Tổ chức không gian cho nhà ở làng Đôn Thư Hà Nội theo xu hướng bền vững
MTXD - Đất nước đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ, tốc độ đô thị hóa ngày càng cao. Đô thị hóa đã và đang làm thay đổi đến bộ mặt xã hội nông thôn, trong đó ảnh hưởng đến văn hóa xã hội, phong tục tập quán và đặc biệt là kiến trúc nhà ở.
Làng Đôn Thư thuộc đồng bằng Bắc Bộ, làng ở phía nam huyện Thanh Oai, Hà Nội. Do nhu cầu phát triển kinh tế và nhận thức chưa đúng của người dân cũng như người làm quản lý nhiều cảnh quan nông thôn địa phương mang đậm giá trị văn hóa của nền văn minh nông nghiệp của làng đã bị biến đổi hoặc mất đi. Quá trình hiện đại hóa và đô thị hóa cuộc sống thiên về dịch vụ nên vấn đề tự cung, tự cấp không còn cần thiết, vườn bị chia nhỏ để xây dựng không còn nhiều bóng dáng lũy tre, cây đa, giếng nước, vườn rau, ao cá... Các khu dân cư gần trục giao thông xây dựng theo kiểu tự phát, cấu trúc làng xã thay đổi theo chiều hướng đô thị, làm mất đi tính ưu việt của môi trường mang tính sinh thái truyền thống.
Đình làng Đôn Thư
Trên tinh thần xóa đói giảm nghèo, các công trình kiến trúc đặc biệt là nhà ở mới đang ở mức độ xóa bỏ nhà tạm, dột nát. Từ “ngói hóa” đến “bê tông hóa” những chủ trương nhằm tăng chất lượng công trình nhưng lại là nguy cơ khiến nhiều ngôi nhà truyền thống có giá trị bị phá hủy. Do giá vật liệu gỗ và công thợ mộc cao nên còn rất ít gia đình có khả năng xây dựng nhà ở theo kiểu truyền thống. Thay vào đó một xu hướng phổ biến hơn là xây dựng nhà mái bằng tường xây gạch hay gia đình có điều kiện hơn về kinh tế thì chọn mẫu nhà kiểu biệt thự mái bê tông cốt thép dán ngói từ các đô thị lớn.
Tổ chức không gian nhà ở mới theo xu hướng bền vững cho làng Đôn Thư được quan tâm đặc biệt nhằm xây dựng nền kiến trúc nhà ở nông thôn mới bền vững
Phát triển bền vững là một khái niệm nhằm định nghĩa sự phát triển về mọi mặt trong hiện tại mà vẫn phải đảm bảo sự tiếp tục phát triển trong tương lai xa. Khái niệm này hiện đang là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới. Mỗi quốc gia sẽ dựa treo đặc thù kinh tế, xã hội chính trị, địa lý, văn hóa... riêng để hoạch định chiến lược phù hợp nhất với quốc gia đó. Thiết kế kiến trúc bền vững là thiết kế đạt tới một giá trị bền vững cho môi trường sống của con người, giảm thiểu các tác động tiêu cực vào môi trường trong hiện tại cũng như tương lai. Thiết kế kiến trúc bền vững bao gồm: Bền vững về kết cấu vật liệu kỹ thuật, về quy hoạch cảnh quan môi trường, về thẩm mỹ, văn hóa.
Bền vững về kết cấu, vật liệu, kỹ thuật: Kiến trúc và con người ngày đối mặt nhiều với những bất ổn do cả thiên nhiên và xã hội (động đất, sóng thần, bão lũ, khủng bố...) nên sự bền vững kết cấu ngày càng trở nên quan trọng. Hệ thống kỹ thuật, trang thiết bị trong công trình cũng là một phần quan trọng và đòi hỏi tính bền vững. Công trình bền vững có nghĩa là những hệ thống này cũng phải bền vững, được thiết kế và lắp đặt khoa học, hoạt động ổn định, an toàn; thuận tiện và dễ dàng bảo trì, sửa chữa, nâng cấp thay thế hay xử lý nếu xảy ra sự cố.
Bền vững về quy hoạch, cảnh quan, môi trường. Một công trình tồn tại có ý nghĩa khi nó được đặt đúng nơi, đúng chỗ. Công trình phải làm đẹp thêm cảnh quan, không gian và ngược lại, không gian sẽ tôn công trình đó lên. Quy hoạch không ổn định hoặc quản lý quy hoạch – đô thị không tốt sẽ ảnh hưởng tới sự bền vững của công trình.
Bên vững về môi trường có quan hệ với các vấn đề quy hoạch, cảnh quan. Yếu tố môi trường cũng được hiểu rộng cả nghĩa tự nhiên và xã hội. “Kiến trúc bền vững” như thường nói đề cập nhiều tới yếu tố môi trường tự nhiên với những tiêu chí như thân thiện với thiên nhiên, cộng sinh cùng thiên nhiên, nhiều màu xanh tự nhiên.
Bền vững thẩm mỹ. Kiến trúc là một trong bảy môn nghệ thuật. Cho dù kiến trúc hiện đại ngày nay gần với công nghệ – kỹ thuật hơn, thì vẫn không thể loại trừ, phủ nhận yếu tố nghệ thuật, thẩm mỹ trong đó. Và sự “bền vững thẩm mỹ” cũng là lý do để kiến trúc trường tồn, dù có thể đó không phải là kiến trúc quá bền chắc, to lớn, kỳ vĩ.
Bền vững văn hóa. Sự tồn tại của kiến trúc cùng cuộc sống con người đã tạo nên những giá trị tinh thần. Tự thân kiến trúc có giá trị thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật đã là một phần của yếu tố ấy. Nhưng lớn hơn, nó còn hình thành, gìn giữ những giá trị văn hoá qua năm tháng, qua những thăng trầm lịch sử. Có thể nói đó là những kiến trúc có linh hồn thể hiện một giá trị văn hoá sâu sắc, thể hiện được cốt cách, tinh thần của chủ nhân.
Khái niệm về nhà ở nông thôn mới: Là nhà ở nông thôn mới được xây dựng từ năm 1986 đến nay. Giai đoạn này quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng theo xu hướng phát triển của xã hội, nền kinh tế thị trường tác động đến tất cả các lĩnh vực như: kinh tế, kiến trúc, xây dựng, con người, mức sống, lối sống, nhu cầu tiện nghi... Mặt trái của đô thị hóa làm thay đổi nhiều nhất đến bộ mặt xã hội nông thôn, trong đó ảnh hưởng nhiều là văn hóa xã hội, phong tục tập quán và kiến trúc nhà ở. Các khu đô thị mới, khu công nghiệp ngày càng được mở rộng thay thế dần các cánh đồng lúa. Cây Đa, lũy tre xanh, cổng làng, nhường chỗ cho những ngôi nhà bê tông xa lạ và những khu nhà giãn dân với những mái tôn đầy màu sắc. Hai bên đường làng được xây dựng những ngôi nhà ống phố, cái nhô lên, cái thụt xuống. Người nông dân chất phác đã thay đổi thói quen sống tình làng nghĩa xóm, tiếp cận với những tiêu cực, thói xấu của thành thị.
