QCVN 18:2021/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong thi công xây dựng

​MTXD - Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (SACQI) đã thực hiện việc đánh giá lại QCVN 18:2014/BXD và nghiên cứu xây dựng mới Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong thi công xây dựng.

MTXD - Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (SACQI) đã thực hiện việc đánh giá lại QCVN 18:2014/BXD và nghiên cứu xây dựng mới Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong thi công xây dựng.

1. Mở đầu 

Các văn bản quy phạm pháp luật trong xây dựng của Việt Nam trước đây chủ yếu quan tâm đến các tai nạn (thương tật, tử vong), các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe (thể chất và tinh thần), bệnh nghề nghiệp ít được đề cập.

Sau khi Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 (Luật ATVSLĐ) được ban hành, các quy định về quản lý, thực thi việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (được hiểu là đảm bảo sức khỏe cho người) được tăng cường và chú trọng.

Theo quy định của Luật ATVSLĐ [1] và Luật Xây dựng [2], Bộ Xây dựng có trách nhiệm chủ trì xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động trong thi công xây dựng công trình.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, từ cuối năm 2017, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng1 (SACQI) đã thực hiện việc đánh giá lại QCVN 18:2014/BXD [3] và nghiên cứu xây dựng mới Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong thi công xây dựng.

Hiện nay, QCVN 18:2021/BXD đã được ban hành theo Thông tư số 16/2021/TT-BXD ngày 20/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng để thay thế cho QCVN 18:2014/BXD.

Bài báo này trình bày tóm tắt việc xây dựng QCVN 18:2021/BXD [4] và một số nội dung chính, điểm mới quan trọng của Quy chuẩn này.

2. Những vấn đề đặt ra trong việc xây dựng QCVN 18:2021/BXD

QCVN 18:2014/BXD có một số tồn tại, hạn chế đã được trình bày chi tiết tại [5]; về cơ bản có liên quan đến: 1) Đối tượng áp dụng hẹp (chỉ áp dụng cho các loại công trình do Bộ Xây dựng trực tiếp quản lý);

2) Về sự hợp lý trong nội dung trình bày của quy chuẩn;

3) Thiếu/không có các quy định cụ thể về đảm bảo an toàn khi sử dụng máy, thiết bị thi công;

4) Yêu cầu đảm bảo tính hội nhập quốc tế2;

5) Yêu cầu thực tiễn trong đảm bảo an toàn, sức khỏe và một số đặc điểm đặc thù trong ngành xây dựng cũng như yêu cầu quản lý ở Việt Nam3

Các nhiệm vụ nghiên cứu sau đây đã được SACQI đặt ra để biên soạn Quy chuẩn mới: 

Nhiệm vụ 1, về nghiên cứu định hướng: i) Nằm trong định hướng tổng thể của Đề án 198 với nhấn mạnh đến tính đồng bộ, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và các hoạt động trong xây dựng; đảm bảo an toàn4 trong xây dựng; khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất lao động, chống thất thoát lãng phí; hướng tới các tiêu chí xanh, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo vệ an ninh quốc gia; ii) Đảm bảo tính hội nhập quốc tế; iii) Phù hợp với các quy định của pháp luật khác có liên quan của Việt Nam. 

Nhiệm vụ 2, về nghiên cứu đối tượng áp dụng: Nghiên cứu để mở rộng phạm vi áp dụng cho các loại công trình do các Bộ ngành quản lý nhằm đảm bảo tính thống nhất trong quản lý nhà nước về xây dựng của Bộ Xây dựng theo đúng quy định của Luật Xây dựng. 

Nhiệm vụ 3, nghiên cứu về nội dung và mức độ sẽ quy định: i) Đảm bảo theo quy định về quy chuẩn theo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật [6] với đặc biệt cân nhắc đến yếu tố Quy chuẩn có tính “bắt buộc” áp dụng; ii) Không tập trung vào các quy định về biện pháp thi công; iii) Tập trung vào các quy định để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người ở trong công trường và khu vực xung quanh công trường; iv) Tiếp tục sử dụng những quy định khả thi của QCVN 18:2014/BXD để tránh biến động lớn; v) Bỏ hoặc bổ sung những nội dung mới theo yêu cầu công việc để đáp ứng Nhiệm vụ 2 và Nhiệm vụ 4; 

Nhiệm vụ 4, nghiên cứu về các yếu tố mang tính đặc thù của Việt Nam: Các yếu tố như trình độ công nghệ, quản lý, đào tạo, kỹ năng của người lao động, điều kiện tự nhiên (gió bão, động đất, khí hậu...), điều kiện địa chất, các loại công trình phổ biến, các loại tai nạn lao động thường gặp và những yếu tố khác phải được nghiên cứu xem xét, cân nhắc khi đưa thành các quy định trong Quy chuẩn.

