Ứng dụng công nghệ xây dựng khô trong bối cảnh biến đổi khí hậu tại khu vực Duyên hải Miền Trung Việt Nam
MTXD - Biến đổi khí hậu (BĐKH) là vấn đề toàn cầu ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực. Tác động của BĐKH trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch xây dựng và kiến trúc ở quy mô toàn quốc và từng vùng là các tác động đối với các hệ thống tự nhiên dải ven biển, vùng núi cao, hải đảo…, các hệ thống xã hội nơi cư trú, các khu vực nghỉ mát, du lịch, các di sản văn hoá, di tích lịch sử, tôn giáo… và các hệ thống cơ sở hạ tầng đê, đập, hồ chứa, hệ thống giao thông, bến cảng, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống cung cấp năng lượng, thông tin….
Vùng duyên hải miền Trung nói chung và Nghệ An nói riêng đang phải đối mặt với những hiện tượng thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng. Điều này đã tạo ra nhiều khó khăn cho sự phát triển bền vững của vùng. Nghiên cứu những giải pháp trong quy hoạch và kiến trúc để thích ứng với điệu kiện tự nhiên của vùng là một trong những công việc cấp thiết, thúc đẩy sự phát triển chung. Bên cạnh những giải pháp về kiến trúc, cần quan tâm tới giải pháp về công nghệ xây dựng và vật liệu thích ứng với khí hậu bản địa, khắc phục được những ảnh hưởng của gió nóng và yếu tố xâm thực của khí hậu biển, đồng thời thân thiện với môi trường, giảm thiểu tối đa những tác động của biến đổi khí hậu hướng tới mục tiêu phát tiển bền vững của vùng.
Thực trạng biến đổi khí hậu tại duyên hải miền Trung Việt Nam
Đặc điểm tự nhiên
Gió Tây – Nam (còn gọi là gió “Phơn”) tạo ra nhiệt độ khô hanh và nóng. Nhiệt độ trên 350C; độ ẩm thấp (từ 30% đến 45%). Hiện tượng gió Lào chủ yếu xuất hiện ở khu vực Nghệ An đến Thừa Thiên Huế, có khi ở tận Tây Trang (Điện Biên). Gió thổi từ vùng vịnh Ben gan, vịnh Thái Lan, tràn qua đất Lào, vượt qua dãy Trường Sơn. Ban đầu trên đất Lào gió mát, độ ẩm thấp nhưng qua dãy Trường Sơn, gió mất nước dần theo độ cao, đặc biệt sang dải đất miền Trung nhỏ, hẹp, gặp thêm nắng nóng tạo ra loại gió đặc biệt mà ta quen gọi là “gió Lào”.
Gió Lào xuất hiện ở nước ta vào tháng 4, cao điểm nhất là từ tháng 5 đến tháng 8 và muộn nhất là thượng tuần tháng 9 hàng năm. Vinh là vùng chịu nhiều ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của gió Tây khô nóng kéo dài từ Nghệ An, Hà Tĩnh đến Quảng Trị, Huế. Hàng năm có 40 đến 50 ngày khô nóng, trong đó có 15-20 ngày khô nóng dữ dội, nhiệt độ cao nhất trong năm 2010 lên đến 420C.
TP Vinh, nơi chịu ảnh hượng mạnh nhất của khí hậu khô nóng – Trong tương lai không xa sẽ trở thành TP loại I trực thuộc Trung ương; là trung tâm công nghiệp, thương mại, đào tạo, y tế, văn hóa thể thao của vùng Bắc Trung bộ; đồng thời là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Nghệ An… Do đó, cần có các giải pháp quy hoạch xây dựng cụ thể, ứng dụng yếu tố các về công nghệ và vật liệu xây dựng, phù hợp với đặc trưng khí hậu vùng, phục vụ cuộc sống an sinh xã hội và phát triển bền vững.
