Tiêu chí sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư tham gia xây dựng công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị

​MTXD – Tóm tắt: Việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng nói chung, dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị (CTRSHĐT) nói riêng theo phương thức đối tác công tư (PPP) gắn liền với chiến lược của nhà nước về đẩy mạnh thu hút, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, đồng thời hạn chế các nhà đầu tư sở hữu công nghệ xử lý CTRSHĐT lạc hậu, trình độ quản lý thiếu chuyên nghiệp, năng lực tài chính yếu kém tham gia vào các dự án này.

MTXD – Tóm tắt: Việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng nói chung, dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị (CTRSHĐT) nói riêng theo phương thức đối tác công tư (PPP) gắn liền với chiến lược của nhà nước về đẩy mạnh thu hút, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, đồng thời hạn chế các nhà đầu tư sở hữu công nghệ xử lý CTRSHĐT lạc hậu, trình độ quản lý thiếu chuyên nghiệp, năng lực tài chính yếu kém tham gia vào các dự án này. Muốn vậy phải có bước sơ tuyển nhằm đảm bảo chỉ có các nhà đầu tư đáp ứng được “điều kiện cần” của dự án mới được tham gia. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển có đáng tin cậy hay không hoặc thực hiện dự án có khả thi, thành công hay không phụ thuộc phần lớn vào công tác sơ tuyển này. Vai trò của sơ tuyển trong đánh giá lựa chọn nhà đầu tư là vô cùng quan trọng. Sau khi tổng quan các nghiên cứu, một số chỉ tiêu đánh giá, sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư đã được xác định làm cơ sở để thực hiện khảo sát/lấy ý kiến chuyên gia. Dựa vào kết quả khảo sát và thông qua phân tích định tính, tác giả hoàn chỉnh bảng chỉ tiêu đảm bảo cho việc sơ tuyển, đánh giá và lựa chọn được nhà đầu tư tin cậy.

Từ khóa: Chất thải rắn sinh hoạt đô thị; sơ tuyển nhà đầu tư.

  1. Đặt vấn đề

Phát triển các dự án cơ sở hạ tầng nói chung, công trình xử lý CTRSHĐT nói riêng đồng bộ, hiện đại góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, là tiền đề cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Các công trình này được nhà nước hoạch định, phát triển thường có quy mô lớn, thời gian thực hiện dài và có nhu cầu vốn đầu tư lớn. Ở mỗi giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội, nhà nước có những chính sách phù hợp để thu hút các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tận dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) từ các nhà tài trợ quốc tế và nguồn vốn tư nhân trong nước để xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, trong đó có công trình xử lý CTRSHĐT.

Vốn đầu tư cho xây dựng công trình xử lý CTRSHĐT luôn có sự biến động theo từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, nhất là ở các nước đang phát triển. Để đầu tư xây dựng các công trình này, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước vốn đã hạn chế lại phải ưu tiên cho lĩnh vực khác, việc thu hút đồng thời các loại nguồn vốn khác như FDI, ODA và nguồn vốn tư nhân trong nước là xu hướng tất yếu. Đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong xây dựng công trình xử lý CTRSHĐT là hình thức hữu hiệu để đẩy mạnh thu hút vốn từ khu vực tư nhân, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hướng tới phát triển bền vững.

Bảng 1: Các tiêu chí, chỉ tiêu sơ tuyển nhà đầu tư tham gia quản lý chất thải rắn đô thị

Bảng 2: Một số dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải rắn tổ chức mời sơ tuyển nhà đầu tư

Để đầu tư xây dựng công trình xử lý CTRSHĐT theo phương thức PPP mang lại thành công, việc sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư là bước đầu và đóng vai trò quan trọng nhằm sàng lọc lựa chọn được nhà đầu tư có thực lực, kinh nghiệm, đảm bảo tiến độ, bàn giao công trình đúng hợp đồng ký kết; có giá thành cạnh tranh, đồng thời giúp phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhà thầu trong nước [9]. Vì vậy, việc xác định các tiêu chí, chỉ tiêu sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư là cần thiết để sơ tuyển lựa chọn được nhà đầu tư, gắn với yếu tố đẩy mạnh thu hút đầu tư trong xây dựng công trình xử lý CTRSHĐT theo phương thức PPP.

