Đà Nẵng mạnh tay xử phạt hàng chục công trình xây dựng trái phép trên bán đảo Sơn Trà
MTXD - Hàng chục công trình xây dựng trái phép trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) tồn tại thời gian qua khiến dư luận bức xúc. Chính quyền TP Đà Nẵng đã mạnh tay xử phạt những công trình này.
Từ năm 2016, Thanh tra Đà Nẵng đã chỉ rõ tổng cộng 68 công trình xây dựng trái phép ở bán đảo Sơn Trà (từ năm 1997 đến 2010) buộc phải tháo dỡ, hoàn trả hiện trạng ban đầu. Theo chỉ đạo của UBND TP.Đà Nẵng, quận Sơn Trà phải hoàn thành xử lý các công trình trái phép ở bán đảo Sơn Trà trong năm 2022. Tuy nhiên đến nay chỉ mới có 10/68 trường hợp được xử lý.
Mặc dù chính quyền TP.Đà Nẵng đã có nhiều hình thức xử lý, vận động, thậm chí ra tối hậu thư buộc các chủ công trình xây dựng trái phép, chiếm đất rừng này phải tháo dỡ, hoàn trả hiện trạng ban đầu nhưng đến nay nhiều hộ kinh doanh, chủ đầu tư dịch vụ du lịch vẫn không chấp hành, vẫn tổ chức kinh doanh du lịch, dịch vụ ăn uống.
Một công trình kinh doanh trái phép ở bán đảo Sơn Trà.
Thậm chí có những chủ đầu tư như hệ thống nhà hàng Bảy Ban được đầu tư xây dựng quy mô với hệ thống nhà kiên cố bằng bê tông trên diện tích 1ha tại Tiểu khu 64. Diện tích đất này được Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà giao khoán cho gia đình bà Hoàng Thị L. trồng rừng nhưng từ năm 2002 thì gia đình đã tự ý xây dựng hệ thống nhà hàng. Không chỉ sử dụng đất sai mục đích theo hợp đồng giao khoán, bà L. còn xây dựng công trình kiên cố lấn ra biển.
Ngày 18/3, UBND quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng cho biết cơ quan này vừa tiếp tục xử phạt các cá nhân vi phạm từ 5 đến 12,5 triệu đồng về hành vi chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất là rừng trồng sang đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan quản lý nhà nước cho phép và hành vi chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực bán đảo Sơn Trà. Các đối tượng chuyển mục đích rừng trồng sang đất phi nông nghiệp không được cơ quan quản lý nhà nước cho phép và chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực bán đảo Sơn Trà.
Chính quyền địa phương cũng đã đề ra lộ trình cụ thể để xử lý dứt điểm công trình trái phép ở bán đảo Sơn Trà.
Theo báo cáo của UBND quận Sơn Trà, các trường hợp xây dựng trái phép trên bán đảo Sơn Trà có 3 nhóm, gồm: Công trình tồn tại trên diện tích có hợp đồng giao khoán nhưng không xác định được chủ hợp đồng nhận khoán trồng rừng (11 trường hợp); công trình tồn tại trên diện tích có hợp đồng giao khoán và xác định được chủ hợp đồng giao khoán trồng rừng (26 trường hợp); công trình tồn tại trên diện tích không có hồ sơ giao khoán trồng rừng là 21 trường hợp.
Trong năm 2022, chính quyền và lực lượng chức năng đã vận động, gỡ vướng mắc, tháo dỡ được 10 trường hợp. Tiếp đến từ đầu năm 2023 đến nay quận sẽ tiếp tục mạnh tay với 58 trường hợp còn lại.
Ngoài việc phạt tiền, UBND quận Sơn Trà yêu cầu các cá nhân buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã chiếm. UBND quận Sơn Trà đề ra lộ trình đến năm 2025 sẽ xử lý dứt điểm toàn bộ 58 công trình xây dựng trái phép còn lại ở bán đảo Sơn Trà.
Nhuận Mẫn – Huấn Trương
Các tin khác
Hà Tĩnh: Cứu sống 3 ngư dân ôm can nhựa lênh đênh trên biển
MTXD - Trong lúc khai thác sò trên biển, thuyền của ngư dân Nguyễn Văn Tùng (Hà Tĩnh) bị sóng to đánh chìm. Ông Tùng và 2 ngư dân khác đã nhảy xuống ôm can nhựa lênh đen trên biển và may mắn cả 3 đều được cứu sống.
Đồng Nai: Tập đoàn Bitexco sẽ bị thu hồi đất nếu không xây dựng theo quy hoạch được duyệt
MTXD - Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai vừa chấp thuận gia hạn thêm 482 ngày cho Công ty TNHH...
Trung thu sớm cho những bệnh nhi ở Đà Nẵng
MTXD - Cũng rộn ràng tiếng nói cười, tiếng trống, cũng lung linh ánh đèn, mâm cỗ đủ cả bưởi, bánh nướng, bánh dẻo… dù còn một tuần nữa mới đến đêm rằm tháng 8 nhưng những bệnh nhân khoa Nhi của bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng đã được đón trung thu ấm áp nghĩa tình.
Nhiều tỉnh miền Trung ngập lụt cục bộ, thiệt hại do mưa lớn
MTXD - Từ sáng ngày 25/9, mưa lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới khiến nhiều tuyến đường nội thành Đà Nẵng ngập cục bộ.
Đồng Nai: UBND thành phố Biên Hòa chậm phản hồi Báo chí
MTXD – Mặc dù phòng Tài nguyên và môi trường thành phố Biên Hòa đã có văn bản trả lời gửi về UBND thành phố nhưng đến nay quá 60 ngày UBND thành phố Biên Hòa vẫn im lặng không phối hợp cung cấp thông tin cho phóng viên theo đúng qui định của Luật Báo chí.