Thực trạng biến đổi khí hậu tại vùng duyên hải miền trung Việt Nam
Về bão, lũ lụt: Lũ lụt là một trong những thảm họa gây thiệt hại lớn nhất mà người dân miền Trung đang phải đối mặt. Do cấu tạo địa chất ở vùng này, dãy Trường Sơn chạy song song với biển, có nơi sát biển, nên hệ thống sông ngòi thường ngắn, độ dốc cao và không có đê ngăn lũ, không có các hồ chứa nước lớn ở vùng thượng lưu để điều tiết nhằm giảm thiểu lũ lụt ở vùng đồng bằng, vì vậy các khu dân cư ở hai bên bờ sông bị ngập tràn mỗi khi có mưa to. Vùng Duyên hải miền Trung chịu ảnh hưởng của bão nhiều nhất cả nước, hàng năm số cơn bão đổ bộ vào miền Trung chiếm 43,6% tổng số cơn bão trong cả nước. Thống kê cho thấy, trong thập kỷ 1990, khu vực miền Trung đã phải chống chịu hơn 15 cơn bão, trong đó một số cơn bão có sức gió giật mạnh trên cấp 12 gây hậu quả nghiêm trọng.
Hạn hán ngày càng khắc nghiệt: Theo Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và BĐKH, ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ các đợt hạn hán ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại nhiều địa phương đã khiến cho hàng chục triệu người thiếu nước sinh hoạt, hàng trăm nghìn ha cây ăn quả và cây công nghiệp bị khô hạn, gây thiệt hại về kinh tế rất lớn. Hơn nữa, do lượng mưa hàng năm trong khu vực đạt thấp nên dòng chảy tại khu vực này sụt giảm mạnh dẫn đến tình trạng hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn lấn sâu vào đất liền, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp và nguồn nước sinh hoạt của người dân ven biển.
Nước biển dâng: Tình trạng nước biển dâng và sự không ổn định của địa mạo ở vùng ven biển miền Trung ngày càng diễn biến phức tạp. Trong những năm gần đây, tình hình bờ biển bị xâm thực xảy ra nhiều hơn, thường xuyên đe dọa các khu dân cư và cơ sở hạ tầng dọc bờ biển. Những tác động của biến đổi khí hậu kéo theo những biến động sâu sắc về môi trường tự nhiên không những có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội miền Trung mà còn tác động tiêu cực đối với cả nước.
Những hạn chế của công nghệ xây dựng hiện nay
Cơ sở từ những con số thống kê
Việc đấu tranh chống lại sự biến đổi khí hậu trên trái đất đang là một chủ đề nóng bỏng. Con người là yếu tố chủ đạo trong cuộc đấu tranh đó, và một trong những mục tiêu hàng đầu là giảm thiểu sự tiêu hao năng lượng trong các công trình xây dựng. Tăng hiệu ứng khí thải nhà kính, tăng sự kết tụ khí CO2 trong bầu khí quyển… Từ đó, góp phần làm trái đất ngày một nóng lên, công trình xây dựng có những ảnh hưởng to lớn đến môi trường mà không phải bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể hiểu rõ. Các nhà nghiên cứu môi trường đã chỉ ra: Trong vòng 15 năm trở lại đây, các công trình xây dựng góp phần làm tăng 20% hiệu ứng khí thải nhà kính trên toàn cầu. Trên thực tế, trong khi các ngành công nghiệp và nông nghiệp đã cho thấy sự cải thiện bằng cách giảm 22% và 10% khí thải thì khí thải từ các công trình xây dựng lại tăng thêm 22%, chỉ kém ngành giao thông vận tải với chỉ số 23%. Đó quả thực là một con số đáng lo ngại.
Vật liệu xây dựng truyền thống
Các loại vật liệu xây dựng (VLXD) truyền thống gây ra nhiều hệ lụy như mất đất nông nghiệp, gia tăng khí thải, hiệu ứng nhà kính. Theo số liệu thống kê, cứ một tỷ viên gạch nung quy chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu mét khối đất được khai thác ở độ sâu khoảng 2m, tương đương với 75ha đất nông nghiệp.
Việc dùng than làm nhiên liệu đốt gây ra hiệu ứng nhà kính và các khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường. Dự báo năm 2020, nhu cầu sử dụng gạch nung của Việt Nam khoảng 42 tỷ viên. Nếu đáp ứng nhu cầu này sẽ tiêu tốn từ 50 – 70 triệu mét khối đất, tương đương với khoảng 3.000ha đất nông nghiệp, tiêu thụ hết 6 tỷ tấn than nung và thải ra môi trường khoảng 23 tỷ tấn CO2. Rõ ràng, việc sản xuất gạch từ đất sét nung đang tạo ra những áp lực vô cùng lớn đến môi trường sống của con người.