Để giải quyết các nhiệm vụ nêu trên, SACQI đã thực hiện các công việc sau: 

Chọn lựa tài liệu chuẩn để làm cơ sở biên soạn. Việc chọn tài liệu làm cơ sở có ý nghĩa quan trọng trong việc thỏa mãn yêu cầu chính có tính tiên quyết như đã nêu tại Nhiệm vụ 1. Các tác giả đã nghiên cứu, đề xuất và chọn Tiêu chuẩn ILO 19925 - Safety and Health in Construction [7] của Tổ chức Lao động Quốc tế làm cơ sở xây dựng quy chuẩn mới với những lý do như sau: i) Phù với yêu cầu của Nhiệm vụ 1 khi mà ILO 1992 là tiêu chuẩn quốc tế, được các thành viên của Tổ chức lao động quốc tế chấp nhận làm cơ sở để biên soạn các quy định riêng của từng quốc gia.

Việc chọn ILO 1992 cũng là cơ sở đảm bảo thực thi các công ước quốc tế, thỏa mãn các yêu cầu về đối tượng áp dụng của quy chuẩn an toàn trong thi công xây dựng, đảm bảo yêu cầu định hướng của hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam và việc hội nhập quốc tế; ii) Phù hợp với yêu cầu của Nhiệm vụ 2 khi mà ILO 1992 cũng hướng đến việc đảm bảo an toàn khi thực hiện các loại công việc thường gặp trong thi công xây dựng; và iii) Phù hợp với yêu cầu của Nhiệm vụ 3 khi mà ILO 1992 là các quy định khung nên phù hợp với yêu cầu về “quy chuẩn” theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam. 

Các giải pháp khác. 1) Để đảm bảo việc tuân thủ các các quy định của pháp luật khác có liên quan của Việt Nam (Nhiệm vụ 1): Cập nhật, bổ sung các yêu cầu quy định trong các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có liên quan của Việt Nam6 tương ứng với các yêu cầu trong các điều khoản của ILO 1992; loại bỏ các quy định của ILO 1992 không phù hợp7;

2) Để đảm bảo các yêu cầu một Quy chuẩn của Việt Nam (Nhiệm vụ 3): Thực hiện thận trọng trong nghiên cứu, tham chiếu và so sánh khi quy định các thông số kỹ thuật có tính bắt buộc áp dụng;

3) Về các loại hình công việc thi công được xét đến8 (Nhiệm vụ 3): i) Bổ sung thêm một số công việc về đảm bảo an toàn khi làm việc dưới nước, thi công cọc khoan nhồi, thi công cáp ứng lực trước, cẩu lắp các vật kiến trúc/thiết bị cơ điện, làm việc trên các loại công trình cao và những nội dung khác mà ILO 1992 không đề cập đến; và ii) Bổ sung các quy định về kết cấu chống đỡ tạm9 (phân biệt rõ 2 loại hình giàn giáo và kết cấu chống đỡ tạm/phục vụ thi công) là các đối tượng hay xảy ra các tai nạn trên các công trường ở Việt Nam;

4) Về các quy định mang tính đặc thù Việt Nam10 để quản lý an toàn và vệ sinh trong lao động (Nhiệm vụ 4): i) Bổ sung quy định về các trường hợp phải ngừng làm việc trong điều kiện người lao động phải tiếp xúc trực tiếp với các điều kiện thời tiết, môi trường cực đoan như gió mạnh, giông lốc, nhiệt độ cao…; ii) Bổ sung quy định đối với công trình ngừng thi công (khá phổ biến ở Việt Nam); iii) Hướng dẫn nhận diện Vùng nguy hiểm11 để có các biện pháp đảm bảo an toàn phù hợp; và iv) Một số nội dung khác quy định về lập các biện pháp đảm bảo an toàn, thoát nạn trong một số trường hợp hoặc công việc cụ thể.

