Xây dựng, phát triển vị thế của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội hiện đại

​MTXD - Từ ngàn xưa, phụ nữ Việt Nam có vai trò là người giữ gìn, phát huy những gia trị truyền thống của gia đình, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Trong quá trình phát triển của xã hội, nếu vị trí, vai trò của phụ nữ trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ngày càng được nâng cao.

MTXD - Từ ngàn xưa, phụ nữ Việt Nam có vai trò là người giữ gìn, phát huy những gia trị truyền thống của gia đình, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Trong quá trình phát triển của xã hội, nếu vị trí, vai trò của phụ nữ trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ngày càng được nâng cao.

Vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội

+ Vai trò của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm

Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, trong đó phụ nữ Việt Nam giữ một vai trò trọng yếu. Phụ nữ là nhân tố quyết định thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh của cả dân tộc. Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu dân, cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan thì phụ nữ ta điều hăng hái đứng lên góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

 Phụ nữ tham gia chống giặc ngoại xâm

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng do nhận thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, phụ nữ Việt Nam đã tích cực tham gia sản xuất cũng như tham gia trên khắp các mặt trận ở tiền tuyến phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu giành độc lập cho dân tộc. Trong kháng chiến chống Mỹ, phụ nữ Việt Nam đã hăng hái tham gia phong trào “ba đảm đang’’ vừa giết giặc nơi tiền tuyến, vừa bảo vệ hậu phương, tích cực thi đua sản xuất bảo đảm lương thực để đánh thắng quân xâm lược. Phong trào phụ nữ “Ba đảm đang’’ ở miền Bắc được phát huy cao độ, người phụ nữ vừa là cô du kích đánh trả máy bay Mỹ, vừa là người lao động chính trên ruộng đồng, cũng lại là người vợ, người mẹ đảm đang trong gia đình để chồng con ra chiến trường chiến đấu. Nhiều bà mẹ với tinh thần yêu nước cao cả đã động viên chồng con đi đánh giặc không sợ gian khổ, nguy hiểm. Miền Nam anh hùng có đội quân đấu tranh chính trị gồm hàng vạn chiến sĩ toàn là phụ nữ. Họ rất mưu trí và dũng cảm, làm cho địch phải khiếp sợ và gọi họ là “Đội quân tóc dài’’, Phó tổng tư lệnh giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ có nước ta có vị tướng quân gái như vậy, thật là vẻ vang cho miền Nam cho tất cả dân tộc ta, phụ nữ Việt Nam thật xứng với danh hiệu cao quí mà Đảng và Bác Hồ trao tặng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang’’.

+ Phụ nữ Việt Nam tham gia vào mọi mặt của đời sống xã hội, là lực lượng trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội.

Phát huy truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang’’ trong công cuộc xây dựng đất nước trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phụ nữ Việt Nam tiếp tục đóng vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội. Vai trò này đang được khẳng định một cách rõ nét hơn bao giờ hết.

Ở nước ta, phụ nữ là lực lượng lao động đông đảo nhất trong các lực lượng lao động (gần 50%), tham gia hầu hết các mặt của đười sống xã hội: Chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh quốc phòng. Họ là lực lượng trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội.

Hơn 20 năm đổi mới toàn diện, đất nước ta thu được nhiều thành tựu quan trọng nhất là trên lĩnh vực kinh tế. Thành công này có được là nhờ sự lãnh đạo của Đảng và sự giúp sức của toàn dân, trong đó hơn một nửa số dân là giới nữ. Phụ nữ ngày nay năng động hơn, tham gia vào những lĩnh vực quan trọng trong xã hội. Nhiều tài năng giỏi việc nước, đảm việc nhà, phụ nữ làm kinh tế giỏi, nhất là phụ nữ sản xuất giỏi trong nông nghiệp. Họ đã cùng chồng con nuôi dưỡng các thế hệ công dân có chất lượng cao về trí tuệ, thể lực và nhân cách, chăm lo xây dựng gia đình Việt Nam trở thành tế bào lành mạnh của xã hội.

Trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, phụ nữ Việt Nam tiếp tục vượt qua mọi thành kiến và thử thách, vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, duy trì ảnh hưởng rộng rãi vai trò của mình trên nhiều lĩnh vực như: tham gia quản lý nhà nước; tham gia xóa đói giảm nghèo; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; tham gia phòng chống tệ nạn xã hội; thúc đẩy hoạt động đối ngoại nhân dân…Ngày càng có nhiều người trở thành chính trị gia, nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý năng động, phụ nữ Việt Nam thật xứng đáng với danh hiệu “giỏi việc nước, đảm việc nhà” .

