Trong tiếng còi tàu chiều thương nhớ cuối năm
MTXD - Chiều cuối năm, sự niềm vui đoàn tụ sum họp đang dần đến với mọi nhà, thì ở đó có những nỗi niềm không chỉ riêng của hành khách, mà còn của những nhân viên trên tàu.
Sân ga chiều cuối năm.
Sân ga chiều cuối năm
Có những chuyến tàu cuối năm, nơi mà không ít những cảm xúc. Dòng người nườm nượp bước lên chuyến tàu để về lại với những đồng quê ngào ngạt mùi bùn đất, những ngọn đồi hiu hiu gió thổi, những thị trấn vắng vẻ u tịch. Họ bỏ lại sân ga, bỏ lại thành phố ồn ào để hăm hở lên tàu bởi ở miền quê nào đó những đứa trẻ đang đợi họ trở về với bộ quần áo mới, có những người chồng người vợ đang chờ đợi họ bên mâm cơm chiều cuối năm, những ông bố bà mẹ mái tóc bạc phơ mong ngóng con sau một năm bươn chải xa nhà.
Chiều cuối năm trên sân ga, những hành khách tất tưởi xách theo đồ đạc, tay cầm vé để bước lên tàu về quê ăn tết. Niềm mong mỏi cho cả một năm xa quê làm lụng hiện rõ trên khuôn mặt, trong những ánh mắt thấp thoáng hy vọng của họ. Sân ga chiều cuối năm, có gia đình hớn hở cùng nhau mang theo đào mai cúc về quê ăn tết, có cả những sự bịn rịn chia tay của cặp đôi yêu nhau đành tạm xa trong những ngày về quê, có khi là sự thương nhớ vấn vương của một ai đó muốn tìm lại xúc cảm xưa cũ trên sân ga với những đoàn tàu đầy khắc khoải... Sân ga chiều cuối năm có rất nhiều những khuôn mặt, những cảm xúc, những nhớ thương riêng có của mỗi người.
Trên những con tàu cuối năm đưa hành khách về quê nhà ăn tết.
Trên những sân ga của cuộc hành trình, những nhân viên của đoàn tàu tiễn những hành khách xuống ga, và lại đón thêm những người khách mới. Họ có thể là những bà mẹ đến thăm con ở thành phố xa, là đôi trai gái đi du lịch, là những người cựu chiến binh vào thăm chiến trường xưa, là những người muốn tìm cho mình những cảm giác mới. Tàu đến! Những ánh mắt hành khách sáng bừng, tươi vui. Thời gian gần đây, những sân ga đã không còn chật kín người như cách đây hàng chục năm về trước. Nhưng những hình ảnh những chàng nhân viên SE trẻ cõng cụ già, vác những bao hành lý giúp người dân dường như đã quá quen thuộc trong mắt cán bộ sân ga mỗi chuyến tàu như thế. Khi những hành khách chầm chậm bước lên tàu và cánh cửa sắt nặng trịch của từng boong tàu đóng lại, con tàu trở nên náo nhiệt lạ thường. Tiếng cười, nói, trêu ghẹo, tiếng trẻ khóc, tiếng dỗ dành... mọi hỉ, nộ, ái, ố của thế giới thu nhỏ xuất hiện đủ cả trên chuyến tàu dọc theo dải đất xinh đẹp chữ S.
: Nhiều nhân viên đường sắt dù cuộc sống khó khăn, thu nhập giảm sút nhưng vẫn tận tụy với nghề.
Khi đoàn tàu kéo còi và tạm biệt sân ga, có những thế giới riêng bé nhỏ ắp đầy bao cảm xúc bắt đầu mở ra trên con tàu. Thế giới tách biệt kéo dài dăm, bảy tiếng đồng hồ hay qua cả đêm dài và đến bình minh, ở đó có những nỗi niềm không chỉ riêng của hành khách, mà còn của những nhân viên trên tàu. Trên những chuyến tàu, nơi mỗi người bắt đầu cuộc hành trình của mình trong sự mới mẻ, lạ lẫm. Ở đó, mọi người thường thấy những nhân viên đường sắt chào hành khách bằng nụ cười, bằng cái gật đầu hay giản đơn là nhường lối đi cho nhau trên hành lang chật hẹp của con tàu.
Nhiều dịch vụ trên tàu đã được cải thiện đáng kể để phục vụ hành khách tốt hơn.