Kiến trúc nhà ở nông thôn cũng không tránh được quy luật này. Điều này thấy rõ từ việc quy hoạch làng xã một cách tự phát đến những công trình kiến trúc xô bồ của nhà ở nông thôn mới. Do dân cư của làng ngày càng tăng nên nhu cầu về nhà ở ngày càng cao việc mở rộng các khu giãn dân là tất yếu. Các khu nhà ở để có hiệu quả kinh tế cao phải bám vào các trục làng, trục đường liên thôn, xã hay huyện. Khu đất dãn dân tự phát không có hệ thống hạ tầng không có quy hoạch, khu đất thường bám vào trục đường nên kéo dài thành tuyến.
Việc xây dựng không phép và không quan tâm đến hạ tầng kỹ thuật là yếu tố cơ bản làm cho môi trường nông thôn bị xâm hại nặng nề. Chất thải của con người và gia súc không có lối thoát do các ao hồ tự nhiên đều bị san lấp để biến thành đất ở dẫn đến ảnh hưởng môi trường nước và không khí của các vùng nông thôn.
Không chỉ các khu đất nhà ở dãn dân làm ảnh hưởng đến hình ảnh kiến trúc nhà ở nông thôn mà các ngôi nhà ở phía sâu trong làng xưa cũng cùng chung số phận. Chúng bị thay đổi nhiều về hình thái khuôn viên truyền thống do người dân chia nhỏ khu đất ra làm nhiều nhà ống. Mỗi khu đất chia đều cho các con cái làm nhà ở riêng, thói quen sống nhiều thế hệ trong ngôi nhà ở truyền thống không còn nữa. Cuộc sống tự do cá nhân đang làm mai một đi truyền thống văn hóa “lá lành đùm lá rách”, “chia sẻ ngọt bùi” của người nông dân. Những sân dung để phơi và làm mùa trong mỗi gia đình không còn nữa, người dân thu hoạch sản phẩm nông nghiệp ngay trên đường quốc lộ, hay đường làng làm ảnh hưởng đến giao thông và môi trường sống. Kiến trúc nhà ở nông thôn giai đạn này ít được định hướng và quản lý sát sao của các cấp, các ngành. Các cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị làm tư vấn kiến trúc chưa quan tâm nhiều nên mảng kiến trúc nông thôn đang bị bỏ ngỏ. Thực tế dưới tác động của đô thị hóa kiến trúc nông thôn ngày càng hỗn độn.
Nghiên cứu tại Trung Quốc “do viện nghiên cứu phát triển nông thôn Trung Quốc thực hiện năm 2014”. Trình độ văn minh của xã hội và một đất nước được đánh giá cao hay thấp không chỉ phụ thuộc vào trình độ văn minh của đô thị, mà còn phụ thuộc vào trình độ văn minh của khu vực nông thôn rộng lớn. Chính vì thế, Trung Quốc không thể chỉ coi trọng sự phát triển về mọi mặt của đô thị, mà còn chú trọng đến sự phát triển của khu vực nông thôn. Trong những năm qua Nhà nước Trung Quốc cũng đã áp dụng nhiều chính sách và biện pháp để xây dựng khu vực nông thôn ngày càng tươi sáng hơn. Để quản lý và giám sát chặt chẽ hơn tiến trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là vấn đề nhà ở nông thôn, một hệ thống tiêu chí đánh giá kết cấu, trình độ xây dựng nhà ở nông thôn được đưa ra là điều vô cùng cần thiết. Trong quá trình xây dựng nông thôn từ trước đến nay, do thiếu các hệ thống đánh giá khoa học, nên việc xây dựng thường là do người dân tự phát, tùy ý xây và không có trật tự hay trình tự nào, việc quản lý công tác xây dựng gặp nhiều khó khăn, đồng thời cũng gây lãng phí tiền của và tài nguyên, vật liệu xây dựng. Hiện nay khu vực nông thôn Trung Quốc đang trong giai đoạn chuyển đổi hiện đại hóa. Trước mắt, rất nhiều khu vực cần phải chuyển đổi, như các khu vực ven đô, quy hoạch và xây dựng phát triển để trở thành vùng phụ trợ đắc lực cho đô thị lỗi, đồng thời giảm áp lực cho khu vực đô thị. Đây chính là một trong những vấn đề trọng yếu trong quá trình xây dựng nông thôn mới mà chính phủ Trung Quốc đang tập trung quan tâm phát triển. Xây dựng Hệ thống đánh giá nhà ở nông thôn một cách khoa học và toàn diện, có những ý nghĩa chủ yếu như sau:
Hệ thống đánh giá rõ ràng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng tập trung, tạo ra sắc thái riêng cho từng vùng nông thôn, tránh gây lãng phí tài nguyên và tiền của khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Hệ thống đánh giá có tính phù hợp và tính thực dụng cao có lợi cho việc quản lý và phân phối nguồn ngân sách quốc gia dành cho xây dựng nông thôn mới. Có lợi cho việc cải thiện môi trường nhà ở nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa đô thị và nông thôn. Có lợi cho việc nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho người nông dân, để người dân dần tiếp cận với những hoạt động xã hội và cơ sở vật chất hiện đại. Phát triển xã hội nông thôn hài hòa, lâu dài và bền vững.
Nội dung chủ yếu trong nghiên cứu hệ thống đánh giá nhà ở nông thôn: I tra mức độ hài lòng về nơi định cư, nhà ở của người dân vùng nông thôn Làm thế nào để lý giải và hiểu được nhu cầu về nhà ở cũng như thói hoạt của người nông dân. Nắm được khả năng và trình độ xây dựng nhà ở của người dân, những người không qua trường lớp đào tạo về ngành xây dựng, nhưng tự xây nhà cho chính mình và người khác, không cần bản thiết kế, không cần tính toán kết cấu, vật liệu, tất cả chỉ dựa vào kinh nghiệm mà thành. Tất cả các thông tin điều tra phải mang tính tổng quát và có tính đại diện điển hình, để phân biệt sự khác nhau giữa từng vùng nông thôn thuộc các miền Đông, Tây Bắc và Tây Nam.
Đưa ra hệ thống đánh giá chất lượng cuộc sống đô thị, bao gồm 45 tiêu chí. Trọng điểm nghiên cứu là phân tích các tiêu chí có liên quan đến mô hình nhà ở và chất lượng nhà ở. Lấy các đô thị lớn thuộc khu vực miền Đông để tiến hành nghiên cứu.
