Tiềm lực của thành phố trẻ Từ Sơn
MTXD - Dù chưa một lần gặp mặt, nhưng Phó tổng biên tập Báo Bắc Ninh Đào Đình Khoa coi tôi như bạn tâm giao khi trò chuyện. Lúc ấy, anh giống một diễn giả say sưa thuyết trình về văn hiến đất Kinh Bắc và những bứt phá kinh tế thời hiện đại của tỉnh nhà hơn là một cán bộ quen việc biên tập và duyệt bài hằng ngày.
Anh bảo tôi, bây giờ, Từ Sơn đang thay da đổi thịt từng ngày giống như thiếu nữ đến tuổi dậy thì. Nếu không đến đấy để tận hưởng hơi thở của đô thị trẻ thì e sẽ bỏ lỡ cái duyên mặn mà của người quan họ.
Trước thỉnh ý của “hướng dẫn viên” nhiệt huyết, tôi phóng xe máy từ TP Bắc Ninh đi Từ Sơn cách đó chưa đầy 15km. Trên đường, tôi nghi ngờ lời giới thiệu có cánh của Đào Đình Khoa giống kiểu “mèo khen mèo dài đuôi” hoặc “tự sướng” “chém gió” như ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay.
Lạ!
Chỉ mới 23 năm từ khi thành lập huyện với một thị trấn và 10 xã có tổng diện tích tự nhiên hơn 60km2 làm sao địa phương này phát triển nhanh đến vậy, đấy là còn chưa kể đến việc TP này đang đặt mục tiêu hướng tới là nơi đáng sống. Với tiềm lực ít ỏi là các ngành nghề thủ công truyền thống, tại sao họ lại tạo ra tiềm lực nhanh, mạnh đến vậy?
Sau khi tạm biệt đoạn đường Quốc lộ 1A vốn được ví như xương sống, là trung tâm của thành phố dài hơn 3km với nhiều công trình, cửa hiệu, dịch vụ buôn bán, nhà hàng ẩm thực khá sầm uất, tôi rẽ vào đường ngang hai chiều, nơi dẫn đến đền thờ Lý Bát Đế để tìm trụ sở Thành ủy. Không lâu sau, một nhân viên đưa tôi đến gặp Bí thư Thành ủy Từ Sơn Lê Xuân Lợi tại phòng làm việc.
Dù lần đầu gặp gỡ nhưng tôi cảm nhận được anh Lợi khá mẫn thiệp. Anh sinh năm 1977 ở huyện Tiên Du và trước khi đảm nhận vị trí công tác này, anh đã từng giữ chức Chủ tịch UBND huyện Tiên Du của tỉnh Bắc Ninh, địa phương có nền văn hóa lâu đời với nhiều lễ hội nhất cả nước và cũng là trung tâm của các liền anh, liền chị mỗi khi xuân về. Anh Lợi thông tin với tôi rằng, khác với nhiều thành phố trực thuộc tỉnh trong cả nước hiện nay, tuy là vùng đất thuần nông, nhưng TP Từ Sơn lại đi lên từ công nghiệp. Chuyện là, sau khi tái lập tỉnh Bắc Ninh, đến cuối năm 1998, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập khu công nghiệp (KCN) Tiên Sơn. Đây được xem là KCN đầu đàn của tỉnh thời điểm đó. Về chất, đó là KCN đa ngành nghề đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh, gồm: Điện tử, cơ khí, chế tạo máy, gạch, gốm sứ… Những năm sau đó, hàng loạt các KCN và cụm công nghiệp ra đời, nhưng nổi bật hơn cả là KCN Vsip (Vietnam-Singapore). Nó được xem là “đầu tàu” cho phát triển kinh tế của TP Từ Sơn hiện nay.
Công ty TNHH Điện tử Foster (Nhật Bản) chuyên sản xuất các loại loa tại Khu Công nghiệp Đô thị và Dịch vụ VSIP Bắc Ninh. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Anh Lợi hào hứng kể sơ sơ với tôi về khu công nghiệp được thành lập và khởi công xây dựng vào năm 2007 này. Theo anh, hạ tầng của nó đồng bộ, được xếp vào loại hàng đỉnh trong các KCN của cả nước. Nó có diện tích khoảng 700ha, trong đó diện tích KCN chiếm 500ha còn lại là diện tích khu đô thị và dịch vụ. Trong lòng KCN này có các ngành công nghệ cao, như: Công nghiệp viễn thông; cơ khí lắp ráp sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô, xe máy; linh kiện điện tử, sản xuất, chế biến thực thẩm; logistics; công nghệ sản xuất trang thiết bị công nghiệp. Hiện nay, khu công nghiệp này thu hút hàng nghìn lao động ngoại tỉnh, đóng góp cho TP Từ Sơn không chỉ về trí tuệ, sức lực mà còn cả kinh tế, thương mại.
Tôi gật gù trước thông tin hữu ích mà Bí thư Thành ủy Lê Xuân Lợi cung cấp. Đến đây thì tôi đã hiểu phần nào con đường đi lên nhanh, mạnh mẽ của Từ Sơn hơn 20 năm qua. Như đoán được tâm sự của tôi, anh Lợi cười và nói rằng, đó chưa phải là gốc của vấn đề mà nhà báo muốn tìm hiểu đâu!
- Ồ, thế nó nằm ở đâu ạ?
