Tổng quan khu di tích lịch sử Đền Hùng
MTXD - Khu di tích lịch sử Đền Hùng toạ lạc tại Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đây là một điểm đến tâm linh, là nơi thờ cúng các Vua Hùng, Tổ tiên, những người đã có công dựng nước. Trong tâm thức con dân Việt, mảnh đất này là mảnh đất Tổ, là cái nôi và cội nguồn các đồng bào các dân tộc Việt Nam. Qua bao nhiêu những thăng trầm của lịch sử, cảnh quan Đền Hùng luôn được giữ gìn và thường xuyên tu bổ, tôn tạo nhưng vẫn giữ gìn được nét cổ kính, nghiêm trang. thu hút nhiều khách thập phương đến tham quan.
Lịch sử hình thành và phát triển
Đền Hùng là tên gọi khái quát của khu di tích lịch sử Đền Hùng - quần thể đền chùa thờ phụng các vua Hùng của nhà vua trên núi Nghĩa Linh , gắn với giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng được tổ chức tại địa điểm đó hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Hiện nay, theo các tài liệu khoa học đã công bố đa số đều thống nhất nên móng kiến trúc Đền Hùng bắt đầu được xây dựng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng trị vì. Đến thời Hậu Lê ( thế kỷ XV ) được xây dựng hoàn chỉnh theo quy mô như hiện tại.
Khu Di tích lịch sử Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ; là nơi thờ các vua Hùng có công dựng nước, Tổ Tiên của dân tộc Việt Nam. Ngày xa xưa vùng đất này là khu vực trung tâm của nước Văn Lang, nằm giữa hai dòng sông giống như hai dãy hào thiên nhiên khổng lồ bao bọc lấy cố đô xưa của các vua Hùng. Phía đông với các dãy núi non trung điệp. Vùng đất này có nhiều sông ngòi ao hồ, đồi núi, lại có những cánh đồng màu mỡ phì nhiêu do phù xa của ba con sông bồi đắp, vừa thuận lợi cho cuộc sống định canh định cư, vừa thuận lợi cho việc phòng thủ hay rút lui khi xảy ra các cuộc xung đột bộ lạc.
Đền Hùng được dụng trên núi Nghĩa Linh ,giữa đất Phong Châu , ngày nay là xã Hy Cương ,thành phố Việt Trì ,tỉnh Phú Thọ .Quần thể di tích Đền Hùng nằm từ chân núi đến đỉnh ngọn núi Nghĩa Linh cao 175 mét so với mặt nước biển ( núi có những tên gọi như Núi Cả ,Nghĩa Lĩnh ,Nghĩa Cương ,Hy Cương ,Hy Sơn ,Bảo Thiếu Lĩnh ,Bảo Thiếu Sơn ), trong khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt . Theo cuốn Ngọc phả Hùng Vương , đương thời các vua Hùng đã cho xây dựng điện Kính Thiên tại khu cực núi Nghĩa Linh này. Trong khu vực Đền Hùng có 4 ngôi đền ,1 ngôi chùa ,1 lăng và một số kiến trúc hạng mục khác ,được xây dựng hài hòa với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nơi khí thiêng của non sông hội tụ.
Núi Hùng trông xa giống như đầu của một con rồng lớn hướng về Nam, mình rồng uốn lượn thành núi Trọc, núi Vặn, núi Pheo. Phía sau núi Hùng có những quả đồi lớn san sát nối liền dài tới 10km giống như đàn voi chầu về Đất Tổ, phía trước là ngã ba Bạch Hạc với sự hợp lưu của ba dòng sông lớn nhất miền Bắc: sông Hồng, sông Lô, sông Đà tạo ra một vùng nước lớn mênh mông, từ đó có những quả đồi thấp lô nhô giống như một đàn rùa nước bò lên trầu về Nghĩa Lĩnh.
Phía Đông xa mờ là dãy Tam Đảo trùng điệp (núi mẹ), xa về phía nam là dãy Ba Vì cao ngất (núi cha) tụ lại. Sát núi Hùng còn có những quả đồi như phượng cặp như (Tiên Kiên), hổ phục (Khang Phụ - Chu Hoá).Cảnh thế ngoạn mục hùng vĩ, đất đầy khí thiêng của sơn thuỷ tụ hội.