Nghiên cứu tình hình thay đổi kiểu dáng và kết cấu nhà ở nông thôn theo từng thời kỳ, từ đó đưa ra những nhận định về sự thay đổi (trong kiểu dáng, kết cấu, cách thức thi công). So sánh sự khác nhau giữa khu vực kinh tế phát triển vùng duyên hải miền Đông với khu vực Tây Nam, ảnh hưởng từ phát triển kinh tế vùng đến sự thay đổi trong phát triển nhà ở vùng nông thôn. quan hê Phân tích sự khác biệt giữa nhà ở đô thị và nông thôn để kết luận: Mối giữa con người và môi trường sống ở đô thị và nông thôn là khác nhau; Nhu cầu sinh hoạt và lao động của người dân ở đô thị và nông thôn cũng khác nhau; Phúc lợi xã hội ở vùng nông thôn và đô thị có sự khác biệt lớn; Trình độ giáo dục và nhận thức của người nông dân còn thấp. Những sự khác biệt này tất yếu dẫn đến sự thay đổi về các chỉ số trong hệ thống đánh giá nhà ở, đồng thời cũng đưa ra sự khác nhau về con số đánh giá giữa các vùng miền. Phân tích hệ thống đánh giá nhà ở nông thôn hiện nay bằng cách tham chiếu với hệ thống đánh giá nhà ở đô thị và lấy một thị trấn điển hình để phân tích sự phát triển về kinh tế, xã hội và trình độ xây dựng để đưa ra tiêu chí đánh giá thí điểm.
Từ những nghiên cứu và điều tra về mức độ hài lòng về nhà ở của người nông dân vùng nông thôn, kết hợp với những tư liệu về lịch sử phát triển vùng miền, mục đích là hiểu được nhu cầu của người dân, từ đó đưa ra được những đánh giá khoa học và những tiêu chí đánh giá đúng thực tiễn. Từ hệ thống đánh giá đưa ra phương pháp xây dựng phù hợp với từng vùng nông thôn và các tiêu chí cũng có ý nghĩa trong việc khống chế hiện tượng xây dựng bừa bãi không phép, và gây nguy hiểm trong thi công. Hệ thống đánh giá lấy con người làm căn bản, để phục vụ cho đời sống của con người, và trên hết là đảm bảo chất lượng công trình nhà ở vùng nông thôn. Mối quan hệ giữa con người với nông thôn, con người với thành thị, thành thị với nông thôn, luôn là những mối quan hệ có ảnh hưởng lẫn nhau, và muốn xã hội phát triển hài hòa, kinh tế phát triển bền vững thì cần phải giải quyết tốt các mối hệ đó. Cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống cho người nông dân, thì lĩnh vực xây dựng cũng cần được quan tâm, và việc xây dựng hệ thống đánh giá nhà ở nông thôn phần nào giải quyết được vấn đề nhà ở hiện nay, đảm bảo chất lượng công trình nhà ở và cơ sở hạ tầng nông thôn, rút ngắn khoảng cách khác biệt giữa thành thị và nông thôn, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp hơn.
Nghiên cứu tại khu vực Đông Nam Á: Theo Colins Freestone trong công trình “Nghiên cứu các yếu tố về kinh tế chính trị làng xóm vùng Đông Nam Á đã tổng kết những vấn đề chung nhất trong việc quy hoạch xây dựng làng của một số nước thuộc vùng này. Qua nghiên cứu ta thấy cách xây dụng nhà ở và làng xóm của một số nước Đông Nam Á rất gần gũi với cách xây dựng làng xóm của đồng bào người Việt chúng ta.
- Dân cư bố trí dọc theo kênh rạch hoặc theo đường giao thông và đó cũng là dường giao thông chính liên hệ giữa các điểm dân cư.
- Nhà ở bố trí phân tán, không có định hướng từ ban dầu khi mới hình thành điển dân cư.
- Khu ở của điểm dân cư thường rất gần với khu sản xuất.
- Các công trình hạ tầng kỹ thuật, các công trình phục vụ công cộng ít được quan tâm trong từng điểm dân cư, mà chỉ được bố trí cho từng cụm gồm nhiều điểm dân cư. Cũng như các làng ở Việt Nam, làng nào cũng có một trung tâm công cộng nhỏ, gồm các công trình sinh hoạt văn hóa, hành chính hoặc tín ngưỡng chung như đình, chùa, chợ v.v... Quy mô làng xóm thường nhỏ, nằm rải rác trong hệ thống đồng ruộng canh tác.
Tất cả những điểm giống nhau như vậy phải chăng là trên dải đất vùng đông nam Châu Á này có nhũng điều kiện kinh tế, địa lý, xã hội có những nét giống nhau. Vì vậy mà vấn đề ăn, ở của con người Thái Lan, Lào, Cămpuchia, Malaixia, Inđônêxia, Singapo... và Việt Nam cùng mang nhiều nét tương tự. Điều này cho thấy rằng: Cân phải nghiên cứu kinh nghiệm và những tiến bộ của các nước trong khu vực đã thành công trong việc xây dựng các làng xóm mới và định hướng, áp dụng cho điều kiện các vùng ở Việt Nam. Mặt khác qua đó cũng rút ra những bài học kinh nghiệm cho công tác quy hoạch xây dựng nông thôn Việt Nam là phải căn cứ vào những yếu tố địa lý, kinh tế xã hội của từng vùng để nghiên cứu cho phù hợp, đồng thời phải dự kiến bước đi cho từng giai đoạn thích ứng với sự phát triển đi lên của xã hội. Ngoài ra cũng tránh tư tưởng chủ quan duy ý chí, mang lý thuyết điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng này áp đặt cho vùng khác có những điều kiện không phù hợp.
Trong thời gian gần đây các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan đã có nhiều cố gắng đưa ra các chương trình phát triển nông thôn để phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Họ đã đầu tư nhiều trong việc xây dựng hệ thống giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, mạng lưới dường nối liền khu sản xuất với thị trường chế biến, tiêu thụ, quy hoạch lại làng bản theo mô hình và nguyên lý mới hiện đại. Kết quả sau bảy lần thực hiện kế hoạch 5 năm, Thái Lan đã đạt được sự tăng trưởng kinh tế nông nghiệp rõ rệt, các vùng nông thôn có cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông phát triển, dịch vụ công cộng được nâng cao, đời sống nông dân được cải thiện. Tuy vận vấn đề phân hóa giàu, nghèo ở mức độ cao tại Thái Lan cũng như một số nước trong khu vực là bài học cho chúng ta rút kinh nghiệm để đề ra các mô hình phát triển và xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam.
Tóm lại: Qua nghiên cứu một số vấn đề lý luận và thực tiễn phát triển nông thôn ở nước ngoài, với các nước có điều kiện tương tự ta thấy rằng: muốn phát triển nông thôn nhất định phải xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất định phải có quy hoạch hệ thống làng xã một cách hợp lý, trong đó mạng lưới giao thông phải quan tâm trước tiên, cùng với việc xây dựng trung tâm làng xã trở thành hạt nhân phát triển kinh tế xã hội và văn hóa và là môi trường thuận lợi cho việc tiếp thu văn minh đô thị vào nông thôn.
