Triệu trái tim cùng hướng về kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ
MTXD - Những ngày cuối tháng Bảy, cả nước lại lặng mình tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh cho ngày hòa bình, độc lập và tri ân cho người trở về sau đạn bom khói lửa, gửi lại một phần máu xương nơi chiến trường để bảo vệ bình yên cho Tổ Quốc, cho nhân dân. Các anh, các chị, có người đã ngã xuống trên chiến trường, hoặc khi trở về mang trên mình những thương tích của chiến tranh. Hàng triệu thân nhân liệt sỹ, những người vợ khắc khoải chờ chồng, những người mẹ mòn mỏi chờ mong những đứa con mãi mãi không về…Chiến tranh đã lùi xa nhưng hình ảnh các anh vẫn sống mãi trong lòng đất mẹ, sống mãi trong các thế hệ chúng tôi hôm nay và mai sau.
Theo tiếng gọi của Tổ quốc, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc ta, mà phần lớn là thanh niên đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình cho quê hương, đất nước.
“Các anh ơi ...những hồn thiêng sông núi
Đất nước mình đổi mới đẹp biết bao
Gương các anh niềm kiêu hãnh tự hào
Công ơn đó chẳng bao giờ phai nhạt
Mấy chục năm tổ quốc ta thống nhất
Vẫn nặng lòng với mất mát đau thương
Nỗi tiếc thương trên khắp nẻo quê hương
Còn đọng mãi chiến trường bao xương máu
Vì tổ quốc các anh vào chiến đấu
Thà hy sinh xương máu của chính mình
Cho quê hương cho tổ quốc hòa bình
Để đất nước bình minh tràn nắng ấm.”
Nếu lịch sử người Việt là lịch sử của các cuộc chiến tranh bảo vệ vững chắc từng tấc đất của Tổ quốc, thì đó cũng là lịch sử sự hy sinh vô bờ bến của hàng triệu bà mẹ Việt Nam âm thầm tiễn con ra trận. Đó cũng là lịch sử những nỗi đau, sự mất mát hy sinh không gì bù đắp. Đó còn là những khúc ca bi tráng và bản trường ca bất tử đầy đau thương nhưng kiêu hãnh của người mẹ Việt Nam. Có lẽ không ở đâu trên thế giới này, người mẹ Việt Nam chịu nhiều hy sinh mất mát đến thế. Nhưng đó là sự hy sinh vì sự tồn vong của dân tộc, sự hy sinh mang lại sức sống bất diệt cho Tổ quốc.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, hàng triệu bà mẹ Việt Nam lại thắt lưng buộc bụng, anh dũng và quả cảm chôn giấu nỗi đau mất chồng, mất con để âm thầm lặng lẽ hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Hàng vạn thanh niên xung phong, nữ quân nhân chưa một lần biết đến tuổi hai mươi đã hy sinh nơi chiến hào hay trên đường hành quân ra trận. “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, đó là lời tuyên ngôn đanh thép thể hiện ý chí quật cường của phụ nữ Việt Nam khi Tổ quốc có xâm lăng.
Chúng ta không bao giờ quên hình ảnh người nữ cộng sản đầu tiên của Việt Nam Nguyễn Thị Minh Khai đang trong thời kỳ sung mãn nhất của tuổi xuân bị giặc Pháp bắt và xử tử hình tại ngã ba Giồng, Hóc Môn năm 1941. Người nữ anh hùng đầu tiên của quân đội Nguyễn Thị Chiên, một mình chủ động xây dựng và chỉ huy Đội nữ du kích Tán Thuật (Thái Bình) táo bạo nổi tiếng với chiến công “tay không bắt giặc”. Rồi Anh hùng LLVT nhân dân Đinh Thị Vân đã tổ chức hẳn một mạng lưới tình báo làm đảo điên giới chóp bu đầu não Mỹ-ngụy, phục vụ đắc lực cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta vào Tết Mậu Thân 1968. Một Võ Thị Sáu, người Anh hùng LLVT nhân dân hăng hái tham gia cách mạng lúc mới 15 tuổi. Bị giặc bắt tra tấn dã man nhưng chị vẫn một lòng kiên trung, giữ vững khí tiết người con gái phương Nam…
Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau còn đó. Bao nấm mồ liệt sĩ chưa có tên, bao người con, người chồng, người cha ưu tú của dân tộc Việt nằm lại nơi rừng hoang núi thẳm. Vô vàn những chuyến đi tìm hài cốt chồng, con héo mòn, vô vọng:
“Ba mươi năm chị đi tìm mồ anh mà không tìm được
Chị có lỗi gì đâu sao anh lại không về?