Đứng trên đỉnh cao Nghĩa Lĩnh ta có thể bao quát toàn bộ một vùng rộng lớn với cảnh đẹp của sơn thuỷ hữu tình. Tương truyền vua Hùng đã đi khắp mọi miền, về đây chọn làm đất đóng đô.
Đền Hùng được bộ văn hóa thông tin xếp hạng là khu di tích đặc biệt của quốc gia vào năm 1962 . Đến năm 1067, Chính phủ Việt Nam quyết định khoanh vùng xây dựng khu rừng cấm Đền Hùng .Ngày 8 tháng 2 năm 1994, Thủ tướng chính phủ Việt Nam đã phê duyệt dự án quy hoạch tổng thể khu di tích lịch sử Đền Hùng lần thứ nhất, tạo tiền đề cho việc đầu tư xây dựng nhiều công trình hạng mục trong khu di tích.
Ngày 6 tháng 12 năm 2012 , UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại với những yếu tố thuộc đời sống tâm linh của người Việt Nam đã tồn tại hàng nghìn năm , thể hiện nền tảng tin thần đại đoàn kết dân tộc và gắn kết cộng đồng.Tính độc đáo của tín ngưỡng này thể hiện rất rõ ở yếu tố thờ Hùng Vương chính là thờ Quốc Tổ . Đây là hiện tượng văn hóa không phải dân tộc nào cũng có.
Đền Hùng - vùng đất Tổ linh thiêng
Cổng Đền
Cổng đền được xây dựng vào năm Khải Định thứ 2 (1917 ) trên núi Nghĩa Lĩnh. Kiến trúc vòm cuốn cao 8,5m , hai tầng 8 mái , lợp giả ngói ống . Tầng dưới có một vòm cửa vòm cuốn lớn, đầu cột trụ cổng tầng trên có cửa vòm nhỏ hơn, 4 góc tầng mái trang trí Rồng , đắp nổi hai con Nghê. Giữa cột trụ và cổng đắp nổi phù điêu hai võ sĩ, , một người cầm giáo , một người cầm rìu chiến, mặc áo giáp , ngực trang trí hổ phù. Giữa tầng một có đề bức đại tự: “ Cao sơn cảnh hành “ (Lên núi cao nhìn xa rộng) cũng có người dịch là “ Cao sơn cảnh hạnh” ( Đức lớn như núi cao ) . Mặt sau cổng đắp hai con hổ là hiện thân vật canh giữ thần.
Cổng đền Hùng
Đền Hạ
Tương truyền nơi đây, Mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con trai, nguồn gốc “đồng bào” (cùng bọc) được bắt nguồn từ đây. Dấu tích giếng “Mắt Rồng” là nơi mẹ Âu Cơ ấp trứng nay vẫn còn ở phía sau đền.
Được xây dựng vào thế kỷ XVII - XVIII. Kiến trúc kiểu chữ “nhị” gồm Tiền bái và Hậu cung, mỗi tòa ba gian, cách nhau 1,5 mét, kiến trúc đơn sơ kèo cầu suốt, bẩy gối vào đầu kèo làm cho mái sau dài hơn mái trước
Đốc xây liền tường với đốc Hậu cung, hai bên đắp phù điêu, một bên voi, một bên ngựa. Bờ nóc phẳng, không trang trí mỹ thuật. Mái lợp ngói mũi, địa phương gọi là ngói mũi lợn.
Ngay chân Đền Hạ là Nhà bia với kiến trúc hình lục giác, có 6 mái. Trên đỉnh có đắp hình nậm rượu, 6 mái được lợp bằng gạch bìa bên trong, bên ngoài láng xi măng, có 6 cột bằng gạch xây tròn, dưới chân có lan can. Trong nhà bia trước đây đặt tấm bia ghi lại việc tu sửa đường lên núi Hùng, hiện nay đặt bia đá, nội dung ghi lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Đền Hùng ngày 19/9/1945 :
“ Các vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”
Đền Hạ
Gần Đền Hạ có một ngôi chùa, xưa có tên là Sơn cảnh thừa long tự, sau đổi là Thiên quang thiền tự. Chùa được xây theo kiểu nội công ngoại quốc, gồm các nhà: tiền đường (5 gian), thiêu hương (2 gian), tam bảo (3 gian) ở phía trước, dãy hành lang, nhà Tổ ở phía sau. Các toà được làm theo kiểu cột trụ, quá giang gối đầu vào cột xây, kèo suốt. Mái chùa được lập ngói mũi, đầu đao cong. Bờ nóc tiền đường đắp lưỡng long chầu nguyệt. Chùa thờ Phật theo phái Đại thừa.