Hơn thế, một số VLXD không chỉ là mối nguy hại với môi trường mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Theo ông Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH, ở Việt Nam, hàng năm ghi nhận hơn 143.000 người bị mắc ung thư mới, trong đó rất nhiều người mắc ung thư trung biểu mô do bụi Amiăng từ hoạt động sản xuất tấm lợp fibro – xi măng gây ra.
Vật liệu bê tông
Những tác động tới môi trường
Bê tông là một trong những VLXD được sử dụng sớm nhất từ thời La Mã, xuất hiện ở hầu hết các tòa nhà với nhiều quy mô khác nhau. Thực tế cho thấy, vật liệu này được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới bởi tính linh hoạt, khả năng chống chịu, dễ xử lý, tính thẩm mỹ cao… Tuy nhiên, việc sản xuất xi măng được xem là một trong những tác nhân chính gây ô nhiễm bầu khí quyển. Ngành công nghiệp bê tông thải ra khoảng 8% tổng lượng khí thải carbon dioxide (CO2) toàn cầu. Ngoài việc sản xuất chuyên sâu, bê tông là một vật liệu cực kỳ cứng, nặng, bao gồm xi măng, nước, đá và cát. Vậy, liệu có thể tái sử dụng bê tông, tái sử dụng bền vững thay vì khiến các bãi chôn lấp quá tải? Câu trả lời là CÓ. Đơn giản nhất, có thể sử dụng bê tông tái chế để sản xuất các bộ phận, kết cấu mới. Trước tiên, cần phải hiểu rằng việc khai thác cát và sỏi để làm cốt liệu bê tông tác động rất lớn đến môi trường, ngay cả khi chúng được khai thác tại địa phương. Quá trình sản xuất xi măng thải ra lượng carbon dioxide lớn nhất so với các vật liệu tương tự. Việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên bằng cách giảm khai thác sỏi, cát sẽ là một lợi ích môi trường rất lớn, đặc biệt nếu chúng ta xem xét trong bối cảnh lượng bê tông được sản xuất hàng ngày trên thế giới.
Trong danh sách vật liệu được dùng nhiều nhất Trái đất, bê tông xếp ngay sau nước. Nếu như ngành công nghiệp xi măng mà là một quốc gia, thì nó sẽ là nước xả thải carbon nhiều thứ ba trên thế giới với 2,8 tỷ tấn, chỉ đứng sau Trung Hoa và Mỹ.
Bê tông là phương tiện để ta thuần hóa tự nhiên hoang dại. Là lớp giáp bảo vệ nhân loại khỏi các nguyên tố. Nhưng chúng cũng là thứ phủ lên lớp đất màu mỡ đã có thể trở thành đất canh tác, bịt những con sông đã có thể là nguồn sống vô tận cho sinh vật; bê tông sớm trở thành nhân tố chặn đứng đường phát triển của tự nhiên, chúng rắn lại để trở thành một lớp vảy xám xịt phủ lên bề mặt Hành tinh Xanh. Theo tính toán của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, nhiều khả năng nhân loại đã vượt cái ngưỡng mà khối lượng carbon trong bê tông nhiều hơn tổng vật chất carbon có trong thực vật trên Trái đất. Nói một cách dễ hiểu hơn, thì những gì ta xây nên đã phát triển vượt mặt những gì mẹ Thiên nhiên nuôi trồng hàng triệu năm nay mới có được.
Bê tông bảo vệ con người khỏi những hiện tượng thời tiết cực đoan, nhưng chính chúng cũng đang làm khí hậu tệ hơn. Theo nghiên cứu của tổ chức Chatham House, nơi tập trung nghiên cứu những vấn đề quốc tế đáng lo ngại, thì quá trình sản xuất bê tông tạo ra từ 4-8% lượng CO2 toàn cầu. Chỉ có ba thứ vượt mặt bê tông trong bảng xếp hạng này, là than, dầu đốt và xăng. Một nửa số CO2 thải ra trong lượng 4-8% kể trên tới từ quá trình sản xuất clinker (Việt Nam ta còn gọi là clanhke), đây là giai đoạn tốn năng lượng nhất trong quy trình làm xi măng.
Tác động tới nguồn nước tự nhiên
Xả thải CO2 thì đã rõ, nhưng những khía cạnh ảnh hưởng tới môi trường khác của bê tông thì vẫn chưa được nghiên cứu triệt để. Bê tông là con quái vật quanh năm khát nước, chiếm tới 1/10 lượng nước sử dụng của ngành công nghiệp toàn cầu. Hậu quả của việc này là thiếu nước uống và nước tưới tiêu, bởi 75% lượng nước ngành xi măng sử dụng đều quanh quẩn ở những khu vực thường xuyên gánh chịu hạn hán.