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về  công tác phụ nữ

Quan điểm “Nam, nữ bình quyền” của Đảng và Bác Hồ được xác định ngay trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng năm 1930. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vị trí vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, Người luôn căn dặn các cấp uỷ Đảng, cơ quan, đơn vị phải quan tâm chăm lo công tác vận động phụ nữ, đào tạo bồi dưỡng cán bộ nữ, vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ. 90 năm qua, quan điểm đó luôn được quán triệt trong các văn kiện, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng qua các thời kỳ.

Ngay trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 10/01/1967, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 152-NQ/TW về một số vấn đề tổ chức lãnh đạo công tác phụ vận, chỉ rõ: “Tư tưởng phong kiến đối với phụ nữ còn tồn tại khá sâu sẳc trong một số cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo. Thể hiện rõ nhất tư tưởng hẹp hòi, “trọng nam khinh nữ”, chưa tin vào khả năng lãnh đạo và khả năng quản lý kinh tế của phụ nữ, chưa thấy hết khó khăn trở ngại của phụ nữ…”

Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ mới, việc phát huy hơn nữa vị trí, vai trò của các tầng lớp phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân là yêu cầu, đòi hỏi lớn. Chỉ thị số 44- CT/TW ngày 7/6/1984 của Ban Bí thư về một số vấn đề cấp bách trong công tác cán bộ nữ chỉ rõ: “Nhiều cấp uỷ Đảng và lãnh đạo các ngành buông lỏng việc chỉ đạo thực hiện các nghị quyết của Đảng về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ…còn tư tưởng phong kiến, coi thường phụ nữ, đối xử thiếu công bằng với chị em…”; “Các trường lớp đào tạo, bồi dưỡng trong nước và ngoài nước, khi chiêu sinh cần quy định tỷ lệ nữ một cách thoả đáng; …Các trường lớp tập trung cần tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo để chị em có con nhỏ gửi cháu”….

Bước vào thời kỳ đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, ngày 12/7/1993 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới. Nghị quyết nhấn mạnh: “Xây dựng và sửa đổi, hoàn chỉnh các pháp luật, chính sách xã hội có liên quan đến phụ nữ và lao động nữ... Có chủ trương, chính sách phù hợp đối với phụ nữ dân tộc ít người, phụ nữ tôn giáo, phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân, phụ nữ tàn tật”...

Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 16/5/1994 của Ban Bí thư TW về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới khẳng định: “Cần xây dựng Chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng lao động nữ nói chung và cán bộ nữ nói riêng…Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ nữ làm công tác khoa học- kỹ thuật, kinh tế, pháp luật, hành chính, quản lý nhà nước,...cán bộ nữ dân tộc ít người, tôn giáo, vùng sâu, vùng xa. Các trường lớp đào tạo, bồi dưỡng của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể khi chiêu sinh cần có quy định tỷ lệ nữ một cách thoả đáng, đưa vào chương trình đào tạo những kiến thức về giới...”

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng chỉ rõ: “Đối với phụ nữ, thực hiện tốt luật pháp và chính sách bình đẳng giới, bồi dưỡng, đào tạo nghề nghiệp, nâng cao học vấn; có cơ chế, chính sách để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp, các ngành, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em; tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt thiên chức người mẹ; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng tiếp tục khẳng định: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần thực hiện bình đẳng giới. Tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò của người công dân, người lao động, người mẹ, người thày đầu tiên của con người. Bồi dưỡng, đào tạo để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp. Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ bà mẹ, trẻ em. Bổ sung và hoàn chỉnh các chính sách về bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, thai sản, chế độ đối với lao động nữ. Kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội và các hành vi bạo lực, xâm hại và xúc phạm nhân phẩm phụ nữ”.

* Ngày 27-4-2007, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/T.Ư về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước.

Nghị quyết đã nêu lên những quan điểm cơ bản của Đảng ta trong công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

1. Phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới.

Đảng ta xác định đây là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới:

- Xuất phát từ tầm quan trọng của phụ nữ đối sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

- Xuất phát từ tình trạng phụ nữ và công tác phụ nữ hiện nay còn nhiều hạn chế.

Những hạn chế của phụ nữ là rào cản, ảnh hưởng đến sự phát triển và cống hiến của phụ nữ cho xã hội.