3. Nội dung và cách sử dụng QCVN 18:2021/BXD

Về triết lý, Quy chuẩn nhấn mạnh việc đảm bảo an toàn cho người là “trước tiên phải nhận diện được các yếu tố nguy hiểm, sau đó lập/chọn lựa và thực hiện các biện pháp để phòng ngừa phù hợp, hiệu quả”. Như vậy, phải bắt đầu từ việc nhận diện các yếu tố nguy hiểm để lập và kiểm soát các vùng nguy hiểm (xem Mục 2.1.1.2 đến 2.1.1.4 của Quy chuẩn).

Việc hướng dẫn xác định vùng nguy hiểm cũng là nội dung hoàn toàn mới so với ILO 1992, đã được biên soạn phù hợp với thực tiễn và trình độ/hiểu biết của người lao động, nhà thầu Việt Nam.

Ngoài ra, ngay từ trong giai đoạn thiết kế, các yếu tố nếu không được quan tâm có thể là nguồn nguy cơ gây tổn hại đến người lao động cũng đã được khuyến cáo (như sử dụng vật liệu, hóa phẩm xây dựng, sử dụng biện pháp/công nghệ thi công).

a) Nội dung của Quy chuẩn

Ngoài phần “Lời nói đầu”, Quy chuẩn gồm 05 phần chính như sau: 1) Quy định chung; 2) Quy định kỹ thuật; 3) Quy định về quản lý; 4) Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân; 5) Tổ chức thực hiện. 

QCVN 18:2021/BXD có một số điểm mới so với Quy chuẩn QCVN 18:2014/BXD sau đây:

Về phạm vi áp dụng: 

Được áp dụng đối với: i) Các loại công việc thi công xây dựng liên quan đến đào, đắp đất đá, xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng, bảo trì, tháo dỡ, phá dỡ đối với các loại nhà, kết cấu dạng nhà và các loại công trình/kết cấu khác; ii) Hoạt động khảo sát, quan trắc; thiết kế, thẩm tra thiết kế; lập và kiểm tra kế hoạch tổng hợp về an toàn có liên quan đến các công việc nêu trên.

Tuy nhiên, Quy chuẩn không áp dụng cho thi công lắp đặt giàn khoan dầu khí và các kết cấu khác sử dụng cho ngành dầu khí ở biển và thềm lục địa12.

Về nội dung:

- Quy chuẩn đề cập khá đầy đủ các quy định liên quan đến đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người lao động ở trong công trường và khu vực lân cận công trường, bảo vệ môi trường; các điều kiện đặc thù cũng như quy định của pháp luật khác có liên quan đã được cập nhật, bổ sung (Xem chi tiết tại Mục lục của Quy chuẩn);

- Phân biệt rõ 2 loại hình “giàn giáo13” và “kết cấu chống đỡ tạm14” và có quy định riêng, cụ thể cho 2 loại hình này (từ khảo sát, thiết kế, thi công/lắp dựng, kiểm tra, kiểm định/thử tải, bảo trì, tháo dỡ…);

- Bổ sung mới: 1) Quy định và cách thức nhận diện về “vùng nguy hiểm”; 2) Công tác làm việc dưới nước; 3) Công tác lắp dựng các cấu kiện/vật phi kết cấu (tường bao che, vật kiến trúc gắn vào công trình, các thiết bị cơ điện,…); 4) Các quy định về cấm làm việc trong điều kiện thiên tai, thời tiết nguy hiểm; 5) Các quy định về đảm bảo an toàn đối với các công trình ngừng thi công, kiểm tra điều kiện làm việc sau thiên tai và một số nội khác;  

- Ngoài ra, khác với QCVN 18:2014/BXD, trong QCVN 18:2021/BXD một số mục riêng như công tác hàn, công tác xây và một số công việc khác không đề cập đến cụ thể để tránh chồng chéo về nội dung và tránh việc lẫn với quy định biện pháp thi công.

