Xây dựng và phát huy “thế trận lòng dân” trong giai đoạn hiện nay
MTX - “Ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu cái gì làm trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định vẫn là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động của các cấp chính quyền từ Trung ương đến cơ sở, trở thành bài học quý báu đối với mọi mặt công tác. Đó là cả một quá trình chăm lo xây dựng, bồi dưỡng, gắn kết, quy tụ, khơi dậy và phát huy sức mạnh lòng dân của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành và của toàn dân. Đặc biệt là trong công cuộc xây dựng “thế trận lòng dân” trong bảo vệ Tổ quốc - từ lịch sử đến hiện tại.
Đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, "lòng dân" và "thế trận lòng dân" có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, tạo điểm tựa mang tính gốc rễ và quyết định sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân" . "Lòng dân" là nguyên liệu chính, quyết định để xây dựng "thế trận lòng dân" - thế trận gốc trong các thế trận bảo vệ Tổ quốc. "Thế trận lòng dân" được hiểu là sự tổng hoà của khối đại đoàn kết dân tộc, tinh thần yêu nước, khát vọng độc lập, tự do, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của cả dân tộc, được hội tụ, kết tinh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trở thành nền tảng chính trị vững chắc, tổng hợp sức mạnh tinh thần của cả dân tộc, sẵn sàng thực hiện các mục tiêu cách mạng.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng hướng dẫn đồng bào chăm sóc lúa nước_Ảnh: Internet
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định một quan điểm cơ bản trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là xây dựng "thế trận lòng dân" làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc. Vì vậy, để vượt qua khó khăn, thử thách, nắm chắc thời cơ, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, phải luôn quán triệt sâu sắc bài học "lấy dân làm gốc" phải luôn chăm lo, bồi dưỡng sức dân khơi dậy, động viên và phát huy sức mạnh của toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Sinh thời, Bác thường xuyên căn dặn cán bộ, đảng viên phải nâng cao tinh thần phục vụ trước Đảng và quần chúng, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, tuyệt đối không được lên mặt "quan cách mạng", ra oai... Học tập và làm theo tư tưởng trọng dân, phong cách gần dân của Bác, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện đạo đức, phong cách, nâng cao bản lĩnh chính trị và chuyên môn. Phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, lắng nghe dân nói và biết nói cho dân hiểu và biết làm cho dân tin mới thực sự là "người đầy tớ trung thành của nhân dân", đem lại lợi ích cho dân, làm cho nhân dân thực sự tin yêu Đảng, mà trước hết là tin yêu mình.
Cán bộ Đồn Biên phòng A Pa Chải (Điện Biên) giúp đỡ người dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới, củng cố mối quan hệ đoàn kết, gắn bó quân dân.
Với tham luận "Phối hợp giữa CAND và QĐND trong xây dựng "thế trận lòng dân" gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc", từ khi ra đời đến nay, trải qua các giai đoạn cách mạng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến đâu, CAND và QĐND luôn kề vai, sát cánh, đoàn kết, hiệp đồng chiến đấu, thể hiện mối quan hệ gắn bó máu thịt, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và nhân dân. Để tiếp tục xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân” trong nền an ninh nhân dân vững chắc, cần tập trung vào các công tác trọng tâm sau:
Một là cấp ủy, chính quyền, cơ quan đoàn thể các cấp cần nhận thức thống nhất, đầy đủ tính chất, tầm quan trọng và ý nghĩa chiến lược của việc xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp đảm bảo an ninh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, trong đó lực lượng Công an làm tham mưu, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện.
Công an Huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ Nhân dân làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Internet
Hai là tăng cường xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh, chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp theo hướng gần dân, chăm lo cho dân, tạo sức mạnh và uy tín để củng cố niềm tin trong nhân dân; bảo đảm vững chắc và tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, có cơ chế phù hợp để nhân dân được tham gia bàn bạc, giám sát, phản biện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo sự đồng thuận. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa then chốt, tác động trực tiếp đến nhận thức, thái độ, trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân, trên cơ sở đó, định hướng hành động xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc.