Mặc dù Việt Nam được thế giới đánh giá cao trong việc thực hiện Bình đẳng giới. Thực tiễn Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, đã ban hành nhiều văn bản liên quan chú ý nhất là đã có Luật Bình đẳng giới năm 2006. Tuy nhiên, vị thế phụ nữ Việt Nam hiện nay chưa tương xứng với yêu cầu của sự phát triển, chưa tương xứng với sự phát triển của phụ nữ. Một số lĩnh vực vị thế của phụ nữ còn thấp hơn so với nam giới.

2. Công tác phụ nữ phải sát hợp với từng đối tượng, vùng miền, phát huy được tinh thần làm chủ, tiềm năng, sức sáng tạo và khả năng đóng góp cao nhất của các tầng lớp PN, góp phần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, để phát triển đất nước; đồng thời chăm lo cho PN tiến bộ về mọi mặt, quan tâm đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng để PN có điều kiện thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người.

Quan điểm này của Đảng xác định yêu cầu khai thác cao nhất nguồn lực phụ nữ (trên 50% dân số), đây là tiềm năng to lớn, lực lượng quan trọng, nguồn lực không thể thiếu của đất nước do vậy phải có chủ trương phát huy tiềm năng to lớn này song cần được cụ thể hóa sát hợp với từng đối tượng, vùng miền.

Mỗi đối tượng khác nhau có những điều kiện, nhu cầu, tâm sinh lý, trình độ… khác nhau.

+ Ngành nghề: nữ trí thức, nữ doanh nhân, nông dân, công nhân…

+ Lứa tuổi: nữ thanh niên, PN cao tuổi, trẻ em gái…

+ Tôn giáo: phụ nữ theo các tôn giáo khác nhau

+ Tình trạng hôn nhân: độc thân, có gia đình

Mỗi vùng miền có những điều kiện khác nhau, mỗi địa phương có những thế mạnh riêng vì vậy cần phát huy những thế mạnh của địa phương nhằm thúc đẩy sự phát triển của từng đối tượng phụ nữ ở địa phương đó.

Để phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ phải chăm lo cho phụ nữ tiến bộ từ trong mỗi gia đình, từng cơ quan, đơn vị, cộng đồng; quan tâm đầy đủ đến quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ để phụ nữ có điều kiện thực hiện tốt vai trò của người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến việc cải thiện điều kiện học tập, làm việc ở những vùng công nghiệp tập trung, Phụ nữ vùng sâu, vùng xa, dân tộc, tôn giáo.

Tập trung giải quyết những vấn đề nhằm ngăn chặn sự tổn thương đối với phụ nữ. Đảng và Nhà nước đã ban hành các căn cứ pháp lý nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ như:

+ Luật Bình đẳng giới năm 2006

+ Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007

+ Ngày 27/4/2007, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”.

+ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã nhấn mạnh việc xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn bán phụ nữ và bạo lực trong gia đình.

3. Xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Ðảng.

 Sự nghiệp CNH, HĐH đất nước càng phát triển càng đòi hỏi đội ngũ cán bộ nữ có đủ kiến thức, trình độ và năng lực về mọi mặt để đáp ứng nhiệm vụ đòi hỏi ngày càng cao. Đây là lực lượng nòng cốt trong phong trào phụ nữ do vậy xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là tất yếu khách quan, là định hướng chính trị cụ thể cho việc thực hiện công tác cán bộ nữ trong nhiều năm tới.

Đảng đặt vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ nữ thành nhiệm vụ có tính chiến lược trong toàn bộcông tác cán bộ của Đảng và nhà nước.

Cán bộ là gốc của công việc. Đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ nữ, trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Trong giai đoạn hiện nay để đáp ứng yêu cầu công việc đòi hỏi cán bộ nữ phải có đủ kiến thức trình độ và năng lực về mọi mặt.

Tuy nhiên, thực trạng cán bộ nữ hiện nay như thế nào?

Để xây dựng đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển cần xóa bỏ những rào cản hạn chế đến sự phát triển đội ngũ cán bộ nữ. Đồng thời, thực hiện một số giải pháp đề đào tạo nguồn cán bộ nữ.

- Để thực hiện tốt chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác cán bộ nữ, các tổ chức Đảng và Nhà nước phải đặt vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ nữ thành nhiệm vụ có tính chiến lược trong toàn bộ công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. Trên cơ sở quy hoạch có khoa học tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ cống hiến và trưởng thành; phấn đấu tăng tỷ lệ nữ trong các cấp ủy Đảng, cơ quan Nhà nước, trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật.