Cũng phải nói thêm là, trong QCVN 18:2021/BXD việc chọn lựa các loại công việc/nhiệm vụ để quy định đảm bảo an toàn dựa trên bản chất/nội dung cần thiết thay vì liệt kê tất cả các công tác có thể có trong thi công xây dựng (Xem thêm trình bày bên dưới về cách sử dụng quy chuẩn).

b) Sử dụng Quy chuẩn

Quy chuẩn là cơ sở để các nhà thầu lập và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn và các biện pháp cần thiết khác để thực hiện 2 nhiệm vụ: 1) Bảo vệ cho người làm việc trên công trường và người ở khu vực lân cận trước các nguy cơ gây suy giảm sức khỏe, thương tật, tử vong phát sinh từ công trường;

2) Đảm bảo vệ sinh, môi trường trong và ngoài công trường xây dựng. Về nhiệm vụ 2: các quy định đã nêu rõ trong Quy chuẩn và về bản chất, các quy định này cũng hướng đến việc tuân thủ theo các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Đối với Nhiệm vụ 1, các nguyên tắc sau đây phải được áp dụng để lập và thực hiện đúng các nội dung đã quy định trong Quy chuẩn: 1) Xác định tất cả các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại có thể có dựa vào điều kiện thực tế, đặc điểm của công trường, công trình và đặc điểm của các loại công việc thi công khác nhau để xác định các vùng nguy hiểm, vùng nguy hại trên công trường và khu vực lân cận công trường để xây dựng và thực hiện biện pháp kiểm soát vùng nguy hiểm, nguy hại phù hợp;

2) Đối với từng loại công việc/nhiệm vụ thi công: Căn cứ vào thiết kế; vật tư, vật liệu, sản phẩm sẽ sử dụng; biện pháp thi công; các loại xe, máy, thiết bị thi công và các nội dung có liên quan để nhận diện các nguy cơ/rủi có thể xảy ra với người lao động và người ở khu vực xung quanh để chọn lựa các mục áp dụng có liên quan trong Quy chuẩn.
Một số ví dụ dưới đây trình bày cách áp dụng Quy chuẩn để thực hiện Nhiệm vụ 1 nêu trên.

Ví dụ 1: Xác định vùng nguy hiểm

Dự án xây dựng nhà cao tầng có sử dụng cần trục tháp, kết cấu móng sử dụng cọc ép bằng máy ép cọc có đường dẫn. Các vùng nguy hiểm có thể có và xác định như sau: 1) Máy máy ép cọc: có nguy cơ bị đổ/lật; như vậy xác định vùng nguy hiểm phải căn cứ vào chiều cao của máy và địa hình và xét đến máy đổ có thể trượt;

2) Cần trục tháp: có các nguy cơ rơi vật đang cẩu, rơi tay cần, đổ/lật hoặc sập cần trục; như vậy, xác định vùng nguy hiểm phải căn cứ vào tất cả nguy cơ trên (xem thêm Bảng 1 của Quy chuẩn để xác định cụ thể);

3) Các vùng nguy hiểm khác trên công trường có thể có nêu tại 2.1.1.3 của Quy chuẩn. Lưu ý : Vùng nguy hiểm đối với các công tác thi công cụ thể có thể thay đổi liên tục trong quá trình thi công 

Ví dụ 2: Đối với công việc hàn/cắt kim loại 

Trong QCVN 18:2014/BXD công tác này có mục riêng với lý do chính là thực tế tai nạn liên quan đến cháy khá phổ biến. Trong QCVN 18:2021/BXD như sau, công tác hàn cắt được đảm bảo an toàn căn cứ bản chất của việc đảm bảo an toàn cho người lao động trước các nguy cơ như sau: Đảm bảo an toàn cháy/mục 2.1.8; sử dụng thiết bị/mục 2.6; đường dây dẫn điện/mục 2.16; sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân để bảo vệ mắt, đường hô hấp, da,…/mục 2.18.5 và 2.19.2 và các nội dung khác có thể liên quan đến vị trí làm việc (ví dụ: trên cao/mục 2.7, dưới nước/mục 2.14.1 và 2.14.7)…

Trong trường hợp, có nguy cơ cháy, điện giật hoặc nguy cơ khác tại khu vực thực hiện hàn/cắt thì vùng nguy hiểm phải được thiết lập để giảm thiểu rủi ro cho người ở ngoài khu vực hàn cắt. Lưu ý: Trình tự thực hiện hàn/cắt không được quy định trong QCVN 18:2021/BXD vì đây thuộc phạm vi biện pháp thi công và đào tạo, huấn luyện nghề.