Đôn Thư ngày nay
Nghiên cứu nhà ở nông thôn mới theo xu hướng bền vững ở Việt Nam.
Kiến trúc nhà ở nông thôn (NONT) vùng đồng bằng Bắc bộ (ĐBBB) phản ánh một phần kho tàng văn hóa và nghệ thuật kiến trúc độc đáo của dân tộc ta. Trải qua hàng nghìn năm đấu tranh với thiên nhiên để sinh tồn, cha ông ta đã biết tổ chức không gian nhà ở của mình ngày càng hoàn thiện về công năng và đạt giá trị nghệ thuật thẩm mỹ cao hơn. Những giá trị cần tìm hiểu, nghiên cứu đối với NONT như: Giá trị về tổ chức quy hoạch làng xã; quy hoạch khuôn viên khu đất; tổ chức không gian nhà ở thân thiện với môi trường tự nhiên.
Ngày nay, dưới tác động của đô thị hóa cấu trúc làng xã truyền thống đã thay đổi cả về nội dung và hình thức, từ cấu trúc làng xã “đóng” kín đã chuyển sang ; cấu trúc “mở” linh hoạt. Đối với không gian nhà ở cũng biến đổi cho phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất kinh tế nông nghiệp nông thôn. Ngoài không gian nhà ở thuần nông đã nảy sinh thêm một số không gian khác như nhà ở kết hợp với sản xuất thủ công, kết hợp làm kinh tế, trại, dịch vụ thương mại... Các không gian NONT mới hiện phát triển tự phát, thiếu định hướng đang phá vỡ những giá trị khuôn mẫu của cấu trúc không gian cũng như NONT truyền thống vùng ĐBBB, ảnh hưởng đến môi trường sống người dân nông thôn. Do đó, việc nghiên cứu kế thừa những giá trị kiến trúc nhà ở truyền thống phục vụ cho thiết kế, xây dựng NONT mới vùng ĐBBB đáp ứng nhu cầu sinh hoạt ăn, ở, học tập, phát triển kinh tế đình, phù hợp với phương thức sản xuất mới, đáp ứng điều kiện thân thiện với môi trường thiên nhiên, nâng cao tiện nghi cho người dân là cần thiết.
Giá trị về quy hoạch làng xã: Giá trị quy hoạch của làng, xã vùng ĐBBB được thể hiện ở cấu trúc truyền thống bền vững cũng như những thành phần chứa đựng trong làng xã như lũy tre làng, cổng, đường làng, ao và giếng làng, đình, chùa, miếu, đền, nhà thờ họ, chợ... Ngoài ra, giá trị nghệ thuật của làng vùng ĐBBB còn biểu hiện ở việc lựa chọn vị trí khu đất dựng làng theo thuật phong thủy dựa vào Ngũ hành, vào vận khí của trời đất. Người dân vùng ĐBBB quan niệm về phong thủy ngoài các yếu tố phong thủy của Trung Hoa, họ còn hình dung ngôi làng là thân thể của một vị thần, mà tứ chi được phân bố trên toàn bộ đất đai của làng.
Làng vùng ĐBBB được bao bọc bởi lũy tre dày đặc tạo nên thành trì vững chắc bảo vệ cho dân làng chống lại các tai họa đến từ bên ngoài, đồng thời nó còn là ranh giới thiêng liêng của cộng đồng làng xã thể hiện đặc điểm đóng kín và độc lập của làng. Cổng làng thường có từ hai đến ba cổng, cổng chính vào làng có điểm tuần đêm canh gác, cổng này nối liền với đường cái quan, cổng phụ ở cuối làng dẫn ra bến đò hoặc ra cánh đồng, cổng thứ ba ra nghĩa địa. Đường làng vùng ĐBBB có giá trị nghệ thuật cũng như cấu trúc rất riêng. Đường làng có đường lớn và ngõ nhỏ, đường làng chạy song song từ đó đi vào các ngõ nhỏ cụt (kiểu cài răng lược). Cấu trúc của đường làng vùng tự nhiên theo địa hình, thế đất nhưng vẫn có những quy tắc nhất định. Hai bên đường làng được trồng hai hàng cây như tre, hóp, chè mạn, xương rồng, cây dâm bụt xén tỉa điểm xuyết theo tuyến là cây lấy gỗ như xoan, nhãn nối liền giữa khuôn viên các nhà tạo nên tuyến đường làng vừa có bóng mát, vừa có cảnh quan đẹp.
Ngày nay, nhằm đáp ứng điều kiện phát triển mô hình kinh tế - xã hội nông thôn cũng như đòi hỏi của xã hội về nhu cầu dãn dân, tách hộ gia đình, nhu cầu mở rộng đất ở... bên cạnh các làng xã truyền thống đã xuất hiện điểm 1 cư nông thôn mới. Thực tế cho thấy việc quy hoạch các điểm dân cư nông thôn mới rất giống với quy hoạch các khu ở trong đô thị, đường xá quy hoạch vuông góc theo kiểu ô cờ, nhà ở bố trí thẳng hàng như nhà mặt phố tạo nên bộ mặt kiến trúc NONT khô khan, những nhà bê tông kề liền nhau như những hộp diêm dựng đứng. Ngoài ra, điểm dân cư nông thôn mới thiếu cây xanh, mặt nước, thiếu các công trình văn hóa, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí. NONT mới chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, ăn ở và phát triển kinh tế hộ gia đình người nông dân.
Như vậy, khi quy hoạch xây dựng các điểm dân cư nông thôn mới cần quan tâm nghiên cứu kế thừa các giá trị lịch sử, văn hóa của làng xã truyền thống, tạo nên mối quan hệ hữu cơ với nhau để đảm bảo điều kiện phát triển quan hệ bền vững; đảm bảo mối quan hệ chức năng giữa điểm dân cư mới và làng truyền thống, những công trình tâm linh, văn hóa, lịch sử truyền thống lâu đời cần lưu giữ tại làng cũ, các công trình dịch vụ công cộng mới như trạm bưu cục, trạm xá, nhà văn hóa, trung tâm thương mại, dịch vụ, trường học nên bố trí tại các điểm dân cư nông thôn mới, các công trình phục vụ công cộng, khu vực cây xanh, mặt nước, khu vui chơi giải trí cần bố trí tại địa điểm thuận lợi để có thể phục vụ chung cho các điểm dân cư mới cũng như làng truyền thống cũ; đảm bảo kết nối thuận lợi hệ thống giao thông liên xã, làng xóm, liên thôn với hệ thống giao thông điểm dân cư nông thôn mới với nhau; đảm bảo điều kiện hạ tầng kỹ thuật như hệ thống cấp nước, rãnh thoát nước chung, hệ thống điện lưới phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho các điểm dân cư, hệ thống cây xanh, cảnh quan chung; cần lưu ý kế thừa phát huy giá trị văn hóa, tập quán phong tục truyền thống trong các điểm dân cư mới, giữ gìn các yếu tố văn hóa có giá trị và loại bỏ bớt các hủ tục lạc hậu và tránh để văn hóa ngoại lai không có giá trị xâm nhập làm bào mòn lối sống văn hóa truyền thống nông thôn vùng ĐBBB.