  1. Tổng quan lý thuyết

 Vấn đề sơ tuyển nhà đầu tư tham gia dự án PPP đã được đề cập trong các nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên thế giới như Russell và Skibniewski (1988) [11], Potter và Sanvido (1995) [10], Kerf, Gray và Taylor (1998) [8], Doloi, (2009) [6], Estache và Iimi (2011) [7], Xia, Skitmore và Zuo (2012) [12], De Schepper, Haezendonck và Dooms (2015) [4], Carbonara, Costantino và Pellegrino (2016) [1], Casady (2016) [2], Dolla, T. và Laishram, B. (2019) [5],.... Theo các nghiên cứu này, đối với các dự án đầu tư công, một số quốc gia đã đặt ra sơ tuyển nhà đầu tư để có được danh sách ngắn nhằm hạn chế và chọn lọc đúng số lượng các nhà đầu tư có năng lực, trong khi có nhiều quốc gia khác không quy định về sơ tuyển nhà đầu tư. Nhìn chung, ở hầu hết các quốc gia có thực hiện sơ tuyển, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chủ yếu tập trung vào kinh nghiệm, năng lực kỹ thuật, tài chính hoặc sử dụng các tiêu chí tương đương. Tổng hợp đề xuất từ các nghiên cứu, Dolla, T. và Laishram, B. (2019) [5] đã đưa ra các tiêu chí, chỉ tiêu sơ tuyển nhà đầu tư tham gia quản lý chất thải rắn đô thị như sau (Bảng 1):

Hệ thống tiêu chí, chỉ tiêu này sau đó đã được nhiều nghiên cứu đề cập và được vận dụng ở nhiều nước cho các dự án quan trọng [5].

Ở nước ta, tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm khi sơ tuyển nhà đầu tư tham gia các dự án theo phương thức PPP đã được quy định tại Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ [3] gồm:

(i)Năng lực tài chính - thương mại: khả năng huy động vốn chủ sở hữu, vốn vay; khả năng triển khai phương thức kinh doanh, khai thác công trình dự án, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công.

(ii)Năng lực, kinh nghiệm của nhân sự chủ chốt.

(iii)Kinh nghiệm vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng để cung cấp sản phẩm, dịch vụ công.

Sự kết hợp các tiêu chí được Dolla T. và Laishram B vận dụng và quy định pháp luật nước ta về sơ tuyển nhà đầu tư theo phương thức PPP là sự gợi mở để nghiên cứu có cơ sở khảo sát, thu thập dữ liệu thực tiễn làm nền cho việc đề xuất các tiêu chí, chỉ tiêu sơ tuyển nhà đầu tư tham gia xây dựng công trình xử lý CTRSHĐT theo phương thức PPP ở nước ta hiện nay.

  1. Thực trạng tổ chức sơ tuyển nhà đầu tư tham gia xây dựng công trình xử lý CTRSHĐT

Hiện nay, về hình thức sơ tuyển hoặc lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức PPP, hệ thống pháp luật của nước ta mới quy định chung cho các lĩnh vực mà chưa quy định chi tiết cho trường hợp lựa chọn nhà đầu tư tham gia xây dựng công trình xử lý CTRSHĐT. Vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện, một số địa phương đã kiến nghị các Bộ, ngành sớm ban hành hướng dẫn để có căn cứ thực hiện, điển hình như Ủy ban nhân dân TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hướng dẫn việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện xây dựng công trình xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt phát điện. Cho đến nay, để triển khai thực hiện lựa chọn các nhà đầu tư tham gia vào xây dựng công trình xử lý chất thải rắn nói chung, CTRSHĐT nói riêng, mới chỉ có bốn địa phương ban hành quy định riêng, cụ thể như sau:

(i)Tỉnh Khánh Hòa quy định áp dụng cho dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tại ba khu vực TP Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và huyện Cam Lâm tại Quyết định số 3778/QĐ-UBND ngày 27/10/2021;

Bảng 3: Kết quả khảo sát ý kiến về các tiêu chí, chỉ tiêu sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư tham gia xây dựng công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị theo phương thức PPP

(ii) Tỉnh Quảng Nam quy định áp dụng cho dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Bắc Quảng Nam tại Quyết định số 2257/QĐ-UBND ngày 17/8/2020;

(iii) Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quy định áp dụng cho Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện tại Khu xử lý chất thải tập trung xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ tại Quyết định số 463/QĐ-UBND ngày 4/3/2021;

(iv) TP Cần Thơ quy định áp dụng cho dự án xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường tại Khu xử lý chất thải rắn huyện Thới Lai, TP Cần Thơ tại Quyết định số 2599/QĐ-UBND ngày 19/11/2020.

Về cơ bản, các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư được bốn địa phương quy định gồm các tiêu chí về kỹ thuật - công nghệ; mức độ tác động đến kinh tế và môi trường - xã hội; năng lực tài chính của nhà đầu tư. Riêng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì đưa ra tiêu chí năng lực tài chính và kinh nghiệm của nhà đầu tư. Tuy quy định các tiêu chí như trên nhưng nội dung chi tiết ở từng tiêu chí thì các địa phương chưa có sự thống nhất.

