Xử lý lừa đảo trực tuyến là trách nhiệm chung của nhiều bộ, ngành
MTXD - Việc có cả đại diện đến từ Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước cùng Bộ TT&TT để thông tin với báo chí về vấn nạn lừa đảo trực tuyến đã cho thấy việc xử lý vấn đề này là trách nhiệm chung của nhiều bộ, ngành.
Chiều ngày 5/10, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm đã chủ trì họp báo thường kỳ tháng 10 để cung cấp thông tin và trao đổi với các cơ quan báo chí về một số vấn đề liên quan đến hoạt động của Bộ, của ngành TT&TT đang được báo chí và dư luận quan tâm.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm chủ trì họp báo thường kỳ tháng 10 của Bộ. Ảnh: Lê Anh Dũng.
Bên cạnh các thông tin đáng chú ý khác như kết quả Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16 (AMRI 16) tại Đà Nẵng; các hoạt động nổi bật của “Tháng hành động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số 10/10” và “Tháng tiêu dùng số”, kết quả kiểm tra toàn diện TikTok..., vấn đề xử lý vấn nạn lừa đảo trực tuyến đang phổ biến cũng là một nội dung được các cơ quan báo chí quan tâm.
Theo Bộ TT&TT, các tháng gần đây, Bộ đã tích cực đẩy mạnh triển khai công tác tuyên truyền, qua đó tình hình diễn biến lừa đảo trực tuyến đã có một số biến chuyển. Tuy vậy, các hình thức lừa đảo trực tuyến luôn có sự thay đổi, đan xen mới và cũ, đồng thời luôn luôn có những hình thái mới, tinh vi hơn.
Giả mạo website là 1 trong 3 hình thức lừa đảo phổ biến nhất trên không gian mạng Việt Nam tháng 9/2023. (Ảnh minh họa: Thu Hiền).
Thống kê cho thấy, trong tháng 9/2023, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã ghi nhận 3 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhất, bao gồm: Giả mạo website, lừa đảo chiếm đoạt bằng đường link/file nén và lừa đảo thẻ tín dụng, chiếm đoạt tài sản thông qua mã QR.
Cũng trong tháng 9/2023, hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc gia cũng đã ngăn chặn triệt để 441 website vi phạm pháp luật, lừa đảo trực tuyến.
Ông Phạm Công Hải, Phó Trưởng phòng 5, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an, cho biết hiện nay tội phạm công nghệ cao có những diễn biến phức tạp, các hoạt động lừa đảo, xâm hại quyền riêng tư xảy ra với nhiều người dân, nhất là những người dân vùng nông thôn có điều kiện kinh tế khó khăn và người lớn tuổi.
Thời gian vừa qua, tội phạm công nghệ cao vẫn tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp, với những phương thức tội phạm mới nổi lên như tội phạm lừa đảo dùng công nghệ Deepfake, tổ chức đánh bạc và đánh bạc với số tiền lớn, mua bán thông tin tài khoản ngân hàng để phục vụ mục đích trái pháp luật, sử dụng các thiết bị tương tự trạm BTS của các nhà mạng hoặc dùng các phần mềm để phát tán tin nhắn có nội dung lừa đảo; hoạt động tín dụng đen, vay tiền nhanh trên các nền tảng di động và qua mạng; hoạt động đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân; hoạt động của một số đối tượng nước ngoài lợi dụng địa bàn Việt Nam để thiết lập điều hành các trang mạng, đường dây tội phạm...
Ông Phạm Công Hải, Phó Trưởng phòng 5, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Ảnh: Lê Anh Dũng.
Cùng với việc chia sẻ các biện pháp đã triển khai và những khuyến nghị với người dân để phòng chống lừa đảo trực tuyến, đại diện A05 cũng nhấn mạnh đến hiệu quả của công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trong xử lý tội phạm lừa đảo trên mạng.
Theo đó, Công an đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, trong đó có việc phối hợp với các đơn vị của Ngân hàng Nhà nước để bàn giải pháp làm thế nào ngăn chặn dòng tiền vi phạm pháp luật, ví dụ như tính đến giải pháp định ra một lượng tiền nào đó thì cần xác thực sinh trắc học.
“Thông thường, tội phạm lừa đảo khi nhận lượng tiền lớn, sẽ chuyển qua rất nhiều tài khoản để chiếm đoạt. Vì thế, chúng ta cần có cơ chế xác thực sinh trắc học để ngăn chặn dòng tiền đó. Hiện chúng tôi đang làm việc với Ngân hàng Nhà nước”, ông Phạm Công Hải nêu dẫn chứng.
Đồng quan điểm, khẳng định Ngân hàng Nhà nước đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và Bộ TT&TT, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Lê Văn Tuyên cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ TT&TT có phương án để hỗ trợ các ngân hàng làm sạch dữ liệu, đối khớp thông tin đăng ký tài khoản ngân hàng trực tuyến với thông tin chủ thuê bao di động theo số điện thoại di động.
Nhận định lừa đảo trên mạng đang ám ảnh suy nghĩ của nhiều người, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ: Qua trao đổi của các Bộ trưởng Thông tin ASEAN tại AMRI 16, có thể thấy rằng các nước khác trong khu vực cũng gặp các vấn đề tương tự như Việt Nam, và đều có những phương án hành động giống như chúng ta.
Theo Thứ trưởng, sự có mặt của Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước tại họp báo của Bộ TT&TT để trả lời các thắc mắc liên quan đến vấn nạn lừa đảo trực tuyến, đã cho thấy đây là việc có nhiều bộ ngành tham gia, có chung trách nhiệm, không đơn thuần ở khâu kết nối liên lạc bằng phương pháp chính thống hay không thuộc phạm vi quản lý của Bộ TT&TT, mà có cả không gian của tài chính ngân hàng, chức năng trấn áp tội phạm thuộc thẩm quyền của Bộ Công an.
Thứ trưởng còn đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp tri thức nhằm giúp người dân có thể tự bảo vệ mình tốt hơn trên không gian mạng, biết cách phòng tránh các chiêu thức lừa đảo trực tuyến.
Bên cạnh việc nhận diện vấn đề, phản ánh thông điệp đến các cơ quan nhà nước, các cơ quan báo chí còn có không gian rất rộng, đó là cung cấp tri thức cho xã hội, người dân có khả năng chống chịu và thích ứng, trong đó có việc biết tự bảo vệ mình trước nạn lừa đảo trên mạng.
Theo Vân Anh - vietnamnet.vn
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.