Giá trị về tổ chức khuôn viên khu đất: Tổ chức các thành phần chức năng cũng như tổ chức cảnh quan khuôn viên khu đất NONT truyền thống vùng ĐBBB có giá trị rất lớn về nghệ thuật kiến trúc. Việc lựa chọn hướng nhà, vị trí cổng ngõ ra vào, vị trí hòn non bộ, bố trí cây xanh, mặt nước... ngoài những yếu tố tâm linh còn mang giá trị nghệ thuật tạo hình và yếu tố khí hậu đặc trưng của vùng nông thôn ĐBBB.
Một trong những giá trị cần nghiên cứu là nghệ thuật tổ chức vườn trong NONT truyền thống. Có bốn loại vườn trong khuôn viên ngôi NONT: Vườn trung tâm trồng hoa và cây cảnh tạo cảnh quan bám xung quanh sân; Vườn thứ hai nằm hướng Đông phía bên trái trồng rau xanh và trồng cau kết hợp với giàn trầu, vườn này vừa có giá trị cảnh quan, giá trị kinh tế, vừa có giá trị giải quyết vi khí hậu (tán cây cau che nắng phía trên nhưng đón gió mát hướng Nam lùa vào không gian ngôi nhà); Vườn thứ ba phía Tây trồng cây ăn quả và cây lấy gỗ, vườn này chắn bớt bức xạ mặt trời hướng Tây; Vườn thứ tư hướng Bắc trồng chuối nhằm che chắn gió lạnh mùa đông bắc cho ngôi nhà. Dân gian thường có câu “trước cau sau chuối” là cách thức tổ chức vườn giúp cho NONT có khả năng mát về mùa hè và ấm về mùa đông.
Việc xây dựng, phát triển NONT mới hiện nay do không quan tâm kế thừa các yếu tố kiến trúc truyền thống, đặc biệt không chú trọng đến bố trí sân, vườn cảnh quan nên đang làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường ở, tiêu hao nhiều năng lượng, góp phần làm biến đổi khí hậu. Do đó, khi xây dựng phát triển các loại hình NONT mới cần quan tâm kế thừa giá trị nghệ thuật sân vườn trong NONT truyền thống. Việc kế thừa cần chọn lọc và tổ chức cho phù hợp với không gian kiến trúc của mỗi loại hình NONT mới. Sân, vườn ngoài chức năng tạo cảnh quan, cải thiện kinh tế gia đình còn giúp điều hòa khí hậu nóng ẩm, thông gió và chiếu sáng tự nhiên. Sân, vườn được bố trí tại các vị trí trong không gian NONT mới như sau: Đối với sân, có thể bố trí trước nhà; tạo sân trong giữa nhà trước và nhà sau. Đối với vườn, bố trí phía sau, bên cạnh và trên mái nhà. Sân trước kết hợp với trồng cây cảnh, sân trong trồng cây cảnh, bể nước mưa, bể cảnh và hòn non bộ. Vườn sau, vườn xung quanh trồng rau xanh, cây ăn quả, vườn mái trồng rau xanh kết hợp dàn hoa thiên lý, mướp, bí, bầu.
Giá trị về tổ chức không gian: Giá trị về tổ chức không gian NONT truyền thống vùng ĐBBB được thể hiện ở việc bố trí các chức năng hợp lý, phù hợp với nhu cầu sinh hoạt và làm kinh tế gia đình. Các chức năng gồm sân phơi, ao cá, vườn, nhà ở chính, nhà phụ, nhà kho, vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi. Việc tổ chức các chức năng liên hoàn, phóng khoáng, đan xen với cây xanh, mặt nước, cảnh quan thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, tận dụng khả năng thông gió và chiếu sáng tự nhiên đã tạo nên sự khác biệt về giá trị không gian NONT truyền thống.
Không gian NONT mới tại các điểm dân cư nông thôn hiện nay thường đóng kín, thiếu ánh sáng, thông gió tự nhiên kém nên tốn điện năng cho quạt điện và điều hòa. Mặt khác, do bố trí công năng theo chiều cao, thiếu không gian sân, vườn, chuồng trại chăn nuôi gia súc nên không phù hợp với loại hình nhà ở thuần nông.
Không gian NONT mới nên kế thừa trên cơ sở biến đổi không gian truyền thống theo phương ngang trước đây trở thành phương dọc (theo chiều sâu) đồng thời chuyển đổi sân phơi thành sân trong hoặc bố trí sân phơi trên mái. Ngoài ra, không nên xây dựng NONT mới kiểu chia lô như hiện tại mà nên chuyển sang xây dựng nhà ở kiểu nông trang (kiểu nhà ghép hộ). Không gian NONT kiểu nông trang được kế thừa từ tính chất gia đình đa thế hệ của nông thôn vùng ĐBBB. Đó là một tổ hợp các ngôi nhà cùng huyết thống, có thể tận dụng diện tích đất xây dựng nhà ở để tăng diện tích sân phơi chung và vườn trồng cây. Nhà ở kiểu nông trang chính là nhà ở được chuyển đổi, kế thừa các giá trị tổ chức không gian từ NONT truyền thống tạo nên cần quan tâm nghiên cứu để có thể áp dụng thiết kế, xây dựng NONT mới vùng DBBB.
Các giải pháp :
Nguyên tắc chung: Hướng tới mô hình kiến trúc bền vững cho nhà ở thôn Đôn Thư cần có những thay đổi về phần nhận thức trong quản lý phát triển. Nhà ở nông thôn mới tại đây cần được phát triển trên cơ sở kế thừa và khai thác những bài học của truyền thống kết hợp khai thác những công nghệ và kỹ thuật tiên tiến. Giải pháp tổ chức không gian dưới đây được đề xuất trên cơ sở điều kiện tự nhiên văn hóa và xã hội của thôn Đôn Thư.
Mật độ dân cư trong thôn cần được kiểm soát, đưa ra các quy mô khuôn viên đất và mật độ xây dựng hợp lý để mỗi ngôi nhà trở thành một đơn vị cân bằng sinh thái riêng đóng góp cho hệ sinh thái chung của thôn. Khuyến khích mô hình VAC truyền thống. Trong điều kiện quỹ đất hạn hẹp, nên phát triển các hộ mới ra các khu vực đất chưa khai thác hoặc đất nông nghiệp năng suất thấp để giảm tải về á lực dân số.
