Vùng Đồng bằng sông Hồng duy trì tốc độ tăng trưởng cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh
MTXD - Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chia sẻ tại Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Hồng do Bộ Công thương tổ chức vào ngày 5/6 tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, vùng Đồng bằng sông Hồng là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước; là cửa ngõ phía bắc của đất nước và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc – thị trường rộng lớn nhất thế giới; là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế quốc tế. Sân bay Nội Bài, cảng Hải Phòng là những cửa ngõ mở ra khu vực và thế giới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu. Ảnh: Đỗ Nga
Vùng có hạt nhân là Thủ đô Hà Nội, có vai trò là 1 trong 2 trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, động lực phát triển hàng đầu của cả nước với 3 cực tăng trưởng là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đây cũng là vùng đi đầu về công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, kết cấu hạ tầng vùng đã được đầu tư phát triển mạnh.
Trong giai đoạn vừa qua, vùng Đồng bằng sông Hồng luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh. Riêng trong năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng đạt 6,28%, đứng thứ 3/6 vùng kinh tế (sau vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Đồng bằng sông Cửu Long).
Quy mô kinh tế giá hiện hành đạt hơn 3.100 tỷ đồng, chiếm gần 30,1% GDP cả nước, đứng thứ 2/6 vùng kinh tế (sau vùng Đông Nam Bộ 30,2%); GRDP bình quân đầu người đạt 131,9 triệu đồng, đứng thứ 2 cả nước (sau vùng Đông Nam Bộ 166 triệu USD). Quý I/2024, GRDP bình quân của vùng đạt 6,3% (bình quân cả nước 5,66%).
Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn vùng đạt trên 260,88 tỷ USD, cao nhất trong 6 vùng kinh tế, chiếm 38% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, giảm gần 12,25 tỷ USD so năm 2022 do tác động chung của bối cảnh ngoại thương toàn cầu khó khăn.
Hội nghị đã tập trung bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng trong hợp tác phát triển các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Hồng như: Liên kết phát triển chuỗi giá trị xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, các sản phẩm nông sản chất lượng cao (như gạo, rau củ quả…); Liên kết phát triển dịch vụ logistics phục vụ xuất khẩu, khai thác hiệu quả các sản phẩm kinh tế biển phục vụ xuất khẩu; Liên kết phát triển các lĩnh vực năng lượng, hạ tầng khu – cụm công nghiệp phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu; Hợp tác, liên kết thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại quy mô vùng…
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đỗ Nga
Bên lề Hội nghị kết hợp không gian trưng bày, quảng bá sản phẩm của các địa phương, doanh nghiệp trong vùng, tạo cơ hội kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ của vùng Đồng bằng sông Hồng với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại.
Các doanh nghiệp trong vùng Đồng bằng sông Hồng có sản phẩm chất lượng cao, có tiềm năng và năng lực xuất khẩu được Ban tổ chức Hội nghị tạo điều kiện thuận lợi để tham gia hoạt động này.
Hoạt động xuất nhập khẩu của vùng Đồng bằng sông Hồng những năm qua luôn chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu xuất nhập khẩu chung của cả nước. Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn vùng đạt trên 260,88 tỷ USD, cao nhất trong 6 vùng kinh tế, chiếm 38% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, giảm gần 12,25 tỷ USD so năm 2022 do tác động chung của bối cảnh ngoại thương toàn cầu khó khăn.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của vùng năm 2023 đạt trên 126,94 tỷ USD, giảm trên 2,98 tỷ USD so năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt gần 133,94 tỷ USD, giảm gần 9,26 tỷ USD so năm 2022. Bắc Ninh là địa phương dẫn đầu vùng về kim ngạch xuất nhập khẩu, tiếp theo là: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nam, Quảng Ninh, Hưng Yên…
Công tác xúc tiến thương mại được xác định là sợi dây liên kết các địa phương khu vực đồng bằng sông Hồng trong xúc tiến tiêu thụ hàng hóa. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương trong vùng triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại mang tính liên kết vùng miền ổn định lâu dài và đạt hiệu quả. Các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng trong 02 năm vừa qua đã tổ chức thành công nhiều hội chợ triển lãm thương mại cấp vùng, thu hút sự tham gia của hàng nghìn doanh nghiệp.
Tuy nhiên, công tác này cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt đa dạng các cơ hội thị trường trong và ngoài nước cho các sản phẩm của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Hội nghị được kỳ vọng là kênh chia sẻ, trao đổi thông tin giá trị, cùng bàn thảo để triển khai các giải pháp hỗ trợ, liên kết chặt chẽ, hiệu quả hơn trong và ngoài vùng Đồng bằng sông Hồng trong công tác xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu; vì mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp của vùng ngày càng lớn mạnh, giúp các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ của vùng vươn xa hơn tới các thị trường trong và ngoài nước.
Văn Trì
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.