Giỗ Tết người ta mua hương hoa về viếng người thân trong nghĩa trang liệt sĩ
Nén nhang chị thắp trời không!”
Chúng tôi là những người may mắn và hạnh phúc sinh ra trong thời bình nhưng qua những nhân chứng lịch sử, qua trang sử hào hùng chúng tôi luôn tự hào về các anh. Các anh ra đi để lại sự hòa bình cho Tổ quốc. Những lần đến viếng đền thờ các anh hùng liệt sỹ là từng ấy lần chúng tôi không thể không rơi lệ, giọt nước mắt để tưởng nhớ về những người đã quên mình để bảo vệ cho Tổ quốc. Thương lắm khi trên đất nước này thân xác các anh đã không còn nguyên vẹn, từng mảnh, từng mảnh đã hòa cùng cây cỏ, đất trời. Thương lắm, những cánh thư viết vội cho người thân của các anh chưa tìm được địa chỉ…. Hầu hết các anh đã tiên đoán được cái chết sẽ đến với mình bất cứ lúc nào, nhưng các anh vẫn tràn đầy niềm lạc quan, yêu đời vì các anh biết rằng mình đã góp được phần nhỏ bé để bảo vệ cho Tổ quốc thân yêu, cho người thân được an toàn. Và trong thâm tâm các anh luôn chắc chắn một điều rằng rồi đây nước nhà sẽ độc lập – ngày ấy sẽ không còn xa.
Mỗi năm cứ đến ngày 27/7, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước lại tưởng nhớ đến các anh hùng thương binh liệt sỹ và thêm tự hào về bước phát triển của công tác chăm sóc thương binh, liệt sỹ theo tư tưởng và sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ già tới trẻ từ Bắc chí Nam, từ ngược tới xuôi tất cả đều hướng con người và trái tim của mình về những người thương binh liệt sĩ-những người đã hi sinh cả tuổi thanh xuân-cái tuổi đẹp nhất của đời người cho đất nước, cho thế hệ con em chúng ta, sử sách không ghi hết được sự hi sinh cao cả của họ, chỉ có lòng thành kính nhớ ơn mới là đáng quý.
Lễ thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sỹ (ảnh minh hoạ)
Với tinh thần và ý nghĩa sâu sắc đó, 75 năm qua, ngày 27/7 đã trở thành một ngày kỷ niệm thiêng liêng đối với các anh hùng liệt sỹ, các Thương bệnh binh, các chiến sỹ cách mạng và là nguyện vọng của toàn dân tộc đời đời ghi nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ, các Thương bệnh binh và những người có công với cách mạng; Những hy sinh, cống hiến xương máu của các liệt sỹ, thương bệnh binh đối với tổ quốc, với nhân dân, Họ có quyền tự hào về những gì mình đã hy sinh, đóng góp cho Tổ quốc và cho nhân dân để có cuộc sống hòa bình, ấm no như ngày hôm nay. Hàng năm cứ đến ngày 27/7 cũng là dịp để lan tỏa đạo lý “ Uống nước nhớ nguồn” tới xã hội và nhân dân cả nước; đồng thời cũng là dịp để giáo dục truyền thống anh hùng cách mạng cho lớp lớp thế hệ trẻ hôm nay biết phát huy truyền thống yêu nước , tinh thần cách mạng của dân tộc , hăng say rèn luyện, cống hiến sức lực , trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đây cũng là dịp để giáo dục ý thức trách nhiệm, lòng biết ơn của các tầng lớp nhân dân đối với các Thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ, những người có công với cách mạng.
Sự hy sinh không thể tả xiết ấy nhắc nhở cho hậu thế phải tiếp bước tiền nhân bảo vệ non sông nước Việt khỏi các thế lực ngoại bang, để không hỗ thẹn với vong linh các anh hùng liệt sĩ. Như chủ tich Hồ Chí Minh nhắn nhủ “Các vua Hùng đã có công dự nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
“Hôm nay đây ngày 27 đến gần
Thắp nén hương để tạ ân vì nước
Cảm ơn anh..những thế hệ đi trước
Lấy thân mình đổi đất nước bình yên….
Biết bao người vĩnh viễn chẳng có tên
Tôi gọi chung là tên “Anh Hùng” nhé
Bởi các anh đã có chung 1mẹ
Ấm vô cùng vòng tay mẹ…. “Việt Nam..”
Bằng tất cả tấm lòng thành kính và biết ơn vô hạn, tuổi trẻ hôm nay xin nguyện giữ gìn và kế thừa xứng đáng sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, phát huy trí tuệ, tinh thần xung kích, tình nguyện, xây dựng thủ đô và đất nước giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với những hy sinh to lớn của các thế hệ cha ông đi trước".
THU THỦY - THẢO SÂM
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.