Phát triển hệ thống cây xanh theo nguyên tắc truyền thống đón gió mát chặn gió lạnh, chống gió bão và tạo thêm nguồn nguyên liệu trong xây dựng và sản xuất. Nạo vét và duy trì các ao hồ và các không gian mặt nước hiện có. Đưa ra những biện pháp về giảm thiểu ô nhiễm các nguồn nước này.
Giúp người dân thay đổi nhận thức về giá trị ngôi nhà truyền thống. Khuyến khích và hỗ trợ kỹ thuật cho việc bảo tồn và tái sử dụng các ngôi nhà truyền thống. Khuyến khích khai thác và học tập các kinh nghiệm truyền thống khi xây dựng nhà mới. Hạn chế xây dựng nhà ở kiểu đô thị (nhà ống) do phá vỡ cảnh quan và làm mất đi hình ảnh nông thôn truyền thống. Khuyến khích thu gom và khai thác nguồn nước mưa. Chất thải và nước thải cần được quản lý kết hợp với các giải pháp kỹ thuật (biogas, phân bón vi sinh...) xử lý trước khi xả ra môi trường. Bên cạnh đó khuyến khích khai thác và áp dụng các nguồn năng lượng mới như năng lượng mặt trời, năng lượng gió...
Phát triển nguồn nguyên liệu tại địa phương, ưu tiên và khuyến khích các nguyên liệu có năng lượng hàm chứa thấp, khả năng tái chế cao.
Các giải pháp về thiết kế:
- Giải pháp thiết kế quy hoạch, cây xanh và khoảng trống
- Giải pháp thiết kế
quy hoạch, cây xanh khoảng trống tốt sẽ giảm năng lượng
tiêu thụ để làm lạnh về mùa hè và làm sưởi ấm vào mùa đông, đồng thời giảm thiểu tác động của gió lạnh mùa đông và nắng mùa hè. Kiểm soát tiếng ổn và ô nhiễm không khí.
Các giải pháp thiết kế quy hoạch, không gian và khoảng trống:
Các giải pháp bố cục hợp khối và tổ chức không gian. Bố cục các công trình nhà ở rất quan trọng trong sự ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và ngược lại. Bằng vị trí của mình, công trình gây ra vận tốc và cấu trúc chuyển động khí đặc trưng khi chúng đi lệch xung quanh nó. Không gian giữa các tòa nhà tác động lên các luồng khí di chuyển dọc lên mặt đất thành những dải hẹp. Do đó những công trình nối tiếp nhau không nhận được gió đáng kể. Vậy giải pháp bố cục hợp khối tốt là:
+Tổ hợp hình khối công trình để không tạo cản trở gió lưu thông khu vực và gây hiệu ứng gió quẩn, hạn chế tối thiểu bức xạ nhiệt thu nhiệt và đón gió tối đa về mùa hè. Giảm tối đa gió lạnh làm thất thoát nhiệt về mùa đông.
+Sử dụng sân vườn cho mỗi công trình phía nam hoặc đông nam có hướng gió vào mùa hè tốt.
*Hướng công trình là Nam hoặc Đông Nam để giảm tối thiểu bức xạ nhiệt nhưng chiếu sáng tự nhiên tốt nhất để giảm tiêu thụ năng lượng chiếu sáng ban ngày đồng thời đón gió tốt là Đông Nam hoặc Nam.
+ Giải pháp bố cục xen kẽ công trình với sân vườn.
+Giải pháp bố cục kiểu cài răng lược.
+Giải pháp bố cục xen kẽ sân trong nhà chia lô.
- Giải pháp sử dụng các yếu tố cảnh quan.
+Sử dụng cây xanh để tạo bóng đổ ngoài nhà nhưng vẫn cho ánh sáng mặt trời xuyên qua vào mùa đông.
+Lựa chọn cây xanh thích hợp để đáp ứng mục đích cải thiện vì khí hậu. * Giảm sự phản xạ và nhiệt độ mặt đất: Sử dụng bề mặt phản xạ nhiệt thấp như thảm cỏ, cây bụi...Tránh bố trí sân rộng trong quy hoạch đặc biệt là phía cửa sổ hưởng Nam, Đông Nam, Kết hợp mặt nước, cây xanh để làm mát tạo chênh lệch áp suất không khí, tạo luồng gió mát vào nhà, giảm sự phản xạ nhiệt ngoài nhà. * dụng bóng đổ của các cây bóng mát.
+ Điều khiển gió: Bố trí cản gió lạnh tốt nhất khi vuông góc 90o với hướng gió. Bố trí cây xanh trong tổng thể hợp lý để ngăn gió lạnh mùa đông và tăng cường gió mát vào mùa hè. Hàng rào thấp cạnh nhà có thể tạo bóng đổ, cách nhiệt cho tường.
- Giải pháp thiết kế thụ động: Thông gió tự nhiên: Cung cấp khoảng mở cho thông gió tự nhiên (sảnh, giếng trời, hiên...), dùng sàn gỗ (tre, gỗ...) thông gió, tổ chức không gian chuyển tiếp không gian đệm giữa trong và ngoài nhà (hiên sảnh, ban công, sân trong...), bố trí chiều sâu mặt bằng để tăng thêm gió tự nhiên, tổ chức không gian mặt bằng đón gió tự nhiên. Thiết kế số lượng, diện tích, hình thức, vị trí cửa phù hợp sẽ tiết kiệm nhiều năng lượng và đạt được tiện nghi mong muốn. Khi thiết kế căn cứ vào công năng, phương án tổ chức mặt bằng, lựa chọn của phù hợp định vị tường quan cửa vào, cửa ra, nhằm đạt được thông gió xuyên phòng tốt nhất. Tốc độ gió xuyên phòng phụ thuộc vào sự biến đổi cấu trúc dòng. Tương quan giữa cửa gió vào và ra cũng như tốc độ gió ảnh hưởng không với cấu trúc dòng sau khi đi qua cửa vào. Cấu trúc dòng còn ảnh hưởng đến vật cản. Nên thiết kế vật cản để điều chỉnh dòng theo ý muốn. Vị trí của gió có ảnh hưởng nhất định đến sự phân bố dòng ở phương ngang. Lợi dụng đặc điểm này để bố trí cửa vào, ra nhằm tạo được thông gió theo ý muốn.
- Che nắng và chiếu sáng tự nhiên: Dùng hành lang, hiên, sảnh. Sử dụng giếng trời, sân trong chiếu sáng tự nhiên.
- Phân vùng không gian nội thất: Sắp xếp các không gian phụ (Cầu thang. WC, ban công, về hướng nắng chiếu. Sử dụng hướng mát hơ cho các không gian chính.
- Hình dáng màu sắc: Sử dụng hình dáng chu vi công trình nhỏ nhất, chia nhỏ khối tích công trình, kết nối các lối có mái che và sân trong. Sử dụng màu sáng sẽ phản xạ tốt hơn màu tối.
