TP.HCM: Nhiều bất cập trong xử lý vi phạm trật tự xây dựng vì chưa có hướng dẫn thi hành Nghị định 91
MTXD - Vấn đề đặt ra cần thống nhất, đồng bộ trên phạm vi toàn thành phố, từ đó việc xử lý vi phạm mới được công bằng, nghiêm minh, tránh tình trạng kéo dài thời gian xử lý, người vi phạm trốn tránh xử lý bằng các hình thức sang nhượng cho người khác, hậu quả càng gây khó khăn cho lực lượng thi hành.
Trước đây, Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định về biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm” đối với các hành vi vi phạm liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; lấn, chiếm đất; gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác. Tuy nhiên, Nghị định số 102/2014/NĐ-CP chưa quy định, chưa phân cấp cho UBND cấp tỉnh quy định mức độ khôi phục đối với từng loại vi phạm nêu trên, do đó gây khó khăn trong việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm” khi xử lý vi phạm đối với các hành vi nêu trên.
Công trình vi phạm tại phường Hiệp Thành, Quận 12 vẫn chưa tổ chức thi hành cưỡng chế vì chờ hướng dẫn
Ngày 19/11/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai, thay thế Nghị định 102/2014/NĐ-CP. Tại Khoản 3, Điều 5 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định về các biện pháp khắc phục hậu quả có nội dung: “a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương để quy định mức độ khôi phục đối với từng loại vi phạm quy định tại Nghị định này”.
Tuy nhiên đến nay, tại TP.HCM vẫn chưa xây dựng, ban hành Quy định về mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm trên địa bàn TP đối với từng loại vi phạm hành chính quy định tại Nghị định số 91, chính vì vậy nhiều trường hợp vi phạm nhưng đến nay chưa được xử lý vì cấp cơ sở không có căn cứ xác định tình trạng ban đầu của đất, trong khi một số địa bàn khác vẫn xử lý dù chưa có hướng dẫn thực hiện, gây dư luận xã hội không tốt.
Trường hợp vi phạm của công trình nhà ở tại số 170 HT13, KP.2, P.Hiệp Thành, Quận 12, công trình này đã có hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp, sau đó xây dựng trái phép diện tích 69,7m2, kết cấu tường bê tông cốt thép. Theo một cán bộ Phòng Tài nguyên – Môi trường Quận 12, vụ việc đã được lập hồ sơ xử lý vi phạm, và ban hành quyết định cưỡng chế nhưng đến nay UBND Quận 12 chưa tổ chức thi hành được, lý do đến nay UBND TP chưa hướng dẫn mức độ khôi phục hiện trạng ban đầu theo quy định của Nghị định 91. Không chỉ Quận 12 mà cả 24 quận huyện đều đang vướng mắc khó khăn này, dù đã nhiều lần kiến nghị Sở TN&MT TP.HCM về việc khắc phục như thế nào nhưng đến nay chưa được hướng dẫn.
Trong khi đó tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, nhiều công trình vi phạm đã có Quyết định xử phạt từ nhiều năm trước nhưng vẫn chưa tổ chức thi hành, người dân sống trong cảnh hồi hộp lo âu không biết nhà bị dỡ khi nào. Càng phức tạp hơn khi người dân thấy công trình chưa bị xử lý thì cho rằng có tiêu cực, bao che... hoặc tự do chuyển nhượng qua lại bằng nhiều hình thức như vi bằng, giấy tay..., khiến cho công tác xác định người vi phạm càng gặp khó khăn cho địa phương.Trường hợp Bà Nguyễn Thị Linh C., trú tại tại Tổ 7 ấp 6B xã Vĩnh Lộc A là điển hình. Theo chia sẻ của bà Cơ, từ quê nhà Quãng Ngãi vào TP.HCM làm ăn, sau thời gian tích cóp được số vốn, năm 2020, bà chuyển về xã Vĩnh Lộc A, được người quen giới thiệu bán căn nhà tại tổ 7, dù ban đầu ngần ngại việc nhà xây trên đất nông nghiệp, nhưng được người xung quanh trấn an vì “ở đây nhà nào cũng vậy mà có thấy ai bị gì đâu” nên bà đồng ý mua bằng giấy tay với chủ nhà. Sau nhiều năm sinh