Từ vụ ngộ độc bánh mì Phượng: Cẩn trọng với việc nuôi dưỡng thương hiệu
MTXD - Hấp dẫn toàn diện cả về hình thức lẫn mùi và vị, bánh mì kẹp với gu ẩm thực tinh tế của người Việt và những nguyên liệu địa phương đã nâng tầm món ăn lên đẳng cấp quốc tế một cách ngoạn mục. Tuy nhiên, việc giữ được “thương hiệu quốc gia” này không phải là đơn giản.
Nỗi buồn của Bánh mì Phượng
Bánh mì kẹp của Việt Nam được xếp thứ 7 trong 50 món ăn đường phố ngon nhất thế giới. Và năm 2011, thuật ngữ "banh mi" đã có mặt trong từ điển tiếng Anh Oxford và từ điển Merriam-Webster danh tiếng của Mỹ. Ở rất nhiều địa phương của Việt Nam, bánh mì là một trong những món ăn dễ tìm thấy nhất từ thành thị tới nông thôn, điều đó khiến người nước ngoài rất thích thú và vô cùng thoải mái khi thưởng thức loại ẩm thực đường phố ngon lành và hợp khẩu vị này. Có thể nói, cùng với phở, thì bánh mì đã là một thương hiệu ẩm thực quốc gia giúp cho việc kích thích du lịch phát triển.
Bánh mì Phượng từng được đánh giá là món ăn ngon và rất được du khách quốc tế ưa chuộng.
Cùng với Phở, bánh mì Việt Nam đã trở thành những món ăn dẫn đầu trong nền ẩm thực Việt Nam. Và sự phát triển, thịnh vượng của bánh mì Phượng cũng đã góp phần quan trọng tô điểm cho ẩm thực Hội An, làm “thơm lây” thương hiệu du lịch trải nghiệm cho phố cổ miền Trung này. Tuy nhiên, vụ việc ồn ào liên quan tới tiệm bánh mì Phượng nổi tiếng thế giới ở Hội An (Quảng Nam) đã gióng lên hồi chuông cánh báo về việc thương hiệu nổi tiếng bị tổn hại và gây ít nhiều những ảnh hưởng tiêu cực tới địa phương và quốc gia khi sản phẩm ẩm thực này khiến hơn 150 người bị ngộ độc, trong đó gần 1 phần ba là du khách nước ngoài.
Vụ ngộ độc thực phẩm từ cửa tiệm này khiến hình ảnh của bánh mì Phượng, cũng như ẩm thực Hội An, và hơn nữa là bánh mì kẹp của Việt Nam ít nhiều bị ảnh hưởng. Vụ ngộ độc bánh mì Phượng gây hại trực tiếp cho 100 thực khách, tất nhiên trách nhiệm đầu tiên, trước mắt là chủ cửa hàng. Nhưng còn có phần thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng, ngành y tế, du lịch và cả chính quyền Hội An, Quảng Nam. Dù ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP. Hội An đã chia sẻ rằng, vụ ngộ độc do bánh mì Phượng là rất đáng tiếc, không ai mong muốn. Tuy nhiên, đây chỉ là trường hợp cá biệt, không thể vì thế đánh giá ẩm thực đường phố Hội An không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hội An là một thành phố du lịch, đặc biệt nổi tiếng bởi ẩm thực đường phố đa dạng và được đánh giá rất cao. Không chỉ là bánh mì mà còn nhiều món ăn gắn với đời sống văn hóa người dân phố Hội như chè, xí mà, các loại bánh trái...
