Ước vọng của Long Thạnh Tây
MTXD - Người dân Long Thạnh Tây bao đời nay vốn là dân sống bằng nghề lộng sông nước, họ tụ cư trên ốc đảo này và lênh đênh bằng nghề chài lưới chấp chới giữa đôi bờ “văn minh”.
Những chiếc giếng nước ngọt trên đảo thường xuyên bị nhiễm phèn không thể sử dụng.
Sấp ngửa đôi bờ
Ốc đảo Long Thạnh Tây (xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) thực sự là một ốc đảo theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ này. Nằm cách đất liền chừng vài cây số, bao năm nay, người dân Long Thạnh Tây vẫn đau đáu với cuộc mưu sinh.
Dù được sự quan tâm của các cấp, ngành đoàn thể và chính quyền địa phương, nhưng Long Thạnh Tây vẫn là một “ốc đảo” còn lắm cằn cỗi và hoang sơ khi ba mặt giáp sông một mặt giáp biển. Mấy chục năm đã trôi qua, cuộc sống đã lắm đổi thay, song Long Thạnh Tây ngày ấy và bây giờ vẫn thế! Cuộc sống lam lũ miền sông nước vẫn cứ níu người dân nơi đây. Người dân Long Thạnh Tây không có nghề đi biển dù nằm giữa biển và sông, chỉ làm lộng là chủ yếu. Ngày ngày, họ chèo đò để thả lưới, đặt rớ, bắt cá. Chiếc đò nhỏ vẫn là phương tiện mưu sinh duy nhất và cố hữu của người dân “ốc đảo” này.
Vào mùa thiếu nước, Huyện đoàn Núi Thành lại tổ chức chương trình "Đưa nước sạch ra đảo" (ảnh Huyện đoàn Núi Thành cung cấp)
Nghề đi lộng là sinh kế duy nhất giải quyết cái ăn qua ngày và chuyện học hành của con cái trên đảo. Nhưng rồi, nghề đi lộng cũng trở nên mong manh, khốn khó. Thôn dần vắng bóng những người trẻ. Nhiều người muốn thoát nghèo đã bỏ xứ đi làm ăn xa, mong sao khấm khá hơn. Ông Phạm Hữu Trí, người dân thôn Long Thạnh Tây nắc nỏm: “Nằm biệt lập giữa dòng nước nên người dân chỉ sử dụng đò. Nhiều lúc người dân “ốc đảo” đi khám chữa bệnh hay bị đau ốm thất thường muốn chuyển qua trạm xá xã đảo hoặc bệnh viện huyện phải chờ đợi, chầu chực rất lâu mới có chuyến đò sang sông. Vào buổi tối hay mùa lũ thì cũng đành “bó tay”!”. Muốn vào chữa trị kịp thời trong đất liền chỉ có thể nhờ ca nô của Bộ đội Biên phòng.
Giao thông cách trở là vậy, nên chuyện học của con em trong thôn cũng vô vàn khó khăn. Ngày ngày, những chiếc đò lại đưa lũ trẻ sang sông đi học. Mầm non tiểu học thì học ở xã đảo phía bên kia sông, còn học cao hơn thì phải ở trọ trên huyện. Đời sống người dân đã khốn khó, việc học của con em cũng gian nan không kém. Cả thôn hiện có 101 hộ, 300 nhân khẩu; trong đó có đến 50 hộ từ 60 tuổi trở lên; khoảng 30 hộ dân trẻ tuổi của thôn Long Thạnh Tây đang đi làm ăn xa. Cả thôn có khoảng 40 em học sinh các cấp học từ mầm non đến THPT.
Cũng theo ông Phạm Hữu Trí, chuyện giao thông cách trở là một phần, nhưng nước sạch để sinh hoạt là vấn đề lớn nhất với người dân nơi đây. Nhiều năm qua, mấy chiếc giếng trên đảo đã bị nhiễm phèn nặng không thể sử dụng. Nước mưa là nguồn nước sạch duy nhất trên đảo. Không có mưa, người trong thôn chỉ biết nhìn trời mà ao ước. năm 2006, thôn Long Thạnh Tây từng có đường ống nhựa đưa nước sạch về cung cấp cho người dân dùng sinh hoạt, nhưng vì sự cố nên phải dừng hoạt động cho đến nay. Trong khi đó, nguồn nước ngầm của thôn không đảm bảo, nhiều nơi bị nhiễm phèn, nhiễm mặn. Để có nước sinh hoạt, nhiều người dân phải dùng một số vật dụng chứa nước mưa. Nếu trời không có mưa trong một thời gian dài, nước chứa trong thùng phuy cạn kiệt hàng chục gia đình phải đi đò sang vùng Tam Hòa hoặc trung tâm xã Tam Hải mua.