Một số địa phương khác không có quy định riêng nhưng đã vận dụng các quy định của Luật Đầu tư, quy định chọn nhà đầu tư theo phương thức PPP để thực hiện sơ tuyển cho một số dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải rắn (Bảng 2).

Nhìn chung, các dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải rắn nêu trên (Bảng 2) được các địa phương tổ chức sơ tuyển nhà đầu tư theo các tiêu chí, về cơ bản tương tự nhau, gồm năng lực tài chính - thương mại và yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm của nhân sự chủ chốt.

  1. Giải pháp hoàn thiện tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư tham gia xây dựng công trình xử lý CTRSHĐT theo hình thức PPP

 Để có cơ sở đề xuất các tiêu chí đánh giá sơ tuyển nhà đầu tư tham gia xây dựng công trình xử lý CTRSHĐT theo phương thức PPP, nghiên cứu đã sơ bộ thiết lập hệ thống tiêu chí, chỉ tiêu phản ánh cả năng lực kỹ thuật lẫn năng lực tài chính trên cơ sở kết hợp các đề xuất của Dolla, T. và Laishram, B [5] và quy định của pháp luật hiện hành về sơ tuyển nhà đầu tư theo phương thức PPP [3].

Nghiên cứu sử dụng bảng hỏi để khảo sát nhận thức của các chủ thể hoạt động trong lĩnh vực xây dựng về việc nên sử dụng hoặc không nên sử dụng dụng các tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá sơ tuyển nhà đầu tư tham gia xây dựng công trình xử lý CTRSHĐT theo phương thức PPP. Cụ thể, nội dung bảng hỏi gồm tiêu chí năng lực kỹ thuật với sáu chỉ tiêu; tiêu chí năng lực tài chính với năm chỉ tiêu; tiêu chí năng lực về nhân sự và quản lý với ba chỉ tiêu.

Số người được khảo sát gồm nhiều “tư cách” và chiếm các tỉ lệ khác nhau (trong tổng số người được khảo sát) gồm “quản lý nhà nước” - 21%, “nhà đầu tư” - 54%, “nhà thầu thi công xây dựng” - 9%, “tư vấn đầu tư xây dựng hoặc môi trường” - 10%”, “nhà nghiên cứu” - 6%. Qua khảo sát, nghiên cứu tổng hợp được số ý kiến “nên” hay “không nên” sử dụng từng tiêu chí, tiến hành xác định tỷ lệ phần trăm (tỷ trọng) của các loại ý kiến và đã thu được kết quả như ở Bảng 3.

Bảng 4: Tiêu chí, chỉ tiêu để sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư tham gia dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị theo phương thức PPP

Nhận xét về kết quả khảo sát:

Thứ nhất, nhóm tiêu chí về năng lực về kỹ thuật:

Các chỉ tiêu đánh giá kinh nghiệm thiết kế, xây dựng, vận hành và bảo trì các cơ sở xử lý chất thải, bảo trì bãi chôn lấp hợp vệ sinh đảm bảo đánh giá được năng lực chính (thực lực) của nhà đầu tư về mặt kỹ thuật từ khâu thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo trì công trình đảm bảo khép kín vòng đời của dự án. Kinh nghiệm đã thực hiện các dự án này giúp nhà đầu tư có nhiều lợi thế trong việc tổ chức, quản lý dự án và sẽ tránh được những rủi ro tương tự thứ mà họ đã từng gặp phải.

Ngoài ra chỉ tiêu kinh nghiệm quản lý an toàn và vệ sinh lao động thể hiện năng lực kỹ thuật của nhà đầu tư về đảm bảo quá trình thi công xây dựng công trình của dự án được quản lý tốt, an toàn, không xảy ra sự cố công trình và tai nạn lao động.

Các chỉ tiêu 1.1, 1.2 và 1.3 được đa phần các chủ thể đánh giá là không nên sử dụng. Nghiên cứu cho rằng cũng hợp lý, vì các chỉ tiêu này không liên quan trực tiếp tới công trình xử lý CTRSHĐT.

Thứ hai, nhóm tiêu chí về năng lực tài chính: các chỉ tiêu “doanh thu hàng năm” và “giá trị tài sản ròng” phản ánh được tình hình sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư cũng như lợi nhuận mà nhà đầu tư đạt được. Đồng thời, việc đánh giá khả năng huy động vốn của nhà đầu tư cũng là yếu tố khẳng định được uy tín của nhà đầu tư đối với cơ quan tín dụng, đảm bảo có thể huy động được nguồn tài chính khi thực hiện dự án.