Ba là đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống và làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chống bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch và các hành động phá hoại “thế trận lòng dân”, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham ô, tham nhũng theo hướng tích cực phòng ngừa là chủ yếu, kết hợp với xử lý nghiêm các hành vi vi phạm cũng như các biểu hiện dung túng, bao che hoặc ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí dưới mọi hình thức. Tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hàng đầu trong các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của mọi tổ chức, mọi lực lượng, các cấp, các bộ, ban, ngành, địa phương và là giải pháp góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững mạnh.
Bốn là nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trọng tâm là các địa bàn chiến lược, tuyến biên giới, biển đảo, vùng dân tộc... Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phải được chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở, từ thành thị tới nông thôn, trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường... Đẩy mạnh phong trào thi đua nhằm tạo ra các điển hình tiên tiến về xây dựng “thế trận lòng dân”, từ đó tổ chức học tập, rút kinh nghiệm và nhân rộng trên phạm vi cả nước. Tăng cường quan hệ phối hợp giữa Công an nhân dân với Quân đội nhân dân, các bộ, ban, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và củng cố “thế trận lòng dân”, thế trận an ninh nhân dân vững chắc gắn với thế trận quốc phòng toàn dân trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc.
Năm là tiếp tục xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, thật sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Công an các đơn vị, địa phương và mỗi cán bộ, chiến sĩ cần nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự của đất nước trước bối cảnh tình hình mới rất phức tạp hiện nay để trọng dân, dựa vào dân, vì nhân dân phục vụ nhiều hơn nữa; coi đây là thước đo hết sức quan trọng về phẩm chất, đạo đức cách mạng, bản lĩnh, tác phong, hiệu quả công tác, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân. Mọi lĩnh vực, hoạt động của công tác công an phải được thực hiện trên cơ sở công tác dân vận, giáo dục, thuyết phục nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự.
Người làm công tác dân vận phải sát dân, vì nhân dân phục vụ. Ảnh Internet
Trong dân vận, lấy suy nghĩ, việc làm, hành động trọng dân, gần dân, vì nhân dân phục vụ làm cơ sở, nền tảng, phát huy tài năng, trí tuệ, sức sáng tạo của nhân dân để vận động, thuyết phục, hướng dẫn nhân dân, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng của nhân dân trước âm mưu, phương thức thủ đoạn hoạt động chống phá, phạm tội của các thế lực thù địch và các loại tội phạm. Làm cho nhân dân hiểu rõ hơn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm an ninh, trật tự, về quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi tham gia các quan hệ xã hội để hình thành ý thức thượng tôn pháp luật, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh.
Việc tăng cường vai trò nòng cốt, tiên phong của QĐND, CAND để xây dựng "thế trận lòng dân" ở mọi vùng, miền Tổ quốc, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và trong đồng bào ở nước ngoài. Đẩy mạnh đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng về chủ trương xây dựng "thế trận lòng dân" trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường xây dựng, củng cố chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh theo hướng gần dân, không ngừng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong củng cố tiềm lực quốc phòng và an ninh, tạo thế vững chắc cho thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trong các phong trào cách mạng.
Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mô hình, điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước, nhằm khơi dậy ý thức, trách nhiệm và lôi cuốn nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống. Tăng cường xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở nhằm tạo ra các điều kiện đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia từ sớm, từ xa, từ cơ sở, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, từng khu vực, lĩnh vực, địa bàn cụ thể.
Thời gian tới, cùng với việc phát huy sức mạnh của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và của toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, yêu cầu thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng "thế trận lòng dân" trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc "từ sớm", "từ xa" với các giải pháp cụ thể. Trước hết, đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng "thế trận lòng dân" trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về chủ trương xây dựng "thế trận lòng dân", phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận trong thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.
YÊN NHƯ
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.