Xu hướng tất yếu trong việc phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải
MTXD - Ngày 8/8 tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề “Thúc đẩy phát triển năng lượng xanh: Hiện trạng và giải pháp thực hiện” góp phần đánh giá hiện trạng, cơ hội, khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh.
Phát biểu tại Hội thảo, TS Phạm Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam - cho biết, năng lượng xanh còn được gọi là năng lượng tái tạo, là loại năng lượng được tạo ra từ các nguồn tài nguyên tự nhiên không giới hạn hoặc tái tạo được trong quá trình ngắn so với thời gian mà nó được sử dụng.
Theo TS Phạm Anh Tuấn, năng lượng xanh không chỉ giúp đảm bảo nhu cầu năng lượng của mỗi quốc gia, mà còn là một giải pháp quan trọng nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu.
Việc phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược mà Việt Nam không thể đứng ngoài, cũng là một cơ hội để phát triển, tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh, sạch và bền vững.
TS Phạm Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hải Danh
Ngày 1.10.2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050 (Chiến lược tăng trưởng xanh). Chiến lược tăng trưởng xanh tập trung vào khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh.
Quy hoạch điện VIII được phê duyệt năm 2023 cũng khẳng định ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện sẽ đạt tỉ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030, định hướng đến năm 2050, tỉ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%.
Đồng thời, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), đã thể hiện sự tập trung và quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng một hành trình phát triển bền vững, với mục tiêu chính là tạo điều kiện cho thế hệ tương lai có môi trường sạch và an toàn.
Quang cảnh hội thảo.
Hội thảo “Thúc đẩy phát triển năng lượng xanh: Hiện trạng và giải pháp thực hiện” có sự góp mặt của các diễn giả, các nhà bình luận là các chuyên gia kinh tế hàng đầu của đất nước.
Chia sẻ tại hội thảo, GS.TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội - cho rằng, để góp phần thúc đẩy phát triển năng lượng xanh, ngay từ bây giờ chúng ta phải quy hoạch đất trồng, tập trung vào sản xuất và sử dụng nhiên liệu tái tạo, tập trung vào nhiệt điện sinh khối và cần quan tâm đến vấn đề tồn trữ năng lượng vì chúng ta có thế mạnh về thủy điện.
Ngoài ra, chúng ta đang định hướng về điện mặt trời, điện gió. Nếu tổ chức năng lượng, công nghệ không phát triển thì giá trị điện mặt trời mang lại cho hệ thống điện không cao. Đồng thời, chúng ta cũng cần tập trung vào công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon.
Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia cũng chia sẻ các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc đề xuất các giải pháp mang tính then chốt, đột phá của quá trình chuyển dịch năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo và tạo lập hệ sinh thái đầy đủ, đồng bộ cho quá trình chuyển dịch nói trên. Bên cạnh đó cũng đề cập đến tiềm năng, xu hướng một số và lĩnh vực, ngành xanh, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi xanh ở Việt Nam (Hydrogen, xe điện, thị trường tín chỉ carbon, tài chính xanh...). Đồng thời cũng xác định những bất cập, hạn chế, điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách và tổ chức quản lý cần phải tháo gỡ và xác định đúng những căn nguyên của vấn đề đang cản trở quá trình chuyển dịch năng lượng xanh và kinh tế xanh hiện nay.
PV
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.