- Đảng và Nhà nước cần quy định trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị về xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ nữ của ngành mình, cấp mình và xem đó như là một trong những tiêu chuẩn của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Các đơn vị cần có sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể nhằm thu hút sự hỗ trợ trong suốt quá trình tuyển chon, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đề bạt cán bộ nữ.

- Chú trọng đào tạo nghề, xóa mù chữ, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ của phụ nữ, nâng tỷ lệ nữ được đào tạo trên đại học và tỷ lệ lao động nữ được đào tạo nghề. Quan tâm đặc biệt đến phụ nữ dân tộc thiểu sô, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, phụ nữ nghèo.

- Trong tuyển chọn ngoài các yêu cầu về tiêu chuẩn, điều kiện chung phải chú ý đến đặc điểm giới của cán bộ nữ. Tuyển dụng cán bộ vào các cơ quan cần bảo đảm tỷ lệ nữ được tuyển dụng 35% trở lên. Quan tâm tuyển dụng lao động nữ có trình độ đại học…Thực hiện trẻ hóa đội ngũ cán bộ nữ.

- Trên cơ sở quy hoạch có kế hoạch tạo nguồn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, đồng thời tạo nguồn cán bộ trong phong trào thực tiễn. Thực tế phong trào là cái nôi đào tạo, rèn luyện cán bộ trưởng thành.

- Tăng cường phát triển đảng viên nữ. Đây là biện pháp quan trọng trong việc tạo nguồn cán bộ nữ nhằm bổ sung nguồn lực mới cho Đảng. Ưu tiên tuyển chọn sinh viên nữ đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm công chức dự bị ở các xã, phường, thị trấn, các cơ quan ban ngành để chuẩn bị nguồn thay thế.

4. Công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình. Trong đó, hạt nhân lãnh đạo là các cấp ủy đảng, trách nhiệm trực tiếp và chủ yếu là cơ quan quản lý nhà nước các cấp, vai trò chủ thể là phụ nữ mà nòng cốt là các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Quan điểm này xác định rõ: Công tác phụ nữ là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng, trong công tác của chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị

Hạt nhân lãnh đạo công tác phụ nữ là các cấp ủy Đảng ; Trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước các cấp

- Đảng Cộng sản Việt Nam sớm nhận thấy vai trò, tiềm năng của phụ nữ, xuyên suốt từ đại hội I đến nay, Đảng ta đã luôn đánh giá cao sự đóng góp của phụ nữ và đề ra nhiệm vụ lãnh đạo, tạo điều kiện để phụ nữ phát huy khả năng to lớn, thực hiện nam nữ bình đẳng.

Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành công tác vận động phụ nữ bằng việc:

+ Ban hành đường lối, chủ trương công tác phụ nữ

+ Lãnh đạo công tác cán bộ nữ, các chủ thể xã hội khác, trước hết và trực tiếp là Hội liên hiệp phụ nữ và các tổ chức trong hệ thống chính trị tiến hành cong tác vận động phụ nữ.

+ Kiểm tra việc thực hiện công tác vận động phụ nữ

- Nhà nước: Ngay từ lần tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (06/01/1946) chính phủ Việt Nam đã khẳng định và tôn trọng quyền bình đẳng của phụ nữ trong xã hội bằng việc công nhận người phụ nữ cũng như đàn ông đều có quyền công dân ngang nhau khi được cầm lá phiếu đi bầu cử.

Điều 9, Hiến pháp năm 1946:“Tất cả những người công dân Việt Nam 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam nữ đều có quyền bầu cử và ứng cử”.

Nhà nước tiến hành công tác vận động phụ nữ:

+ Nhà nước tiến hành công tác vận động phụ nữ thông qua việc ban hành, tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ

+ Tổ chức các nghiên cứu cơ bản về phụ nữ; xây dựng bộ máy tổ chức và cán bộ làm công tác vận động phụ nữ.

+ Đầu tư ngân sách cho công tác vận động phụ nữ.

+ Điều phối và phối hợp với các tổ chức khác trong công tác vận động phụ nữ.

+ Từng ngành có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất việc vận dụng CTVĐPN phù hợp với ngành đó.

Bốn quan điểm của Đảng đối với công tác vận động phụ nữ là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình công tác vận động phụ nữ. Việc nắm bắt và vận dụng các quan điểm vào thực tế công tác tại cơ sở là yêu cầu quan trọng nhằm chăm lo cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ, phấn đấu để có bình đẳng giới thực sự.

 VIỆT HỒNG

 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.