Vì sao nhiều doanh nghiệp khai thác đất ở Quảng Nam “quên” hoàn thổ?

Hoàn thổ (khôi phục lại mặt bằng, hiện trạng khu vực khai thác trước khi tiến hành khai thác) là nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp (DN) sau khi kết thúc hoạt động khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, tình trạng nhiều đơn vị DN chưa thực hiện hoặc thực hiện mang tính đối phó

MTXD - Hoàn thổ (khôi phục lại mặt bằng, hiện trạng khu vực khai thác trước khi tiến hành khai thác) là nghĩa vụ bắt buộc của các doanh nghiệp (DN) sau khi kết thúc hoạt động khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, tình trạng nhiều đơn vị DN chưa thực hiện hoặc thực hiện mang tính đối phó nghĩa vụ phục hồi môi trường vẫn còn tái diễn.

Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 68 của Chính phủ, Thông tư 126 của liên Bộ Tài chính, Công nghiệp, Tài nguyên và Môi trường đã quy định rõ: Để giải quyết những hậu quả về môi trường sau khai thác, các DN hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng phải ký Quỹ Phục hồi môi trường tùy theo mức độ, diện tích và trữ lượng mỏ. Theo đó, Quỹ này phải tương xứng với phần chi phí bồi hoàn, khắc phục lại hiện trạng trước khi tiến hành khai thác. Khi DN khai thác ký quỹ, Nhà nước giữ khoản tiền đó, sau khi khai thác xong DN bồi hoàn hiện trạng đúng như cam kết mới cho họ được rút khoản tiền đó ra. Trường hợp DN không làm, Nhà nước dùng quỹ đó để thuê người làm. Thực tế trên đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, ban, ngành liên quan nhằm làm lành mạnh hóa hoạt động khai thác khoáng sản, đồng thời bảo vệ môi trường theo hướng bền vững.

Tại tỉnh Quảng Nam, nhiều mỏ đất được cấp phép cho doanh nghiệp khai thác, hết thời hạn cấp phép vẫn chưa hoàn thổ, đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường khiến núi đồi nham nhở, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cuộc sống người dân. Tại khu vực Nổng Bồ (xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên) ngay cạnh đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi một khu vực rộng lớn bị đào xới, múc đất. Những quả đồi bị xẻ đôi, khoét sâu lấy đất, chỉ còn trơ lại những tảng đá lớn và xuất hiện nhiều hố sâu, không rào chắn. Người dân địa phương cho biết, vào mùa mưa khu vực này xảy ra tình trạng sạt lở đất vì các mỏ đất phục vụ dự án tại đây không cải tạo phục hồi môi trường. Ông Nguyễn Văn Ba, Chủ tịch UBND xã Duy Trung cho biết, khu vực này các doanh nghiệp đã hết giấy phép khai thác đất nhiều năm nay. Lúc trước doanh nghiệp được cấp phép khai thác đất phục vụ dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và một số công trình khác trên địa bàn. Theo Chủ tịch UBND xã Duy Trung, địa phương đã nhiều lần đề nghị cấp trên về việc hoàn thổ, đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường các mỏ đất. Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Duy Xuyên, tính đến tháng 5/2024, địa bàn huyện Duy Xuyên có tổng cộng 18 đơn vị đã hết giấy phép khai thác, đang giai đoạn hoàn thành thủ tục đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường.

Khu vực Nổng Bồ, xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam nham nhở.

Cũng như thế, để thi công dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đi qua địa bàn tỉnh Quảng Nam, từ năm 2013 đến năm 2017, tỉnh Quảng Nam cấp phép khai thác mỏ đất tại thôn Châu Mỹ (xã Bình Quý, huyện Thăng Bình) cho Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp Việt Nam với diện tích gần 15 héc ta. Mỏ đất này hết thời hạn cấp phép từ năm 2018. Năm 2018, dự án cao tốc hoàn thành nhưng doanh nghiệp này mới hoàn thổ được khoảng 2 héc ta rồi rút khỏi địa phương khi mới nộp khoảng 1,8 tỷ đồng trong tổng số 3 tỷ đồng tiền ký quỹ để thực hiện khôi phục, hoàn thổ. Sau đó, Công ty Hoàng Lộc phá sản nên cố tình “quên” luôn cam kết hoàn thổ, phục hồi nguyên trạng môi trường, để lại đồi núi nham nhở trong 6 năm qua khiến người dân địa phương bức xúc. Theo ghi nhận tại khu vực mỏ đất tại thôn Châu Mỹ (xã Bình Quý, huyện Thăng Bình) cả một vùng đồi núi bị cày xới, có nhiều mỏm đá cao và hố sâu hàng chục mét. Người dân sống tại đây cho biết, mỗi khi đi qua khu vực này ai nấy đều thấy bất an, cả người và vật nuôi rất dễ rơi xuống hố sâu.

UBND xã Bình Quý cùng các bên liên quan kiểm tra thực địa dự án đóng cửa mỏ đất đồi Châu Mỹ.

Tương tự, Dự án Cụm công nghiệp Tam Mỹ Tây do UBND huyện Núi Thành làm chủ đầu tư, triển khai từ tháng 9/2011 trên diện tích 20 héc ta. Tháng 4/2016, UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép cho Công ty TNHH Đầu tư Xuân Vượng khai thác khoáng sản đất san lấp, xây dựng công trình dư thừa tại Dự án san nền Cụm công nghiệp Tam Mỹ Tây. Theo đó, Công ty này được tận thu khoáng sản đất trên diện tích 10,14 héc ta với trữ lượng khai thác 1,425 triệu mét khối. Hơn 10 năm qua, người dân địa phương từng kỳ vọng nơi đây sẽ mọc lên các nhà máy, xí nghiệp phục vụ sản xuất, giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Thế nhưng khu vực này giờ đây toàn những quả đồi trơ trọi sau khi doanh nghiệp khai thác cả triệu m3 đất.

Vừa qua, Thanh tra tỉnh Quảng Nam có kết luận về những sai phạm liên quan đến Công ty TNHH Đầu tư Xuân Vượng. Doanh nghiệp này không kê khai khoảng 400 ngàn m3 đất san lấp có dấu hiệu trốn thuế và phí bảo vệ môi trường với số tiền 1,24 tỷ đồng. Ngoài ra, đối với khối lượng đã kê khai thuế, phí thì đến nay Công ty Xuân Vượng còn nợ thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và phạt chậm nộp 1,2 tỷ đồng. Thanh tra tỉnh Quảng Nam đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo chuyển vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh xử lý theo thẩm quyền.

Những mỏ đất nham nhở bị doanh nghiệp khai thác nhưng không hoàn thổ cạnh đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. 

Ngày 23/5/2024 vừa qua, tại báo cáo trả lời ý kiến cử tri, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo, “Trường hợp, đơn vị đã giải thể, phá sản hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ đóng cửa mỏ hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng không chấp hành thực hiện việc đóng cửa mỏ khoáng sản theo yêu cầu thì lựa chọn đơn vị có đủ năng lực khảo sát, lập, trình UBND tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) thẩm định, phê duyệt và thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản từ số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của đơn vị đã nộp và nguồn vốn do ngân sách địa phương bố trí (đối với phần kinh phí còn thiếu)”, báo cáo nêu rõ.

Huấn Trương

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.