Chatham House đưa ra ước tính: Với tốc độ đô thị hóa, mức tăng trưởng dân số và mức phát triển kinh tế như hiện nay, sản lượng xi măng toàn cầu sẽ tăng tới mức 4-5 tỷ tấn/năm. Theo số liệu của Ủy ban Kinh tế và Khí hậu Toàn cầu, nếu những nước đang phát triển tiếp tục đầu tư cho các dự án xây dựng lớn để bằng với mức phát triển trung bình thế giới, ngành xây dựng sẽ thải ra thêm 470 giga-tấn carbon dioxide vào năm 2050.
Hành động xả thải này sẽ vi phạm hiệp ước khí hậu Paris mà một loạt nước đã chung tay ký kết, đã đều hứa hẹn khí thải carbon hàng năm của ngành công nghiệp xi măng phải xuống 16% vào năm 2030. Khi mà hệ sinh thái bị ảnh hưởng nặng nề, những sinh vật sống trên Trái đất sẽ lãnh đủ. Trong báo cáo công bố năm ngoái, Chatham House kêu gọi ngành công nghiệp xây dựng phải tìm cách cải tiến quy trình sản xuất xi măng: Giảm khí thải, sử dụng vật liệu tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả, tìm ra vật liệu thay thế clanhke và ứng dụng những vật liệu có thể giữ khí carbon (yếu tố cuối vẫn còn quá đắt đỏ, đang trong quá trình thử nghiệm và chưa có ứng dụng ở quy mô lớn). Các KTS tin rằng việc làm cho công trình nhỏ đi để tiết kiệm nguyên vật liệu, sử dụng gỗ thay thế bê tông là một lựa chọn tốt. Đây là lúc nhân loại vươn ra khỏi “kỷ nguyên bê tông”, dừng quan tâm tới kiểu cách tòa nhà mà hãy nhìn vào những mối nguy chúng mang lại.
Hạn chế về khả năng tái chế
Trên thực tế, sau khi phá dỡ các bộ phận kết cấu của tòa nhà, có thể nghiền bê tông trong các máy đặc biệt để các mảnh vỡ sau đó được phân loại theo kích thước. Các kim loại như thanh cốt thép được phân tách bằng nam châm lớn và cũng được tái chế. Chỉ những loại bê tông có các chất gây ô nhiễm, chẳng hạn như bột màu, canxi sunfat, clorua và dầu mới có thể gây hư hỏng và do đó không được sử dụng làm nguyên liệu thô.
Mặc dù việc tái sử dụng cốt liệu để sản xuất kết cấu bê tông mới là đáng khen ngợi, nhưng điều quan trọng cần đề cập là điều này không thể hiện một chu trình khép kín để tái chế vật liệu, vì cấu trúc mới không thể được làm bằng bê tông nghiền mà không thêm xi măng, cát và nước.
Các nghiên cứu được thực hiện ở Thụy Sĩ đã chỉ ra rằng, việc sử dụng cốt liệu tái chế có thể tiết kiệm nguyên liệu thô phi sinh học (cát sỏi), nhưng có thể làm tăng tiêu thụ năng lượng và phát thải khí nhà kính do hàm lượng rỗng cao hơn, xi măng được sử dụng nhiều hơn để sản xuất.
Như vậy, khi chúng ta tiếp cận chủ đề về tính bền vững, cần phải hiểu hầu hết các biến số và các yếu tố tác động đến kết quả cuối cùng. Có nhiều nhà nghiên cứu tập trung vào việc làm cho bê tông trở thành vật liệu bền vững hơn và mỗi ngày đều xuất hiện các nghiên cứu mới về chủ đề này. Điều quan trọng nhất ở đây là: Việc sản xuất vật liệu này ít gây hại cho môi trường hơn.