Các giải pháp về kỹ thuật, công nghệ, năng lượng.
Ngoài việc xây dựng hệ thống cấp điện, cấp thoát nước theo đúng tiêu chí xây dựng nông thôn mới đề ra cần tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng tự nhiên mà không sử dụng nguồn năng lượng bên ngoài. Năng lượng từ điện hoặc năng lượng phát thải khí CO2. Phát triển, sử dụng các nguồn tài nguyên, công nghệ và phương pháp sản xuất năng lượng mới như: Năng lượng sinh học, năng lượng mặt trời.
- Năng lượng sinh học có khả năng tái sử dụng và sẵn có tại địa phương như: Rơm, vỏ khô, than cây.. có tiềm năng ngăn chặn CO2 trong khí quyển.
Khuyên khích các hộ gia đình sử dụng mô hình biogas.
Giải pháp về vật liệu.
Một công trình nhà ở nông thôn mới bao gồm các vật liệu chính sau:Các sản phẩm từ đá vôi- bê tông, vữa xi măng và tấm thạch cao. Kim loại thép, nhôm và kẽm. Các sản phẩm hóa dầu, nhựa và sơn. Gạch xây và lát. Các sản phẩm từ gỗ tự nhiên, gỗ tổng hợp, gỗ dán. Kính...
Thép là vật liệu có độ bền xây dựng cao và đa năng, khả năng tái sử dung cao. Thép kết cấu, thép mái và thép của hệ thống chứa nước mưa có thể tháo dỡ mà không bị hỏng hóc và có thể dễ dàng tái chế thành những sản phẩm thép chất lượng cao. Khía cạnh quan trọng nhất của thép là khả năng tái sử dụng và độ bền của nó. Độ bền liên quan đến bền vững của môi trường và kinh tế. Một sản phẩm có tuổi thọ cao có thể giảm chi phí sản xuất, hạn chế rác thải, ít phải bảo trì, khả năng tái sử dụng cao.
Gạch ngói bằng đất nung rất bền. Gạch ngói nung được sản xuất ngay tại địa phương, giảm đáng kể chi phí tiêu hao năng lượng vận chuyển, Bê tông tiêu hao nhiều năng lượng và vật liệu, không tái sử dụng được. Sản phẩm từ gỗ ít tác động lên môi trường và có năng lượng hàm chứa thấp. Việc dung sản phẩm gỗ là lý tưởng cho môi trường nhưng có những khó khăn phải tính đến trong việc tái sử dụng gỗ mặc dù tất cả các loại gỗ đều có thể tái chế thành bột giấy hay ván công ngiệp.
Giải pháp thiết kế lựa chọn vật liệu cho công trình như sau:
- Sử dụng vật liệu tại chỗ trong khu vực
- Sử dụng vật liệu mộc trong kiến trúc truyền thống, thân thiện với người sử dụng nhưng được kết hợp với các công nghệ hiện đại.
- Sử dụng vật liệu gỗ khai thác từ nguồn có khả năng tái tạo.
- Sử dụng vật liệu thông minh để nâng cao chất lượng công trình.
- Sử dụng vật liệu kết cấu có khả năng tái sử dụng cao hơn. Hạn chế tối đa sử dụng vật liệu, nguyên liệu thô được khai thác theo phương thức không có khả năng tái tạo.
Gạch block không nung là loại gạch xây sau khi được tạo hình thì tự đóng rắn đạt các chỉ số về cơ học: Cường độ nén, uốn, độ hút nước.. mà không cần qua nhiệt độ. Công nghệ sản xuất gạch block chủ yếu là công nghệ nước ngoài, chính vì vậy đầu tư cho quy trình sản xuất tương đối cao dẫn đến giá thành sản phẩm cao. Tại Việt Nam, những năm gần đây công nghệ sản xuất gạch không nung từ đất và phế thải đã được nội địa hóa tối đa với nhiều ưu điểm: Đất để sản xuất gạch chỉ chiếm 30 - 50% nguyên liệu. Có thể sử dụng đa dạng các loại đất từ miền núi, đồng bằng, duyên hải, đất đá sỏi không canh tác nông nghiệp được... và nguồn phế thải xây dựng, phế thải công nghiệp. Trọng lượng mỗi viên gạch khoảng 2,3kg, nếu đục lỗ thì chỉ còn 1,8 kg so với gạch nung thông thường 2,5kg. Qua thẩm định, kết quả đạt tiêu chuẩn quy định về cường độ chịu lực, chịu nén tốt, có thể chịu nhiệt tới 950 độ C. Giá thành mỗi viên gạch này ước tính thấp hơn hoặc ngang bằng gạch nung bình thường do dây chuyền sản xuất, công nghệ đã được nội địa hóa tối đa.
- Ngói đúc ép không nung được sản xuất từ xi măng, silicate, bột màu và phụ gia chống thấm. Sau đó được ép định hình và phơi khô.Có hai dạng, công nghệ hiện đại và tốt nhất hiện nay là ngói phủ màu bằng công nghệ ướt. Công nghệ ướt sử dụng bột màu hoà lẫn với ximăng để thành vữa màu rồi phun trực tiếp lên bề mặt viên ngói đang còn ướt ngay sau khi ngói đã được định dạng.Công nghệ khô là sơn màu và chống thấm cho ngói sau khi viên ngói đã khô. So với ngói đất sét nung truyền thống thì ngói đúc ép - không nung góp phần bảo vệ môi trường sống.
* Nghiên cứu thực nghiệm.
Tổ chức các thành phần chức năng cũng như tổ chức cảnh quan khuôn viên khu đất quyết định rất lớn về bền vững: văn hóa năng lượng, môi trường. Việc lựa chọn hướng nhà, vị trí cổng ngõ ra vào, vị trí hòn non bộ, bố trí cây xanh, mặt nước... ngoài những yếu tố tâm linh còn mang giá trị nghệ thuật tạo hình và yếu tố khí hậu đặc trưng của làng Đôn Thư. Có bốn loại vườn trong khuôn viên ngôi nhà: Vườn trung tâm trồng hoa và cây cảnh tạo cảnh quan bám xung quanh sân; Vườn thứ hai nằm hướng Đông vườn này vừa có giá trị cảnh quan, vừa có giá trị giải quyết vi khí hậu (tán cây che nắng phía trên nhưng đón gió mát hướng Nam lùa vào không gian ngôi nhà); Vườn thứ ba phía Tây
rồng cây ăn quả và cây lấy gỗ, vườn này chắn bớt bức xạ mặt trời hướng Tây; Vườn thứ tư hướng Bắc trồng chuối nhằm che chắn gió lạnh mùa đông bắc cho ngôi nhà. Dân gian thường có câu “trước cau sau chuối” là cách thức tổ chức xưởn giúp cho nhà ở nông thôn có khả năng mát về mùa hè và ấm về mùa đông. Giá trị về tổ chức không gian được thể hiện ở việc bố trí các chức năng hợp lý, phù hợp với nhu cầu sinh hoạt và làm kinh tế gia đình. Các chức năng gồm sân phơi, vườn, nhà ở chính, nhà phụ, nhà kho, vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi. Việc tổ chức các chức năng liên hoàn, phóng khoáng, đan xen với cây xanh, mặt nước, cảnh quan thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, tận dụng khả năng thông gió và chiêu sáng tự nhiên đã tạo nên giá trị bền lượng, văn hóa, môi trường...