Trước cửa chùa có cây thiên tuế là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với cán bộ và chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội. Trước sân chùa có 2 tháp sư hình trụ 4 tầng. Trên nóc đắp hình hoa sen. Lòng tháp xây rỗng, cửa vòm nhỏ. Trong tháp có bát nhang và tấm bia đá khắc tên các vị hoà thượng đã tu hành và viên tịch tại chùa.
Chùa Thiên Quang
Chùa còn có một gác chuông được xây dựng vào thế kỷ XVII, gồm 3 gian, 2 tầng mái, 4 vì kèo cột kiểu chồng giường kết hợp với bẩy lẻ. Các bẩy lẻ hầu như để trơn không chạm trổ gì. Trên gác chuông có treo quả chuông, không ghi niên đại đúc chuông mà chỉ ghi: “Đại Việt quốc, Sơn Tây dạo Lâm Thao phủ, Sơn Vi huyện, Hy Cương xã, Cổ Tích thôn cư phụng”. Qua đó có thể đoán quả chuông được đúc thời Hậu Lê.
Đền Trung ( Hùng Vương Tổ Miếu )
Từ đền Hạ leo thêm 168 bậc nữa là tới Ðền Trung ở lưng chừng núi có tên chữ là "Hùng Vương Tổ Miếu".
Theo huyền sử đền là nơi Vua Hùng thường cùng các Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn ngắm cảnh thiên nhiên và họp bàn việc nước. Nơi đây vua Hùng thứ 6 đã nhường ngôi cho Lang Liêu - người con hiếu thảo vì đã có công làm ra bánh chưng, bánh dày.
Đền Trung
Đền được xây theo kiểu hình chữ nhất, có 3 gian quay về hướng nam, dài 7,2m, rộng 3,7m. Mái hiên cao 1,8m, không có cột kèo, cầu quá giang gối vào tường, bít đốc tường hậu, phía trước mở 3 cửa.
Đền Thượng và Lăng Hùng Vương
Đền Thượng ở trên đỉnh núi Hùng có tên chữ là “Kính thiên lĩnh điện” (Điện cầu trời) còn có tên là “Cửu trùng tiên điện” (Điện giữa chín tầng mây). Tương truyền rằng thời Hùng Vương, đây là nơi các vua Hùng làm lễ tế Trời đất, thần Núi và thần Lúa; cũng là nơi Thục Phán sau khi lên ngôi dựng cột đá thề sẽ trông nom ngôi đền và giữ gìn cơ nghiệp vua Hùng. Đền Thượng được đặt trên đỉnh núi, nơi ngày xưa theo truyền thuyết các Vua Hùng thường lên tiến hành các nghi lễ, tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp thờ trời đất, thờ thần lúa, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh. Ngoài cổng đền có dòng đại tự: "Nam Việt triệu tổ" (tổ tiên của người Việt phương Nam). Tấm văn bia Hùng Vương từ khảo được tạc bằng đá xanh, gắn trên tường quan cư ở bên trái đền Thượng,
vốn đã bị đánh cắp vào khoảng 10 năm sau khi xuất hiện, chỉ còn lại chân bia. Vào năm 2010, bia được khôi phục.
Đền Thượng
Đền Thượng đến thế kỷ XV được xây dựng quy mô, vào thời Nguyễn trải qua đại trùng tu. Hiện nay đền có kiến trúc kiểu chữ Vương, kiến trúc đơn giản, kèo cầu, không có chạm trổ, được xây dựng 4 cấp: Nhà chuông trống (cấp I), Đại bái (cấp II), Tiền tế (cấp III) và Hậu cung (cấp IV). Trong Đền Thượng có bức đại tự đề “Nam Việt triệu tổ” (Tổ khai sáng nước Việt Nam).
Lăng Hùng Vương (Hùng Vương lăng) tương truyền là mộ của Vua Hùng thứ sáu. Lăng mộ nằm ở phía đông đền Thượng, mặt quay theo hướng Đông Nam. Xưa đây là một mộ đất, niên hiệu Tự Đức năm thứ 27 (1870) đã cho xây mộ dựng lăng. Thời Khải Định tháng 7 (năm 1922) trùng tu lại.