Ví dụ 3: Công việc làm kết cấu chống đỡ tạm (KCCĐT) để chống đỡ phục vụ thi công dầm cầu. KCCĐT này có sử dụng móng cọc ép bê tông cốt thép, khung thép chế tạo tại xưởng ngoài công trường, được lắp dựng tại công trường.

Sử dụng Quy chuẩn như sau: Về tổng quát, tất cả các công tác liên quan đến KCCĐT/mục 2.3; về cụ thể một số công tác khác như hạ cọc/mục 2.12, đổ bê tông/mục 2.11, lắp dựng kết cấu thép/mục 2.10, sử dụng giàn giáo/mục 2.2, sử dụng các thiết bị nâng/mục 2.4 và các công việc đảm bảo an toàn khác có liên quan đều đã có trong Quy chuẩn. Yêu cầu về phương tiện bảo vệ cá nhân, tương tự Ví dụ 2.

4. Kết luận

Bài báo đã giới thiệu tóm tắt việc biên soạn và một số nội dung chính của QCVN 18:2021/BXD. Quy chuẩn đã được biên soạn theo thông lệ quốc tế, cập nhật một số quy định mới của pháp luật và bổ sung các yêu cầu riêng có tính đặc thù của Việt Nam.

Quy chuẩn có thể đáp ứng hầu hết các công việc/nhiệm vụ thường gặp trong thi công xây dựng và cũng là tài liệu khung phục vụ giảng dạy, đào tạo về công tác đảm bảo an toàn, sức khỏe trong xây dựng.

Để thuận tiện cho việc sử dụng Quy chuẩn và đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống các quy định về công tác đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người lao động, trong thời gian tới SACQI sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu để để biên soạn, kiến nghị ban hành các tiêu chuẩn, chỉ dẫn kỹ thuật liên có quan đến các công việc/nhiệm vụ tại công trường xây dựng.

Việc này cũng đòi hỏi sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các nhà thầu xây dựng, tổ chức nghiên cứu, học giả và những người làm công tác quản lý, giám sát an toàn, vệ sinh lao động.

Trước mắt, trên cơ sở các nội dung của QCVN 18:2021/BXD, các quy định tại công trường liên quan đến việc đảm bảo an toàn, sức khỏe và bảo vệ môi trường cần được các nhà thầu cụ thể hóa bằng các hướng dẫn đơn giản (ví dụ: tờ rơi) để áp dụng hiệu quả.

 PGS.TS Phạm Minh Hà, Lê Trường Giang, Nguyễn Tuấn Ngọc Tú, Phan Phú Cường

Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng ( Bộ Xây dựng) 

 

Tài liệu tham khảo
1. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật An toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 năm 2015;
2. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Văn bản hợp nhất Luật Xây dựng số 02/VBHN-VPQH năm 2020;
3. Bộ Xây dựng, QCVN 18:2014/BXD ban hành theo Thông tư số 14/2014/TT-BXD năm 2014;
4. Bộ Xây dựng, QCVN 18:2021/BXD ban hành theo Thông tư số 16/2021/TT-BXD năm 2021;
5. Phạm Minh Hà, Lê Trường Giang, Nguyễn Tuấn Ngọc Tú, Phan Phú Cường, Tổng quan về QCVN 18 :2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong thi công xây dựng, Tạp chí Khoa học Kiến trúc và Xây dựng-ISSN 1859-350X số 45/2022.
6. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật số 68/2006/QH11 năm 2006;
7. International Labour Organization, ILO 1992 - Safety and Health in Construction.