.Mô hình 1: Mô hình nhà vườn kết hợp sản xuất bao gồm nhà ở chính kết hợp khu phụ gồm bếp, ăn và nơi để nông sản, chăn nuôi, hơn các không gian ở khác: bếp và phòng ngủ. Kết hợp sân vườn để trồng trọt chăn nuôi theo mô hình sản xuất nông nghiệp.
- Mô hình 2: Nhà vườn kết hợp sản xuất với diện tích 100m2 dành cho 3 thế hệ nhân khẩu 4-6 người. Mô hình khai thác đặc tính truyền thống nhà 3 gian, 2 chải. Bếp và vệ sinh được bố trí và khuôn viên nhà để thuận lợi cho việc sinh hoạt. Có không gian riêng cho học tập, sinh hoạt, kho, khu sản xuất nhỏ,
- Mô hình 3: Nhà có sân vườn loại 2 với diện tích 80 m2 dành cho gia đình 3 thế hệ nhân khẩu 4-5 người. Mặt bằng bố trí dựa theo xu hướng phổ biến hiện nay. Hành lang mở nhiều cửa tạo không gian thông thoáng kết hợp mái hiên là nơi sinh hoạt chung cho gia đình
- Mô hình 4: Mô hình nhà có sân vườn loại 3 với diện tích 80m2 dành cho gia đình hai thế hệ nhân khẩu 3-4 người. Khai thác đặc tính nhà 3 gian, 2 chái. Mặt bằng bố trí đối xứng, không gian sinh hoạt gia đình ở trung tâm nhà. Cửa chính không quay theo hướng khu đất nhằm mục đích tiết kiệm diện tích để làm một sân chung khi có nhu cầu xây nhiều phòng cho nhiều thế hệ mặt khác nhằm tránh nắng cho các khu đất hướng Tây.
- Mô hình 5: Nhà có sân vườn loại 4 với diện tích 75m2 dành cho gia đình hai thế hệ. Tiết kiệm diện tích bằng cách làm gác lửng. Bố trí hai mái tạo thông tầng giúp thông thoáng cho ngôi nhà. Hình thức mái làm tăng hiệu quả thẩm mỹ. Đô thị hóa là nguyên nhân chính dẫn đến sự chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp sang các mô hình kinh tế khác như dịch vụ nông nghiệp, sản xuất thủ công, kinh doanh thương mại từ đó làm biến đổi không gian nhà ở nông thôn truyền thống làng Đôn Thu sang các loại không gian khác phù hợp hơn. Do đó, việc lựa các giải pháp chuyển đổi không gian nhà ở nông vùng đồng bằng Bắc bộ nói chung làng Đôn Thư nói riêng trong quá trình đô thị hóa nhằm đáp ứng các yêu cầu đặt ra, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế gia đình nông thôn nhưng vẫn giữ được một nền văn hóa kiến trúc nông thôn bền vững đậm đã bắn sắc là cần thiết
Cơ cấu không gian kiến trúc nhà ở truyền thống làng Đôn Thư về cơ bản không khác nhiều với nhà ở vùng đông bằng Bắc Bộ. Những nhà ở xây dựng hiện nay đều in nhiều kế thừa đặc điểm của các loại nhà trên, đồng thời được cải tiến phù hợp với điều kiện tự nhiên, sản xuất, lối sống mới.
Trên cơ sở giá trị truyền thống, điều kiện tự nhiên, nhu cầu mới về kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng... đề tài đã đề xuất một số nguyên tắc, quan điểm, mô hình tổ chức không gian nhà ở theo xu hướng bền vững cho làng Đôn Thư với nhiều giải pháp khác nhau, phù hợp với điều kiện kỹ thuật xây dựng, thu nhập của các hộ gia đình.
Những nghiên cứu trên đây góp phần bảo tồn, gìn giữ những kinh nghiệm di sản về kiến trúc, quy hoạch khu dân cư nông thôn làng Đôn Thư, làm cơ sở để xây dựng đảm bảo phát triển làng bền vững theo hướng hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc.
Cần quan tâm tới việc đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng một đội ngũ kiến trúc sư đủ mạnh về lượng và chất để làm thiết kế kiến trúc nhà ở nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với việc tổ chức không gian nhà ở tại các thôn làng trong thời kỳ đô thị hóa. Cần xây dựng và hoàn chỉnh các văn bản pháp quy cần thiết như: Tiêu chuẩn quy phạm, quy trình kỹ thuật, quy chế quản lý... để làm cơ sở cho công tác thiết kế, thi công, trang trí cũng như quản lý kiến trúc nhà ở nông thôn mới.
ThS. Kts MỸ DUY HÀ
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Bá Đang (1998): Diện mạo kiến trúc đương đại Việt Nam, Tạp chí Kiến Trúc Việt Nam số 2/2003.
2. Nguyễn Hữu Dũng, Lê Vũ Cường (2009): Hướng dẫn thiết kế Nhà ở thấp tầng sử dụng năng lượng hiệu quả tại các đô thị Việt Nam, Văn phòng Bộ công thương.
3. Nguyễn Hữu Dũng (2004): Cần sớm xây dựng chính sách và tiêu chuẩn sử dụng tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng, Tạp chí xây dựng số 5/2004.
4. Nguyễn Hữu Dũng (2004): Kiến trúc năng lượng và môi trường, Bài giảng cao học kiến trúc- Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
5. Bùi Đức Dũng (2014): Kiến trúc nhà ở, Bài giảng cao học kiến trúc- Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
6. Đặng Thái Hoàng (2002): Hà Nội nghìn năm xây dựng, Nxb Văn Hóa.
7. Khuất Tân Hưng (2014): Bảo tồn di sản kiến trúc, Bài giảng cao học kiến trúc- Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
8. Hội Kiến trúc sư Việt Nam (2002): Nhà ở dân gian các vùng nông thôn Việt Nam)
9 Phạm Đức Nguyên (2002): Kiến trúc sinh khí hậu- Thiết kế sinh khí hậu trong kiến trúc Việt Nam, Nxb Xây Dựng.
10.Phạm Đức Nguyên (1998): Các giải pháp kiến trúc khí hậu Việt Nam, Nxb Khoa học và kỹ thuật.
11.Ngô Huy Quỳnh (1998): Lịch sử kiến trúc Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin.
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.