Lăng hình vuông, cột liền tường, có đao cong 8 góc, tạo thành 2 tầng mái. Tầng dưới 4 góc đắp 4 con rồng tư thế bò, tầng trên đắp rồng uốn ngược, đỉnh lăng đắp hình “quả ngọc” theo tích “cửu long tranh châu”. Mái đắp ngói ống, cổ diêm, 3 phía đều đắp mặt hổ phù. Ba mặt Tây, Đông, Nam đều có cửa vòm, 2 bên cửa đều đắp kỳ lân, xung quanh có tường bao quanh, trang trí hoa, chất liệu bằng đá.
Trong lăng có mộ Vua Hùng. Mộ xây hình hộp chữ nhật dài 1,3m, rộng 1,8m, cao 1,0m. Mộ có mái mui luyện. Phía trong lăng có bia đá ghi: Biểu chính (lăng chính). Phía trên ba mặt lăng đều có đề: Hùng Vương lăng (Lăng Hùng Vương).
Lăng Hùng Vương
Đền Giếng
Đền Giếng tên chữ là Ngọc Tỉnh. Tương truyền là nơi hai nàng công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa con gái Vua Hùng thứ 18 thường soi gương chải tóc khi theo cha đi kinh lý qua vùng này. Hai nàng là người có công dậy dân trồng lúa, trị thuỷ nên. nhân dân lập đền thờ.
Đền được xây dựng vào thế kỷ thứ 18, đền được xây dựng lên trên giếng nên hiện nay giếng ở bên trong hậu cung của đền bốn mùa nước trong mát, không bao giờ cạn.
Hiện nay đền có kiến trúc kiểu chữ công (I) gồm Tiền bái, ống muống, Hậu cung, hậu cung được xây dựng kiểu chuỗi vồ. Mái đền lợp ngói mũi, bờ nóc trang trí lưỡng long chầu nguyệt.
Ngày 19/9/1954 Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Đền Hùng, Người nói chuyện với các đồng chí cán bộ Đại Đoàn quân tiên phong, tại đền Giếng Người căn dặn
" Các Vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".
Đền Giếng
Đền Tổ Mẫu Âu Cơ
Đền Tổ Mẫu Âu Cơ được xây dựng trên đỉnh núi Vặn (Tên mỹ là tự là núi Ốc Sơn), thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, có độ cao 170,2m so với mặt biển, nằm trong hệ thống “Tam sơn cấm địa” là núi Hùng, núi Trọc, núi Vặn.
Cổng đền dẫn tới Đền Tổ Âu Cơ
Đứng trên đỉnh núi Vặn có thể bao quát một vùng rộng lớn sơn thuỷ hữu tình. Phía trước núi Vặn là núi Hùng, nơi thờ tự các vua Hùng. Núi Hùng trông xa giống như đầu con rồng lớn, mình rồng uốn lượn thành núi Trọc, núi Vặn ở phía sau. Bên tả có dòng sông Hồng, bên hữu có dòng sông Lô tựa như hai dải lụa đào, bao bọc lấy ba ngọn “Tổ Sơn” ở giữa. Phía sau núi Vặn là những dãy đồi lớn san sát như bát úp, gắn với truyền thuyết “Trăm voi chầu về Đất Tổ”. Cảnh thế ngoạn mục hùng vĩ, đất đầy khí thiêng của sơn thuỷ tụ hội.
Đền Tổ Mẫu Âu Cơ là một quần thể kiến trúc bao gồm: Đền chính thờ Mẫu Âu Cơ, nhà tả vu, nhà hữa vu, nhà bia, trụ biểu, tam quan… được thiết kế theo phong cách xây dựng truyền thống, xen lẫn tính hiện đại. Các họa tiết trên trống đồng Đông Sơn: Cột gỗ có thớt đá kê, tường xây gạch mộc đỏ, mái đền có đầu đao cong vút như cánh chim Lạc, trụ biểu đá giống như cây bút đang viết lên trời xanh… cho nhân dân ta vừa cảm giác gần gũi với mẹ vừa thiêng liêng cao quý.
