TP. Hồ Chí Minh: Bao giờ xử lý dứt điểm công trình lấn chiếm đất nông nghiệp tại Quận 12 ?
MTXD - Dù đã quyết liệt ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm, nhưng đến nay, UBND Q.12 vẫn không thực hiện, gián tiếp để cho công trình vi phạm ngang nhiên tiếp tục tồn tại, khiến dư luận không khỏi thắc mắc về tính nghiêm minh của pháp luật trên địa bàn quận.
Khu vực vi phạm (vòng tròn đỏ) được đề nghị áp dụng biện pháp “khôi phục tình trạng ban đầu”
Tòa soạn Môi trường Xây dựng điện tử vừa qua nhận được thông tin phản ánh của người dân tại quận 12, TP.HCM về một công trình xây dựng lấn chiếm gần trăm met vuông đất nông nghiệp nhưng đến nay không bị xử lý. Cụ thể công trình nhà ở tại số 170 HT13, KP.2, P.Hiệp Thành, Quận 12, để thi công công trình này, chủ đầu tư đã thực hiện kè chắn phần chân móng nhà bằng bê tông cốt thép, lấn ngoài ranh đất được cấp quyền sử dụng. Qua ghi nhận hiện trạng, phía sau và bên hông thửa đất xây dựng là phần diện tích đất nông nghiệp do nhà nước quản lý, thụt sâu so với mặt đường HT13, theo người dân, chính vì địa thế đất như vậy nên chủ đầu tư đã xây kè chân móng khá chắc chắn, tuy nhiên phần kè này lại xây vượt ngoài phạm vi xây dựng được cấp phép.
Theo tìm hiểu của PV, công trình trên do ông bà Nguyễn Văn Chiến – Nguyễn Thị Thanh Tiến làm chủ đầu tư, được UBND Q.12 cấp Giấy phép xây dựng số 283/GPXD-UBND ngày 14/01/2019. Thực hiện công tác quản lý địa bàn, UBND P.Hiệp Thành phối hợp cùng Đội Thanh tra xây dựng Quận 12 kiểm tra và xác định, trong quá trình thi công, công trình có dấu hiệu mất an toàn, chủ đầu tư đã thực hiện kè chân móng nhà để tránh sạt lở. UBND Phường đã đề nghị chủ đầu tư thực hiện đúng GPXD được cấp và tự tháo dỡ phần xây dựng kè chắn ngoài GPXD được cấp. Qua tái kiểm tra, chủ đầu tư chưa khắc phục phần kè chắn chân móng nhà ngoài ranh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp, do đó, UBND Phường lập biên bản chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Bao giờ cơ quan chức năng thực hiện nghiêm nội dung văn bản đã ban hành ?
Ngày 08/6/2021, UBND Quận 12 ban hành quyết định Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với công trình này, theo đó, chủ đầu tư đã có hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực đô thị, diện tích vi phạm 69,7m2, kết cấu bê tông cốt thép, phạm vi ranh giới đất lấn, chiếm theo Bản đồ hiện trạng vị trí số 1441/HĐĐĐ/2021 do Công ty TNHH Duy Cường đo lập ngày 15/4/2021. Tuy nhiên, UBND Quận 12 đã không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với hành vi trên, với lý do hết thời hạn ra quyết định xử phạt. Đồng thời, buộc chủ đầu tư khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm, nộp lại số lợi tức bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm là 125.293 đồng. Thời hạn thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả trong vòng 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định này. Nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên đến nay đã gần 8 tháng trôi qua, nhưng công trình của ông Chiến bà Tiến vẫn thi công và hoàn thiện trước sự ngạc nhiên của người dân, bởi lẽ nhiều công trình xây dựng trái phép trên địa bàn quận đều bị xử lý nghiêm, trừ công trình nhà ông Chiến. Chẳng hạn 04 căn nhà xây dựng lấn chiếm hành lang lộ giới tại đường TA25, phường Thới An đã được tháo dỡ, hoặc công trình tại 263 Lâm Thị Hố, P.Tân Chánh Hiệp cũng đã bị cưỡng chế, trả lại hiện trạng trước khi vi phạm, nhưng không hiểu sao, công trình nhà ở của ông Chiến vẫn được “ưu ái” cho tồn tại, với mức phạt theo người dân là quá nhẹ, chỉ hơn 02 bát phở
Về trường hợp lấn, chiếm và xây dựng trên đất nông nghiệp, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính, mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;
Việc xây dựng công trình trái phép, không phù hợp với quy hoạch dẫn đến tình trạng phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, dân sinh. Chính vì thế, việc cơ quan chức năng quận 12, TPHCM đã thiếu sâu sát trong quản lý địa bàn, dẫn đến không thể xử phạt hành chính do hết thời hạn xử lý, đồng thời ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục rồi để đó, không đôn đốc thực hiện, để tồn tại công trình trái phép là chưa thỏa đáng
Do đó, kính đề nghị UBND Quận 12 kiểm tra, xử lý dứt điểm vụ việc, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như tháo dỡ ngay công trình được xác định trái phép để đảm báo tính nghiêm minh của pháp luật, tránh tạo tiền lệ xấu, gây khó khăn trong công tác quản lý về trật tự xây dựng, góp phần giáo dục, răn đe và ngăn ngừa hành vi vi phạm có thể xảy ra.
Nhóm PV
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.