Công nghệ xây dựng khô trong bối cảnh biến đổi khí hậu
Biệt thự trong rừng diện tích 800 m² – Lit-et Mixe, France. Chủ đầu tư: Dubosc et associés, xây dựng năm 2011. Công trình sử dụng kết cấu thép, tấm panel tường lắp đặt sẵn. Toàn bộ công trình được lắp đặt modul, hạn chế sử dụng bê tông và nước tại công trường
Đặc điểm công nghệ
Tại Việt Nam cũng như trên thế giới hiện nay, phương thức xây dựng “ướt” truyền thống vẫn được sử dụng rộng rãi và phổ biến. Đại đa số các công trình xây dựng dựa trên việc sử dụng bê tông và xi măng, gạch, các tấm sàn bê tông, dầm bê tông cốt thép đổ tại chỗ… tiêu tốn rất nhiều chi phí cho việc sản xuất và vận chuyển vật liệu. Những VLXD thường phải sử dụng rất nhiều nước trong các giai đoạn sản xuất đòi hỏi nhiều máy móc xây dựng cỡ lớn, và đặc biệt một đội ngũ công nhân khổng lồ trên công trường.
Đối với phương thức xây dựng “khô”, các công trình thường được sử dụng gỗ hoặc thép cho hệ khung, các tấm pano bằng thạch cao được sản xuất tại các nhà máy tiền chế được sử dụng làm tường bao hoặc vách ngăn. Theo tính toán, việc sử dụng phương thức xây dựng “khô” có thể khiến cho công trình có khối lượng nhẹ hơn so với phương thức xây dựng “ướt” tới 5 lần. Điều này chứng minh phương thức xây dựng “khô” sẽ mang lại hiệu quả kinh tế hơn nhiều trong các khâu sản xuất và vận chuyển vật liệu, tiết kiệm nhân công, thời gian thi công ngắn. Và đặc biệt xâm hại ít hơn rất nhiều vào môi trường tự nhiên so với phương thức xây dựng “ướt”.
Xây dựng theo phương thức “khô” là một phương thức rất mới không chỉ ở Việt Nam mà còn ở rất nhiều nước đang phát triển trên thế giới. Nó mới được áp dụng và phát triển khá nhanh tại các nước tiên tiến như Pháp, Mỹ, Nhật… Phương thức xây dựng “khô” có thể được hiểu là công nghệ xây dựng không sử dụng nước, đã được áp dụng khá nhiều trong xây dựng các công trình nhà ở tư nhân, các khu chung cư và các nhà máy…
Vật liệu chủ yếu được sử dụng
Gỗ, thép, và tấm thạch cao là các vật liệu được sử dụng phổ biến trong phương thức xây dựng “khô”, bởi đó là những vật liệu có nhiều ưu điểm trong việc áp dụng vào các công trình xây dựng, đặc biệt trong điều kiện tự nhiên và bối cảnh BĐKH tại khu vực duyên hải miền trung Việt Nam.
Gỗ: Trong hầu hết các công trình xây dựng sử dụng phương thức xây dựng “khô”, gỗ được dùng rất phổ biến, gỗ được sử dụng vào các hệ khung hoặc dưới dạng các tấm pano trong việc tạo ra các vách ngăn, thậm chí là mặt đứng. Gỗ có một lợi thế rất lớn là đạt hiệu quả gấp 12 lần cách âm và cách nhiệt so với bê tông, điều này đồng nghĩa với việc giảm bề dày các tấm tường ngăn và vách chịu lực so với việc sử dụng gạch và bê tông và làm cho công trình không bị mất đi diện tích sử dụng vào các hệ tường vách. Hơn nữa gỗ là một vật liệu có thể tái tạo được, thích ứng với xu thế xây dựng sinh thái và phát triển bền vững.
Thép: Công trình xây dựng theo phương thức “khô” cũng có thể sử dụng hệ khung bằng thép. Đây là loại vật liệu có thể tái tạo được, thậm chí sau nhiều lần tái tạo vẫn không làm mất đi các tính chất nguyên bản của nó. Hơn nữa quy trình sản xuất vật liệu và các cấu kiện bằng thép tuân thủ và tôn trọng các vấn đề bảo vệ môi trường hơn nhiều quy trình sản xuất bê tông. Thép không những đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các hệ khung mà còn góp phần hoàn thiện trang trí các mặt đứng, hoặc các hệ mái, ban công…
Tấm thạch cao: Với các tấm thạch cao được sản xuất trước thì việc phải chờ đợi bê tông, gạch vữa kết dính sẽ không còn tồn tại trong các công trường xây dựng. Các tấm thạch cao kết hợp với hệ khung bằng gỗ hoặc thép, cùng với vật liệu cách nhiệt, cách âm, cách nhiệt tạo ra tính chất bền vững cho công trình xây dựng. Các tấm này cắt, ghép rất dễ dàng và thuận tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc rút ngắn thời gian thi công.