Đền Tổ Mẫu Âu Cơ
Trong Hậu cung đền đặt tượng Tổ Mẫu Âu Cơ được làm bằng đồng. Phía dưới đặt tượng Lạc hầu, Lạc tướng.
Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ là một công trình văn hoá lớn của thời đại chúng ta - con cháu các vua Hùng xây dựng nên, nhằm mục đích “quy tụ” và “hội tụ” văn hoá “Đền Hùng”. Bổ sung cho quần thể kiến trúc tín ngưỡng trong Di tích lịch sử Đền Hùng, thể hiện tình cảm của nhân dân ta đối với Tổ Mẫu Âu Cơ người mẹ thiêng liêng huyền thoại của dân tộc Việt Nam.
Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân
Đền Quốc Tổ Lạc Long Quân được xây dựng trên đồi Sim, ngọn đồi có hình thể giống một con rùa lớn, hai bên có Thanh Long, Bạch Hổ, phía trước là hồ Hóc Trai và sông Hồng chảy xuôi về biển. Ngôi đền được thiết kế tọa lạc trên lưng rùa biểu hiện sự linh thiêng, huyền bí. Nhìn tổng thể, ta có thể khái quát các hạng mục chính của đền như cổng đền, cổng biểu tượng, nghi môn nội ngoại, sân hành lễ, Phương Đình ( nhà bia ) Tả Vu cùng khu nhà thờ hình chữ “Đinh” gồm đền thờ chính, tiền tế, đại bái và hậu cung.
Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân
Đền thờ quay về hướng Tây Nam. Đền được xây dựng kiến trúc kiểu chữ đinh gồm: Cổng đền, Phương đình, Tả Vu, Hữu Vu, trụ biểu, đền thờ. Kiến trúc truyền thống gỗ lim, sơn son thếp vàng, tường bao xây gạch chỉ màu đỏ, mái lợp ngói mũi.
Trong đền đặt tượng Quốc Tổ Lạc Long Quân, tượng Lạc Hầu, Lạc Tướng được đúc bằng đồng. Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân tạo thành một quần thể kiến trúc cảnh quan, góp phần bảo tồn, tái tạo hình ảnh lịch sử, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong việc thờ tự thuỷ tổ dân tộc. Nhằm giáo dục các giá trị truyền thống dân tộc.
Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân
Bảo Tàng Hùng Vương
Bảo tàng Hùng Vương được xây dựng năm 1986 do Hội kiến trúc sư Việt Nam thiết kế phỏng theo truyền thuyết bánh Chưng, bánh Dầy phản ánh quan niệm của người Việt cổ về vũ trụ trời tròn, đất vuông.
Tọa lạc trên một quả đồi thuộc xã Hy Cương - thành phố Việt Trì, cách cổng đền Hùng chừng 100m, Bảo tàng “quốc gia” Hùng Vương là một kiến trúc có thiết kế 2 tầng với gần 1.000m² diện tích xây dựng, tuy hiện đại nhưng vẫn không thiếu tính dân tộc, vừa đường bệ lại vừa trang nhã, thanh thoát… Đây là công trình được thiết kế bởi Hội Kiến trúc sư Việt Nam dựa trên thế giới quan của người Việt cổ với quan niệm trời tròn - đất vuông. Đứng từ đỉnh núi Nghĩa Lĩnh nhìn xuống, Bảo tàng như một chiếc hộp vuông khổng lồ gợi liên tưởng đến sự tích bánh Chưng, bánh Dầy trong huyền sử dân tộc Việt.
Bên ngoài bảo tàng
Vận dụng thủ pháp bảo tàng hiện đại kết hợp giải pháp kỹ - mỹ thuật trong nội dung trưng bày, Bảo tàng đã giới thiệu cách sinh động gần 700 hiện vật gốc trên tổng số hơn 4.000 hiện vật sưu tập, 162 bức ảnh, 4 bức tranh gốm, 5 bức tranh sơn mài, 9 bức gò đồng, 5 hộp hình, một nhóm tượng lớn và nhiều hiện vật khác, tất cả được trưng bày tại 5 phòng chuyên đề chính, khắc họa và làm nổi bật chủ đề “Các Vua Hùng dựng nước Văn Lang trên mảnh đất Phong Châu lịch sử”
Bên trong bảo tàng
Hiện vật đồng thau
Văn hóa Phùng Nguyên
KIỀU TÂM
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.