, hai bãi rác lớn đang đỏ lửa. Rác được đốt gồm cây trồng, rác sinh hoạt, quần, áo cũ...
Ngay cổng Trung tâm giám định máy nông nghiệp thuộc khuôn viên ngôi trường này cũng xuất hiện bãi rác bị đốt nham nhở.
Một số bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường ở địa bàn TT.Trâu Quỳ
Theo đó, UBND huyện Gia Lâm xác định, trong khuôn viên khu đất do Học viện Nông nghiệp Việt Nam quản lý có 2 vị trí đốt rác thải gần khu xử lý nước thải, 1 điểm đổ phế thải xây dựng và phụ phẩm nông nghiệp (cà rốt); Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương có 1 điểm tập kết rác thải sinh hoạt tự phát tại tuyến đường tự quản khu A; 1 điểm đốt rác tại khu vực đường nội đồng thôn An Lạc, gần nghĩa trang thuộc địa bàn thị trấn Trâu Quỳ.
Ngoài ra, tại khu vực trước cổng Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang diễn ra hoạt động thi công xây dựng dự án của học viện; giáp khu dân cư An Lạc đang thi công dự án cải tạo, nâng cấp sông Cầu Bây (huyện Gia Lâm) do Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Hà Nội thực hiện đã được UBND thành phố ban hành Quyết định số 5019/QĐ-UBND ngày 10/11/2020 phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Ngay sau đó, UBND huyện Gia Lâm đã có văn bản đề nghị Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện nghiêm túc công tác bảo vệ môi trường, chấm dứt ngay việc đốt chất thải trong khuôn viên học viện. Nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, có biện pháp giám sát các khu vực đất trống đảm bảo không có tình trạng đốt rác; có văn bản làm rõ tình trạng đốt chất thải theo phản ánh của báo chí, công tác bảo vệ môi trường đối với chất thải của học viện, việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các dự án đang triển khai trong khuôn viên của học viện.
Ngoài ra, UBND huyện Gia Lâm yêu cầu các xã, thị trấn trên địa bàn huyện rà soát toàn bộ các điểm để rác tự phát còn tồn rác thải, phối hợp với Ban QLDA đầu tư xây dựng tổ chức thu dọn, cắm biển cấm đổ rác. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định.
Thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm đối với hành vi đốt rác thải, đổ rác thải không đúng nơi quy định, định kỳ 1 tháng/lần báo cáo UBND huyện Gia Lâm kết quả thực hiện công tác kiểm tra, xử lý đối với các hành vi không chấp hành quy định về bảo vệ môi trường.
Bãi thải khủng (gần Học viện Nông nghiệp Việt Nam).
Những hạn chế, bất cập trong bảo vệ môi trường
Hệ thống các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn còn chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, thiếu chi tiết, tính ổn định không cao, tình trạng văn bản mới được ban hành chưa lâu đã phải sửa đổi, bổ sung là khá phổ biến, từ đó làm hạn chế hiệu quả điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức, các hoạt động kinh tế... trong việc bảo vệ môi trường.
Quyền hạn pháp lý của các tổ chức bảo vệ môi trường, nhất là của lực lượng Cảnh sát môi trường chưa thực sự đủ mạnh, nên đã hạn chế hiệu quả hoạt động nắm tình hình, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường. Các cơ sở pháp lý, chế tài xử phạt đối với các loại hành vi gây ô nhiễm môi trường về các loại tội phạm còn hạn chế chưa đủ mạnh. Cụ thể, có rất ít trường hợp gây ô nhiễm môi trường bị xử lý hình sự, còn các biện pháp xử lý khác như: buộc phải di dời ra khỏi khu vực ô nhiễm, đóng cửa và đình chỉ hoạt động của cơ sở gây ô nhiễm môi trường cũng không được áp dụng nhiều, hoặc có áp dụng nhưng các cơ quan chức năng thiếu kiên quyết nên doanh nghiệp "lỳ đòn" cũng không có hiệu quả.
Các cấp chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức đối với công tác bảo vệ môi trường, dẫn đến buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát về môi trường. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường trong xã hội còn hạn chế.
Giải pháp khắc phục
Người dân nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, vứt rác đúng nơi quy định, không xả rác bừa bãi. Giáo dục, nâng cao nhận thức cho các bé về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, nên hạn chế sử dụng các hóa chất tẩy rửa khi xử lý nghẹt cống thoát nước, vì như thế sẽ vô tình đưa vào môi trường một chất thải nguy hại mới, đồng thời cũng làm nguồn nước bị nhiễm độc. Thay vào đó, hãy áp dụng cách thông bồn cầu, cách xử lý ống thoát nước bị tắc bằng vi sinh.
Bảo vệ môi trường là bảo vệ chính chúng ta.
Nhà nước tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có những chế tài xử phạt phải thực sự mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, cần xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý môi trường trong các nhà máy, các khu công nghiệp theo các tiêu chuẩn quốc tế. Tổ chức giám sát chặc chẽ nhằm hướng tới một môi trường tốt đẹp hơn.
Tại các khu du lịch, khu đông dân cư, tuyến đường lớn,... nên bổ sung thêm nhiều thùng rác và các nhà vệ sinh công cộng.
Tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, giám sát về môi trường. Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác môi trường và trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại để phục vụ có hiệu quả cho các lực lượng này.
Cuối cùng, phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội tạo ra sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường.
Tóm lại, tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam nói chung, thị trấn Trâu Quỳ nói riêng tuy nghiêm trọng nhưng vẫn còn có thể cứu vãn nếu mỗi người dân biết góp sức của mình, chung tay bảo vệ môi trường. "Vì môi trường xanh - sạch - đẹp" và cũng là vì cuộc sống của chính chúng ta cũng như các thế hệ sau.
YẾN NHƯ
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.