Xuyên Mộc – Bà Rịa Vũng Tàu: Cần xử lý dứt điểm công trình “Nguyễn Gia” xây dựng trên đất nông nghiệp
MTXD – Mặc dù cơ quan chức năng địa phương đã ba lần mời làm việc nhưng chủ đầu tư khu công trình “ Nguyễn Gia” cố tình không chấp hành, vẫn tiếp tục xây dựng hoàn thiện công trình, thách thức cơ quan chức năng địa phương.
Theo thông tin từ cơ quan chức năng địa phương, tình trạng vi phạm đất đai, người dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp diễn ra phức tạp. Cụ thể tại khu vực tại tổ 6, ấp Khu 1, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tại thửa đất số 810 tờ bản đồ số 20 có nhiều công trình vi phạm “ mọc” lên trên đất nông nghiệp.
Ngày 09/11/2022, công chức địa chính xã Bình Châu lập biên bản vi phạm hành chính số 109/BB-VPHC về lĩnh vực đất đai đối với bà Hoàng Thị Đoan, thường trú tại Đội 5, xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội về hành vi chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thuộc tổ 6, ấp Khu 1, xã Bình Châu.
Toàn bộ các hạng mục xây dưng trên đất nông nghiệp
Hiện trạng Trên toàn bộ phạm vi thửa đất số 810 tờ bản đồ số 20 bà Hoàng Thị Đoan đã xây dựng các công trình có tổng diện tích là 960m2, cụ thể: 10 phòng nghỉ có tổng diện tích 200m2 (4m x 6m = 24 m2 / 01 phòng). Kết cấu xây gạch đã trát vữa tường, trong đó có 06 phòng đã lợp mái, 04 phòng chưa lợp mái.19 chòi lá có tổng diện tích 76m2 (04m2/ 01 chòi). Kết cấu nền láng xi măng, mái lợp lá. 08 thùng Container có tổng diện tích 120m2(2,5m x 6m = 15 m2/ 01 thùng). Kết cấu có bố trí cửa ra vào và máy lạnh 02 sân nền bê tông có tổng diện tích 300m2. Kết cấu láng nền bê tông, có một phần lát gạch tàu (hình dáng đường nội bộ). 03 nhà kho có tổng diện tích 214m2. Kết cấu xây gạch, mái lợp tôn kẽm.
Theo quy định tại: Điểm c, khoản 2, Điều 11, của Nghị định số 91/2019/NĐ- CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Vượt thẩm quyền của Chủ tịch UBND xã.
UBND xã Bình Châu chuyển Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất của bà Hoàng Thị Đoan đến UBND huyện, phòng Tài Nguyên và Môi Trường huyện xử lý theo quy định.
Thực tế ngày 28/11/2022 phóng viên đã đi xác minh cùng ông Trần Minh Thiện cán bộ địa chính của UBND xã Bình Châu, trên thửa đất vẫn đang diễn ra bình thường việc xây dựng sai phạm.
Ông Trần Minh Thiện còn chia sẻ thêm với phóng viên về trường hợp bà Hoàng Thị Đoan. Phía chính quyền địa phương đã nhiều lần mời bà Đoan lên để làm việc xác minh về sai phạm nhưng bà ấy không có hợp tác làm việc.
Mặc dù chính quyền xã đã yêu cầu chủ công trình đến làm việc, nhưng trải qua một thời gian dài chủ công trình này vẫn “án binh bất động”.
Theo các quy định pháp luật hiện hành, nếu chủ công trình vi phạm không tự giác tháo dỡ, chính quyền địa phương hoàn toàn áp dụng các chế tài xử lý để đưa ra biện pháp cưỡng chế tháo dỡ.
Theo nghiên cứu của một số chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, quy định về trách nhiệm đã rõ ràng, hướng dẫn thực hiện đã cụ thể, song ở một số địa phương, những vụ việc vi phạm mới vẫn phát sinh do buông lỏng công tác quản lý. Một số đơn vị lúng túng, thiếu cương quyết trong quá trình xử lý ban đầu, thậm chí là né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, tạo cơ hội cho người vi phạm hoàn thiện công trình, dẫn đến nhiều trường hợp rơi vào tình huống phức tạp, khó giải quyết. Mặt khác, người vi phạm mặc dù bị xử phạt hành chính, có nguy cơ bị tổn thất về tài sản khi phải tháo dỡ công trình vi phạm, nhất là đối với những công trình nhà ở, nhà xưởng có giá trị lớn. Song câu hỏi đặt ra là, trong hầu hết các trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, vì sao người dân biết sai nhưng vẫn vi phạm?
Mặc dù cơ quan chức năng địa phương đã 3 lần gửi giấy mời làm việc nhưng chủ công trình không chấp hành, thách thức pháp luật.
Nguyên nhân là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân, doanh nghiệp chưa cao, việc xây dựng công trình nhà ở, nhà xưởng trên đất nông nghiệp để sản xuất, kinh doanh mang lại lợi nhuận nên nhiều người bất chấp các quy định về quản lý đất đai để thực hiện hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, nguyên nhân từ sự thiếu quyết liệt trong xử lý một số vụ việc vi phạm tạo thành “tiền lệ” xấu, một số địa phương hành xử một cách hình thức, thiếu quyết liệt, khiến nhiều người “nhờn” luật nên cố tình vi phạm, tạo cơ hội cho người vi phạm hoàn thành công trình, chấp nhận bị xử phạt vi phạm hành chính và có tư tưởng cho rằng “phạt rồi cho tồn tại”.
Nhìn lại các vụ việc để thấy rằng “gốc rễ” của các công trình vi phạm lớn nhỏ, hầu hết suy cho cùng xuất phát từ tâm lý, mục đích làm sao để dự án hoàn thành, công trình được tồn tại sử dụng, bất chấp những biên bản vi phạm, quyết định xử phạt hành chính hay quyết định buộc khắc phục hậu quả tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại hiện trạng ban đầu của đất. Từ thực tế cho thấy, để ngăn chặn phát sinh thêm vi phạm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, cũng như xử lý triệt để những trường hợp trước đó, các địa phương cần vào cuộc tập trung, quyết liệt, trách nhiệm hơn nữa, bảo đảm kỷ cương thi hành công vụ trong cán bộ, công chức làm nhiệm vụ quản lý đất đai, xây dựng.
Kính đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Sở Tài Nguyên và Môi trường, UBND huyện Xuyên Mộc sớm kiểm tra thông tin và chỉ đạo các ban ngành liên quan đưa ra phương án xử lý dứt điểm vi phạm trên nếu có? Yêu cầu chủ công trình vi phạm khắc phục hậu quả, khôi phục lại tình trạng ban đầu, tránh để hiện tượng coi thường Pháp luật diễn ra tại địa phương.
Kiên – Lâm – Thọ
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.