Riêng chỉ tiêu “tích lũy tiền mặt ròng” theo nghiên cứu là không cần thiết (mặc dù được đa số phiếu trả lời nên sử dụng), do tài sản của nhà đầu tư có thể hình thành dưới nhiều dạng, không nhất thiết là tiền mặt. Chỉ tiêu cuối cùng về “khả năng triển khai phương thức kinh doanh, khai thác dự án” là yếu tố cần thiết, phản ánh khả năng huy động nguồn lực, khả năng marketing, khả năng tổ chức và phối hợp nguồn lực với quá trình sản xuất/vận hành công trình có hiệu quả, góp phần gia tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư.

Thứ ba, nhóm tiêu chí năng lực về nhân sự và quản lý: các yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm của nhân sự chủ chốt để khẳng định khả năng tổ chức, kinh nghiệm thực hiện các dự án đối với nhân sự của nhà đầu tư. Đồng thời, danh tiếng trong quá khứ về quản lý chất lượng và tiến độ, năng lực quản lý, đảm bảo chất lượng cũng là yếu tố giúp tăng độ tin tưởng với nhà đầu tư, thể hiện việc thực hiện các dự án đảm bảo theo đúng cam kết.

Cách tiếp cận trên đây cho phép nghiên cứu đề xuất các chỉ tiêu chọn lựa nhà đầu tư khi sơ tuyển nhà đầu tư tham gia dự án xử lý CTRSHĐT như trong Bảng 4.

  1. Kết luận  

Kết quả nghiên cứu là xác định được các tiêu chí đánh giá về năng lực của nhà đầu tư khi được sơ tuyển để tham gia vào các dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý CTRSHĐT theo phương thức PPP gồm năng lực kỹ thuật với ba chỉ tiêu, năng lực tài chính với bốn chỉ tiêu và năng lực về nhân sự và quản lý với hai chỉ tiêu. Các chỉ tiêu này vừa đảm bảo nhà đầu tư có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ khi tham gia hợp đồng, mặt khác chúng cũng có tính chất thu hút được các nhà đầu tư có thực lực tham gia vào các dự án này.

THS ĐẶNG ANH TUẤN

Cục Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng; Email: danganhtuan111@gmail.com

Tài liệu tham khảo  

1.Carbonara, N., Costantino, N. và Pellegrino, R., A transaction costs-based model to choose PPP procurement procedures. Engineering, Construction and Architectural Management, 23(4), https://doi.org/10.1108/ecam-07-2014-0099, 2016, pp.491–510.

 2.Casady, C., PPP Procurement in Canada: An Analysis of Tendering Periods. PhD Thesis, Cornell University, 2016.

 3.Chính phủ, Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, 2021.

4. De Schepper, S., Haezendonck, E. and Dooms, M., Understanding pre-contractual transaction costs for Public-Private Partnership infrastructure projects. International Journal of Project Management, 33(4), https://doi.org/10.1016/j.ijproman.2014.10.015, 2015, pp.932–946.

5.Dolla, T. and Laishram, B., Prequalification in municipal solid waste management public-private partnerships of India. Construction Economics and Building, 19:1, Article ID 6431. https://doi.org/10.5130/ AJCEB.v19i1.6431, 2019.

 6.Doloi, H., Analysis of pre-qualification criteria in contractor selection and their impacts on project success. Construction Management and Economics, 27(12), https://doi.org/10.1080/01446190903394541, 2009, pp.1245–1263.

7.Estache, A. và Iimi, A., (Un)bundling infrastructure procurement: Evidence from water supply and sewage projects. Utilities Policy, 19(2), https://doi.org/10.1016/j.jup.2010.12.003, 2011, pp.104–114.

8.Kerf, M., Gray, R.D. và Taylor, R.R., Concessions for infrastructure: A guide to their design and award. World Bank technical papers no. 399, 1998.

9.Lo, W., Krizek, R. J. & Hadavi, A. Effects of High Prequalifcation Requirements. Construction Management and Economics, 17, 1999, pp.603–612.

10.Potter, K.J. và Sanvido, V., Implementing a Design/Build Prequalification System. Journal of Management in Engineering, 11(3), https://doi.org/10.1061/(asce)0742- 597x(1995)11:3(30), 1995, pp.30–34.

11.Russell, J.S. và Skibniewski, M.J., Decision Criteria in Contractor Prequalification. Journal of Management in Engineering, 4(2), https://doi.org/10.1061/(asce)9742- 597x(1988)4:2(148), 1988, pp.148–164.

12.Xia, B., Skitmore, M. và Zuo, J., Evaluation of Design-Builder Qualifications through the Analysis of Requests for Qualifications. Journal of Management in Engineering, 28(3), https://doi.org/10.1061/(asce)me.1943-5479.0000095, 2012, pp.348–351.

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.