Khu nhà ở Billancourt, diện tích xây dựng: 4000 m² – tại Billancourt Ile-de-france, France. Chủ đầu tư: Franco-Suisse – xây dựng năm 2010. Công trình sử dụng vật liệu gỗ và tấm panel tường được lắp đặt sẵn theo modul. Hệ kết cấu khung sắt lắp theo modul, gia công tại nhà xưởng và được lắp đặt trực tiếp tại công trường
Những ưu điểm của phương thức xây dựng khô trong bối cảnh biến đổi khí hậu
Tiệt kiệm nước, tránh xả thải trực tiếp ra nguồn nước
Việc bỏ đi giai đoạn đợi khô và kết dính của bê tông, làm giảm thiểu các rủi ro xảy ra trong quản lý thi công xây dựng theo phương thức ướt. Hơn nữa, các cấu kiện bằng gỗ, thép có thể sản xuất trước tại các nhà máy làm giảm thiểu thời gian thi công tại công trường; đồng khâu xử lý rác thải tại công trường cũng được hạn chế một cách tối đa. Các khâu chuẩn bị công trường được đơn giản hoá một cách tối đa (không sử dụng nước) điều này đồng nghĩa với việc các khâu hoàn thiện cũng được tiến hành một cách nhanh chóng.
Phương thức xây dựng kinh tếViệc sản xuất trước các cấu kiện xây dựng đã làm giảm thời gian xây dựng, điều này đã tạo ra các phương án tiết kiệm kinh tế quan trọng không chỉ trong việc sử dụng và vận chuyển vật liệu mà còn trong việc giảm thiểu một khối lượng khổng lồ công nhân cũng như lượng khí thải tại công trường. Hơn nữa, xây dựng theo phương thức “khô” không cần đến các hệ thống máy móc cồng kềnh, tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho các công trình được xây dựng trong TP hoặc các công trình cao tầng.
Trạm thu phí Đèo Cả. Thiết kế: Aterlier Dubosc et Associes. Công trình được xây dựng hoàn toàn bằng kết cấu thép. Kết cấu được gia công lắp ghép theo modul, hạn chế tối đa chi phí thiết kế và thi công cũng như đơn giản hóa kỹ thuật thi công và các bước thi công trực tiếp tại công trường
Vật liệu xây dựng chất lượng cao, bền vững
Vật liệu khô có thể sử dụng một cách đa dạng và linh hoạt, dễ dàng kết hợp hài hòa màu sắc giữa các vật liệu khác nhau. Gỗ và thép kết hợp các vật liệu khác như kính, inox tạo ra những công trình có tính thẩm mỹ cao. Hơn nữa chúng cho phép tạo ra các không gian linh hoạt và dễ dàng thích nghi với mọi điều kiện và hoàn cảnh, đặc biệt rất hiệu quả trong việc cách nhiệt và âm thanh cho công trình.
Khu nhà ở Marcel Dassaut ở Paris. Thiết kế: Aterlier Dubosc et Associes. Toàn bộ vỏ bao che sử dụng tấm panel 2 lớp, ở giữa là lớp bông cách nhiệt. Các tấm panel này được sản xuất modul tại nhà máy. Các tấm panel này cho phép cải thiện chất lượng cách âm, cách nhiệt đồng thời giảm tải trọng của công trình so với phương pháp dùng gạch thông thường
Giảm thiểu tác động đến môi trường
Các cấu kiện được lắp ráp trước đã làm giảm tiếng ồn, bụi và ô nhiễm trên công trường xây dựng. Trên công trường là một việc làm sinh thái, thân thiện với môi trường; công trường được làm sạch rất nhanh chóng sau khi xây dựng xong. Việc sử dụng phương thức xây dựng “khô” tạo ra một lượng khí thải CO2 ít hơn rất nhiều so với phương thức xây dựng “ướt”. Đặc biệt là với việc sử dụng gỗ, đây là vật liệu xây dựng duy nhất không tạo ra CO2. Cách tiếp cận này là hoàn toàn phù hợp với các quy định luật bảo vệ môi trường thế giới.
TS. KTS. Nguyễn Việt Huy
THS. KTS. Nguyễn Minh Việt
(Nguồn Tạp chí Kiến trúc số 11-2023)
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.