Và thế giới xa lạ ấy bỗng gần gũi vô cùng khi nhân viên đường sắt xách giúp hành khách chiếc vali cho vào khoang hành lý, hỏi han đôi câu khi con tàu đang bắt đầu tăng tốc tiến về phía trước, hay những lần khách bỏ quên hành lý, tiền bạc trên tàu được nhân viên trả lại.
Những nỗi niềm trên hành trình mùa xuân
“Tàu mình Tết có chạy không chị nhỉ?”, một hành khách trong lúc ngắm những cánh đồng mùa đông qua khung cửa sổ đã cất tiếng hỏi. Nữ nhân tiếp viên trên tàu cũng nhìn mông lung ra cửa sổ, trả lời: “Có chứ em, Tết có khi còn tăng số chuyến đấy!”. “Vậy nếu đi vào Giao Thừa thì sao ạ?”, hành khách thắc mắc. Nhưng rồi chỉ nghe thấy tiếng trả lời nhẹ toảng như gió, mà đượm những nỗi niềm: “Nếu tổ nào trúng lịch thì phải chịu thôi em, nhiều lúc ở nhà con khóc đòi mẹ, mình cũng khóc, gần 20 năm như thế rồi...”. Chị Nguyễn Thị Bích Thảo (SN 1979) nhân viên tàu SE, chi nhánh đoàn tiếp viên đường sắt Hà Nội nói trong đôi mắt vẫn thi thoảng ánh lên nét buồn. Chị, cũng nhưng hàng trăm cán bộ công nhân ngành đường sắt vẫn miệt mài trên những chuyến tàu cuối năm để đưa hành khách về quê ăn tết như thế nhiều năm qua.
Nụ cười của một người lái tàu.
Trên những chuyến tàu như thế, chỉ có những nhân viên đường sắt còn ở lại và trải qua biết bao nỗi niềm. Trên những chuyến tàu chạy dài suốt dọc miền đất nước. Những nhân viên đường sắt trên tàu như một gia đình vậy. Lắc lư theo nhịp ray sắt. Các anh các chị chia phiên nhau, người này trực thì người kia ăn và ngược lại. Những bữa cơm đạm bạc mà ấm áp tình người, tình đồng nghiệp. Khi một thành viên nào đó gặp khó khăn, dù chẳng phải là khá giả những những thành viên trên tàu, các đoàn tiếp viên đều cùng nhau góp chút tiền, gửi lời thăm để động viên nhau vượt qua khốn khó. Khi đi qua những gác chắn, người lái tàu lại kéo một hồi còi, vừa để cảnh báo, nhưng trong thâm tâm của tất cả những người làm trong ngành, thì đó là tiếng chào nhau của những người trên tàu và ở những gác chắn, những cái vẫy tay vụt qua nhau nhưng cũng đủ ấm lòng người.
Trong suy nghĩ của nhiều người, nghề tiếp viên tàu được biết đến là một nghề được đi nhiều nơi… Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau công việc có vẻ nhẹ nhàng đó là những nỗi gian nan, nhọc nhằn. Bởi trên tàu, họ vừa phải điều phối hành khách, vừa phải xử lý các tình huống, sự cố nguy hiểm không may xảy ra. Chị Thảo chia sẻ, trên các chuyến tàu, người tiếp viên ngoài việc hướng dẫn vị trí cho khách, họ còn phải làm công việc soát vé. Việc kiểm soát này vô cùng vất vả bởi có những thời điểm như nghỉ lễ, dịp Tết, lượng khách đi tàu rất đông. Nếu tiếp viên lơ là, không chú ý theo dõi thì vẫn có những trường hợp trốn vé xảy ra. Chị Thảo cho biết thêm, làm trong những trường đông đúc, tiếp viên thường xuyên tiếp xúc với nhiều khách hàng khác nhau. Không ít lần, họ bị khách hăng gây sự, mắng mỏ khi đang thực hiện nhiệm vụ.
Tiếp viên đường sắt kiểm tra vé và hướng dẫn hành khách về các quy tắc phòng chống dịch.
Chị Lê Thị Tuyết Hạnh (SN 1978, tiếp viên đường sắt quê ở Vinh - Nghệ An) vào nghề đã được 15 năm. Chị kể, đã có những duyên nợ vô tình do con tàu hóa ông Tơ bà Nguyệt mà se duyên thành. Nhiều hàng khách vô tình chung toa, sát ghế đã mến nhau, hòa hợp mà kết đôi. Nhưng thi vị hơn nữa là không ít cô gái đôi mươi đã phải lòng những chàng lái tàu. Hay nữa, là những khách nam mê tít nụ cười cô tiếp viên đường sắt xinh đẹp, mạnh mẽ. Để rồi khi thành đôi thành lứa, họ chọn cho mình những bộ ảnh cưới trên những sân ga, đợi tàu...