sống yên ổn, thì bất ngờ bà nhận được Thông báo tổ chức thi hành cưỡng chế tháo dỡ công trình nhà ở vi phạm trật tự xây dựng của UBND xã Vĩnh Lộc A ký ngày 27/7/2022. “Thấy người ta mua đi bán lại, rồi dọn vào ở mà không sao, nên tôi gom góp tài sản tích cóp lẫn vay mượn mới mua được căn nhà, vừa rồi tôi về quê chăm sóc cha mẹ già, nên tôi không biết xã dán thông báo cưỡng chế nhà, giờ vừa về đến nhà thấy thông báo treo trước cửa khiến tôi suy sụp, nghĩ đến cảnh tài sản sắp mất trắng mà không biết kêu ai”, bà Cơ bật khóc. Theo hồ sơ, công trình nhà ở trên được xây dựng trên đất của bà Nguyễn Thị Nhung, đã có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính từ 14/5/2020, nhưng đến nay sau nhiều năm chính quyền địa phương mới có thông báo tổ chức cưỡng chế, mặc dù chưa rõ địa phương này sẽ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm” như thế nào khi đến nay UBND Thành phố vẫn chưa ban hành hướng dẫn thực hiện theo Nghị định 91, còn bà Nhung hiện đã ra nước ngoài sinh sống.
Bà Nguyễn Thị Linh C. bật khóc bên căn nhà mua trả góp sắp bị cưỡng chế
Theo Luật sư Mai Đình Kiên, Công ty Luật Liên minh HCM, Đoàn Luật sư TP.HCM, căn cứ xác định tình trạng ban đầu của đất được xác định theo Hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai, cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình, bản đồ thổ nhưỡng chính quy, trường hợp không có hoặc có tài liệu nhưng nội dung không thể hiện hoặc thể hiện không cụ thể tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm thì xác định theo hồ sơ đất đai đang được sử dụng để phục vụ công tác quản lý đất đai tại địa phương hoặc theo xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trên cơ sở thu thập ý kiến của những người đã từng cư trú tại nơi có đất trước hoặc cùng thời điểm xảy ra vi phạm pháp luật đất đai bị xử phạt vi phạm hành chính.
Bất động sản là tài sản của một đời người, mà nhà ở được xem là loại tài sản có giá trị lớn nhất. Để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng không chỉ đến từ việc cố ý hoặc thiếu hiểu biết pháp luật của nhân dân mà còn từ hành vi thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong công tác kiểm tra, là dấu hiệu của việc buông lỏng trong công tác điều hành và quản lý địa bàn cấp xã, phường khi để các vi phạm xảy ra trong thời gian dài. TP.HCM cần sớm ban hành Quy định về mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm trên địa bàn TP đối với từng loại vi phạm hành chính quy định tại Nghị định số 91/2019/NĐ-CP là thực sự cần thiết và cấp bách, đảm bảo việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm” thống nhất, đồng bộ trên phạm vi toàn TP, từ đó việc xử lý vi phạm mới được công bằng, nghiêm minh, tránh tình trạng kéo dài thời gian xử lý, người vi phạm trốn tránh xử lý bằng các hình thức sang nhượng cho người khác, hậu quả càng gây khó khăn cho lực lượng thi hành khi tổ chức thực hiện, vì người vi phạm trên quyết định xử phạt lại không phải là người đang sinh sống tại công trình vi phạm, kéo theo rất nhiều hệ lụy liên quan đến việc di dời tài sản trong công trình vi phạm như đã diễn biến thời gian qua, chưa kể sẽ có sự so bì trong cộng đồng dân cư khi dù vi phạm như nhau, nhưng có nhà bị tháo dỡ, nhà thì được phép tồn tại, vừa xảy ra khiếu kiện kéo dài, vừa gây mất uy tín của chính quyền cơ sở khi nảy sinh các luồng ý kiến dư luận về bao che, chống lưng...., song song đó cần đẩy mạnh giải thích, tuyên truyền phổ biến pháp luật sâu rộng trong nhân dân, ngăn chặn các hành vi vi phạm tái diễn. Luật sư Kiên chia sẻ./.
XUÂN QUÝ
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.