Anh Lợi từ tốn:
- Từ Sơn là mảnh đất nhỏ bé nằm kẹp giữa Hà Nội và TP Bắc Ninh. Với lợi thế ít bị ảnh hưởng nhiều bởi thiên tai, tiện lợi thông thương đến các địa phương khác có sân bay, bến cảng nên thật dễ hiểu khi nhiều doanh nhân về đây lập nghiệp. Hơn nữa, một trong những lý do cơ bản là người Từ Sơn có bản sắc văn hóa, truyền thống lịch sử lâu đời, mến khách, dễ thích ứng, luôn có ý thức vươn lên. Đây mới là căn cốt để Từ Sơn trở thành mảnh đất hội tụ anh tài và có những bứt phá ngoạn mục.
Anh Lợi dừng lời nhấp một ngụm trà. Nhìn hành động ấy tôi chợt thấy bụng cồn cào vì sáng nay đi vội nên chưa kịp ăn, khiến chiếc dạ dày lép kẹp bị tra tấn bởi những ngụm trà đặc trước đó. Liếc nhìn đồng hồ, đã quá 11 giờ trưa. Không để ý đến nét mặt có phần nhăn nhó của tôi, anh Lợi tiếp.
- Những năm bao cấp đói kém, Từ Sơn đã nổi tiếng với nghề làm sắt ở Đa Hội hay nghề làm thuốc lá cuộn ở Đình Bảng. Bước vào thời kỳ đổi mới, nghề gỗ mỹ nghệ ở Đồng Kỵ đã nổi tiếng khắp cả nước với những sản phẩm đa dạng mẫu mã để xuất khẩu. Điều ấy chứng tỏ sự năng động đã ngấm vào máu và là gen trội của người Từ Sơn. Đây chính là điểm thu hút nhất của Từ Sơn hiện nay.
Nói rồi, anh Lợi đi đến bàn làm việc lấy cho tôi một tập giấy A4 kín chữ. Anh bảo, trưa rồi, anh cầm báo cáo phát triển kinh tế-xã hội của Từ Sơn năm 2022 về nghiên cứu. Tôi xin nhấn mạnh với anh, từ năm 2020 đến nay, đặc biệt là trong năm 2022, tổng giá trị tăng thêm (GRDP) so với năm 2021 của Từ Sơn đạt 8,95%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng so năm trước: Nông, lâm nghiệp-thủy sản chiếm 0,76%, công nghiệp và xây dựng chiếm 81,1% (riêng công nghiệp chiếm tới 78,8%), dịch vụ chiếm 18,14%.
Lời anh Lợi chia sẻ khiến tôi nhớ lại tâm sự của doanh nhân Nguyễn Sỹ Mạnh, chủ doanh nghiệp cung cấp các loại hình dịch vụ bảo vệ và ga cho KCN Vsip dịp sau Tết Nguyên đán Quý Mão vừa qua. Anh Mạnh tâm tình, việc mở rộng phát triển công nghiệp đã mang lại việc làm, thu nhập cho người dân địa phương cùng lao động ngoại tỉnh. Tuy nhiên, điều anh ấn tượng nhất là việc cải cách hành chính ở Từ Sơn theo hướng trọng người dân và doanh nghiệp nhiều năm qua đã góp phần không nhỏ để địa phương này phát triển nhanh hơn.
Về nhà, nghiên cứu báo cáo mà Bí thư Thành ủy Lê Xuân Lợi trao, điều tôi bất ngờ là những con số tăng trưởng của Từ Sơn năm 2022. Xin đưa ra một vài con số thống kê chủ yếu. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 3.827,2 tỷ đồng. Trong đó trồng trọt đạt 184,5 tỷ đổng, chăn nuôi đạt 200,3 tỷ đổng, thủy sản đạt 24,9 tỷ đổng; dịch vụ nông nghiệp đạt 29 tỷ đồng; lâm nghiệp đạt 0,5 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (theo giá so sánh 2010) ước đạt 138.927 tỷ đồng, đạt 103,7% kế hoạch, tăng 9% so với năm 2021. Trong những con số thống kê đó, tôi ấn tượng với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm của Từ Sơn với mức gần 20 tỷ đồng, tăng 36,2% so với năm 2021. Điều này chứng tỏ người dân Từ Sơn có thu nhập tốt và bạo tay chi vào các loại dịch vụ, phục vu nhu cầu cuộc sống. Tuy nhiên, điều đáng mừng hơn là tiềm lực kinh tế của Từ Sơn vẫn đang được bổ sung. Bằng chứng là, tính đến hết tháng 11-2022, thành phố có 471 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký đạt trên 4.274 tỷ đồng, trong đó có 11 doanh nghiệp FDI với vốn điều lệ đăng ký 52 tỷ đồng.
Với tỉnh Bắc Ninh, Từ Sơn được xem là nơi có bề dày lịch sử truyền thống, là cái nôi của phong trào cách mạng với nhiều tiền bối nổi tiếng, như Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự. Nơi đây có đội du kích thiến niên Đình Bảng thời kháng chiến chống Pháp mà nhiều thiếu niên Việt Nam ngưỡng mộ. Thế nên, Từ Sơn phát triển nhanh, mạnh như hiện nay cũng là điều dễ hiểu. Hy vọng rằng, trong tương lai gần, mảnh đất Từ Sơn nhỏ bé sẽ nhanh trở thành nơi đáng sống như mục tiêu mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương này đã đặt ra.
Đức Sơn
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.