Trên chuyến hành trình của mùa xuân, nhiều khách lên xuống những sân ga. Bây giờ đã không còn cảnh nhảy tàu, buôn bán hàng rong, người ăn xin nhếch nhác…một thời từng gây chán ngán cho không ít khách đi tàu nữa. Công tác phục vụ, tiếp đón hành khách những năm trở lại đây đã được chú trọng, cải tiến rất nhiều. Thái độ ứng xử của nhân viên đường sắt được đánh giá cao. “Đi tàu giờ khác rồi! Sạch sẽ, ngăn nắp. Chẳng phải chen chúc gì cả. Cứ lâu lâu lại có nhân viên đẩy xe qua lại bán thức ăn, đồ uống. Nhân viên cũng rất lịch sự, hướng dẫn hành khách rất chu đáo, và ai cũng cười!", một hành khách tâm sự như thế. Chỉ chừng ấy thôi, cũng khiến những nhân viên của ngành cảm thấy được an ủi. Bởi sự thay đổi dù nhỏ của ngành đường sắt cũng đã được hành khách cảm nhận và đánh giá cao.
Chị Hạnh bộc bạch: “Nghề của những nhân viên trên tàu là nghề dịch vụ, ngày nghỉ hay ngày lễ Tết mọi người nghỉ ngơi, vui chơi với gia đình thì nhân viên đường sắt lại vào giai đoạn cao điểm, hầu như không có nhiều thời gian nghỉ. Đối với nhân viên nhà tàu chuyện đón Tết trên đường ray là chuyện hết sức bình thường, nhiều người cả chục năm không có một giao thừa ở nhà với vợ con, với gia đình. Như sắp tới đây kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, dự kiến lượng khách sẽ tăng cao nên dù vất vả tất cả các anh chị em trong ngành đều cố gắng, không chỉ vì mình, mà còn vì ngành nữa!”.
Dịp cuối năm ai cũng hối hả trong hành trình, những chuyến tàu cũng hăm hở tiến về phía trước. Dù những cơn gió lạnh của mùa đông vẫn thông thốc thổi qua khe cửa nhưng có lẽ niềm vui sắp được gặp người thân, gia đình lại khiến cái lạnh ấy chỉ thoảng qua như một làn gió nhẹ. Chuyến tàu cuối năm từ lâu đã trở thành nơi chuyên chở bao thông điệp yêu thương cảm động. Với chị Hạnh, chị Bích Thảo, trưởng tàu Nguyễn Đình Tài…hay rất nhiều những nhân viên khác, chừng ấy năm qua đi khi họ vào ngành, đã không biết có bao nhiêu đổi thay, nhưng những con tàu vẫn thế, tình cảm của họ giành cho ngành vẫn thế.
Nỗi niềm của một tiếp viên trên chuyến tàu chiều cuối năm.
Có những lúc trong đêm giao thừa, sau khi tất cả hành khách đã đón giao thừa xong, phòng ăn của tàu sẽ có một bữa cơm thân mật muộn có bánh chưng, dưa cải, có phong vị mùa xuân và nỗi lòng của những con người hỏa xa khi Tết đến xuân về. Bữa cơm lần đầu trong đời tôi được ăn, giữa cái se lạnh của đất trời vào xuân, trong tiếng xập xình nghiêng ngả của con tàu, giữa không gian làng mạc, núi đồi thênh thang dọc dài đất nước. Mọi người nhìn nhau, kể cho nhau nghe mọi hỷ nộ ái ố của nghề, mỉm cười với hiện tại nhưng cũng lắm lo toan cho tương lai.
Có thể một vài ai đó vì cơm áo gạo tiền, vì mưu sinh cho gia đình đã rẽ ngang sang nghề khác, nhưng họ vẫn hướng về những đoàn tàu, đau đáu với những trăn trở của ngành, hay mừng vui vì đường sắt có những thay đổi tích cực hơn. Dù khó khăn hay vất vả, thì công việc của họ vẫn diễn ra trôi chảy, không hề nhàm chán, nó giống như hành trình của con tàu, dù khách đầy hay vơi thì bánh tàu vẫn đều đặn đi về sân ga.
Tiêu Dao
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.