Việc này cũng được thực hiện đồng thời với các chương trình khác mà SACQI trực tiếp tham gia thực hiện, bao gồm: (1) Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, (2) Đề án 198 năm 2018 của Chính phủ do Bộ Xây dựng chủ trì về hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, (3) Các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Xây dựng. 
2 Đề án 198 cũng đưa ra yêu cầu về việc tiêu chuẩn, quy chuẩn phải có tính đồng bộ, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và các hoạt động trong xây dựng; đảm bảo an toàn và sức khỏe trong xây dựng
3 Như công trình ngừng thi công, lán trại, dịch bệnh, điều kiện tự nhiên, khí hậu và một số nội dung khác có tác động trực tiếp và gián tiếp đến an toàn và sức khỏe của người cũng chưa có quy định để kiểm soát đảm bảo an toàn. Ngoài ra, quy định về phương tiện bảo vệ cá nhân và đảm bảo sức khỏe nghề nghiệp cũng không đề cập đến trong khi các nội dung này cũng có liên quan trực tiếp đến các tai nạn lao động do ngành Xây dựng có những đặc thù riêng.
4 Theo quy định tại Khoản 20 Điều 3 Nghị định 06/2021/NĐ-CP: “An toàn trong thi công xây dựng công trình là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại nhằm đảm bảo không gây thương tật, tử vong, không làm suy giảm sức khỏe đối với con người, ngăn ngừa sự cố gây mất an toàn lao động trong quá trình thi công xây dựng công trình”.
5 ILO 1992 do chuyên gia của 21 quốc gia quốc tế từ các nước phát triển và đang phát triển tại các châu lục tham gia biên soạn để cung cấp hướng dẫn thực hành về khung pháp lý, quản trị, kỹ thuật và đào tạo cho an toàn và sức khỏe trong xây dựng.
6 Nhóm công việc có liên quan đến quy định kỹ thuật quốc gia chủ yếu về: Đảm bảo chất lượng đầu vào của các sản phẩm, hàng hóa; yêu cầu về kiểm định an toàn máy, thiết bị thi công, an toàn điện, an toàn hóa chất, an toàn cháy, sử dụng chất nổ và một số nội dung/nhiệm vụ khác liên quan đến bảo vệ môi trường.
7 Các nội dung liên quan về quyền hạn, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có thể lược bớt khi mà các nội dung này theo quy định của Việt Nam đều được trình bày trong Luật, Nghị định hoặc Thông tư hướng dẫn; hoặc các nội dung để hướng dẫn Cơ quan có thẩm quyền quản lý tại quốc gia cần thực hiện.
8 Các công việc được bổ sung, điều chỉnh được chọn lựa căn cứ vào các ý kiến của tổ chức, cá nhân qua việc lấy ý kiến rộng rãi và tại các hội nghị, hội thảo trong quá trình biên soạn.
9 Quy định chi tiết về kết cấu chống đỡ tạm là nội dung mới hoàn toàn so với ILO 1992 và QCVN 18:2014/BXD. Các quy định kỹ thuật hiện hành trong nước chủ yếu tập trung vào kết cấu của công trình, một số hướng dẫn cho loại hình kết cấu tạm phục vụ thi công chủ yếu trong các tài liệu giảng dạy hoặc chỉ khái quát trong một số tiêu chuẩn nên các tác giả đã đề xuất và bổ sung vào trong QCVN 18:2021/BXD;
10 Một số nội dung mới đưa vào nhằm: i) Đáp ứng yêu cầu quản lý trật tự và an toàn xây dựng tại các thành phố lớn; ii) Xét đến loại hình các tai nạn đã xảy ra; và iii) Phù hợp trình độ, hiểu biết về công tác đảm bảo an toàn và sức khỏe trong thi công xây dựng.
11 Việc nhận diện “Vùng nguy hiểm” được hướng dẫn thông qua nhận diện “các yếu tố nguy hiểm” là nội dung đề xuất mới so với ILO 1992. Về nội dung này, ngoài việc hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hiểu về các nguy cơ gây mất an toàn còn để cụ thể hóa các quy định của Luật Xây dựng (Khoản 46 Điều 3, Khoản 3 và 4 Điều 115) và Nghị định 06/2021/NĐ-CP (Khoản 8 Điều 14, Khoản 4 Điều 13).
12 Về môi trường làm việc, có các khác biệt như độ sâu lớn, chịu tác động trực tiếp và thường xuyên của dòng chảy ngầm/mặt, thủy triều và các tác động khác như bão, sóng thần; vì vậy, các quy định có liên quan đến đảm bảo an toàn và sức khỏe rất nghiêm ngặt, đòi hỏi việc sử dụng máy, thiết bị thi công và phương tiện bảo vệ cá nhân có tính đặc thù và phải được nghiên cứu riêng cho từng dự án. ILO, Mỹ, Anh, Châu Âu và một số quốc gia khác đều ban hành các khung quy định riêng khi lắp đặt các kết cấu này.
13 Sử dụng chính để làm đường tiếp cận đến vị trí làm việc hoặc để làm việc trên cao; 
14  Ví dụ: sử dụng chống đỡ khi thi công sàn bê tông cốt thép, làm móng cẩu, chống đỡ để lắp dựng kết cấu hoặc đào đất,…

 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.