Để giải quyết nhu cầu sử dụng nước sạch cho hàng trăm hộ dân thôn Long Thạnh Tây trong nhiều năm nay, chính quyền địa phương xã Tam Hải (huyện Núi Thành, Quảng Nam) đã tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ để nâng cấp nhà máy xử lý nước, đầu tư đường ống dẫn nước về thôn này, khẩn trương đưa nước sạch về cho nhân dân, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của nhân dân vùng xã đảo. Tuy nhiên, sau một thời gian thì hệ thống này xuống cấp. Ông Phạm Minh Quang, Trưởng thôn Long Thạnh Tây cho biết, toàn thôn có gần 100 hộ dân vẫn đang trong tình trạng thiếu nước sạch. Vào những mùa khát, Huyện đoàn Núi Thành hay công ty cấp nước đều dùng ghe chở nước sạch miễn phí tới cho người dân sử dụng. Còn nếu không có sự hỗ trợ này, người dân địa phương phải chèo ghe qua sông để mua nước sạch về dùng.
Sớm mong cho ước vọng an cư
Vào giữa năm 2017, người dân Long Thạnh Tây và cả xã đảo Tam Hải khấp khởi mừng thầm, khi UBND huyện Núi Thành (Quảng Nam) đã thông qua Đề án xây dựng xã đảo Tam Hải thành khu du lịch biển đảo và vùng đệm sinh thái môi trường. Để xây dựng Đề án này, tỉnh Quảng Nam đã mời các nhà khoa học đến từ Viện địa chất Việt Nam, Viện nghiên cứu Đông Nam Á, các nhà nghiên cứu, giáo sư giảng dạy chuyên ngành địa chất tại các trường đại học trên cả nước tìm hiểu thực tế và xây dựng hồ sơ khoa học để đưa xã đảo Tam Hải tham gia vào mạng lưới Công viên địa chất quốc gia, Công viên địa chất toàn cầu. Các nhà khoa học thống nhất cho rằng, xã đảo Tam Hải và một số địa điểm lân cận khu vực này xứng đáng trở thành di sản địa chất ở tầm cỡ thế giới. Đây chính là yếu tố quan trọng để tạo nền móng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển đảo một cách bền vững.
Long Thanh Tây có 3 mặt giáp sông, 1 mặt giáp biển nên việc di chuyển chủ yếu dựa vào đò hoặc ghe.
Nhưng rồi người dân đã chờ mấy năm qua nhưng vẫn chưa thấy có chuyển biến gì. Họ lo lắng về quy hoạch “treo”. Và ngày 10/2/2022 vừa qua, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã về với Long Thạnh Tây. Chứng kiến tận mắt những khó khăn và nguyện vọng của người dân Long Thạnh Tây cũng như cả xã đảo Tam Hải. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã cam kết việc sắp xếp lại chỗ ở, giúp bà con trên đảo giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, tạo điều kiện cho con em thôn Long Thạnh Tây được học hành tốt hơn, có tương lai tốt đẹp hơn, để con em vùng đất cách mạng kiên trung này không bị tụt lại phía sau so với các địa phương khác trong tỉnh.
Ước vọng an cư của bà con long thanh tây dẫu gặp khó khăn vì vấn đề tái định cư. Tuy nhiên, ông Lê Văn Sinh - Chủ tịch UBND huyện Núi Thành đã khẳng định việc bố trí tái định cư ở đâu cho phù hợp với phong tục tập quán, điều kiện sản xuất, sao cho cuộc sống nơi tái định cư tốt hơn so với nơi ở cũ là vấn đề tiên quyết. Trước mắt, trong thời gian tới, huyện Núi Thành sẽ thí điểm bố trí một số hộ dân ở thôn Long Thạnh Tây về tái định cư ở xã đất liền Tam Quang cách đó không xa. Sau đó sẽ lần lượt chuyển hết bà con trên ốc đảo vào đất liền sinh sống, tính mạng con người phải đặt lên hàng đầu.
Nhiều người dân Long Thạnh Tây khấp khởi mừng thầm, bởi với quyết tâm của huyện, của tỉnh, chắc chắn đời sống bà con ốc đảo này sẽ đổi khác. Sẽ không còn cảnh qua sông lụy đò, không còn cảnh nơm nớp lo bão lũ triều cường mỗi mùa mưa bão. Con em trong thôn sẽ có điều kiện để học hành tốt hơn, người dân có điều kiện chăm sóc sức khỏe nhiều hơn và không phải sống trong tình trạng mong ngóng từng giọt nước sạch giữa mùa khát nữa.
TIÊU DAO
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.