Chủ cơ sở bánh mỳ Phượng (bên trái) làm việc với cơ quan chức năng sau vụ việc. (ảnh Sở Y tế Quảng Nam)
Có thể, tổn hại về sức khỏe của các thực khách sẽ sớm phục hồi, nhưng niềm tin yêu của du khách với bánh mì Phượng nói riêng, với ẩm thực đường phố Hội An, Việt Nam nói chung sẽ bị giảm sút. Vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Phượng không chỉ có nguy cơ “xóa sổ” thương hiệu ẩm thực có tiếng tại Hội An mà hình ảnh du lịch, văn hóa ẩm thực của thành phố này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết, nhiều năm qua, bánh mì Phượng gắn liền với Hội An, được nhiều trang web về du lịch uy tín trên thế giới như Tripadvisor, Foursquare… đánh giá là một trong những loại bánh mì ngon nhất thế giới, cũng như nhận được những phản hồi tích cực của thực khách. Tuy nhiên, vụ ngộ độc thực phẩm mới đây có nguy cơ xóa đi tất cả những điều tốt đẹp đó. Có thể nói, bánh mì Phượng là một trong những thương hiệu ẩm thực đường phố được đông đảo du khách ưa chuộng tại Hội An. Mà đã là thương hiệu, rất dễ bị tổn thương. Qua vụ việc lần này, chắc chắn hình ảnh du lịch Hội An nói riêng và truyền thống văn hóa ẩm thực của Hội An nói chung sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Bảo vệ thương hiệu ẩm thực để phát triển kinh tế
Năm 2022, Chuyên trang du lịch nổi tiếng The Travel (Canada) đã đưa Việt Nam lọt danh sách 10 quốc gia có nền ẩm thực hấp dẫn hàng đầu thế giới. Liên tiếp nhiều năm những món ăn Việt Nam như phở, bánh mì, cafe trứng, nem, hủ tiếu Nam Vang, Mì Quảng… đã có mặt trong những món ăn ngon nhất thế giới theo bình chọn của những chuyên trang du lịch hàng đầu hay hãng truyền thông nổi tiếng CNN. Trước đó, tháng 11/2020, Việt Nam được Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) bình chọn là: Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á; Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á và Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á. Đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam giành giải thưởng danh giá ở cả ba hạng mục này. Văn hóa, di sản và ẩm thực là ba yếu tố nổi trội mang lại những giải thưởng quốc tế danh giá cho du lịch Việt Nam.
Du khách nước ngoài thưởng thức ẩm thực Việt Nam.
Làm sao để khai thác các giá trị, thế mạnh văn hóa ẩm thực. Làm sao để phát triển những món ăn, những đặc sản ẩm thực Việt Nam thành sản phẩm du lịch đặc sắc và hơn cả là định vị thương hiệu của Việt Nam, có lẽ đây không chỉ là nỗi trăn trở của các cấp, các ngành liên quan tới lĩnh vực du lịch, mà còn là sự chung sức phối hợp hành động của từng người để xây dựng, bảo vệ thương hiệu ẩm thực đặc trưng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang gấp rút thực hiện “Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa”, trong đó xác định tập trung phát triển hai lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh gồm ẩm thực và di sản nhằm định vị thương hiệu du lịch văn hóa dựa trên giá trị đặc sắc về di sản và ẩm thực, qua đó đưa văn hóa ẩm thực Việt trở thành tài sản quốc gia.
Tuy nhiên thời gian qua, công tác quảng bá, chưa khai thác được hết những giá trị đặc sắc của ẩm thực chưa được quan tâm và phát huy đúng mực. Du lịch ẩm thực mới chỉ bắt đầu được chú ý ở một vài địa phương là trọng điểm du lịch như: Hà Nội, Hội An, Ðà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Trong đó đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những rào cản đối với phát triển du lịch ẩm thực lại chưa thật sự được cải thiện rõ rệt. Điều đó đã dẫn tới những “trải nghiệm không mấy vui vẻ” mà ít nhiều du khách quốc tế đã gặp phải khi du lịch tại Việt Nam.
Gánh hàng rong là hình ảnh quen thuộc của ẩm thực phố Hội.
Bảo vệ và giữ thương hiệu ẩm thực không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố như an toàn thực phẩm, trong đó có những thương hiệu ẩm thực quốc gia như phở hay bánh mì là công việc quan trọng để góp phần quảng bá du lịch và văn hóa Việt Nam ra thế giới. Vệ sinh, an toàn thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu và là điều kiện bắt buộc đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ. Những nhà hàng và cơ sở dịch vụ này phải cam kết đảm bảo chất lượng dịch vụ và được cơ quan quản lý chất lượng cấp chứng nhận đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Thông tin tư vấn và chỉ dẫn cho khách du lịch dễ dàng tiếp cận các nhà hàng, cơ sở dịch vụ được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, cả ấn phẩm truyền thống và trực tuyến.
Để phát triển hơn nữa ẩm thực Việt Nam để kích cầu du lịch, thì ngoài việc có những sản phẩm truyền thông chất lượng để quảng bá được những tinh hoa văn hóa ẩm thực đa dạng vùng miền của Việt Nam ra thế giới. Bên cạnh đó, nếu ý thức được mỗi sản phẩm đều là cách thể hiện thương hiệu quốc gia thì những đầu bếp, người làm ẩm thực cần cẩn trọng hơn với mỗi sản phẩm của mình. Ẩm thực là một hợp phần quan trọng của nền kinh tế du lịch, vì vậy vụ việc ngộ độc tại bánh mì Phượng lần này là hồi chuông cảnh báo cho công tác kiểm tra, giám sát, quản lý ẩm thực, nhất là những đặc sản phục vụ du lịch ở các đô thị, điểm du lịch nổi tiếng của cả nước cần được hết sức quan tâm.
Tiêu Dao – Thanh Bình
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.