Triệu Sơn -Thanh Hóa: Hàng loạt cơ sở tái chế bao bì hoạt động gây ô nhiễm môi trường
MTXD - Đã nhiều lần UBND huyện Triệu Sơn ra văn bản yêu cầu dừng hoạt động sản xuất, tháo dỡ các cơ sở tái chế bao bì vi phạm trên địa bàn xã Thái Hòa về lĩnh vực đất đai, xả nước thải trực tiếp ra môi trường chưa qua xử lý, sử dụng đất sai mục đích, không đảm bảo các quy định về phòng cháy chữa cháy, không có giấy phép hoạt động... nhưng đến nay mọi việc vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Dù bị phạt và yêu cầu dừng hoạt động nhưng vẫn tiếp tục vi phạm
Có mặt tại địa bàn xã Thái Hòa, PV Môi trường Xây dựng được mục sở thị hàng loạt các cơ sở giặt, tái chế bao bì, sản xuất hạt nhựa vẫn đang ngày đêm vô tư xả nước thải ra môi trường qua hệ thống xử lý nước thải được lắp đặt sơ sài, không đạt chuẩn. Để có cái nhìn khách quan, PV đã có dịp chứng kiến quy trình giặt và tái chế bao bì tại cơ sở của hộ ông Thành (thôn Thái Yên, xã Thái Hòa). Tại đây, PV không khỏi rùng mình bởi quy trình tái chế bao bì không đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và quy trình xử lý nước thải ra môi trường.
Hàng loạt cơ sở tái chế bao bì vô tư bức tử môi trường
Tại thời điểm PV có mặt, cơ sở này có hàng chục công nhân cả nam và nữ từ thanh niên đến trung niên đang miệt mài làm việc trong điều kiện mất vệ sinh, không đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn và vệ sinh lao động (không găng tay bảo hộ, không có đồng phục, mũ bảo hộ...). Đáng chú ý là nguồn nước dùng cho hoạt động sản xuất, được lấy trực tiếp từ nguồn nước mặt sông Nhơm. Sau quy trình sản xuất, nguồn nước thải được lọc qua bể lắng sơ sài không đạt tiêu chuẩn rồi lại đổ thẳng ra sông Nhơm. Ngoài nguồn nước mặt dùng cho sản xuất, dọc bờ sông Nhơm cũng được các cơ sở tận dụng triệt để làm nơi phơi và chứa bao bì.
Một người dân sinh sống tại thôn Thái Yên cho biết: “mô hình thu gom, giặt, tái chế bao bì được du nhập từ các tỉnh phía Bắc vào địa bàn xã Thái Hòa từ những năm 2000. Ban đầu chỉ có 4-5 cơ sở hoạt động, lâu dần thấy công việc làm ăn có lợi nhuận nên người dân đã nhân rộng mô hình lên hàng chục cơ sở lớn nhỏ”.
“Việc giặt, tái chế bao bì tại các cơ sở trên địa bàn xã là hoạt động tự phát. Phần lớn nằm xen kẽ trong khu dân cư hoặc đất thuê thầu của xã, còn lại cứ bám dọc chân đê sông Nhơm. Các cơ sở này hoạt động gây bụi bặm, tiếng ồn, đặc biệt vào mùa nắng nóng. Vào mùa mưa thì tình trạng tập kết gây nhếch nhác, hôi thối. Người dân địa phương cũng đã nhiều lần có ý kiến phản ánh lên chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nhưng tình hình vẫn chưa được xử lý triệt để, vì cuộc sống sinh nhai nên các bác mới làm, chứ thanh niên giờ đi công nhân nơi khác cả rồi”. Một người dân địa phương làm tại cơ sở tái chế bao bì cho biết.
Nước thải từ hoạt động giặt, tái chế nổi bọt được xử lý sơ sài qua hệ thống bể lắng rồi xả trực tiếp ra môi trường
Được biết, năm 2018, sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành kiểm tra, xử phạt 28 cơ sở tái chế bao bì tại xã Thái Hòa. Sở Tài nguyên & Môi trường cũng buộc 21/28 cơ sở tạm dừng hoạt động vì không có hồ sơ, thủ tục về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, sở cũng kiến nghị UBND huyện Triệu Sơn tổ chức kiểm tra việc sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất giữa UBND xã Thái Hòa với các cơ sở giặt và tái chế bao bì trên địa bàn xã. Trường hợp phát hiện có vi phạm về đất đai đề nghị UBND xã Thái Hòa phải thanh lý, chấm dứt các hợp đồng giao đất không đúng thẩm quyền, chỉ đạo các hộ gia đình, cá nhân tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên diện tích đất thầu, đất lấn chiếm.
Xã bất lực vì người dân kêu khó vì phải kiếm kế sinh nhai
Ngày 27/7/2023, PV đã liên hệ tới UBND xã Thái Hòa để tìm hiểu thông tin. Tại buổi làm việc với PV, ông Vũ Trọng An - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “ Hiện trên địa bàn xã có 28 cơ sở giặt, tái chế bao bì. Trong đó có 02 cơ sở giặt, tái chế kiêm sản xuất hạt nhựa của ông Thiều Đình Trưởng và ông Lê Thúc Lan tại thôn Thái Yên - xã Thái Hòa. Còn lại là các cơ sở giặt, tái chế bao bì thông thường phân bố dọc bờ sông Nhơm tại các thôn Thái Sơn, Thái Lai, Thái Lâm, Thái Yên, Thái Phong”.
Ngang nhiên xây dựng nhà xưởng sản xuất trên đất nhận bàn giao từ mỏ khai thác quặng crôm
Ngoài vấn đề về ô nhiễm môi trường, tập kết bao bì nguyên liệu không đúng nơi quy định, xây dựng trạm cân tải trọng trên đất thổ cư cấp sai thẩm quyền năm 2002. Các cơ sở này còn vi phạm nghiêm trọng về vấn đề sử dụng đất sai mục đích. Điển hình là 03 cơ sở xây dựng nhà xưởng trái phép trên đất nhận bàn giao từ mỏ khai thác quặng crôm tại thôn Thái Yên của ông Trưởng, ông Lan và ông Oanh khi PV hỏi các giấy tờ liên quan đến hoạt động sản xuất của cơ sở hộ ông Trưởng và ông Lan thì ông An cho biết : “ hai cơ sở này xây dựng nhà xưởng trên nền đất của mỏ khai thác quặng crôm để lại, nguồn gốc đất thuộc quyền quản lý của tập đoàn TKV - Công ty Crômmit Việt Nam cho thuê nên không có giấy phép.
Bất chấp các quy định của pháp luật, các cơ sở này vẫn ngang nhiên hoạt động do “các cơ sở này còn tồn đọng nguồn nguyên liệu nên đã xin xã tạo điều kiện cho sản xuất hết và vướng mắc việc thanh lý hợp đồng mua bán điện của các cơ sở này với chi nhánh điện lực huyện Triệu Sơn” - ông An cho hay.
Từ những vi phạm nêu trên, kính chuyển nội dung trên đến UBND tỉnh Thanh Hóa, các cơ quan ban ngành chức năng sớm vào cuộc xác minh làm rõ, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, đất đai trên địa bàn xã Thái Hòa.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!
Dưới đây là một số hình ảnh PV thu thập được trong quá trình tác nghiệp tại địa bàn xã Thái Hòa, huyện Triệu Sơn.
Hà Luân
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.